Thần tích Quan Công báo mộng: Câu đối thay đổi vận mệnh
Quan Vân Trường (Quan Công) thời Tam Quốc là người trung nghĩa ở nhân gian, rất được người đời kính trọng. Câu đối ở miếu Quan Đế đã tôn vinh phẩm cách trung nghĩa trong lịch sử, cũng thu hút sự chú ý của chính Quan Công, ông đã báo mộng triển hiện Thần tích.
Quan Vũ (?~219) tự là Vân Trường, tên tự ban đầu là Trường Sinh, người Hà Đông, nước Thục Hán thời Tam Quốc (nay là huyện Giải, tỉnh Sơn Tây). Ông phò tá Lưu Bị phục hưng đại nghiệp nhà Hán, từng đại phá quân Tào, uy chấn một thời, được phong là Hán Thọ Đình Hầu. Sau này, ông bị thích sát khi tướng quân nhà Ngô là Lã Mông tập kích Kinh Châu, thụy hiệu là Tráng Mậu Hầu. Trên vũ đài lịch sử thời Tam Quốc, Quan Vũ nổi bật là người trung trực nhân nghĩa, được thế nhân đời đời tôn thờ, dân gian tôn xưng ông là “Quan Công,” “Quan Phu Tử.”
Các triều đại sau đều gia phong cho Quan Vũ. Triều Tống phong ông là Vũ An Vương, triều Minh phong ông là Hiệp Thiên Hộ Quốc Trung Nghĩa Đại Đế. Quy cách gia phong của triều Thanh đứng đầu các triều đại [1], Thuận Trị Đế gia phong Quan Vũ là “Trung Nghĩa Thần Vũ Đại Đế,” Hoàng đế Càn Long nhà Thanh đổi tên thụy của ông thành “Trung Nghĩa,” cũng xưng là “Quan Đế,” “Quan Thánh,” “Quan Thánh Đế Quân,” “Võ Thánh.”
Ở miếu Quan Công có rất nhiều câu đối. Nội dung của những câu đối này tôn vinh phẩm cách trung nghĩa của Quan Vũ, có câu ca ngợi thần tích dũng mãnh của ông, có câu lấy Quan Vũ làm tấm gương khuyên răn người đời. Theo ghi chép của hai bộ sách “Trung Hoa danh thắng đối liễn đại điển” và “Trung Quốc cổ kim đối liễn đại toàn,” có 178 chùa miếu ở các nơi thờ Quan Vũ, có 317 câu đối khác nhau, tất cả đều thể hiện đạo đức nhân nghĩa bao trùm thiên địa của Quan Công.
Ngoài những câu đối ở miếu thờ Quan Đế khiến mọi người chú ý, việc Quan Vũ báo mộng cũng lưu lại không ít Thần tích, trong đó có câu chuyện Quan Thánh Đế Quân quan tâm đến câu đối. Bài viết này kể ra một số câu chuyện như vậy.
Uy linh lẫy lừng, trọn đời tinh trung
Theo ghi chép trong “Hi triều tân ngữ” của Dư Kim triều Thanh, nho sinh Trương Đại Mỹ theo học trường huyện ở phủ Sơn Đông thành kính thờ phụng Quan Thánh Đế Quân. Một lần trong khi bị bệnh, chàng mơ thấy mình đi vào miếu Quan Đế, nhìn thấy Quan Thánh Đế Quân mặc áo mũ bản triều (triều Thanh) đang làm việc. Một lát sau, Quan Thánh Đế Quân gọi to Trương Đại Mỹ, nói với chàng rằng: “Câu đối treo trên cột cái miếu này nông cạn thô tục, ta rất không hài lòng. Ngươi có duyên hương khói cho ta (chỉ việc thành kính thờ phụng), làm cho ta câu đối khác đi.”
Trương Đại Mỹ quỳ xuống đất, đọc ra hai vế đối:
“Số định tam phân, phù Hán thất tước Ngô thôn Ngụy, tân khổ bị thường, vị liễu bình sinh sự nghiệp;
Chí tồn nhất thống, tá hi triều phục khấu hàng ma, uy linh phi chấn, chỉ hoàn đương nhật tinh trung.”
Tạm dịch:
“Định số chia ba, phò nhà Hán diệt Ngô trừ Ngụy, đắng cay nếm đủ, đại nghiệp bình sinh chưa hoàn bị.
Chí tồn nhất thống, giúp hưng triều phục địch hàng ma, uy linh lừng lẫy, lòng trung ngày ấy vẫn vẹn toàn.
Vế đầu của câu đối nói việc Quan Công trợ giúp Lưu Bị gây dựng nhà Thục Hán, định số đất nước chia ba, cuối cùng vẫn chưa hoàn thành đại nghiệp thống nhất giang sơn. Trương Đại Mỹ trong mộng nhìn thấy Quan Thánh Đế Quân mặc áo mũ triều Thanh đang làm việc, cho nên chàng ta đã lấy tâm chí trong “Chí tồn nhất thống” của Quan Công khai triển ở vế dưới: “Chí tồn nhất thống, tá hi triều phục khấu hàng ma, uy linh phi chấn, chỉ hoàn đương nhật tinh trung.” Ngụ ý rằng linh Thần của Quan Thánh Đế Quân phò tá thời thịnh thế huy hoàng (*Hi triều: thời thịnh thế huy hoàng), tận sức hoàn thành chí nguyện tinh trung báo quốc nhất thống giang sơn chưa hoàn thành của ông năm đó. Đây là trải nghiệm trong mộng của nho sinh họ Trương. Quan Thánh Đế Quân tán thưởng nói: “Câu đối này có bốn mươi hai chữ, sau này vào năm nào đó ngươi sẽ biết được lợi ích.”
Năm sau, Trương Đại Mỹ tham gia thi Hương. Trong khi làm bài, ý tứ văn chương của chàng không được suôn sẻ. Chàng nghĩ đau cả đầu bèn nhắm mắt dưỡng thần, thoáng chốc bất giác rơi vào mộng cảnh. Chàng mơ thấy Quan Thánh Đế Quân thúc vào khuỷu tay và nói: “Dậy đi, dậy đi! Ngươi quên số chữ ở câu đối rồi à?” Trương Đại Mỹ bừng tỉnh, đột nhiên cảm thấy ý tứ tràn đầy như suối chảy, giống như mình đã có chuẩn bị bản nháp rồi. Khi yết bảng, Trương Đại Mỹ xếp thứ 42, chính là số chữ của câu đối treo ở miếu Quan Đế.
Anh hùng hào kiệt, Phu tử Thánh nhân
Hạ Lực Thứ, tự Quan Xuyên, hiệu cuối đời là Hoàn Nông, ông là nhà văn, nhà sử học và triết học gia nổi tiếng thời nhà Thanh; các học giả gọi ông là Nông tiên sinh. Ông sinh ra ở Hiểu Cảm tỉnh Hồ Bắc, câu đối mà ông viết “Anh hùng kỷ kiến xưng Phu tử, hào kiệt như tư nãi Thánh nhân,” vào những năm Gia Khánh vẫn còn treo trong miếu Quan Đế ở Hiếu Cảm.
Trong “Thu đăng tùng thoại” có ghi chép, vào năm Canh Tý đời vua Khang Hy, Hạ Thái sử (Lực Thứ) mộng thấy bản thân bái yết miếu Quan Đế. Quan Thánh Đế Quân nói với ông: “Câu đối trong miếu đa phần không vừa ý ta, như những chữ ‘Tam phân trung nghĩa’ thể hiện Thục Hán chưa được thống nhất, đúng là động tới chỗ đau của ta, càng khiến ta đau lòng. Viết một câu đối khác thật hay vào, ta sẽ cho ngươi đứng đầu.”
Hạ Lực Thứ được Quan Thánh Đế Quân ban cho một cây bút to, viết ra câu đối: “Anh hùng kỷ kiến xưng phu tử, hào kiệt như tư nãi Thánh nhân” (Tạm dịch: Anh hùng mấy người xứng danh Phu tử, Hào kiệt như thế chính là Thánh nhân).
Trong giấc mộng, câu đối này đã được Quan Thánh Đế Quân tán thưởng. Sau khi tỉnh mộng, Hạ Lực Thứ còn nhớ rõ câu đối đã viết trong mộng. Ông cung kính viết lại câu đối trên bảng gỗ rồi đem treo lên ở cột cổng miếu Quan Đế. Kỳ thi Hương tiếp theo, ông quả nhiên đỗ đầu bảng.
Đôi câu đối này lấy “Anh hùng hào kiệt” và “Phu tử Thánh nhân” ca ngợi Quan Công và sử tích của ông. Câu đối treo ở miếu Quan Đế ở Hiếu Cảm rất lâu, nhân sĩ địa phương nghe nhiều nên thuộc, nhưng về sau, nhiều người không biết nó là do văn sử học gia Hạ Lực Thứ viết.
Trung Thổ lấy bối cảnh lịch sử Tam quốc “tam phân” (chia ba) làm câu đối ở miếu Quan Đế quả thực rất nhiều, những câu đối này thường lưu lại mối hận, khó trách động chạm đến nỗi đau trong lòng Quan Thánh Đế Quân. Ví dụ như:
“Nghĩa tồn Hán thất tam phân đỉnh, chí tại Xuân Thu nhất bộ thư” (miếu Quan Thánh ở Giải Châu).
“Tịch dương khâu thủ tam phân thổ, cổ đạo giang đầu nhất phiến bi” (Đình Bi Thần Đạo ở Lăng Quan Thánh, Đương Dương).
“Bạch mã ô ngưu, dẫn xuất đan tâm nhất điểm; thanh long yển nguyệt, phách khai đỉnh túc tam phân” (Miếu Quan Thánh ở Đồng Lăng, Đông Sơn, Phúc Kiến).
“Thanh đăng quan thanh sử, trứ nhãn tại Xuân Thu nhị tự; xích diện biểu xích tâm, mãn khang tồn Hán đỉnh tam phân” (Lầu Quan Miếu Xuân Thu ở Giải Châu).
“Bách chiến cổ Kinh Châu, trung nghĩa vạn niên tâm thượng xích; tam phân an Hán đỉnh, anh hùng thiên cổ đảm do hàn” (Chính điện Lăng Quan Thánh ở Đương Dương)
Càn khôn cộng lão, nhật nguyệt tranh quang
“Tân Lư Tùy Bút” ghi chép, giữa những năm Gia Tĩnh triều Minh, Phan Thời Lương (còn gọi là Quý Tuần) làm Tư không ở Hồ Châu (Tư không là chức quan, chưởng quản việc xây dựng trên cạn và dưới nước) rất tôn kính Quan Thánh Đế Quân. Khi ông giám sát Nam Hà, có hai con giao long gây họa. Phan Thời Lương mộng thấy Quan Thánh Đế Quân dùng Thần lực trợ giúp mình, về sau, quả thật chém được hai con giao long này.
Vì vậy, nhân sĩ Hồ Châu đã xây dựng miếu Quan Đế ngay tại Bì Sơn, Ngô Hưng để thờ phụng Quan Thánh Đế Quân. Hôm khánh thành miếu Quan Đế, người đến rất đông. Mọi người suy nghĩ sáng tác câu đối, nghĩ tới nghĩ lui nhưng đều chưa ra được câu đối hay. Bỗng nhiên có một anh nông dân không biết chữ nhập tọa nâng bút, viết xuống biển hiệu năm chữ thật to “Hán Thọ Đình Hầu Miếu,” tiếp đến lại viết mười hai chữ làm câu đối: “Du du càn khôn cộng lão; chiêu chiêu nhật nguyệt tranh quang” (Tạm dịch: Thiên Địa lâu dần cũng phải già, Nhật Nguyệt vẫn cùng nhau tỏa sáng).
Anh nông dân viết xong câu đối rồi vội vàng rời đi, không để lại tên tuổi. Có người đuổi theo hỏi, anh ta nói “Không biết mình đã làm cái gì.”
Mọi người đều cảm thấy thể chữ anh nông dân viết rất giống với bút tích của nhà thư pháp nổi tiếng thời Đường là Ngu Thế Nam (Ngu Vĩnh Hưng). Sau đó, mọi người trân trọng đem treo câu đối trên cổng miếu Quan Đế ở Bì Sơn.
Thần tích ở Mai Lĩnh
Quan Thánh Đế Quân báo mộng không chỉ như vậy, mà còn có những Thần tích khác. Ví dụ như, việc xây dựng Mai Lĩnh cũng có nguồn gốc sâu xa từ chuyện Quan Thánh Đế Quân báo mộng.
Mai Lĩnh tức Trường Xuân Lĩnh, nằm trong hồ Bảo Chướng, bắt nguồn từ mạch núi Trung Phong của Thục Cương. Núi này có rất nhiều cây mai, danh tiếng Mai Lĩnh tràn ngập sắc xuân đã có từ rất lâu.
Trình Nguyên người quận Đương luôn ôm ấp tâm nguyện xây dựng Mai Lĩnh, đầu tư thời gian ba năm, bỏ ra khoản tiền lớn hai mươi vạn đồng nhưng làm không thành. Về sau, ông nằm mộng gặp Quan Thánh Đế Quân. Sau khi được Quan Thánh Đế Quân nói cho biết diệu pháp, chỉ vẻn vẹn trong vòng mười ngày ông đã xây dựng xong. Vì thế, ông đã xây miếu Quan Đế trên Mai Lĩnh, từ đây có thể nhìn xuống hồ Bảo Chướng và thưởng lãm toàn cảnh nơi đây.
Câu đối ở Thảo Đường trên Mai Lĩnh như sau: “Bích lạc thanh sơn phiêu cổ vận, lục ba xuân lãng mãn tiền pha” (Tạm dịch: Trời xanh núi thẳm phiêu cổ vận, sắc xanh sóng xuân phủ sườn non). Trời và núi vẫn luôn xanh thăm thẳm, cũng giống như danh tiếng trung nghĩa của Quan Thánh Đế Quân mãi lưu truyền thiên cổ!
Chú thích [1]: Dựa theo “Doanh Liễn Thùng Thoại” của tác giả Lương Chương Cự đã từng nói: “Đến triều Thuận Trị của chúng ta, ông được phong là ‘Trung Nghĩa Thần Vũ Đại Đế’. Điển lệ tôn sùng, thực sự đến ‘chiêu đại’ (*Thời nhà Minh, nhà Thanh, con dân thường dùng từ này để ca tụng triều đại), đã đạt đến chỗ tôn quý nhất.”