Ông John Wilkes: Người hùng của tự do đã bị Vua George Đệ Tam bắt giữ vì tội ‘xúi giục nổi loạn’
Khi ông Wilkes qua đời năm 1797, sự tự do của Anh quốc đã vững mạnh hơn so với năm ông chào đời — một phần là nhờ có ông và ‘thuyết cấp tiến’ của ông
Trong lịch sử lâu dài của các cuộc tranh luận sắc sảo đáng nhớ giữa các nghị viên Anh quốc, có một cuộc tranh luận mà cá nhân tôi yêu thích. Dù rằng sự suy đoán đôi khi gây tranh cãi, nhưng dường như những người đứng đầu [cuộc tranh luận đó] rất có thể là ông John Montagu, Bá tước thứ tư xứ Sandwich, và một thành viên đến từ địa hạt bầu cử Middlesex, ông John Wilkes.
Ông Montagu: Này ông, tôi không biết liệu ông sẽ chết trên giá treo cổ hay chết vì căn bệnh giang mai?
Ông Wilkes: Thưa ngài, điều đó tùy thuộc vào việc tôi ôm giữ những nguyên tắc quyền lực của ngài hay ôm tình nhân của ngài.
Không có lời ứng đối nào hay hơn thế. Và điều này dĩ nhiên là phù hợp với phong cách và danh tiếng của ông Wilkes. Một lần nọ, một cử tri đã nói với ông rằng ông ấy thà bỏ phiếu cho ác quỷ, và câu trả lời nổi tiếng của ông Wilkes là: “Tất nhiên. Và nếu người bạn của ông quyết định không ra tranh cử, liệu tôi có thể trông đợi phiếu bầu của ông hay không?”
Ông Wilkes không chỉ đáng khen ngợi về tài ứng đối sắc sảo hóm hỉnh, mà còn vì điều quan trọng hơn là: ông dám thách thức sự kiêu ngạo của quyền lực. Vào thời của ông, ông được biết đến như là một người “cấp tiến” về phương diện này. Ngày nay, chúng ta có thể gọi ông là “người theo chủ nghĩa tự do” nếu xét về những nguyên tắc và chính sách, và thậm chí có lẽ là “người phóng đãng” nếu xét về những thói quen cá nhân (Ông từng là một người lăng nhăng khét tiếng). Tuy nhiên, những lời tranh cãi gay gắt của ông với một nhà vua và một vị thủ tướng mới là trọng tâm trong bài viết này.
Ông Wilkes sinh năm 1725 tại Luân Đôn, sau khi trưởng thành, ông bị mọi người chê bai vì ngoại hình xấu xí. Nổi danh là “người đàn ông xấu xí nhất ở Anh quốc,” ông đã bù đắp ngoại hình kém hấp dẫn của mình bằng tài ăn nói, sự hóm hỉnh, và một sự nhiệt huyết thách thức những nhà cầm quyền bằng sự thật khi ông nhìn thấy điều đó. May mắn là, các cử tri của địa hạt bầu cử Middlesex quý trọng lòng can đảm của ông hơn là ngoại hình bên ngoài. Ông tận dụng sức lôi cuốn của mình để tranh cử vào Hạ viện như là một người hết lòng ủng hộ cựu thủ tướng William Pitt Cha và, giống như ông Pitt, ông Wilkes đã trở thành một người kịch liệt phản đối cuộc chiến chống lại các thuộc địa ở Bắc Mỹ của Vua George Đệ Tam.
Người kế nhiệm của Thủ tướng Pitt vào năm 1762, Bá tước xứ Bute của Scotland, đã chọc giận ông Wilkes trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng ngắn ngủi của mình. Vị Bá tước xứ Bute đã đàm phán để ký một hiệp ước kết thúc Cuộc chiến Bảy Năm (được biết đến ở Mỹ quốc là Cuộc chiến tranh giữa Pháp quốc và người Mỹ bản địa), mà ông Wilkes cho rằng hiệp ước này đã nhượng bộ quá nhiều cho Pháp quốc. Đồng thời, ông Wilkes cũng phản đối kế hoạch của Bá tước xứ Bute đánh thuế những người dân Mỹ để chi trả chi phí cho cuộc chiến tranh này.
Trong một bài diễn văn do Bá tước xứ Bute viết vào tháng 04/1763, Vua George Đệ Tam đã công khai ủng hộ các chính sách của vị thủ tướng này. Ông Wilkes đã thẳng tay đáp trả trong ấn phẩm The North Briton của mình. Đoạn mở đầu trong ấn phẩm này đã nhắm trực tiếp vào Bá tước xứ Bute:
Ấn phẩm The North Briton đã kiên quyết phản đối một vị thủ tướng độc đoán, ngạo mạn, bất tài, bạo ngược và đồng thời cũng sẵn sàng phụng sự đất nước của mình, nhằm chống lại chính phủ ‘Cerberean ba đầu’ này.
Thật tình cờ, từ “Cerberean” này có liên quan đến Cerberus, vốn là một con chó săn ba đầu hung dữ trong thần thoại Hy Lạp canh giữ cổng địa ngục của thần Hades.
Mặc dù ông Wilkes đối đãi với nhà Vua tốt hơn một chút, nhưng ông than vãn rằng Vua George Đệ Tam đã “dùng thánh danh của mình để chấp thuận cho những dự luật đáng ghê tởm nhất.” Ông Wilkes tuyên bố rằng các điều khoản trong hiệp ước hòa bình này đã kéo theo “sự khinh miệt của toàn thể nhân loại dành cho các nhà đàm phán tồi tệ của chúng ta.” Ông mạnh mẽ ám chỉ vấn đề quan chức tham nhũng khi viết rằng: “Chúng ta đã gánh chịu rất nhiều khoản chi phí không cần thiết, chỉ vì để gia tăng quyền lực của nhà vua, đó là, để tạo ra nhiều công việc sinh lợi hơn cho những nhân viên của thủ tướng.” Ông Wilkes đã đưa ra kết luận khiến nhà Vua xem đó như là một mối đe dọa không kiêng dè:
Đặc quyền của nhà vua là sử dụng các quyền hạn trong hiến pháp đã được giao phó theo cách khôn ngoan và có suy xét, chứ không phải theo sự ưu ái mù quáng và thiên lệch. Đây chính là tinh thần hiến pháp của chúng ta. Người dân cũng có những đặc quyền của họ, và, tôi mong rằng, chúng ta sẽ luôn khắc ghi lời của tác giả Dryden: “Tự do là đặc quyền của thần dân Anh quốc.”
Vua George Đệ Tam cảm thấy bị xúc phạm. Nhà vua đã ra lệnh bắt giữ ông Wilkes và hàng chục người ủng hộ ông với tội danh phỉ báng. Trong hàng ngàn năm dưới chế độ quân chủ Anh quốc, hầu hết các vị vua sẽ lập tức đưa những người chống đối như ông Wilkes lên giá treo cổ. Tuy nhiên, vụ việc của ông Wilkes đã được ra các tòa án như một thước đo về tiến trình vững chắc của nền tự do Anh quốc (từ Đại Hiến Chương (Magna Carta) năm 1215 cho đến Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền năm 1689).
Ông Wilkes đã tranh luận rằng với tư cách là một thành viên của Nghị viện Anh, ông được miễn trừ khỏi tội phỉ báng chống lại quốc vương. Ngài chánh án đã đồng ý. Ông Wilkes đã được phóng thích và quay trở lại đảm nhiệm chức vụ của mình trong Hạ viện. Ông đã tiếp tục các cuộc công kích chính phủ, đặc biệt là đối với ông George Grenville, người kế nhiệm Bá tước xứ Bute.
Hơn một thập niên sau đó, ông Wilkes đấu tranh để tiếp tục việc thu hẹp quyền lực tập trung, trong đó có việc các nhà in có quyền xuất bản những cuộc tranh luận bên trong Nghị viện mà chưa qua biên tập. Ông từng viết một bài thơ được gọi là “bài thơ thô tục nhất trong Anh ngữ,” đây là bằng chứng hữu hình về chủ nghĩa tự do và cuộc sống cá nhân đôi khi đầy tai tiếng của ông. Dù thế nào chăng nữa, chúng ta có thể nói rằng, ông thích việc “cư xử vượt quá giới hạn.”
Trong số những người đứng ra bảo vệ ông có chính trị gia lỗi lạc Edmund Burke, người đã tự mình tước bỏ quyền lực và đặc quyền của chính quyền Anh quốc.
Mặc dù ông Wilkes tái đắc cử dựa trên lời hứa tranh cử chống chính phủ vào năm 1768, nhưng Nghị viện đã trục xuất ông. Sau đó, ông tái đắc cử lần nữa trong ba cuộc bầu cử liên tiếp cách nhau một tháng — vào tháng Hai, tháng Ba và tháng Tư năm 1769 — nhưng chỉ là để chứng kiến Nghị viện vô hiệu hóa kết quả mỗi cuộc bầu cử và cố gắng đưa chiếc ghế của ông cho một người khác. Trong cuộc bỏ phiếu kín vào tháng Tư, ông Wilkes đã thu được trên 79% phiếu bầu so với ứng viên được Nghị viện lựa chọn là ông Henry Luttrell. Tuy nhiên, Hạ viện vẫn để cho ông Luttrell thắng cử.
Bên ngoài Nghị viện, ông Wilkes được bầu làm một ủy viên hội đồng thành phố Luân Đôn (tương đương với một ghế trong hội đồng thành phố), và sau đó, vào năm 1774, ông đã trở thành Ngài thị trưởng của thành phố Luân Đôn. Trong vài tháng sau, khi ông tái tranh cử vào Hạ viện, ông đã lấy lại được chiếc ghế của địa hạt bầu cử Middlesex. Nghị viện đã chuyển hướng sang những vấn đề cấp thiết hơn, cụ thể là, những căng thẳng đang gia tăng với các thuộc địa Mỹ. Ông Wilkes đã được phép đảm nhiệm chiếc ghế nghị viên của mình, và đây là một vị trí danh giá mà ông dùng để phản bác gay gắt chiều hướng ủng hộ chiến tranh của chính phủ này.
Bạn sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng người đệ trình dự luật cải cách Nghị viện đầu tiên tại Hạ viện vào năm 1776 không ai khác ngoài ông John Wilkes.
Khi ông Wilkes qua đời vào năm 1797, nền tự do của Anh Quốc đã vững mạnh hơn so với năm ông chào đời (năm 1725) — một phần là nhờ có ông và “thuyết cấp tiến” của ông. Mặc dù trong những năm cuối đời, ông đã có một góc nhìn “ôn hòa” hơn (và mất đi sự ủng hộ của nhiều người cũng vì nguyên nhân này), nhưng những đóng góp quan trọng nhất của ông vào giai đoạn trước đó là điều không thể phủ nhận.
Ngày nay và tại nhiều nơi khác, cũng như vào thế kỷ thứ 18 tại Anh quốc, những người yêu quý tự do đều phải thừa nhận và trân trọng những người đã đứng lên phản đối chính phủ. Hai thế kỷ sau khi diễn ra các sự kiện nêu trên, Tổng thống Ronald Reagan đã nói rõ một sự thật mà tôi nghĩ rằng ông Wilkes cấp tiến sẽ hoàn toàn đồng tình:
Sự tự do sẽ biến mất trong vòng một thế hệ. Chúng ta không truyền thừa sự tự do này cho con cháu chúng ta thông qua huyết thống. Sự tự do đó cần phải được đấu tranh để có được, được bảo vệ, và được trao lại cho con cháu chúng ta để các thế hệ sau này làm điều tương tự, hoặc là một ngày nào đó, chúng ta sẽ dành những năm tháng cuối đời mình để kể cho các con và các cháu của chúng ta nghe Hoa Kỳ từng là một đất nước như thế nào, nơi mà người dân đã từng được tự do.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times