Bí mật của lịch sử: Cổ nhân phòng dịch bệnh như thế nào? (Phần 1)
Virus Trung cộng (viêm phổi Vũ Hán) thực ra không đáng sợ! Thời Trung Quốc cổ đại, những trận dịch khốc liệt hơn thế đã xảy ra nhiều lần và lực truyền nhiễm của nó rất mạnh. Nhưng có những người chăm sóc bệnh nhân suốt ngày thâu đêm trong hơn ba tháng mà không nhiễm bệnh. Cũng có những người bị hàng trăm bệnh nhân vây quanh mà không bị lây nhiễm. Vậy, rốt cuộc tại sao những người này không bị nhiễm ôn dịch?
Trong sử sách Trung Quốc có nhiều ghi chép liên quan đến các trận dịch lớn và nhỏ. Trận dịch sớm nhất có thể bắt nguồn từ hơn 4,700 năm trước. Những văn vật Giáp cốt văn ghi lại các trận dịch trong thời nhà Ân, nhà Thương cũng có lịch sử hơn 3,500 năm. Hơn nữa những ghi chép càng gần thời hiện đại thì càng chi tiết, giúp chúng ta có thể học hỏi được nhiều vấn đề. Hãy xem người Trung Quốc cổ đại hiểu về bệnh dịch đến mức độ nào.
Bệnh ôn dịch là gì?
Nhiều người có thể cho rằng, khoa học kỹ thuật thời cổ đại chưa phát triển và khái niệm về bệnh dịch còn mơ hồ. Thực tế hoàn toàn ngược lại, ngay từ thời Chiến Quốc, trong “Hoàng Đế Nội Kinh” đã có một đoạn đối thoại như sau:
Hiên Viên Hoàng Đế hỏi: “Ta nghe nói có năm loại dịch khi phát bệnh thì rất dễ lây nhiễm lẫn nhau. Bất luận là người lớn hay trẻ nhỏ, triệu chứng đều giống nhau. Nếu không dùng phương pháp trị liệu, làm sao có thể tránh được việc lây nhiễm chéo?” Danh y thời thượng cổ Kỳ Bá hồi đáp: “Người không bị nhiễm khi năm loại dịch phát bệnh là do trong cơ thể có chính khí dồi dào, tà khí không thể xâm nhiễm được, hơn nữa còn khiến độc khí phải rời khỏi cơ thể. Khí độc được hít vào cơ thể thông qua mũi. Sau đó khí này từ não thoát ra ngoài nên không thể can nhiễu đến cơ thể con người.”
Cuộc đối thoại cách đây 4,700 năm này đã mô tả chính xác đặc điểm của bệnh truyền nhiễm và chỉ ra nguyên nhân là do khí độc lây truyền qua đường hô hấp. Về sau, trong trước tác “Ôn dịch luận” của Ngô Hựu Khả, người thời Minh đưa ra kiến giải này: “Bệnh ôn dịch không phải do gió, lạnh, nóng hay ẩm ướt gây ra, mà là do cảm nhiễm một loại khí lạ giữa trời đất. Nơi chứa tà khí có trời thâu nhận và có truyền nhiễm, tuy sự cảm nhiễm khác nhau nhưng bệnh thì giống nhau. Khí ở miệng và mũi của người phàm thông với thiên khí, chỉ cần nguyên khí sung mãn thì tà khí khó xâm nhập. Nếu gặp lúc nguyên khí có sự hao tổn, thiếu hụt, thì lúc hô hấp, tà khí bên ngoài nhân đó mà xâm nhiễm. Có chín phương thức lây lan dịch bệnh, nhưng nó không phải biểu hiện ở bề mặt. Chín lần lây truyền nghĩa là mỗi người nhiễm cùng một bệnh nhưng có chín lần lây truyền. Khi dịch bệnh đến, tà khí từ miệng và mũi xâm nhập, vào đến mô nguyên rồi nằm yên ở đó và chưa bộc phát nên người bệnh không thể nhận biết được”.
Ông viết: “Ôn dịch là một loại khí lạ giữa trời đất. Có người tự nhiễm, có người bị lây nhiễm. Bệnh độc xâm nhập thông qua đường hô hấp ở miệng và mũi. Nếu chính khí bản thân đầy đủ thì sức đề kháng sẽ mạnh, ngược lại sẽ dễ bị nhiễm bệnh.” Hơn nữa, ông còn cho rằng, ôn dịch có thể ẩn nấp trong thân thể người bệnh, chứ không phát tác và vô tri vô giác truyền nhiễm sang người khác. Điều này chẳng phải rất giống với đặc điểm của virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán) sao? Chúng ta cần biết rằng, những luận điểm do Kỳ Bá và Ngô Hựu Khả đề xuất đều ở trong tình huống không có kính hiển vi để nhìn. Nhưng hiện tại, tất cả điều này đã được chứng thực.
Những ghi chép trong nhiều sách y học có thể chứng minh, thời Trung Quốc cổ đại, Trung y rất phát triển và không hề lạc hậu như chúng ta tưởng tượng. Người xưa đã biết tường tận về tính lây nhiễm của ôn dịch như vậy, liệu có ai tình nguyện ở cùng một chỗ với người bệnh không? Sau đây là một số trường hợp tiếp xúc lâu dài với bệnh nhân vì nhiều lý do khác nhau, và chúng ta hãy tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân khiến họ không bị lây nhiễm bệnh.
Ai miễn nhiễm với ôn dịch?
Thời nhà Thanh, có một vị danh y nổi tiếng tên là Lưu Khuê, tự Văn Phủ, hiệu Tùng Phong. Trong trước tác “Tùng Phong thuyết dịch” viết vào năm Càn Long thứ 47 (1782), ngoài việc liệt kê cụ thể các dược phương và thủ pháp điều trị bệnh ôn dịch, trong thiên mở đầu, ông đã dành phần lớn thiên này để trích lục các ghi chép liên quan đến dịch bệnh.
“Tấn thư – Hiếu hữu – Dữu Cổn truyện”
“Tấn thư – Hiếu hữu – Dữu Cổn truyện,” quyển 88 ghi chép:
Hoàng hậu của Tấn Minh Đế nhà Tây Tấn có một bá phụ tên là Dữu Cổn, nổi tiếng hiếu thuận. Khi ông còn trẻ, ở quê nhà xảy ra một trận ôn dịch. Hai người huynh của ông đã qua đời, người huynh thứ hai cũng trong tình trạng nguy kịch. Bệnh chướng độc ngày càng dữ dội, Cha mẹ dự định đưa những người em lánh đi nơi khác nhưng Dữu Cổn không chịu đi cùng. Khi cha và các huynh đệ bắt buộc ông phải rời đi, Dữu Cổn nói: “Con không sợ nhiễm bệnh.”
Ông ở lại đích thân chăm sóc cho nhị huynh, ngày đêm không ngủ. Ông còn canh linh cữu cho các huynh đã khuất. Cứ như vậy, hơn một trăm ngày sau, dịch bệnh thuyên giảm, gia đình trở về, nhị ca cũng khỏi bệnh, còn Dữu Cổn vẫn bình an vô sự. Các phụ lão hương thân cảm thán nói: “Đứa trẻ này quả thực là không tầm thường! Có thể kiên định giữ trách nhiệm mà người khác không thể giữ được, làm những việc mà người khác không thể làm được. Thực đúng là lúc tiết trời giá rét mới thấy được tùng bách có khả năng chịu lạnh tốt hơn những cây khác, mà bệnh dịch cũng tựa hồ không thể lây nhiễm sang người tốt.”
Danh y Tùng Phong nhận xét: “Người hiếu đễ với huynh đệ, Trời vì thế mà che chở cho họ.”
Về vấn đề này, danh y Lưu Khuê cũng bình luận: “Người hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng huynh trưởng, ông Trời sẽ bảo hộ che chở cho họ.”
“Thái thượng cảm ứng thiên đồ thuyết”
Trong cuốn sách “Thái thượng cảm ứng thiên đồ thuyết” ghi chép:
Thời Tấn, có một người tên là Cố Thành sống ở phía đông Lăng Thành. Con dâu ông ấy là người họ Tiền. Lúc cô con dâu về nhà thăm cha mẹ đẻ, thì dịch bệnh xảy ra rất mạnh và lây lan nhanh từ người này qua người khác. Nhiều gia đình, nhiều ngõ phố không còn ai sống sót. Điều này khiến mọi người vô cùng sợ hãi, đến mức người thân bị bệnh cũng không dám qua lại thăm hỏi. Cố Thành nhiễm bệnh đầu tiên, sau đó đến vợ và các con, cả thảy có tám người, tất cả đều nằm trên giường chờ mệnh số. Nàng dâu nghe tin, nóng lòng muốn quay về nhưng cha mẹ đẻ lại hết sức ngăn cản. Nàng dâu nói: “Con trai lấy vợ chẳng phải để chăm sóc, hiếu thuận với cha mẹ hay sao. Nay cha mẹ chồng đều bệnh nặng, nhưng con dâu nhẫn tâm không về, con so với cầm thú nào có khác gì? Nếu con thực sự bước vào tử lộ, mong cha mẹ chớ đến thăm nom.” Thế là, nàng tự mình rời đi. Trong thành, có người nghe thấy ma quỷ nói với nhau rằng: “Chư Thần bảo hộ nàng dâu hiếu thảo trở về! Chúng ta còn ở đây không chạy nhanh ắt sẽ phải chịu tội không nhỏ.” Một gia đình tám người nhờ vậy đều sống sót. Chuyện này xảy ra vào tháng Ba năm Giáp Ngọ thời Thuận Trị.
Danh y Tùng Phong nói: “Tà không thể lấn được chính, đức hiếu thảo có thể cảm động đến Trời cao, lương thiện thực sự là phương thuốc chữa bệnh vậy.”
“Tùy Thư – Quyển 73 – Liệt truyện thứ ba mươi tám – Tuần lại” của Đường Nguỵ Trưng
Hai câu chuyện vừa kể đều là về người thân trong gia đình nhiễm bệnh dịch. Vậy nếu là người không có quan hệ huyết thống thì có người tận tâm tận lực chăm sóc họ như vậy không?
Trong “Tùy thư” ghi chép, quả thực có một quan viên như vậy.
Vào thời vua Văn Đế nhà Tùy, có một vị quan là Tân Công Nghĩa, vì có công nên được phong làm Thứ sử Mân Châu (tỉnh Cam Túc ngày nay). Tuy nhiên, người dân địa phương có tục lệ xấu là “sợ hãi bệnh tật,” nếu người nhà bị bệnh, cả nhà sẽ tránh xa. Cha mẹ, vợ chồng, anh chị em thảy đều không quan tâm, để người bệnh tự sinh tự diệt. Khi Tân Công Nghĩa đến đây, ông quyết tâm thay đổi tình thế. Ông sai thuộc hạ đưa tất cả bệnh nhân về công sở của mình để chăm sóc cho họ. Vào mùa hè, bệnh dịch bùng phát, số bệnh nhân tăng lên hàng trăm người. Tân Công Nghĩa kê một chiếc giường thấp trong đại sảnh và làm việc cả ngày lẫn đêm để chăm sóc bệnh nhân. Tất cả bổng lộc của ông đều dùng để mua thuốc cho người bệnh. Ông nói với người thân của bệnh nhân rằng: “Sống chết do mệnh, không liên quan gì đến việc tiếp xúc với nhau. Trước đây các ngươi đã bỏ rơi người nhà bị bệnh, khiến họ tử vong. Bây giờ ta tập hợp những người bệnh ở đây, ngày đêm ở bên họ, nếu nhiễm bệnh dịch, chẳng phải ta đã sớm mất mạng rồi sao? Huống hồ ở đây có vài người đã khỏi bệnh rồi!” Gia đình những bệnh nhân này sau khi biết chuyện đều rất hổ thẹn. Về sau, tục “sợ bệnh” ở địa phương này dần dần bỏ đi, mà Tân Công Nghĩa cũng được người dân địa phương tôn xưng là “từ mẫu.” Đây mới là vị quan “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân) chân chính!
Lưu Khuê đã bình luận về câu chuyện này trong cuốn sách của mình rằng, sở dĩ Tân Công Nghĩa không mắc bệnh dịch là vì ông là người nhân ái thanh chính, có tâm hành thiện mà đắc được kết quả tốt. Các quan viên trong thiên hạ đều nên hiểu rõ việc “thiện đãi đồng bào” (đối xử tốt với người dân của mình.)
“Tặng Thừa Đức Lang Tả Xuân phường Tả Trung Doãn Trương Quân mộ biểu” trong “Đông lý tục tập,” Quyển 31, của Dương Sĩ Kỳ, thời Minh
Trong “Đông lý tục tập” thời nhà Minh ghi lại rằng, vào thời Minh Thành Tổ Chu Lệ, phụ thân của Hình bộ Chủ sự tên là Trương Ngạn Thầm. Trong gia tộc của ông có người mắc phải bệnh dịch, người thân và bằng hữu đều né tránh không tiếp xúc. Ông đích thân chuẩn bị thuốc uống, ngày đêm không nghỉ. Ông nói một câu như thế này: “Ta làm những việc bản thân nên làm, quỷ Thần sẽ không làm hại ta. Những hàng cây ven đường đều che chở cho con người nghỉ ngơi, hóng mát. Tại sao giữa con người với nhau lại không thể giúp đỡ lẫn nhau?”
“Nguyên sử” – quyển 197
“Nguyên sử” ghi chép rằng, có một người tên là Tí Nhữ Đạo ở Tề Hà, Đức Châu. Một năm nọ, vùng này xảy ra một trận đại dịch, có người nhân vì ăn dưa đã đổ mồ hôi mà khỏi bệnh. Tí Nhữ Đạo sau khi nghe tin liền mua rất nhiều dưa và gạo, đưa đến từng nhà. Có người khuyên: “Dịch bệnh dễ lây, ông không nên vào nhà người bệnh.” Ông cũng không để tâm đến điều này. Nếu có người bị bệnh qua đời, ông còn tặng một cỗ quan tài để người nhà chôn cất. Đến cuối cùng, Tí Nhữ Đạo vẫn không nhiễm bệnh.
“Cổ Bàn châu Lý xử sĩ mộ chí minh” trong “Dương Văn mẫn tập,” quyển 24, thời Minh
“Dương Văn mẫn tập” ghi chép: Đương thời, trong một đại gia tộc họ Lưu, toàn bộ người nhà đều bị bệnh. Người thân thích và hàng xóm sợ lây bệnh không dám đến thăm. Lý Quỹ nghe tin thì cảm khái nói: “Mọi người đều là đồng hương, giúp đỡ lẫn nhau lúc hoạn nạn mới là việc làm chính đáng. Sao có thể chỉ ngồi im mà không quản?” Ông cùng với gia nhân già trực tiếp chuyển đến sống cùng người nhà họ Lưu, ngày đêm chăm sóc bệnh nhân trong hơn một tháng. Sau khi họ bình phục hoàn toàn thì hai người mới rời đi.