Câu chuyện kỳ lạ về nhân quả báo ứng
Danh tướng thời Bắc Tống Trương Tề Hiền (năm 943 – 1014) khi còn trẻ thường được nghe các quan chức già trong thành Lạc Dương kể về những câu chuyện Ngũ đại Đường Lương. Những câu chuyện này đạo lý rõ ràng, đơn giản dễ hiểu, khiến người nghe mãi không chán.
(Chú thích của người viết: Ngũ đại, là sau khi nhà Đường diệt vong, ở Trung Nguyên liên tiếp xuất hiện 5 triều đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu).
Nhiều năm về sau, Trương Tề Hiền đem những câu chuyện này và những chuyện mà ông đã trải qua, biên soạn thành sách, đặt tên là “Lạc Dương tấn thân cựu văn ký” (Ghi chép những chuyện nghe được từ cựu chức sắc Lạc Dương).
Trong cuốn sách này, Trương Tề Hiền đã ghi chép lại một việc mà bản thân ông đã tự mình trải nghiệm.
Đạo tặc bất pháp, quan phủ chiêu an
Khi Trương Tề Hiền nhậm chức Chuyển vận sứ ở Giang Nam, tại Kiền Châu có một đạo tặc nổi tiếng là Lưu Pháp Định. Anh em Lưu Pháp Định có tám người, đều có võ công, giỏi về bắn tên. Lưu Pháp Định là thủ lĩnh một nhóm đạo tặc, có trên trăm tên du côn vô lại đi theo hắn. Đám người này thường vào nhà cướp của, gieo họa cho các châu quận. Tống Thái Tông lệnh cho hai lộ cùng tuần kiểm hợp lực diệt trừ cường bạo, băng đảng của Lưu Pháp Định vì thế mà lần lượt tan rã. (Lộ: đơn vị hành chính thời Tống, Nguyên, tương đương với tỉnh).
Lưu Pháp Định có một đồng hương là Từ Mãn, người này khỏe mạnh cường tráng, một ngày có thể đi mấy trăm dặm. Từ Mãn từng đảm nhận chức quan tán tòng (là sai dịch của quan phủ đời Tống), bởi vì đã phạm tội nên phải hồi hương làm lao dịch. Trương Tề Hiền phái ông ta đi chiêu an bọn người Lưu Pháp Định, đồng thời hứa hẹn không giết và sẽ xá tội cho bọn họ.
Không đến một tháng, Từ Mãn đem về một tin tốt, anh em Lưu Pháp Định tám người đồng ý xin tạ tội đầu thú.
Tuần kiểm vì giải hận, lấy khốc pháp xử quyết đạo tặc
Lúc ấy, có một vị tuần kiểm tên là Khang Hoài Kỳ, người này trẻ tuổi nóng tính, bởi vì từ trước tới nay chưa bắt được ai trong anh em Lưu Pháp Định, cho nên xấu hổ phẫn hận không thôi.
Khi Khang Hoài Kỳ nghe nói anh em Lưu Pháp Định muốn ra tự thú, liền đi liên kết với Tri châu Doãn Kỷ, thông phán (quan viên hành chính địa phương) Lý Túc, mưu đồ bí mật giết chết bọn họ, duy chỉ có Hàn Cảnh Hựu là hộ nhung (quan viên giám sát quân vụ) là không đồng ý. Nhóm người Khang Hoài Kỳ liền bày kế tấu thư khẩn lên triều đình, thỉnh cầu lấy khốc pháp xử quyết đạo tặc. Triều đình chuẩn tấu.
Mấy ngày sau vào thời điểm sắp bị tử hình, khi Khang Hoài Kỳ đi qua phố xá thì bị nhóm người Pháp Định lớn tiếng chửi mắng: “Quan phủ chiêu an, Chuyển vận sứ Trương Tề Hiền hứa hẹn không giết chúng ta, Khang Hoài Kỳ và Tri Châu lại mưu đồ bí mật, khiến huynh đệ của ta mấy người cùng bị bỏ mạng. Ta đến địa phủ, cũng tuyệt không buông tha ngươi”.
Khang Hoài Kỳ tức giận, lệnh cho tả hữu lấy chùy sắt đập nát tay chân của bọn họ, anh em nhà họ Lưu tám người ngay lập tức chết thảm, thi thể còn bị vứt bỏ ở đồng hoang.
Tuần kiểm sợ hãi luôn miệng nói: “Tôi thật sự tội lỗi”
Chưa tới nửa năm sau, khi Trương Tề Hiền hồi kinh bẩm báo công việc thì đi qua Kiền Châu. Khang Hoài Kỳ ngồi thuyền hơn ba mươi dặm tới đón tiếp ông. Kỳ lạ là, Khang Hoài Kỳ chắp tay hành lễ, bái cả mấy chục lần, chỉ nói một câu: “Tôi thật sự tội lỗi”.
Trương Tề Hiền từ Hồng Châu đến kinh thành, lại quay trở về Giang Nam, hành trình đi tới đi lui đến bốn năm tháng, cho nên ông không biết đám người Lưu Pháp Định đã chết rồi. Ông nhìn thấy dáng vẻ thỉnh tội của Khang Hoài Kỳ, cảm thấy hết sức kinh ngạc, liền nói với ông ta: “Ngươi ngồi xuống đi. Ngươi liên tục xưng tội, là vì cái gì?”
Khang Hoài Kỳ lại đứng lên, run rẩy lo sợ, mặt xám như tro, chỉ sợ hãi nói: “Tôi thật sự tội lỗi”. Trương Tề Hiền không rõ nội tình, cũng không thể đoán ra được nguyên nhân gì.
Trương Tề Hiền sau khi về đến dịch quán, còn chưa kịp thay áo, Khang Hoài Kỳ lại một mình đến, cũng không nói chuyện, hắn lại liên tục nói: “Tôi thật sự tội lỗi”.
Trương Tề Hiền thấy Khang Hoài Kỳ có cử chỉ quái lạ, liền hỏi thăm dịch trạm và quan viên trong châu xem gần đây đã xảy ra chuyện gì.
Những thuộc hạ này đều nói: “Tuần kiểm trước đây không như vậy. Không biết có phải là oan hồn của anh em Lưu Pháp Định quấn lấy ông ta hay không, nếu không thì tại sao ông ta lại sợ như thế, còn một mực xưng tội nữa chứ?”
Lúc đó, Trương Tề Hiền mới biết, thì ra bọn người Lưu Pháp Định đều bị xử tử rồi.
Trương Tề Hiền khi đảm nhiệm chức Chuyển vận sứ từng hứa hẹn rằng nhóm người Pháp Định một khi tự thú xong sẽ không giết họ. Nhưng không ngờ nhóm người Khang Hoài Kỳ bày mưu lấy khốc pháp tàn sát bọn họ. Vì thế, Trương Tề Hiền thở dài một hồi lâu.
Tuần kiểm bạo bệnh chân đau như nứt
Sau khi Trương Tề Hiền nghỉ lại Kiền Châu vài ngày, chuẩn bị đến huyện Đại Dữu xử lý công vụ thì Khang Hoài Kỳ xung phong muốn đưa ông đi. Ngày kế tiếp, đám người đến dịch quán huyện Đại Dữu, Trương Tề Hiền nghỉ đêm tại chái nhà bên trái, Khang Hoài Kỳ ở chái nhà bên phải.
Đêm đó, Trương Tề Hiền trong mộng nhìn thấy một vị cố nhân, lệ rơi đầy mặt nhiều lần cùng ông cáo biệt, dáng vẻ thê thảm nghẹn ngào, mà một lát rồi liền không thấy gì nữa. Trương Tề Hiền tỉnh lại, cảm thấy rất kinh dị. Đúng lúc này, có người đến gọi ông. Thì ra Khang Hoài Kỳ bỗng nhiên bị bạo bệnh, cần phải chạy chữa khẩn cấp. Trương Tề Hiền nhìn thấy ông ta ôm chân, thống khổ nói: “Bắp chân của tôi đau đớn muốn nứt, cần phải nhanh chóng ngồi thuyền trở về Kiền Châu tìm thầy thuốc”.
Trương Tề Hiền tiễn ông ta lên thuyền, Khang Hoài Kỳ quay đầu thê thảm nghẹn ngào tạm biệt. Trương Tề Hiền nhìn vẻ mặt thống khổ của ông ta rất giống người trong mộng kia. Qua vài ngày sau, Trương Tề Hiền xử lý xong công vụ bèn trở về Kiền châu, được biết Khang Hoài Kỳ đã chết đột ngột trong một buổi chiều.
Tri Châu, Thông phán tham dự mưu đồ cũng gặp báo ứng
Hàn Cảnh Hựu nói với Trương Tề Hiền về tình hình trước cái chết của Khang Hoài Kỳ: Đầu của ông ta ngửa về đằng sau, trông giống như bị mấy trai tráng kéo ngược ra đằng sau vậy; nước canh, đồ uống vừa đưa đến bên miệng ông ta, tựa như có người cố ý phất tay đổ nhào, tất cả đều vãi trên đất. Mặc dù Khang Hoài Kỳ đói khát không chịu được, nhưng mọi người làm thế nào cũng không cách nào đưa đồ ăn thức uống đến miệng hắn được.
Trước khi Khang Hoài Kỳ chết, ngoài nhiều lần xưng tội ra thì không nói lời nào khác. Lúc ấy, Doãn Kỷ là Tri Châu cùng tham dự mưu đồ bí mật, không đến một năm cũng đã chết. Thông phán Lý Túc nguyên vốn không muốn tham dự kế hoạch của bọn họ, chỉ là có ký tên của mình lên bản tấu chương, về sau đột ngột mắc bệnh tim, không cách nào làm việc bình thường được, chỉ giống như phế nhân. Hàn Cảnh Hựu lúc ấy có thái độ phản đối, không tham dự vào việc này, ông có tri thức hiểu biết lễ nghĩa, về sau nhiều lần được triều đình trọng dụng.
Bởi vì sự việc này quá mức ly kỳ, Trương Tề Hiền bèn ghi chép lại kỹ càng, hy vọng có thể lưu lại răn dạy người đời sau.
Nguồn tư liệu: “Lạc Dương tấn thân cựu văn ký”, quyển 2.
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: