Đi tìm dũng khí đạo đức
Khi chúng ta chứng kiến những hành động có dũng khí đạo đức, chúng ta nên ghi nhận và tán dương những ai thể hiện điều đó.
Nhà văn Mark Twain từng viết cách đây hơn một thế kỷ rằng, “Lạ lùng thay khi dũng khí thể chất thường thấy trên thế giới này, trong khi dũng khí đạo đức lại khan hiếm đến vậy.”
Nếu dũng khí đạo đức nghĩa là biết phân biệt phải trái, vừa làm điều đúng đắn vừa bảo vệ lẽ phải bất chấp nỗi sợ hãi hoặc những trở ngại, thì bạn có cho rằng chúng ta đã và đang tiến bộ sau nhiều năm hay không? Trái tim tôi muốn nói là có, nhưng lý trí tôi lại nói là không. Có vẻ như mỗi ngày đều mang đến những tin tức đáng buồn về sự trượt dốc của dũng khí đạo đức.
Khi chúng ta chứng kiến những hành động có dũng khí đạo đức, chúng ta nên ghi nhận và tán dương những ai thể hiện điều đó. Chúng ta nên cảm thấy được khích lệ để tự mình rèn luyện điều đó nhiều hơn.
Dưới đây là một ví dụ. Mặc dù câu chuyện này đã xảy ra cách đây ba năm nhưng nó vẫn hiển hiện rõ trong tâm trí tôi. Câu chuyện xảy ra ở thành phố Kansas, tiểu bang Missouri. Cô Shetara Sims là một bà mẹ đơn thân người Mỹ gốc Phi Châu đang chật vật với cuộc sống. Cô mới bị sa thải trong đại dịch và đã mất con gái trong một vụ bạo lực đường phố vào năm 2012, nhưng cô đã làm nên điều kỳ diệu. Dù cô chỉ còn bảy USD trên người, nhưng khi nhặt được tờ tiền mệnh giá một USD dưới đất, cô đã mua một tờ vé số và trúng giải 100 USD. Thật bất ngờ, cô đã quyên góp toàn bộ số tiền này để giúp đỡ một sĩ quan cảnh sát bị bắn vào đầu vài ngày trước đó. (Bạn có thể đọc bài báo ở đây.)
Cô Shetara không có nghĩa vụ phải quyên góp số tiền đó, và cô chắc chắn cũng cần tiền để trang trải các hóa đơn của mình. Sẽ không có gì sai nếu cô sử dụng số tiền trúng thưởng cho bản thân. Nhưng cô biết ơn cách mà cảnh sát đã giải quyết vụ thiệt mạng của con gái cô hồi năm 2012 và, ở một phương diện nào đó, món quà nhỏ này giúp cô bày tỏ tấm lòng biết ơn của mình. Cảnh sát thành phố Kansas đã hồi đáp bằng việc lập trang GoFundMe nhằm gây quỹ 10,000 USD cho cô Shetara. Chỉ trong vài tháng, quỹ quyên góp này đã nhận được hơn 167,000 USD.
Năm 2021, cô Shetara sử dụng số tiền mà cảnh sát quyên góp được cho cô để thành lập một công ty có tên là Prestige Hauling & Delivery. Kể từ đó, cô đã giúp đỡ hàng chục người lấy được giấy phép lái xe thương mại và có một khởi đầu mới trong cuộc sống.
Còn dưới đây là một câu chuyện khác, một câu chuyện xảy ra cách đây khoảng 30 năm mà tôi từng kể đi kể lại hàng trăm lần. Bạn có thể đọc câu chuyện này trong cuốn sách có nhan đề “Integrity” (Sự Chính Trực) của tác giả Ted Engstrom. Bối cảnh là ở một thị trấn nhỏ thuộc vùng ngoại ô Conyers, tiểu bang Georgia — một thị trấn toàn là những công dân chất phác, tự lực cánh sinh, và ái quốc.
Khi các viên chức trường học ở đó phát hiện rằng, một trong những tuyển thủ bóng rổ từng chơi 45 giây ở trận đầu tiên trong số năm trận đấu sau mùa giải của trường — thực tế không đạt tiêu chuẩn về mặt học thuật, nhà trường đã trả lại chiếc cúp quán quân tiểu bang mà đội bóng mới thắng được vài tuần trước đó. Nếu họ chỉ đơn giản là giữ im lặng, thì có lẽ sẽ không ai biết chuyện và họ vẫn có thể giữ được chiếc cúp đó.
Để ghi nhận công trạng bất hủ này, cả đội bóng và thị trấn, dù rất tiếc nuối nhưng vẫn tề tựu để ủng hộ quyết định của nhà trường. Vị huấn luyện viên cho hay, “Chúng tôi không biết cậu ấy không hợp cách tại thời điểm đó … nhưng bạn phải làm điều trung thực và đúng đắn, như những luật lệ được công bố. Tôi đã nói với đội bóng của mình rằng, người ta rồi sẽ quên tỉ số của các trận đấu; nhưng họ sẽ không bao giờ quên điều gì tạo nên con người các em.”
Trong tâm trí của hầu hết mọi người, mất đi danh hiệu quán quân không phải là điều quan trọng. Huấn luyện viên và đội bóng vẫn là những nhà quán quân — theo nhiều cách khác nhau. Tôi dám chắc rằng những học sinh này đã học được một bài học về dũng khí đạo đức mà các em sẽ không bao giờ quên.
Tất cả chúng ta nên được truyền cảm hứng từ những câu chuyện như vậy. Có lẽ chúng ta cần thêm nhiều câu chuyện nữa để nâng cao tinh thần và nhân cách của mình. Nếu bạn cũng tán thành, hãy xem cuốn sách có nhan đề “Are We Good Enough for Liberty?” (Chúng Ta Có Đủ Tốt Để Có Được Tự Do Hay Không?), đồng thời khích lệ bạn bè và các thành viên trong gia đình cùng đọc nhé. Cảm ơn các bạn!
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times