Ca khúc Happy New Year: ‘Tân thế giới dũng cảm’ nào cho chúng ta
Giai điệu tao nhã, giản dị, thoáng u buồn đã khiến ‘Happy New Year’ chạm đến với tâm hồn tất cả mọi người. Nhưng điều khiến ca khúc trở nên bất hủ dường như bởi thông điệp ẩn chứa trong đó chưa từng cũ từ khi bài hát ra đời – một dự cảm mang tính tiên tri lạ lùng như chính bài hát buồn trên nền nhạc sôi động vào thời khắc chuyển giao…
“No more champagne. And the fireworks are through. Here we are, me and you. Feeling lost and feeling blue. It’s the end of the party. And the morning seems so grey. So unlike yesterday…”
(Rượu đã cạn. Và pháo hoa cũng tắt. Chỉ còn mình anh và em ở đây. Cảm thấy lạc lõng và buồn bã. Tiệc đã tàn. Và bình minh sao ảm đạm quá. Không giống như ngày hôm qua…)
Bài hát bắt đầu bằng những âm điệu của nỗi buồn nhẹ nhàng lan tỏa trong từng câu chữ như lòng người khi cảm nhận dòng chảy vô cùng tận của thời gian. Vì sao bài hát chúc mừng năm mới lại chất chứa nhiều âu lo, buồn bã như vậy.
Một thập kỷ đầy biến động
Happy New Year ra đời vào năm 1979, trong bối cảnh thập niên 1970 nhân loại dường như đang đứng bên bờ vực thảm họa diệt vong với hàng loạt cuộc khủng hoảng, chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang Hoa Kỳ và Liên Xô, xung đột Trung Đông, khủng hoảng dầu lửa, nạn đói và những cuộc diệt chủng ở Đông Timor, Ethiopia, Pol Pot ở Campuchia… Đến cuối thập niên 1970, số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã đủ để hủy diệt vài lần nền văn minh nhân loại.
Sometimes I see / How the brave new world arrives / And I see how it thrives / In the ashes of our lives / Oh yes, man is a fool / And he thinks he’ll be okay / Dragging on, feet of clay / Never knowing he’s astray / Keeps on going anyway…
(Đôi khi em thấy/ Tân thế giới dũng cảm đang đến gần/ Đang sinh sôi nảy nở/ Trên tro tàn của cuộc đời ta/ Ôi, con người là một gã khờ/ Nhưng hắn cứ tưởng rằng mình vẫn ổn/ Lê đôi chân đất sét/ Hắn lang thang lang thang/ Mà chẳng biết mình đang lạc lối…)
‘Brave New World’– ‘Tân thế giới dũng cảm’ mà nhân vật trong bài hát nhắc đến là kiệt tác văn chương của nhà văn Anh – Aldous Leonard Huxley – được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1932 và đã gây sửng sốt nhiều thế hệ dù gần một thế kỷ đi qua vì tính tiên tri của nó.
Brave New World’ mô tả London vào năm A.F.632 (tức năm 2540), đó là thế giới của một nhân loại mới, một loài người được làm lại hoàn toàn bằng công nghệ. Sản phẩm người dược chia thành 5 loại ở 5 đẳng cấp theo thứ tự từ cao xuống thấp theo các chữ cái Hy Lạp: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Epsilon, được đào luyện theo đúng đẳng cấp của mình để tạo nên một trật tự nhằm xây dựng thành “một thế giới tươi đẹp”.
Là một trong những dự báo đầu tiên về sự lên ngôi của khoa học công nghệ, thường được ghi nhận như một “lời cảnh tỉnh dành cho kỉ nguyên hiện đại”, Brave New World’ được xem như một bản cáo trạng đanh thép chế độ độc tài chuyên chế cũng như những cơn điên cuồng công nghệ, sự tiến bộ khoa học cùng những ảnh hưởng của nó đến đời sống cá nhân của mỗi con người.
Lời tiên tri cho tương lai của thế giới
“Brave New World” lấy bối cảnh một thế giới toàn trị “Dystopia”, đó là London tương lai (World State) năm 2540, nơi mà trẻ con được thụ thai trong ống nghiệm, được tinh chỉnh cho phù hợp với giai cấp của mình. Quan hệ tình dục bừa bãi được khuyến khích và tình cảm gắn bó bị cấm. Quan hệ giữa hai giới chỉ là một hình thức giải trí khác. Sinh sản hữu tính đã trở nên lỗi thời. Xã hội mới này là một xã hội phi ràng buộc, nơi con người có tất cả mọi thứ trong phạm vi nhu cầu đã được quy định sẵn tới mức không ai phải lo lắng đến việc chịu trách nhiệm trước bất cứ điều gì.
Ma túy được sử dụng công khai và phân phát hoàn toàn miễn phí bởi chính phủ, thứ ma túy với tên gọi soma này khiến người dùng lập tức mất đi mọi cảm xúc tiêu cực và chỉ tạo ra những ảo giác làm người sử dụng cảm thấy hạnh phúc, yêu đời. Một xã hội không tưởng Utopia phi nhân tính của chủ nghĩa xã hội, nơi mà không có tỷ lệ nghèo đói, không có những bất mãn của cá nhân, mỗi con người đều hài lòng với công việc của bản thân, ai ai cũng làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, không ai có cảm giác buồn chán vì chúng được lấp đầy bởi nhục dục và ma túy. Mọi thứ được kiểm soát trong một trật tự được đảm bảo hoàn hảo và vận hành hiệu quả, với hệ quả tất yếu là sẽ “không còn chừa một khoảng trống nào cho tự do hay sáng kiến cá nhân”
Đó là thế giới của một nhân loại mới, một loài người được làm lại hoàn toàn bằng công nghệ. Khi công nghệ trở nên phức tạp hơn, cần có nhiều tổ chức quy mô. Tại Brave New World, con người đã có thể tạo ra những tổ chức quy mô lớn hơn bao giờ hết, và thế là ngày càng có nhiều người trở thành một mắt xích trong chuỗi hệ thống phân cấp do các cơ quan kiểm soát, hoặc là do tập thể các tập đoàn lớn hoặc cao hơn nữa là liên minh giữa các chính phủ.
“Brave New World” được đánh giá là một trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng dữ dội nhất mọi thời đại. Huxley tâm sự trong bức thư gửi người bạn mình: “Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết về tương lai, về nỗi kinh hoàng của một thế giới không tưởng kiểu H.G.Wells và cuộc nổi dậy chống lại nó.”
H.G.Wells là một người bạn của Huxley, cũng là một nhà văn với ý tưởng nổi danh cho rằng sự phát triển công nghệ sẽ đưa đến một tương lai huy hoàng cho toàn nhân loại trong cuốn tiểu thuyết Men Like Gods (Con người như là Chúa Tể) viết năm 1923. Nhưng Huxley nhận ra “thế giới mới” ấy không huy hoàng như H.G.Wells tin tưởng.
Cái giá của một xã hội không tưởng
Hình dung về tương lai của Huxley đầy nỗi âu lo khi đối diện với sự bành trướng của nền công nghiệp sản xuất hàng loạt và ám ảnh về nguyên lí sản xuất hàng loạt trong dự cảm của Huxley cuối cùng sẽ dẫn đến sự áp đặt lên chính loài người, với tham vọng đồng bộ hóa mọi cá tính. Nhân tính và nhân quyền bị bỏ qua và phủ nhận dưới sự thống trị của công nghệ hóa. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học trong quá trình kiểm soát sinh sản dẫn đến sự sụp đổ dần khái niệm về gia đình, sự biến mất dần của ý niệm tình yêu.
Đó là một xã hội đánh đổi tất cả những gốc rễ căn bản nhất từ gia đình, tôn giáo đến nghệ thuật bậc cao và thi ca để có được huyễn tưởng về sự ổn định và hạnh phúc. Nhà nước kiểm soát công dân của mình thông qua một loại thuốc (soma) được sử dụng để gây ra sự thụ động của bò, cùng với thuốc phiện của chủ nghĩa tiêu dùng và nhờ vậy mà khiến họ trở nên yêu thích bị làm nô lệ.
Những giá trị văn chương vĩnh cửu như tác phẩm của Shakespeare trở thành loại hình nguy hiểm và mang mầm mống lật đổ bởi nó gợi ý cho những sự nghĩ lại, những chất vấn suy tư, những trăn trở về đúng và sai, tình yêu và thù hận. Không có nghệ thuật, tôn giáo và bất kỳ niềm đam mê hay sự tò mò đích thực nào, xã hội trì trệ này, đã trả cho một mức giá khá cao đối với hạnh phúc trống rỗng của nó.
Đó là xã hội nơi con người sẵn sàng đánh đổi tự do cá nhân và nhân tính căn bản để phục tùng sự kiểm soát tuyệt đối của chính quyền, quần chúng bị cưỡng chế tuân thủ theo quy định của một nhà nước pháp quyền dưới sự dẫn dắt của kẻ độc tài bạo lực tự xưng là Anh Lớn (Big Brother).
Brave New World là sự mô tả đáng sợ về những gì có thể sớm là tương lai của chúng ta
Được xuất bản từ năm 1932, cuốn sách kinh điển được Aldous Huxley hoàn thành trong chỉ 4 tháng. Những hình dung viễn tưởng của Huxley đã chạm tới cái nhìn sâu nhất về ý niệm nhân tính trước những thách thức về một kỉ nguyên của công nghệ mà con người tương lai phải đối diện.
“Brave New World” không chỉ là một tiên nghiệm về sự phát triển của công nghệ mà còn phơi bày những bàn tay quyền lực đứng đằng sau điều khiển và lợi dụng sự phát triển vượt bậc của công nghệ ấy. Một đám đông phục tùng phi cá tính, đó gần như là kiểu mẫu công dân lý tưởng đối với mọi nhà cầm quyền.
Từ những dấu hiệu được nhen nhóm trong chính thời mình sống, Huxley cảnh báo những gì sắp đến qua bức chân dung nghiệt ngã về cuộc sống trong một thế giới chối bỏ Chúa và kiệt quệ nhận thức về cái cao cả và sự siêu vượt, nơi con người thỏa mãn tất cả mọi ham muốn lớn nhỏ nhưng chỉ dừng lại trong những khát vọng vật chất trần tục nhất. Tác phẩm thể hiện cái nhìn ảm đảm của Aldous Huxley về một nhà nước chuyên chế, toàn trị, trong đó quần chúng được chế tạo thành sự hài lòng ngớ ngẩn bởi thuyết ưu sinh, ma túy, chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa tiêu dùng.
Huxley khám phá những cấu trúc chính trị xã hội trong ‘một thế giới tăm tối, ác mộng’, gắn với chủ nghĩa bá quyền và sự sụp đổ hoàn toàn niềm tin vào huyễn tưởng mà kỷ nguyên hiện đại từng hứa hẹn khi nó đang từng bước đẩy con người vào những ‘nguy cơ tận thế’ mới.
Là quyển sách bị cấm phát hành ở nhiều nơi trên thế giới vì đề cập tới những khía cạnh tiêu cực của con người, dẫu vậy giá trị của cuốn tiểu thuyết vẫn trường tồn theo năm tháng với những tiên đoán mang tính thực tế tới khó tin cho xã hội hiện giờ.
Sức mạnh lâu dài của cuốn sách là một câu chuyện về những cách mà chúng ta có thể đánh mất nhân tính của mình.
Oh yes, man is a fool/ And he thinks he’ll be okay/ Dragging on, feet of clay/ Never knowing he’s astray/
(Ôi, con người là một gã khờ /Nhưng hắn cứ tưởng rằng mình vẫn ổn/Lê đôi chân đất sét /Hắn lang thang lang thang /Mà chẳng biết mình đang lạc lối…)
Nỗi âu lo trong bài hát Happy New Year năm 1970 về một “Tân thế giới” đang đến gần chính là cảnh báo của Huxley trong “Brave New World” từ năm 1932. Một xã hội hiện đại hoàn hảo, nhưng lại đối lập với đạo đức của con người. Nội dung của truyện như lời tiên tri cho tương lai của thế giới đã trở thành hiện thực ngày nay.
‘Tân thế giới dũng cảm’ nào cho ta?
Thế giới sau gần nửa thế kỷ còn biến động hơn cả khi bài hát Happy New Year ra đời. Nhưng lời tiên tri trong bài hát về một Tân thế giới dũng cảm thì càng đúng hơn bao giờ hết. Và lời chúc trong Happy New Year là những lời chúc của tương lai. Những diễn biến trên chính trường Hoa Kỳ khiến cả thế giới kinh tâm động phách, sự khắc nghiệt của một cuộc chiến Chính – Tà dường như là hiện thực hóa những ám ảnh của Huxley về một thời điểm tận thế trong cơn khủng hoảng một thế giới kỹ nghệ hóa đến mất hết tính người, trong tham vọng chế độ độc tài chuyên chế muốn biến con người thành những cỗ máy vô cảm.
Happy new year/ Happy new year/ May we all have a vision now and then/ Of a world where every neighbour is a friend/ Happy new year/ Happy new year/ May we all have our hopes, our will to try/ If we don’t we might as well lay down and die/ You and I…
Bài hát lặp lại với giai điệu Chúc mừng năm mới, nhưng lời chúc mừng thật giản dị, day dứt như một câu hỏi mà mỗi người phải tự vấn vào thời khắc chuyển giao trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này.
Chúc mừng năm mới / Chúc mừng năm mới/ Cầu cho mọi người bóng dáng xa xôi/ Một thế giới nơi láng giềng đều là bè bạn/ Chúc mừng năm mới/ Chúc mừng năm mới/ Cầu cho mọi người hy vọng và ước mơ/ Để tìm kiếm, hay nếu không, em và anh/ Chúng mình cũng có thể ngả mình và chết…
Nhân loại sẽ lựa chọn quay trở về vòng tay của Chúa, hay lựa chọn nhảy múa chơi đùa cùng ma quỷ? Mỗi người đều phải đưa ra lựa chọn cho tương lai của mình tại thời khắc then chốt nhất trong lịch sử nhân loại lần này. Chúng ta đang tìm kiếm điều gì cho tương lai Hoa Kỳ, tương lai nhân loại. Chúng ta sẽ chọn “Tân thế giới dũng cảm” nào cho chính mình?
Trong cuộc đối thoại giữa vị thủ lĩnh tinh thần của World State, Mond từ luận điệu của giới cầm quyền quả quyết rằng để duy trì sự hài hòa, xã hội cần liên tục được kiểm duyệt, không còn tôn giáo tín ngưỡng, mất đi tất cả những vẻ đẹp của truyền thống cũ. Đó là một thế giới tước bỏ sự xung đột tinh thần dưới bất kì hình thức nào; John – ‘người hoang dã’ sống trong “khu bảo tồn” nơi tất cả những phương thức đời sống cũ được bảo lưu và bị coi là những thứ ‘dị lãm’, cho người ta đến thăm quan, ngắm nghía như thể đang bước chân vào một dạng “vườn bách thú”. John không muốn thứ hạnh phúc phải chấp nhận đánh đổi bằng một cái giá quá lớn khi đánh mất tất cả truyền thống và đạo đức. John cho rằng hạnh phúc điều mà để có được nó, con người phải chấp nhận đánh đổi bằng một cái giá quá lớn, đã trả lời rằng:
“Nhưng tôi không muốn khoái lạc. Tôi muốn Thượng đế, tôi muốn thơ ca, tôi muốn những nguy hiểm thật sự, tôi muốn tự do, tôi muốn lòng tốt.”
Lam Khanh