Câu chuyện nổi tiếng Nhật Bản: Chú chó trung thành đợi chủ suốt 10 năm ở nhà ga
Rất nhiều người đã từng nghe câu chuyện cảm động về chú chó trung thành Hachiko ở Nhật Bản. Chú chó nổi tiếng này đã tròn 100 tuổi vào ngày 10/11. Một loạt sự kiện đã được tổ chức trên khắp Nhật Bản, rất nhiều khách du lịch đã đến ga Shibuya ở Tokyo để chụp ảnh với bức tượng đồng của Hachiko.
Hachiko là giống chó Akita, sinh ngày 10/11/1923 tại một gia đình nông dân ở thành phố Odate, tỉnh Akita. Vào đầu năm 1924, Giáo sư nông nghiệp Hidesaburō Ueno tại Đại học Đế quốc ở Shibuya, Tokyo, đã mang nó về nuôi. Vì Hachiko là chú chó thứ tám khi được chó mẹ sinh ra, nên giáo sư Ueno đã đặt tên cho nó là Hachi.
Giáo sư Ueno đã nuôi Hachi từ nhỏ nên ông và chú chó rất thân thiết với nhau. Mỗi ngày, Hachi đều đến ga Shibuya để đón chủ nhân về nhà. Điều này đã trở thành cảnh tượng ấm áp nhất trong ngày của Giáo sư Ueno.
Thật không may, quãng thời gian tươi đẹp không kéo dài lâu. Giáo sư Ueno đã đột ngột qua đời trong khuôn viên trường vì xuất huyết não vào ngày 21/05/1925, để lại người vợ góa Yaeko Sakano và chú chó Hachi không rõ sự tình. Khoảng thời gian ngắn ngủi mà Giáo sư Ueno sống cùng Hachi là khoảng một năm năm tháng.
Thời gian sau đó, bà Yaeko Sakano phát hiện, mỗi ngày, Hachi vẫn tự mình ra ngoài và đến ga Shibuya để đợi Giáo sư Ueno trở về nhà. Về sau, bà Yaeko Sakano đã chuyển đến Setagaya. Vì sự an toàn của Hachi, bà đã giao nó cho người bạn Kikusaburo Kobayashi sống ở Shibuya để Hachi có thể đến ga Shibuya gần đó.
Cứ như vậy, hằng ngày, Hachi đều đứng đợi bên ngoài nhà ga Shibuya vào một thời điểm cố định. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, cho đến khi chú chó qua đời vì bệnh vào ngày 08/03/1935. Hachi đã dành gần 10 năm để chờ đợi chủ nhân của mình.
Sau khi Hachi mất, nó đã được chôn cạnh mộ Giáo sư Hidesaburō Ueno ở Aoyama, Tokyo. Năm 2016, sau khi qua đời, bà Yaeko Sakano cũng được chuyển đến an táng tại đây.
Năm 1932, tờ “Asahi Shimbun” của Nhật Bản đã đưa tin về câu chuyện cảm động của Hachi, khiến nó được rất nhiều người biết đến. Nhờ vậy, danh tiếng của chú chó Hachiko cũng nổi tiếng khắp Nhật Bản. Người dân Nhật Bản thậm chí còn đến thăm ga Shibuya và dựng một bức tượng đồng cho Hachi trước nhà ga để ca ngợi lòng trung thành của chú chó. Sau khi Hachi qua đời, mọi người đã tổ chức một buổi lễ tiễn đưa lớn tại nhà ga Shibuya để tỏ lòng thương tiếc.
Trong thời gian Đệ nhị Thế chiến, chính phủ Nhật Bản đã thu thập một số lượng lớn sản phẩm kim loại từ cộng đồng để làm nguồn cung cấp cho quốc gia. Vì vậy, bức tượng đồng của Hachi cũng bị trưng thu và nấu chảy. Đến năm 1948, người dân địa phương đã dựng một bức tượng đồng thứ hai cho Hachi. Bức tượng cũng được dựng trước nhà ga Shibuya, và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Từ đó, bức tượng này đã trở thành địa danh nổi tiếng và là nơi tụ họp quen thuộc của người dân Nhật Bản.
Ngoài nhà ga Shibuya, người dân cũng tạc tượng Hachi tại thành phố Odate thuộc tỉnh Akita (quê hương của Hachi), tỉnh Mie (quê hương của Giáo sư Ueno) và Đại học Đế quốc nơi Giáo sư Ueno giảng dạy (hiện nay nằm ở phía trước Bảo tàng Khoa học Nông nghiệp của Đại học Tokyo).
Trong số đó, bức tượng đồng mà Đại học Tokyo xây vào năm 2015 được tạo dáng giống như Hachi đang gặp chủ nhân của mình, để chú chó này và chủ nhân được “đoàn tụ.” Chú chó Hachi được tạo dáng đang nhảy lên và lao về phía Giáo sư Ueno, như thể đã được đoàn tụ sau một thời gian dài xa cách, vô cùng phấn khích.
(Bấm vào đây để xem ảnh liên quan).
Câu chuyện của Hachi khiến rất nhiều người cảm động và được truyền cảm hứng, thậm chí còn được dựng thành phim. Bộ phim Hollywood “Hachi: A Dog’s Tale” (Hachiko: chú chó trung thành) đã ra mắt vào năm 2009 với sự tham gia của minh tinh điện ảnh người Mỹ Richard Gere, chính là được chuyển thể từ câu chuyện của Hachi.
Ngày 10/11 năm nay là ngày sinh nhật lần thứ 100 của Hachi, du khách Nhật Bản và ngoại quốc đã đổ xô đến chụp ảnh với bức tượng đồng của chú chó này ở trước nhà ga Shibuya.
Anh Omar Sanchez, 33 tuổi, đến từ Tây Ban Nha, đã cùng vợ tới Tokyo để hưởng tuần trăng mật. Họ cũng không quên chụp ảnh cùng bức tượng của Hachi.
Anh Sanchez nói với AFP: “Tôi ước gì con chó con của tôi cũng có thể đợi tôi lâu như vậy.”