Nhân quả báo ứng: Lừa tiền hại người, chủ nợ đầu thai đòi món nợ 18 năm trước
Lý Lão Nhị vội vội vàng vàng chạy đến phòng con trai xem thì đứa con trai yêu quý của ông đã tắt thở rồi. Ông hiểu ra rằng: Tiền Viên Ngoại đã thác sinh thành con trai của mình đến để đòi nợ.
Câu chuyện này xảy ra vào thời Minh mạt Thanh sơ. Cách thành Bắc Kinh chừng vài chục dặm có một thôn làng tên là Ngõa Gia Điếm. Trong thôn có một gia đình giàu có, chủ nhà là Tiền Viên Ngoại. Cách đó hai dặm có một gia đình nông dân, người này tên là Lý Lão Nhị. Lý Lão Nhị chỉ là một thợ nề và thường làm công cho Tiền Viên Ngoại. Sau nhiều lần qua lại, mối quan hệ của hai người trở nên thân thiết, gọi nhau là huynh đệ.
Một năm nọ, cả nhà Tiền Viên Ngoại phải đi đến vùng phía nam có việc, vài tháng sau mới có thể trở về. Ông ta bèn tìm gặp Lý Lão Nhị nói: “Lý lão đệ, mối quan hệ của chúng ta vốn không tệ. Nay huynh có chút việc muốn nhờ đệ, không biết đệ có đồng ý hay không?”.
Lý Lão Nhị liền đáp: “Tiền đại ca, huynh có việc gì cứ nói, nếu đệ giúp được nhất định sẽ cố gắng hết sức làm”.
Tiền Viên Ngoại nói: “Huynh có một mẻ rượu ngon, chỉ sợ sau khi đi xa thì bị người trông nhà hộ uống trộm, thế nên muốn đưa đến nhà đệ gửi tạm, không biết ý của đệ như thế nào”.
Lý Lão Nhị vui vẻ đáp: “Chuyện nhỏ này, đệ còn tưởng là chuyện gì lớn. Huynh cứ yên tâm đi, đợi đến lúc huynh trở về, đệ sẽ trả lại nguyên vẹn”.
Thế là Tiền Viên Ngoại đem 30 vò rượu ngon gửi đến nhà Lý Lão Nhị. Lý Lão Nhị đem chúng đặt ở trong một gian phòng, rồi khóa lại cẩn thận.
Lần này cả nhà Tiền Viên Ngoại đi suốt hai tháng vẫn không thấy trở về.
Một ngày nọ, Lý Lão Nhị đột nhiên liền nhớ đến 30 vò rượu kia, tò mò muốn mở phòng nhìn xem một chút, thế là mở khóa đi vào phòng. Những cái vò này đều được dùng giấy da trâu bịt kín, trên đó còn viết một chữ “Rượu” thật to. Lý Lão Nhị nhấc một cái vò lên ngửi, thế nhưng lại không thấy có mùi gì, bèn nghĩ thầm: “Vò rượu này phong kín như vậy, có khi vì thế mà không có mùi rượu”.Ông ta lấy tay lắc lư cái vò, lại cảm giác không giống như tiếng chất lỏng.
Lý Lão Nhị cảm thấy kỳ quái, tò mò nhịn không được, bèn mở một cái vò ra xem. Kết quả bên trong toàn là bạc trắng. Ông ta hồ hởi vui mừng, vội vàng mở tất cả vò rượu ra xem, quả nhiên toàn bộ đều là bạc, khoảng chừng 3 vạn lượng.
Đây chính là tiền trên trời rơi xuống, nhìn thấy nhiều bạc như vậy, Lý Lão Nhị lập tức nổi lòng tham, nghĩ cách chiếm thành của mình. Nhưng ông ta lại nghĩ đến tình huống lúc Tiền Viên Ngoại trở về thì ứng đối thế nào? Suy nghĩ đắn đo, cuối cùng ông ta nghĩ đến một “diệu kế”: Đi ra ngoài mua rượu, rót vào trong vò, rồi lại phong kín lại như cũ xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Còn số bạc kia thì ông ta đem chôn trong nhà mình.
Một thời gian sau, cả nhà Tiền Viên Ngoại cũng trở về, Lý Lão Nhị bèn mang 30 “vò rượu” đến trả lại.
Khi Tiền Viên Ngoại mở vò ra xem thì phát hiện toàn bộ số bạc đều đã không cánh mà bay, tất cả đã biến thành rượu. Ông ta lập tức hiểu ra: “Mình cả đời tích cóp nay để Lý Lão Nhị chiếm thành của mình. Phải đến nha môn báo quan”. Nhưng lại nghĩ: “Nhưng khổ nỗi lúc mình gửi lại nói đó là rượu, mà ông ta trả lại chính xác là rượu, bởi vậy chuyện này nếu như báo quan thì cũng không có chứng cứ”. Thế là đành ngậm bồ hòn làm ngọt, có nỗi khổ tâm mà không thể nói ra.
Tiền Viên Ngoại chịu không được cú sốc này, phiền muộn uất ức thành bệnh, không lâu thì qua đời.
***
Lý Lão Nhị thấy Tiền Viên Ngoại đã chết, biết số bạc này gia đình họ Tiền không thể lấy về, thế là liền bỏ ra mua nhà cửa, còn cưới mấy tiểu thiếp, từ đó trở nên giàu có trong vùng. Thật đúng là: Ngày xưa nghèo khó đìu hiu, ngày nay đông như trẩy hội.
Rất nhanh sau đó, tiểu thiếp đã mang thai, chuyện này càng khiến Lý Lão Nhị vui mừng khôn xiết. Người vợ cả của ông ta vốn mãi không sinh được con, mà hiện nay gia nghiệp lớn như thế, không có con cái thì sẽ không có người thừa kế. Nay tiểu thiếp biết đâu sẽ sinh cho ông một người con trai, chuyện này sao có thể không cao hứng được?
Thời gian trôi qua, người tiểu thiếp cũng đến kỳ sinh nở.
Một đêm nọ, Lý Lão Nhị nằm mộng, mộng thấy mình đang ngồi trong phòng uống trà thì cửa đột nhiên mở toang, có một người đi tới, nhìn kỹ thì chính là Tiền Viên Ngoại. Chỉ thấy trên vai Tiền Viên Ngoại treo một cái hầu bao, nhưng hầu bao xẹp lép, bên trong không có vật gì. Ông ấy cười lớn nói với Lý Lão Nhị: “Tôi đến để đòi nợ”.
Lý Lão Nhị sợ hãi tỉnh dậy, mồ hôi lạnh cả người. Vừa tỉnh dậy, liền nghe tỳ nữ đến nói: “Chúc mừng lão gia, nhị phu nhân đã sinh cho ngài một bé trai kháu khỉnh”.
Vốn đây là chuyện đại hỷ, nhưng lại nghĩ đến giấc mộng đêm qua, Lý Lão Nhị cảm thấy không được thoải mái.Ông ta cứ lo nghĩ rằng,không biết giấc mộng này và con trai của mình có mối liên hệ gì chăng? Bởi vậy, ông luôn có cảnh giác với đứa con trai này. Thế nhưng, người con trai này từ nhỏ đã rất hiếu thuận, lại thông minh, đọc sách thoáng qua là nhớ. Tiên sinh dạy học nói về sau cậu ấy nhất định có thể đỗ đạt công danh. Điều này khiến Lý Lão Nhị dần dần buông tâm, không còn nghĩ đến giấc mộng năm nào nữa.
Đến năm 18 tuổi, con trai của Lý Lão Nhị vào kinh đi thi, quả nhiên đỗ đạt, được phong làm quan thất phẩm. Nhà Lý Lão Nhị giăng đèn kết hoa ăn mừng, thân bằng hảo hữu đều đến chúc mừng.
Trong bữa tiệc, có một người nói: “Bây giờ lưu hành kiểu dùng tiền mua quan. Tôi thấy nhà ông cũng không thiếu tiền, chi bằng bỏ ra ít tiền cho con trai mua chức quan cao hơn một chút. Nếu như ông đồng ý, tôi có thể dẫn người đến giúp ông”.
Mọi người trong bữa tiệc đều nói là ý kiến hay. Lý Lão Nhị nghĩ: Mình duy nhất chỉ có một đứa con trai này, nó tài hoa hơn người, chỉ làm chức quan thất phẩm cũng uổng phí, mua được cái chức quan lớn hơn cũng được”. Thế là, Lý Lão Nhị lại bỏ tiền mua chức quan cho con trai.
Chức quan cũng đã có rồi, đối tượng mai mối dạm ngõ cũng nhiều, quả là chuyện vui đáng để chúc mừng. Nhưng người con trai của Lý Lão Nhị vẫn không đồng ý ai cả, mà chỉ một mực để ý đến thiên kim tiểu thư của một vị quan đại thần trong triều.
Vì vậy, Lý Lão Nhị đành phải bỏ ra một khoản tiền lớn để biếu tặng lễ vật, thỉnh người mai mối. Tiêu tốn rất nhiều tiền, bên nhà gái xem như đã đồng ý, nhưng lại đòi sính lễ rất lớn. Không có cách nào khác, Lý Lão Nhị đành phải cắn răng làm theo. Sự việc xem như đã được sắp xếp ổn thỏa.
Nhà trai định rằng mùng 5 tháng sau sẽ rước dâu. Ngày rước dâu đang cận kề, chỉ còn vài ngày nữa là cưới vợ cho con trai, Lý Lão Nhị cảm thấy rất vui. Trong cơn vui mừng quá đà, buổi tối ông đã uống rất nhiều rượu, sau đó thì lên giường nằm ngủ. Giấc mộng của 18 năm trước một lần nữa lại xuất hiện trước mắt ông.
Trong giấc mơ, Tiền Viên Ngoại cười và nói với ông ta rằng: “Món nợ mà ông đã nợ ta, ta đã đòi suốt 18 năm, cuối cùng xem như đã đòi được rồi, lại còn được một chút lời nữa”. Nói rồi, ông ta đưa tay vỗ vào hầu bao tiền trên vai, quả nhiên cái hầu bao lúc đầu vốn rỗng không, nay đã phồng lên. Tiền Viên Ngoại nói tiếp: “Nợ đã đòi xong, ta phải đi rồi”.
Lý Lão Nhị bất chợt tỉnh giấc. Đúng vào lúc này một người hầu hoảng hốt chạy đến nói: “Lão gia, không hay rồi, đại công tử phát bệnh rồi, ông mau đi xem đi!”.
Lý Lão Nhị vội vội vàng vàng chạy đến phòng con trai xem thì đứa con trai yêu quý của ông đã chết rồi. Lý Lão Nhị ngồi phịch xuống mặt đất. Ông ta hiểu ra rằng: Tiền Viên Ngoại đã thác sinh thành con trai của mình để đến đòi nợ.
Ông nhớ lại: Từ lúc con trai ông chào đời cho đến lúc mời thầy về dạy học, đi thi, mua quan, cưới hỏi, thì con trai của ông đã tiêu tốn hết hơn ba vạn hai ngân lượng. Vì vậy mà Tiền Viên Ngoại trước khi rời đi còn nói rằng có đem theo một chút ít tiền lời.
Lý Lão Nhị mất cả con trai lẫn tiền bạc. Ông ta cả ngày như một kẻ ăn mày, trên đường phố lớn gặp ai ông cũng kể về chuyện bản thân trước đây đã lừa tiền hại người như thế nào, rồi khuyên mọi người đừng nên làm những chuyện thương thiên hại lý đó. Nếu không, món nợ nợ người ta rốt cuộc vẫn phải hoàn trả. Tuy nhiên, mọi người đều cho rằng Lý Lão Nhị đã phát điên rồi…
Xem thêm:
Nhân quả ba đời và thiện ác hữu báo (Phần 1): Vì sao có lúc không nhìn thấy quả báo?
Oanh Lê, Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ