Nhân quả ba đời và thiện ác hữu báo (Phần 2): Làm thế nào thoát khỏi luân hồi bất tận?
Tiếp theo Phần 1
Thực chứng ở phương Tây
Chúng ta sẽ chuyển từ phương Đông sang phương Tây, xem xét các ví dụ về chuyển sinh luân hồi. Chúng ta sẽ đề cập đến những trường hợp được nhà tiên tri nổi tiếng ở phương Tây Edgar Cayce (1877-1945) giải thích.
Nhà tiên tri Edgar Cayce có thể thu được thông tin vượt qua thời gian, không gian và kiến thức của nhân loại thông qua trạng thái nhập định. Nếu đưa cho ông họ tên đầy đủ, ngày sinh và địa điểm của một ai đó, thì ông có thể mô tả chính xác các đặc điểm về người đó như tính cách, sở trường, tật xấu, khuyết điểm và hoàn cảnh hiện tại v.v. Thậm chí, ông có thể ngược dòng về các kiếp trước của họ, hoặc dự đoán được tương lai của người đó.
Trong cuộc đời mình, ông Cayce đã tiến hành giải đọc gần 15,000 trường hợp trong trạng thái nhập định. Những trường hợp này đều được ghi chép và lưu giữ cẩn thận. Những giải đọc của ông chủ yếu là để chữa bệnh. Trong đó có 8,976 trường hợp, ông đã chỉ ra được nhân quả một cách chính xác. Qua đó cho thấy căn nguyên của bệnh tật không phải đến từ không gian vật chất của một đời này, mà là đến từ nghiệp lực luân báo, nghĩa là những sai lầm trong kiếp trước đã tạo thành bệnh tật trong kiếp này. Tự mình gieo nhân, tự mình hái quả. Thông qua việc giải đọc, ông đã chữa trị được những căn bệnh nan y mà thuốc men khó có thể chữa được. Ông hướng dẫn bệnh nhân thoát khỏi luân báo, bước đi trên con đường thiện: nếu muốn khỏi bệnh, thì phải nâng cao tinh thần của mình.
Trong cuốn “Những ngôi nhà – Câu chuyện tái sinh của Edgar Cayce” (Many Mansions: The Edgar Cayce Story on Reincarnation), tác giả Gina Cerminara đã phân tích vấn đề biểu hiện bệnh tật trong luân hồi và nghiệp lực. Đây là cuốn sách rất nổi tiếng ở phương Tây. Trong đó có một trường hợp như sau: Một phụ nữ khi mới được 6 tháng tuổi thì mắc bệnh bại liệt, cột sống bị vẹo và chân đi tập tễnh. Khi cô lớn lên, cha cô không hề quan tâm tới cô, thậm chí còn lấy đi số tiền cô đã vất vả kiếm được từ việc nuôi gà. Người yêu đầu tiên của cô đã tử trận trong Đệ nhất Thế chiến. Sau đó cô lại đính hôn với một người khác, người này sau đó đã bỏ rơi cô. Thế nhưng, khổ nạn vẫn chưa kết thúc. Có lần, cô bị ngã cầu thang, lại chấn thương cột sống khiến cô phải nằm liệt giường. Ông Cayce nhìn thấy, trong một kiếp trước, người phụ nữ nhiều nạn nhiều bệnh này sinh ra trong một gia đình quý tộc thời La Mã cổ đại. Kiếp đó, cô thường ngồi trên ghế lô của đấu trường mà cười nhạo những đấu sĩ đang phải đối mặt với thú dữ và cận kề cửa tử. Trường hợp này cho thấy, nếu một người làm tổn hại, bàng quan hay chế giễu trước hoàn cảnh của người khác, thì đều sẽ tạo nghiệp cho chính mình. Món nợ nghiệp này đi theo người đó từ đời này sang đời khác, mãi cho đến khi trả hết mới thôi.
Còn có một trường hợp khác. Có một người mù thực hành theo phương pháp trị liệu của ông Cayce, nội trong ba tháng, mắt trái của ông đã phục hồi thị lực 10%. Trong một kiếp trước nào đó, ông được sinh ra trong một bộ lạc man di ở Ba Tư. Bộ lạc này thường dùng que sắt nung đỏ tra tấn làm mù mắt những tù binh mà họ bắt được. Khi đó, ông chính là người bị sai làm việc này. Trường hợp này triển hiện cho mọi người thấy rằng, cho dù là bị sai khiến làm những việc không tốt, thì vẫn sẽ tạo thành nợ nghiệp, và chắc chắn phải tự mình hoàn trả.
Làm thế nào thoát khỏi nhân quả ba đời và luân hồi bất tận?
Người ác thì có thể khiến người khác phải sợ, nhưng trời không sợ. Người thiện thì có người khinh, nhưng trời không khinh. Trời không xem nhẹ “nhân quả ba đời”! Vậy, làm thế nào mới có thể thoát khỏi luân hồi vô tận của nhân quả? Những ví dụ ở phương Đông và phương Tây nói trên, đều chỉ ra rằng “Thiện” chính là lối thoát. Chỉ có làm việc thiện, tu dưỡng tâm tính, đề cao tầng thứ của sinh mệnh, thì mới có thể cải biến vận mệnh.
Trong trí tuệ cổ xưa của dân tộc Trung Hoa, danh ngôn khuyến thiện là “thiện hữu thiện báo, ác có ác báo.” Khẳng định đều là như vậy! Trong “Chu dịch – Hệ từ hạ” nói: “Thiện bất tích, bất túc dĩ thành danh; ác bất tích, bất túc dĩ diệt thân.” Nghĩa là, không tích việc thiện, không đủ để thành danh; không tích việc ác, không đủ để diệt thân.” Điều này trùng khớp với thuyết pháp của Phật giáo: làm việc tốt được phúc báo, toàn làm việc xấu thì sẽ bị hình thần toàn diệt!
“Kinh Dịch – Khôn Quải” nói: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương.” Nghĩa là, nhà tích thiện tất nhiều niềm vui, nhà tích ác tất gặp tai họa.
“Thượng thư” cũng nói: “Tác thiện giáng chi bách tường, tác bất thiện giáng chi bách ương.” Nghĩa là, làm việc thiện sẽ giáng xuống trăm điều may mắn, làm việc ác sẽ giáng xuống trăm tai ương.
“Chu dịch – Hệ từ hạ” nói: “Tiểu nhân xem việc thiện nhỏ là vô ích, mà không làm nó, xem việc ác nhỏ là vô hại, mà không loại bỏ nó. Cho nên, việc ác tích lại mà không thể che đậy, tội lớn mà không thể tha được.”
Đừng vì chỉ thấy đó là việc thiện nhỏ dễ như trở bàn tay mà xem thường không muốn làm, cũng không nên cho rằng việc ác nhỏ này không ảnh hưởng đến toàn cục, thì không bận tâm, không dụng tâm tu sửa nó. Thực ra, tội lớn đều bắt đầu từ việc tích lũy những tội lỗi nhỏ! Việc đại thiện cũng là bắt đầu từ việc thiện nhỏ, gom góp những hạt cát mà tạo thành tòa tháp!
Chú thích tham khảo:
[2] Nhân quả báo ứng đến như thế nào?
Theo quan điểm của “nhân quả báo ứng,” làm được nhiều việc tốt, thường xuyên làm việc thiện, tất nhiên sẽ nhận được báo ứng “tốt”. Dựa theo Kinh Phật từng nói, con người từ bi hành thiện ở thế gian, sẽ nhận được năm loại phước báo: 1. Tăng tuổi thọ; 2.Thân tâm an ổn; 3. Không bị đao binh, hổ lang, độc trùng làm hại; 4. Sau khi chết được vãng sinh thế giới Cực Lạc; 5. Ở trên Thiên thượng thọ mệnh hết, tái sinh làm người thì trường thọ mà ít bệnh.
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ