Hai câu chuyện luân hồi thời nhà Minh
Vào thời nhà Minh có một văn nhân tên là Lục Sán (1494~1552), tự là Tử Dư, còn gọi là Tuấn Minh, hiệu là Trinh Sơn, sinh ra ở Trường Châu (nay là Tô Châu, tỉnh Giang Tô). Tác phẩm “Canh tị biên” của ông đã ghi lại rất nhiều giai thoại và sự kiện kỳ lạ trong triều đại nhà Minh, trong số đó có hai ghi chép về sinh mệnh luân hồi.
Thủ ngân khuyển
Phụ thân của Lục Sán từng kể cho ông câu chuyện về “thủ ngân khuyển” (chú chó canh giữ bạc). Ở Xương Môn, Tô Châu, cũng chính là cửa ngõ phía Tây của thành phố cổ Tô Châu, có một người dân mở cửa tiệm để kiếm sống. Trong nhà này có một con chó to khỏe, ngày nào cũng nằm ngủ bên ngưỡng cửa, quả thật là không rời khỏi cửa một khắc. Người khác một khi đến gần sẽ có thể bị con chó cắn, vì vậy người nhà đều bảo nhau rằng đừng tùy tiện đến gần ngưỡng cửa này. Một hôm, có một vị thương nhân đến cửa tiệm, không biết tình huống này, ngay lập tức bị con chó cắn vào đùi, máu chảy dầm dề. Vị thương nhân tức giận lớn tiếng mắng chủ tiệm. Người chủ tiệm vốn dĩ đã có chút phiền chán con chó này, hiện tại lại thấy vị thương nhân bị cắn, cửa tiệm buôn bán có lẽ cũng sắp tiêu tan, thế là bèn vội vàng xin lỗi: “Xin đừng nóng giận, ngày mai tôi sẽ giết con chó này, mời ngài đến cùng dùng bữa để giải hận.”
Vị thương nhân chữa trị xong vết thương rồi trở về quán trọ, đêm đó liền có một giấc mộng. Trong mộng có người nói với ông rằng: “Tôi vốn là cha của chủ tiệm, đã mất mấy năm rồi. Tôi khi còn sống đã lặng lẽ tích góp mấy trăm lạng bạc, đem chôn dưới ngưỡng cửa, chưa kịp báo cho con trai thì đột ngột qua đời, do đó con tôi không hề biết đến số tiền này. Sau khi chết, vì tôi mãi không quên được số tiền này, kết quả đã đầu thai làm chó vào nhà con trai, ngày đêm canh giữ ngưỡng cửa không rời, bảo vệ số bạc đã chôn giấu từ kiếp trước, chờ đợi con cháu đời sau đến lấy tiền. Đây cũng là chấp niệm về tiền bạc của tôi dẫn đến kết quả này. Ban ngày tôi đã mạo phạm anh, cắn anh một miếng, nhưng đó không phải là ý muốn của tôi. Bây giờ con trai tôi muốn làm thịt tôi, vì vậy tôi báo mộng cho anh để cầu cứu. Xin anh nhanh chóng tìm chủ tiệm, bảo nó đừng giết tôi.”
Vị thương nhân tỉnh giấc, lập tức đi đến cửa tiệm và gõ cửa, chủ tiệm thấy khách là vị thương nhân lúc ban ngày, lập tức bước ra chào. Thương nhân vội vàng hỏi: “Con chó cắn tôi đâu rồi?”. Chủ tiệm đáp: “Đã giết rồi, sẽ nấu chín nhanh thôi.” Vị thương nhân nghe xong thì tiếc nuối không thôi, đem giấc mộng của mình nói cho chủ tiệm. Chủ tiệm vẫn bán tín bán nghi, cho rằng vị thương nhân ban ngày bị chó cắn cho nên nằm mơ thấy ác mộng, sao có thể là sự thật được. Thế là vị thương nhân đề nghị: “Cứ cạy ngưỡng cửa ra, xem rốt cuộc thế nào, xác minh giấc mộng thực hư ra sao, để đôi bên được yên tâm.” Chủ tiệm liền sai người phá ngưỡng cửa, quả nhiên dưới ngưỡng cửa có một hũ đất, bên trong có hơn bốn trăm lạng bạc. Lúc này chủ tiệm mới thực sự tin giấc mộng của vị thương nhân là thật, cha anh quả nhiên đã đầu thai thành con chó. Thế nhưng anh đã lỡ giết con chó mất rồi, trong lòng chủ tiệm hối hận không thôi, bèn mang thịt của con chó đi an táng.
Cậu bé đầu thai có hai chữ “Quan Thọ”
Ở vùng quê Tô Châu thời nhà Minh có một người dân họ Quách, ông có một người con trai tên là Quan Thọ, đáng tiếc khi mới vài tuổi đã chết yểu. Người họ Quách cùng thê tử vô cùng đau buồn, vì vậy khi chôn cất con trai đã viết hai chữ Quan Thọ bằng mực lên lưng con. Người dân nơi đó tin rằng nếu làm ký hiệu như vậy, khi đầu thai sẽ có khả năng mang tới kiếp sau, nhờ vậy dễ bề nhận ra nhau. Sang năm sau, nhà họ Quách lại sinh thêm được một cậu con trai, điều kỳ lạ là trên lưng cậu bé này có hai chữ “Quan Thọ” rất rõ ràng, người ta đều nói rằng đây là người con trai đã mất của họ đầu thai trở lại.
Những ghi chép liên quan đến nguyên thần bất diệt trong các sách cổ là vô cùng nhiều, có thể nói là nhiều vô số kể. Từ đó có thể thấy rằng nguyên thần xác thực là bất diệt, sinh mệnh luân hồi là điều thật sự tồn tại, thuyết vô thần là một lời nói dối lừa người hại người.
Điều đáng chú ý là trong câu chuyện đầu tiên, người quá cố vì không thể buông bỏ chấp niệm về tiền bạc, đã đầu thai thành một con chó. Qua đó có thể thấy rằng, làm người nên cố gắng hết sức bảo trì thiện niệm, đừng quá lo lắng hoặc truy cầu lợi ích vật chất. Trong câu chuyện thứ hai, cháu bé sau khi qua đời đã đầu thai trở lại, và ký hiệu do cha mẹ đánh dấu ở kiếp trước đã trở thành vết bớt ở kiếp sau. Hiện nay rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về luân hồi cũng đã phát hiện ra rằng, đôi khi vết thương ở kiếp trước sẽ trở thành vết bớt ở kiếp sau. Điều này cho thấy thông tin ở kiếp trước sẽ được mang đến kiếp sau, như vậy việc làm thiện hay ác của con người đều sẽ được mang sang kiếp sau, trở thành căn nguyên của phúc hay họa. Thiện ác hữu báo là chân lý bất biến của vũ trụ.