Nhân quả báo ứng: Khiến người chết oan họa lây cả nhà, con trai là đến để đòi nợ
Người ta nói thiếu nợ phải trả, nếu như nợ tính mạng thì có thể phải trả giá rất nặng nề. Trong bài viết này xin được kể lại hai câu chuyện quả báo có thật đã được ghi chép lại.
Câu chuyện thứ nhất: Khiến người chết oan, họa lây cho cả nhà
Trong quá khứ, có những người làm quan đã tận dụng cơ hội để hành thiện tích phúc báo. Tuy nhiên, cũng có người nắm quyền lực trong tay đã lạm dụng chức quyền phạm tội ác tày trời, không chỉ bản thân mình bị báo ứng mà còn gây họa lây cho cả nhà. Câu chuyện dưới đây chính là một ví dụ.
Vào thời nhà Thanh, ở huyện An Đông có một người dân tên là Đinh Giáp, làm thuê trong chùa ngoài huyện Bảo Ứng. Người này có một con lừa là phương tiện đi lại. Một hôm, người đồng hương họ Trang đi đến huyện Bảo Ứng báo với Đinh Giáp rằng: “Mẹ của ông bệnh nặng, nhờ tôi nhắn tin giúp ông, mong ông mau chóng trở về thăm nom bà ấy, đừng trì hoãn lâu quá.” Đinh Giáp lập tức dắt lừa lên đường cùng người đồng hương họ Trang đi về quê nhà.
Đi được nửa đường, người đàn ông họ Trang nói với Đinh Giáp: “Tôi rất mệt, đi không được nữa rồi. Có thể cho tôi mượn con lừa của ông để cưỡi một chút được không?” Đinh Giáp đồng ý yêu cầu của họ Trang. Trang nhanh chóng cưỡi lên và quất vào mông con lừa hai roi, con lừa nhỏ kia liền chở theo ông ta chạy nhanh về phía trước. Chỉ chốc lát sau, cả người lẫn lừa đã bỏ xa Đinh Giáp lại phía sau, dần dần mất hút.
Đinh Giáp đi bộ về tới nhà, nhìn thấy mẹ không đau không ốm gì thì cho rằng mẹ đã khỏi bệnh rồi, nhưng thực tế là bà không bị bệnh. Còn họ Trang và con lừa thì vẫn mất tăm không thấy trở về. Lại đợi thêm mấy ngày vẫn không thấy người đồng hương họ Trang kia xuất hiện, Đinh Giáp lúc này mới vỡ lẽ rằng: bản thân đã bị tên họ Trang kia lừa gạt.
Đinh Giáp lại lo lắng anh ta vào trong chùa lừa gạt lấy của cải, bèn từ biệt mẹ để quay lại chùa. Dọc đường đi, Đinh Giáp cẩn thận dò la tin tức của người đàn ông họ Trang, vừa hay hai người lại gặp nhau. Đinh Giáp thấy Trang dắt theo một con lừa nhưng không phải là con lừa của mình, bèn hỏi: “Con lừa của tôi đi đâu rồi?”
Trang nói: “Đã đổi cho người khác rồi.
Đinh Giáp kinh ngạc hỏi: “Con lừa của tôi to khỏe, còn con lừa này đã già yếu rồi, tại sao ông lại đổi nó vậy?”
Trang nói: “Người kia còn phụ thêm mấy ngàn tiền, tiền ở trong túi đây này.”
Đinh Giáp vẫn không đồng ý, Trang lại lấy ra một bộ quần áo rồi nói rằng: “Dùng bộ áo quần này thay thế vậy, anh thấy thế nào?”. Đinh Giáp đành phải đồng ý. Anh đặt túi tiền lên lưng lừa, lại mặc bộ quần áo kia vào rồi đường ai nấy đi.
Khi đi đến cầu Thành Công ở Hoài Bắc, có binh lính địa phương và nha dịch của huyện đang tuần tra trên cầu. Nha dịch đi về phía Đinh Giáp, vỗ vỗ vào vai anh rồi nói: “Người anh em, ông đã phạm pháp rồi.”
Đinh Giáp sửng sốt hỏi: “Tôi phạm tội gì?”
Nha dịch nói: “Làm bị thương người khác lại còn cướp đi con lừa, còn giả vờ không biết.” Nói rồi, họ bắt giữ Đinh Giáp áp giải lên huyện nha.
Đinh Giáp bị áp giải đến huyện nha, Tri phủ huyện là Vương Minh Phủ lập tức thăng đường thẩm tra xử án. Khi Đinh Giáp bị hỏi về sự việc đánh người, thì vẻ mặt anh ta mờ mịt, không cánh nào trả lời được. Vương huyện lệnh vỗ bàn quát lớn: “Vết máu vẫn còn trên áo quần, ngươi còn có thể che giấu gì nữa?”
Đinh Giáp nói: “Đây là bộ áo quần mà ông Trang đưa cho tôi.”
Thì ra, sau khi đi được nửa đường Trang đã bán con lừa, lại đến cầu Thành Công thuê một con lừa khác cưỡi đi. Lần này đi được nửa đường, hắn lại giở trò xấu. Hắn lấy dao đâm bị thương người phu lừa, cướp lừa còn cướp luôn áo quần của người phu lừa này. Đinh Giáp không hề biết Trang đem vật chứng mà hắn phạm tội cho mình mặc trên người.
Vương huyện lệnh cho gọi người phu lừa đang bị thương lên công đường đối chứng, phu lừa nói: “Tôi không biết họ tên của kẻ giết người, nhưng tướng mạo giống y như người này.” Kỳ thực, người phu lừa lúc ấy cũng không nhìn thấy rõ đối phương.
Thế là Vương huyện lệnh bèn dùng cực hình bức cung, thậm chí dùng hương đốt nung dưới nách Đinh Giáp. Đinh Giáp không chịu nổi tra tấn, đành phải tự nhận tội giết người cướp của. Đinh Giáp bị giam giữ trong tử lao, không bao lâu sau thì qua đời.
Trong thời gian khi Đinh Giáp đang bị giam giữ, người nhà và những thân sĩ trong thôn đều đứng ra bảo đảm cho Đinh Giáp, nói rằng anh bị oan uổng. Tuy nhiên, Vương huyện lệnh cố chấp cho mình là đúng, còn nói rằng: “Nam sơn có thể đổi, còn vụ án này không thể thay đổi.” Ông ta kiên quyết theo phán đoán của mình, không chịu thẩm tra lại vụ án.
Về sau, người đàn ông họ Trang kia trộm cắp bị bắt quả tang ở huyện Bảo Ứng. Lúc thẩm vấn, hắn ta nói ra sự thật về vụ án Đinh Giáp. Nhưng đợi đến khi hồ sơ vụ án đưa ra ngoài thì Đinh Giáp đã chết rồi. Không lâu sau, Trang cũng chết trong nhà ngục.
Một tháng sau, vào ngày nọ khi Vương huyện lệnh đang ngồi ở công đường giải quyết công việc, thì có người nhà chạy đến báo rằng, “Công tử phát điên rồi.” Vương huyện lệnh vội vàng chạy vào trong nhà nhìn xem, chỉ thấy con trai của mình vừa nhảy vừa kêu gào, đồng thời kêu to bằng giọng nói của Đinh Giáp: “Oan uổng quá!”
Người nhà của Vương huyện lệnh hỏi anh ta (lúc này đang bị hồn ma của Đinh Giáp nhập vào): “Đây là chuyện riêng của Huyện lệnh, tại sao phải oán hận lên con trai của ông ấy?”
Đinh Giáp nói: “Hiện giờ vận làm quan của huyện lệnh chưa hết. Trước hết hãy để cho ông ta tận mắt nhìn thấy con cái của mình từng đứa một chết đi, sau đó sẽ đến lượt ông ta. Ông ta sớm muộn gì cũng tránh không thoát được đâu!”
Vừa dứt lời, con trai của huyện lệnh liền tắt thở mà chết. Không lâu sau, con gái của ông ta cũng qua đời. Tiếp đó, những người thông đồng bày mưu kế cho huyện lệnh trong vụ án kia cũng đều chết trong cùng một ngày.
Ba năm sau, vào ngày nọ khi Vương huyện lệnh đang ở trong nhà thì đột nhiên nhìn thấy Đinh Giáp đi về phía mình. Ông ta sợ hãi kêu to một tiếng, sau đó la hét rất bi thương.
Câu chuyện thứ hai: Con trai là đầu thai đến để đòi nợ
Sự việc xảy ra vào thời nhà Thanh, ở vùng Hồ Quảng có một vị quan huyện tên họ Thịnh, ông ta tính tình hiểm ác, bị người trong vùng gọi là “con người lòng dạ hiểm độc”. Ông ta muốn xây dựng một tòa nhà lầu, mưu tính chiếm đất đai của một người họ Trương ở trong thôn để làm nền đất xây nhà. Ông ta bèn bày ra một kế hiểm ác, bí mật ra lệnh một tên trộm vu cáo ông Trương, khiến cho ông Trương chết trong lao ngục. Sau đó, viên quan họ Thịnh này uy hiếp vợ của ông Trương bán đất đai cho ông ta.
Sau khi nhà lầu của họ Thịnh xây xong thì vợ ông ta sinh được một người con trai, nhưng đứa con này lên 6 tuổi rồi mà vẫn không biết nói. Một hôm, họ Thịnh thấy con trai của mình bò trên mặt đất tiến về phía mình thì buồn bực nói: “Ta vì con cháu mà trù tính bày mưu, cho nên mới dùng mánh khóe cướp đất xây nhà. Mà con lại ngu dại như vậy, biết làm sao cho tốt được?”
Người con trai kia đột nhiên mở miệng nói chuyện, giọng điệu vô cùng căm hận nói rằng: “Tại sao ông phải khổ như vậy? Tôi chính là họ Trương đây, ông bày mưu tính kế hại người vô tội, hại chết tôi, chiếm đất của tôi. Tôi đầu thai làm con của ông, chính là đến để báo thù ông.” Những lời này khiến cho họ Thịnh kinh hãi, đột nhiên ngã lăn xuống đất mà chết, thất khiếu đều chảy máu, tình trạng rất đáng sợ. Về sau, người con trai sau khi tiêu hao hết tài sản của cha mình thì cũng bất ngờ qua đời.
Nguồn tư liệu: “Kim hồ thất mặc”, “Công môn quả báo lục”.
Cổ Dung biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ