Nhân quả báo ứng: Làm quan cướp đoạt của dân, đầu thai làm gia súc để trả nợ
Vào thời cổ đại, người làm việc ở trong quan nha thường được gọi là “Công môn trung nhân”. Những người này một mặt là tiếp xúc trực tiếp với người dân, hiểu được nỗi khó khăn và oan tình của dân chúng, mặt khác cũng am hiểu sâu sắc đạo lý trong giới quan lại, hiểu được ý muốn của cấp trên.
Nếu như họ đứng ở phía dân chúng, dùng tấm lòng nhân từ để giải quyết công việc thì rất dễ tích được phúc đức, vì vậy có câu “thân tại công môn tu hành cho tốt”. Thế nhưng, nếu như họ có lương tâm mờ ám, vì lợi ích cá nhân mà bất chấp sự sống chết của người khác, làm ra các việc xấu ác, thì hoặc là tự mình gặp báo ứng, thậm chí sau khi chết đầu thai làm động vật để trả nợ, hoặc là để họa lại cho con cháu đời sau.
Những trường hợp giống như vậy không hiếm thấy, dưới đây là vài câu chuyện đầu thai làm động vật để trả nợ.
Lưu Tự Nhiên không giữ lời, đầu thai làm con lừa
Trong những năm Thiên Hữu triều Đường, nội loạn liên tiếp phát sinh, Lưu Tự Nhiên người vùng Tần Châu là một tiểu lại quản lý hồ sơ vụ án nghĩa quân. Lúc ấy Trưởng quan của địa phương là Lý Kế Tông muốn chiêu mộ thanh niên trai tráng trong vùng làm lính đi nam chinh bảo vệ thành Thục, Hoàng Tri Cảm là người dân của huyện Thành Kỷ cũng có tên trong danh sách chiêu mộ.
Lưu Tự Nhiên nghe nói thê tử của Hoàng Tri Cảm có một mái tóc rất đẹp, liền cho gọi Hoàng Tri Cảm tới nói rằng, nếu như Hoàng Tri Cảm có thể dâng tặng mái tóc của thê tử mình, thì ông ta có thể miễn nghĩa vụ quân dịch.
Hoàng Tri Cảm về đến nhà, kể lại cho thê tử nghe những lời của Lưu Tự Nhiên. Thê tử của ông nói: “Thiếp với thân thể yếu đuối này phó thác cho phu quân, vốn chính là một thể. Mái tóc cắt đi rồi có thể mọc lại, người nếu không còn thì chính là vĩnh viễn. Phu quân nếu nam chinh không về, tóc thiếp có đẹp chăng nữa thì có ích lợi gì?”. Nói xong liền cắt phăng mái tóc. Hoàng Tri Cảm rất buồn, nhưng ông biết tâm ý của thê tử, đồng thời bị áp lực của lệnh triệu tập bức bách, liền cầm lấy mái tóc của thê tử đến dâng cho Lưu Tự Nhiên.
Tuy nhiên, Lưu Tự Nhiên ấy vậy mà lại nuốt lời, Hoàng Tri Cảm cũng không được miễn trừ nghĩa vụ quân dịch. Sau khi Hoàng Tri Cảm tòng quân nam chinh không bao lâu, thì truyền tới tin ông tử trận. Thê tử của ông đau khổ không muốn sống, ngày đêm hướng trời cao khóc lóc kể lể chuyện này, hy vọng Trời cao có thể trừng phạt Lưu Tự Nhiên.
Ngay tại năm đó, Lưu Tự Nhiên đột nhiên qua đời. Sau khi Lưu Tự Nhiên chết, con lừa nhà họ Hoàng sinh được một con lừa con, điều kỳ lạ chính là dưới sườn trái của nó có ba chữ “Lưu Tự Nhiên”. Người trong và ngoài vùng sau khi nghe chuyện này, đều sôi nổi bàn tán chuyện kỳ lạ. Quận trưởng sau khi nghe nói, bèn cho gọi thê tử và con trai của Lưu Tự Nhiên tới, bảo hai người đi xác minh.
Con trai trưởng của Lưu Tự Nhiên nói: “Cha tôi cả một đời thích uống rượu ăn thịt. Nếu như con lừa nhỏ này có thể như vậy, thì chính là cha tôi đầu thai”. Thế là những người này chuẩn bị rượu thịt, con lừa nhỏ kia thế mà uống hết mấy thăng rượu, ăn hết mấy miếng thịt. Sau khi ăn uống xong thì hưng phấn kêu to lên, sau đó còn chảy xuống mấy dòng lệ.
Người nhà họ Lưu xác nhận con lừa con này chính là Lưu Tự Nhiên đầu thai, vì vậy thỉnh cầu dùng trăm ngàn tiền chuộc con lừa, nhưng thê tử của Hoàng Tri Cảm không đồng ý. Về sau vì chiến loạn, không biết kết cục của con lừa nhỏ đó ra sao, còn con trai trưởng của nhà họ Lưu vì hổ thẹn uất ức thành bệnh mà chết.
Làm tiểu lại, Lưu Tự Nhiên thông qua uy hiếp mà lấy được mái tóc mình mong muốn, nhưng lại nuốt lời, gián tiếp gây ra cái chết của Hoàng Tri Cảm. Cũng vì vậy mà ông ta phải đầu thai làm lừa, đây chính là quả báo cho lương tâm đen tối. Hơn nữa, tên của ông ta cũng trực tiếp hiện rõ trên thân con lừa, đây chẳng phải là Trời cao cảnh tỉnh thế nhân hay sao?
Nợ tiền không trả, đầu thai làm ngựa trả nợ
Vào thời nhà Đường, có một Phủ lại vay mượn Quân sử Ngô Tông Tự 20 vạn tiền, trả tiền lãi hàng tháng (Quân sử là chức quan quản lý việc thưởng công và phạt tội trong quân đội). Nhưng một năm sau vẫn không chịu trả. Ngô Tông Tự đòi nhưng ông ta vẫn nhất quyết không trả. Ngô Tông Tự rất tức giận, nói với ông ta: “Nếu như tôi kiếp trước thiếu tiền của ông, vậy coi như hiện giờ đã trả xong; còn nếu là ông nợ tiền tôi, thì kiếp sau ông phải làm lừa ngựa trả nợ cho tôi”. Nói xong thì đem giấy vay nợ thiêu hủy.
Một năm sau, Ngô Tông Tự đang ở sảnh đường xử lý công vụ, bỗng nhiên viên Phủ lại mặc áo trắng tiến đến, còn nói: “Tôi nay đến trả nợ”. Ngô Tông Tự nói: “Giấy vay nợ đã đốt, đâu cần trả lại chứ?”. Phủ lại cũng không trả lời, mà lập tức tiến vào trong chuồng ngựa. Chỉ chốc lát sau, hạ nhân đến báo rằng ngựa trong chuồng đã sinh một con ngựa con màu trắng. Ngô Tông Tự lập tức phái người đến nhà của Phủ lại xem xét, biết được Phủ lại vừa mới qua đời.
Về sau, con ngựa trắng lớn lên, bán được số tiền vừa khớp với khoản nợ mà Phủ lại khi sống thiếu nợ Ngô Tông Tự
Ỷ thế ức hiếp người dân, đầu thai làm trâu
Vào thời Đường, ở vùng Lư Châu có người tên Thi Biện, là một tiểu lại quản lý ruộng thuê. Người này ỷ vào quyền thế cướp đoạt mấy chục thửa ruộng của dân, biến người chủ ruộng này phải trở thành người làm thuê cho mình. Vài năm sau, Thi Biện chết đi, trong nhà người chủ ruộng kia có sinh một con trâu, dưới bụng trâu mọc ra một đám lông trắng, rộng cỡ vài tấc.
Đến khi con trâu lớn hơn một chút, trong đám lông trắng xuất hiện những sợi lông màu khác. Chưa đến thời gian một năm, trong đám lông rốt cuộc hiện ra hai chữ “Thi Biện”, một nét chữ cũng không thiếu. Chuyện này có một vị đạo sĩ tên là Thiệu Tu Mặc đã tận mắt nhìn thấy. Đây chính là báo ứng của Thi Biện vì đã cướp đoạt ruộng dân.
Tham tiền tài vơ vét của cải, đầu thai làm chó
Ông Trần là một tên mọt quan của Hoa Đình, vốn rất tham tiền bạc và thích vơ vét. Ông ta thường mang theo trong người một cái túi, mỗi khi vơ vét được tiền của bèn cho vào trong cái túi ấy.
Sau khi ông ta chết, người nhà nằm mộng thấy ông ta nói: “Ta đã ở chùa Yết Sơn, Hồ Châu làm chó”. Người nhà kinh ngạc không thôi, vội vàng chạy đến trong chùa hỏi thăm. Con chó kia được nghe nói người nhà tới, vội vàng núp dưới giường của hòa thượng, dường như cảm thấy xấu hổ, không dám gặp người. Người nhà không nhìn thấy con chó mà ông Trần đầu thai, đành phải hậm hực tức giận rời đi.
Sau khi người nhà của ông rời đi, hòa thượng nói với con chó rằng: “Trần tướng công, người nhà của ông đã đi rồi”. Thế là, con chó mà ông Trần đầu thai lập tức vẫy đuôi chui ra. Dưới bụng của nó rũ xuống một vật, giống hệt như một cái túi, trên dưới đều có da bọc lại. quả thực, đầu thai rồi mà cũng không quên cái túi đựng tiền tài của kiếp trước.
Những quan lại này khi còn sống đã không dùng chức vụ của mình để tích đức hành thiện, sau khi chết mới biết rằng nhân quả báo ứng không phải là chuyện hư giả.
Tài liệu tham khảo:
“Cảnh giới lục”; “Kê Thần lục”; “Công môn quả báo lục”
Lý Tịnh Thành biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ