Nhân quả ba đời và thiện ác hữu báo (Phần 1): Vì sao có lúc không nhìn thấy quả báo?
Rốt cuộc, sinh mệnh con người có kiếp sau hay không? Đây là bí ẩn mà nhiều người không giải thích được. Phật gia cho rằng, chủ thể chân chính của sinh mệnh con người là nguyên thần. Nguyên thần là bất diệt, còn nhục thể chỉ là thể xác ngoại hình, mà thể xác ở mỗi một đời, mỗi một kiếp đều không giống nhau. Hơn nữa, con người không phải đời đời kiếp kiếp đều có thể làm người. Phật giáo giảng sinh mệnh (nguyên thần) dựa theo nhân quả mà luân hồi trong lục đạo. Phật giáo giảng “nhân quả ba đời.” “Kinh nhân quả ba đời” viết:
Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị;
Dục tri hậu thế quả, kim sinh tác giả thị.
Chính là nói, nhân quả thông qua ba đời – bao gồm kiếp trước, kiếp này và kiếp sau. Những phước báo hay tai ương gặp phải ở kiếp này chính là quả báo của những hành động mà bản thân đã làm trong kiếp trước; và tất cả mọi việc làm ở kiếp này sẽ trở thành nguyên nhân của phúc phận hay kiếp nạn của kiếp sau. Đây chính là khái niệm về “nhân quả ba đời.” “Kiếp trước” không chỉ là ngay trước kiếp này, mà còn bao hàm mọi kiếp trước của kiếp này; và “kiếp sau” không chỉ là kiếp kế sau đó, mà còn bao gồm cả đời đời kiếp kiếp sau này.
Tất cả những việc làm của sinh mệnh, thật sự có nhân quả báo ứng sao? Kinh Phật giảng rằng, tất cả mọi việc đều có quan hệ nhân quả, “nhân có thể sinh quả, quả tất có nhân.” Hành thiện tạo nhân, quả là phước báo; Hành ác tạo nhân, quả là khổ báo.
Có người không nhìn thấy được quả báo thiện ác trước mắt, vì thế mà sinh lòng nghi hoặc. Trên thực tế, thiện ác hữu báo, không phải không báo, mà là chưa đến lúc! Khi nhân duyên hội đủ, cũng là ngày quả báo phát sinh.
Bằng chứng thực tế về nhân quả báo ứng ba đời
Vào cuối thời Đông Hán, cao tăng An Thế Cao từ Tây Vực đến Trung thổ. Ông là người dịch “Kinh nhân quả ba đời.” Chính bản thân ông cũng đã để lại những bằng chứng thực tế về nhân quả ba đời, khiến người đời không khỏi kinh tâm sợ hãi và ấn tượng sâu sắc.
Theo ghi chép trong “Thần Tăng truyện – Quyển 1 – Thế Cao truyện,” An Thế Cao là thái tử của Vương quốc An Tức ở Tây Vực (quốc gia thời cổ đại trên cao nguyên Iran, nằm ở Iran ngày nay). Ông bản tính hiếu thuận, không ham vương vị, chỉ thích tu hành. An Thế Cao từ nhỏ đã thông minh, học rộng biết nhiều, đối với thiên văn, ngũ hành, y học, dị thuật và thậm chí cả ngôn ngữ của các loài chim thú, không gì là ông không tinh thông. Sau khi phụ vương qua đời, Thái tử Cao kế thừa vương vị Quốc vương, nhưng sau đó ông đã nhanh chóng nhường ngôi cho người chú, còn bản thân xuất gia tu Phật. Ông bôn ba đến các nước ở Tây Vực để hoằng dương Phật giáo. Vào năm Kiến Hòa thứ hai thời Hán Hoàn Đế (tức năm 148), ông đến Lạc Dương ở Trung thổ, làm công việc dịch Kinh Phật trong hơn 20 năm.
An Thế Cao có thần thông, danh tiếng truyền xa. Ông có thể nhìn thấy nhân quả kiếp trước của mình. Kiếp trước ông là một người tu hành, vì để trả nợ nghiệp của kiếp trước nữa mà lặn lội ngàn dặm đến Quảng Châu, rồi vong mạng dưới đao của một thiếu niên, trả xong nợ mạng cho cậu thiếu niên này trong kiếp trước. Sau đó, ông chuyển sinh thành Thái tử của nước An Tức, chính là An Thế Cao ở kiếp này.
Năm Kiến Ninh thứ 3 thời Hán Linh Đế (tức năm 170), An Thế Cao hoàn thành công việc dịch Kinh sách. Ông biết rằng, kiếp trước ông không chỉ nợ một mạng, mà vẫn còn một mạng cần phải trả. Vì vậy, ông đã đi lên đường đến Hội Kê (nay là tỉnh Chiết Giang) để trả nợ. Ông đi qua Lư Sơn, thuận đường muốn hoàn thành một tâm nguyện của kiếp trước. Lại nói, trong khi xuất gia tu hành ở kiếp trước, ông có một vị đồng tu. Mặc dù đồng tu này tu hành tinh tấn, nhưng khi cầm bình bát đi khất thực, gặp phải những người không bố thí, thì thường sinh tâm oán giận trong lòng. An Thế Cao ở kiếp trước cũng thường khuyên nhủ đồng tu, nhưng trải qua hơn hai mươi năm, vị này vẫn không thay đổi. An Thế Cao từng nói với người bạn đồng tu rằng: “Về hai phương diện thông hiểu Kinh sách và kiên trì tinh tấn, cậu đều vượt xa tôi. Thế nhưng cậu dễ tức giận và hay oán hận, kiếp sau nhất định sẽ đầu thai thành một sinh mệnh có hình thù xấu xí. Nếu như tôi đắc Đạo, chắc chắn tôi sẽ đến độ cho cậu.”
Vì tâm nguyện này mà ông đã đến Lư Sơn. Trong kiếp này, vị đồng tu kiếp trước của ông đã trở thành Thần miếu của Cộng Đình Thần miếu, nhưng tâm sân hận trong kiếp trước vẫn chưa tu bỏ được, cho nên hình dạng đầu thai trong kiếp này là một con mãng xà lớn xấu xí. Trong kiếp này, vị ấy không đắc thân người nên không thể tu hành, còn phúc phận trong kiếp trước thì sắp hết. Đến lúc phúc phận hết thì mãng xà cũng sẽ phải vong mạng, sau đó bị đọa nhập địa ngục. Vì vậy, An Thế Cao đặc biệt đến siêu độ cho người bạn đồng tu, giúp vị này thoát khỏi hình dạng xấu xa, và tiếp tục được đầu thai vào thiện đạo.
Sau đó, An Thế Cao đi Quảng Châu tìm được cậu thiếu niên đã sát hại ông ở kiếp trước, khuyên giải cậu ấy về đạo lý nhân quả tuần hoàn, buông bỏ oán hận thoát khỏi luân hồi trong ác đạo. Mấy chục năm đã trôi qua, cậu thiếu niên giờ đây đã trở thành một ông lão tóc bạc. Ông lão nhìn thấy An Thế Cao thì có cảm giác như đã từng gặp. Nghe được Phật pháp, ông lão bất giác quỳ xuống sám hối về tội lỗi của mình, và tự nguyện đi theo An Thế Cao về Hội Kê. An Thế Cao muốn đi Hội Kê trả nợ mạng. Khi ông vừa bước vào thị trấn, thì tình cờ gặp cảnh tượng hỗn loạn. Trong lúc đám đông đánh chém hỗn loạn, kẻ gây rối đã “đánh nhầm” vào đầu của An Thế Cao. Vì vậy, cao tăng An Thế Cao lập tức ngã xuống đất tử vong.
Vì sao có lúc không nhìn thấy quả báo?
“Nhân quả ba đời,” thiện ác hữu báo, quả báo sẽ không tiêu mất, mà người làm ra phải tự mình gánh chịu. Vậy tại sao có lúc lại không thấy quả báo? Bởi vì nhân quả báo ứng có thể phải tích lũy trong nhiều đời mới phát sinh! Nhân quả ba đời, kiếp trước, kiếp này, và kiếp sau tương thông với nhau, luân chuyển không ngừng! Người xưa có câu: Không phải không báo, chỉ là chưa đến lúc! Khi nhân duyên hội đủ, cũng là ngày quả báo phát sinh.
Nhìn dưới góc độ của một người thường đã rơi vào cõi mê, do bị hạn cuộc về thời gian và không gian sở tại, nên nhân quả báo ứng luôn ẩn giấu tinh vi và khó lường, giống như chỉ nhìn thấy được một phần nổi của tảng băng trôi. Phần nổi trên mặt nước giống như cảnh ngộ của kiếp này, hiển nhiên là dễ thấy, nhưng phần ẩn dưới mặt nước giống như nguồn gốc của mối quan hệ nhân quả đời này qua đời khác, đan xen phức tạp.
Rốt cuộc thì nhân quả tích lũy từ bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp? Một người bình thường khó có thể biết được! “Nhân” tạo ra bây giờ chưa chắc sẽ có “quả” ở đời này [1]; nhân tạo trước chưa chắc tạo quả trước, mà nhân tạo sau lại có thể tạo quả trước. Nếu nhân duyên hội đủ, thiện ác đều sẽ báo!
Câu chuyện về cuộc đời của Cao tăng An Thế Cao chính là triển hiện chân thực của “Nhân quả ba đời”! Quả báo có khả năng tích lũy quá ba đời, thậm chí rất lâu dài mới phát sinh báo ứng. Tu hành khiến cho An Thế Cao ở kiếp sau được làm Vương tử, được lên ngôi vua, nhưng những phúc báo này vẫn chưa thể miễn trừ nợ mạng mà ông phải hoàn trả. Tuy nhiên, nhờ nhân duyên hành thiện, có thể khiến nghiệp nặng chuyển thành báo ứng nhẹ. Nhưng mà, nghiệp do kiếp trước tạo ra sẽ không tự động biến mất theo thời gian trôi đi. Vị đồng tu của An Thế Cao ở kiếp trước là một ví dụ. Bởi vì phải nhận quả báo sân hận, khiến cho ông ta không được làm người ở kiếp sau. Câu chuyện này càng khiến cho mọi người nhận thấy tính nghiêm trọng của việc không tu tâm tính.
Chú thích
[1] Các ví dụ thực tế của “Thiện hữu thiện báo” trong đời này:
“Kinh nhân quả ba đời” có một thuyết pháp: “Mạc đạo nhân quả vô nhân kiến, viễn tại nhi tôn cận tại thân.” Có nghĩa là, “Đừng nói rằng việc nhân quả không ai nhìn thấy, có lâu thì cũng thấy ngay ở đời con cháu.”
Có một câu chuyện rất chân thực về “Thiện hữu thiện báo” xảy ra ở Đài Loan.
Hơn 100 năm trước, ở bờ biển phía Bắc của Đài Loan, từ Cơ Long đến Kim Sơn (xưa gọi là Kim Bao Lý), đã xảy ra sự cố chìm tàu: Tàu “Đại Phúc Hoàn” đâm vào đá ngầm và bị chìm ở ngoài khơi Dã Liễu. Hơn 100 người trên tàu thì 90 người bị nước biển cuốn trôi. Một thiếu niên 16 tuổi tên là Lâm Thanh Kỳ đã được cứu lên bờ trong tình trạng đuối nước và hôn mê. Vị ân nhân cứu mạng cậu lại là một con rùa biển lớn!
Khi đó, Lâm Thanh Kỳ là học sinh trung học phổ thông, để di chuyển từ nhà đến trường, cậu phải đi tàu Đại Phúc Hoàn. Hôm đó, ở Kim Bao Lý tổ chức lễ hội cung nghênh Thánh Mẫu trên thiên thượng xuống du ngoạn (ngày 6/4 âm lịch), do đó người đi tàu rất đông. Lâm Thanh Kỳ cũng như bao người khác, muốn trở về làng để kịp tham gia lễ hội, không ngờ gặp phải tai nạn đắm tàu khiến cậu cả đời cũng không quên được.
Cha của Lâm Thanh Kỳ là ông Lâm Tra Mỗ, có một cửa hàng kinh doanh trên phố đặt tên là Ích Nguyên Hiệu, chuyên kinh doanh hàng thời trang và tạp hóa, rất nổi tiếng trong vùng. Ông Lâm còn được biết đến là nhà từ thiện giàu lòng nhân ái. Một năm trước khi tàu Đại Phúc Hoàn gặp nạn, ông Lâm đi qua chợ thì thấy mấy ngư dân đang bán đấu giá một con rùa biển nặng hơn 500 cân (hơn 250kg) bất hạnh sa lưới. Ông nhìn thấy con rùa đáng thương giương đôi mắt ứa lệ, vươn cổ ra như khấu đầu cầu cứu. Vì động lòng trắc ẩn nên ông đã bỏ ra một món tiền lớn để mua chú rùa khổng lồ này, sau đó lại thuê người lập tức vận chuyển thả nó về biển.
Để bảo đảm con rùa không bị bắt và giết thịt, ông Lâm căn dặn người nọ khắc lên lưng rùa năm chữ lớn là “Ích Nguyên Hiệu phóng sinh.” Chính năm chữ này là minh chứng rõ ràng về lẽ Trời thiện hữu thiện báo, hơn nữa còn tạo phúc cho con cháu đời sau. Con trai ông được con rùa cứu mạng, bản thân ông cũng được phúc báo. Trước kia ông đi xem bói, biết tuổi thọ của mình chỉ ở 60 thôi, nhưng sau này nào ngờ không bao giờ ốm đau bệnh tật, sống thọ đến 88 tuổi.
Năm đó, vụ đắm tàu được đưa lên trang nhất các tờ báo lớn. Hơn nữa hôm đó lại là ngày diễn ra lễ hội, nên câu chuyện có thật về rùa báo ân đã được nhiều người địa phương cùng du khách chứng kiến và lan truyền rộng rãi. Rùa báo ân đã triển hiện thần tích, đồng thời cũng chứng minh rằng: Ở hiền ắt sẽ gặp lành, người mang thiện tâm ắt có phúc báo.
(Còn tiếp)
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ