Bí mật của lịch sử: Cổ nhân phòng dịch bệnh như thế nào? (Phần 2)
Xem thêm: Bí mật của lịch sử: Cổ nhân phòng dịch bệnh như thế nào? (Phần 1)
Virus Trung cộng (viêm phổi Vũ Hán) thực ra không đáng sợ! Thời Trung Quốc cổ đại, những trận dịch khốc liệt hơn thế đã xảy ra nhiều lần và lực truyền nhiễm của chúng rất mạnh. Tuy nhiên, có những người chăm sóc bệnh nhân suốt ngày thâu đêm trong hơn ba tháng mà vẫn không bị nhiễm bệnh. Còn có những người bị hàng trăm bệnh nhân vây quanh mà không bị lây nhiễm. Vậy, rốt cuộc tại sao những người này không bị nhiễm ôn dịch?
Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu người Trung Quốc cổ đại có hiểu biết như thế nào về dịch bệnh và một số câu chuyện về những người chăm sóc bệnh nhân trong nhiều tháng, hoặc bị hàng trăm bệnh nhân vây quanh nhưng đều không bị lây nhiễm. Phần này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân những người này miễn nhiễm ôn dịch từ góc độ thí nghiệm khoa học.
Thí nghiệm khoa học
Mọi người đều biết ôn dịch có tính truyền nhiễm rất cao. Vậy tại sao những người được nhắc đến đều không bị nhiễm bệnh? Từ góc độ khoa học, chúng ta có thể phân tích một số điểm, như cảm xúc có ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể con người không? Trên thực tế, cảm xúc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của con người.
Từ hơn một trăm năm trước, vào tháng Tư năm 1903, Elmer Gates, một nhà khoa học, nhà phát minh và nhà tâm lý học người Mỹ, đã công bố kết quả nghiên cứu như vậy. Thông qua các thí nghiệm hóa học, ông phát hiện khí của những người có tâm trạng khác nhau thở ra là khác nhau, các thành phần trong xét nghiệm nước tiểu của những người này cũng khác nhau. Ông cũng phát hiện, những người có tâm trạng tích cực sẽ đẩy nhanh quá trình “tân trần đại tạ” (thay cũ đổi mới) của cơ thể, phục hồi tế bào của bản thân và sản sinh chất dinh dưỡng. Ngược lại, những người có tâm trạng tiêu cực sẽ khiến thân thể sản sinh ra các chất độc hại, gây tổn thương cho lục phủ ngũ tạng, cuối cùng dẫn đến tử vong.
Về sau, còn có rất nhiều thí nghiệm tương tự như vậy. Năm 2007, giáo sư Đạo đức sinh học người Mỹ Stephen Post và nhà văn Jill Neimark là đồng tác giả của cuốn sách có nhan đề “Tại sao người tốt lại có được phúc báo” (Why Good Things Happen to Good People). Cuốn sách này đã tổng hợp và liệt kê đầy đủ hơn 500 thành quả nghiên cứu khoa học do Tiến sĩ Post biên soạn trong 10 năm.
Từ nhiều góc độ khác nhau, những thực nghiệm này đã chứng minh khi con người có thiện niệm sẽ mang lại hàng loạt thay đổi trong cơ thể. Đặc biệt, các tế bào miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động mạnh, giúp con người ít bị bệnh và sống thọ hơn. Khi con người có những cảm xúc tiêu cực, bao gồm ác ý, đố kỵ, sợ hãi, v.v. thì khả năng miễn dịch và các chức năng khác nhau của cơ thể sẽ suy giảm. Điều này chẳng phải trùng khớp với lời Kỳ Bá đã nói cách đây 4,700 năm rằng “những người không bị lây nhiễm bệnh là vì trong cơ thể tồn tại chính khí, nên tà khí không thể xâm nhập được,” “nơi tà khí tụ lại thì khí ở đó tất suy yếu” sao?
Tại sao con người bị nhiễm ôn dịch?
Những người bị truyền nhiễm ôn dịch có phải đều do khả năng miễn dịch của họ thấp? Trên thực tế, đây chỉ là biểu hiện bề mặt. Ngoài việc chẩn đoán và trị liệu trên bề mặt cơ thể, y học Trung Quốc thời cổ đại tập trung nhiều hơn vào những bộ phận mà mắt thường không nhìn thấy được, chẳng hạn như sự vận hành của kinh mạch và bộ phận thuộc tầng diện tinh thần., Mọi người cũng sẽ có những suy nghĩ sâu sắc hơn về nguyên nhân đằng sau bệnh tật và tai họa.
Trong cuốn “Tùng Phong thuyết dịch” trích dẫn hai ví dụ về việc ngược đãi động vật.
Một người ở Phượng Tiên Kiều, Hàng Châu, kiếm sống bằng nghề nấu thịt ba ba. Người này thích mua ba ba đang còn sống, sau đó cho vào nồi nước sôi khiến nó chết thảm, ai nhìn thấy cũng cảm thấy thương xót. Rồi thì nạo ruột, róc xương, róc thịt, chiên với ngũ vị hương, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt. Trong nhiều năm hành nghề này, anh ta thu được không ít lợi nhuận. Sau đó, anh ta đột nhiên bị nhiễm bệnh. Lúc đầu, anh ta bị rụt cổ, co quắp tay chân, nằm bẹp trên giường. Mấy ngày sau, anh ta lại duỗi tay ra, bò đi như ba ba, sau đó lại bò vào phòng, dần dần bò ra khỏi nhà. Người nhà cấm anh ta làm như vậy, nhưng anh ta thường xuyên muốn cắn người. Lúc sắp mất, anh ta bò ra chợ, vòng đi vòng lại như con ba ba. Ai nhìn cũng biết đó là quả báo của việc nấu thịt ba ba. Sau bảy ngày, cơ thể anh ta bốc mùi hôi thối và tử vong.
Ở Lâm Xuyên có một người vào núi bắt được một con vượn con và đưa nó về nhà. Vượn mẹ sau đó cũng đi theo anh ta. Người này trói vượn con vào một gốc cây. Vượn mẹ níu lấy anh ta, muốn cầu xin anh ta thương xót, nhưng người đàn ông này không tha và sát hại vượn con. Vượn mẹ kêu khóc thảm thiết và gieo mình tử tận. Khi anh ta mổ bụng vượn mẹ ra thì thấy ruột đều đã đứt vỡ. Trong vòng nửa năm, gia đình người này đều bị bệnh và không một ai sống sót.
Cổ nhân vẫn luôn tin rằng bệnh dịch là do Dịch quỷ (quỷ ôn dịch) gây ra. Trong âm gian có ác quỷ chuyên gieo rắc bệnh dịch. Giống như câu chuyện về cô con dâu họ Tiền đã nói đến, những tiểu quỷ mà cha chồng của cô nghe được chúng nói trong nhà chính là Dịch quỷ. Dịch quỷ cũng không thể tùy ý làm hại dân chúng.
Trong “Tùng Phong thuyết dịch” ghi chép lại những phép tắc mà Dịch quỷ phải tuân theo khi lây lan dịch bệnh.
Thời Tống, có một người tên là Tấn Vân. Trước khi anh ta chưa hiển đạt, lúc ra ngoài vào ngày đầu năm thì gặp phải một đám ác quỷ. Khi được hỏi thì chúng đáp: “Đám chúng ta là Dịch quỷ, truyền dịch bệnh tại nhân gian.” Tấn Vân hỏi: “Gia đình ta có ai bị bệnh không?” Quỷ đáp: “Không.” Tấn Vân hỏi tiếp: “Tại sao?” Tên quỷ nói: “Nhà ông ba đời trừ ác, hành thiện, tương lai quý hiển, đám chúng ta sao dám vào vào nhà ông.” Nói xong, chúng liền rời đi.
Những người sống ở ven Thái Hồ đều tham gia vào việc giết mổ động vật, nhưng chỉ có nhà của Thẩm Văn Bảo luôn làm việc thiện, họ còn mua lại động vật để phóng sinh. Khi ôn dịch đang hoành hành, có người nhìn thấy một đám Dịch quỷ cầm một bó cờ, nói với nhau rằng: “Ngoại trừ nhà họ Thẩm phóng sinh hành thiện ra, những nhà còn lại đều cắm cờ.” Không lâu sau, tất cả những người trong làng đều nhiễm bệnh dịch qua đời, chỉ còn lại nhà họ Thẩm tránh được tai họa.
Câu chuyện trong “Đức dục cổ giám” do Sử Khiết Trình thời nhà Thanh biên soạn
Trước đây, trong thành xảy ra trận đại dịch, có một ông lão tóc trắng đã dạy một gia đình giàu có cách pha chế thuốc cấp cho người trong thành, những người bị bệnh đều khỏi, còn gia đình giàu có kia thì toàn gia đều miễn dịch. Sau đó, có người nhìn thấy hai Dịch quỷ đi qua cửa nhà giàu có nọ và nói chuyện với nhau: “Người này âm đức vô lượng, được Cát Thần ủng hộ, sao chúng ta dám vào nhà được?”
Tùng Phong nói: “Âm đức vô lượng, thực là phương thuốc tốt tiêu trừ dịch bệnh. Nó ở ngay trước mắt thế nhân.” [Trong cuốn “Tùng Phong thuyết dịch” do danh y Lưu Khuê thời nhà Thanh biên soạn].
Trong “Kinh Dịch – Khôn Quái – Văn ngôn viết” có một câu mà mọi người có thể đã từng nghe, đó là: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nhà nào tích thiện, tất dư niềm vui; nhà nào tích ác, tất nhiều tai họa). Từ hàng ngàn năm nay, người Trung Quốc đều tin rằng những việc xấu bản thân làm không phải chỉ có bản thân chịu quả báo, mà thậm chí còn ảnh hưởng đến gia đình và con cháu nhiều đời sau. Đây là xét từ góc độ nhỏ như gia đình và cá nhân. Vậy, khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng trong xã hội thì điều này giải thích thế nào?
Thiên tai nhân họa
Trong “Thái Bình quảng ký” trích lục câu chuyện được ghi lại trong “Thần Tiên cảm ngộ truyện” được biên soạn vào cuối thời Đường và Ngũ Đại – Câu chuyện về Đạo sĩ Vương Toản.
Đạo sĩ Vương Toản là người ở Kim Đàn. Vào cuối thời Tây Tấn, Trung Nguyên hỗn loạn, nạn đói tràn lan, dịch bệnh hoành hành. Người bị chướng khí độc tử vong vô số, làng mạc hoang tàn, thây người ngổn ngang. Vương Toản ở trong tịnh thất, cấp tốc dâng tấu chương cầu Thần linh cứu trợ người dân. Ông đã khóc ròng rã suốt ba ngày ba đêm.
Thành tâm của ông làm cảm động Thiên Đình, vì vậy Thái Thượng Đạo Quân đã đến gặp ông, truyền thụ cho ông hai bộ chân kinh để bài trừ dịch bệnh. Hai bộ chân kinh này, hiện nay chúng ta không thể tìm thấy. Thái Thượng Đạo Quân đã cho đạo sĩ Vương Toản biết nguyên nhân của dịch bệnh.
Đạo Quân nói: “Một âm một dương biến hóa vạn vật, ngũ hành phát huy tác dụng. Ngũ hành tương hỗ thì cùng hưởng sự tốt đẹp. Mỗi thứ đều có thịnh suy, thay thế chuyển hóa lẫn nhau, không bao giờ ngừng nghỉ. Bởi thế, sinh sinh vô cùng, khí khí tiếp liền chẳng dứt. Từ ức kiếp đến nay, chưa từng gián đoạn. Người nào có được sự sống, hợp với thuần dương, thì thăng thiên thành Tiên. Người nào bước vào tử lộ, chìm đắm nơi âm u, xuống đất làm quỷ. Trong đám quỷ có tốt có xấu, có mạnh có yếu, có cương có nhu, có thiện có ác, giống hệt thế nhân. Ngọc Hoàng Thiên Tôn, lo lắng quỷ Thần tùy tiện làm càn ở chốn thế nhân, nên thường ra lệnh cho Ngũ đế Tam quan kiểm tra và chế ngự họ, lại thảo ra luật lệnh, hình phạt không gì không minh bạch, đầy đủ. Tuy nhiên, người dân thời mạt thế đẫy rẫy những kẻ giả dối, sự thuần khiết ban đầu đã mất đi, sinh ra tâm lừa gạt, dối trá. Họ bất trung với vua, bất hiếu với cha mẹ, làm trái những điều được răn dạy về tam cương ngũ thường, tự đẩy mình vào chỗ diệt vong. Khí xấu tụ lại trong sáu ngày, bè đảng ma quỷ cùng những binh tướng đã tử trận trong các thời kỳ lịch sử đã kết tụ với nhau làm hại dân chúng. Họ hô mưa gọi gió, nhân lúc quốc gia suy yếu, tìm kiếm sơ hở để gây ra nhiều bệnh tật. Người bị bệnh vô số. Cũng có những người không thể sống hết thọ mệnh, buồn khổ vì chịu Thiên oan.”
“Thái Bình quảng ký,” Quyển 230, Khí ngoạn nhị
Cuối mùa đông năm đó, Độ dẫn Ngự sử đến Nhuế Thành phụng lệnh. Độ nắm trong tay quyền lo việc ở đạo Hà Bắc, mở kho lương cứu trợ Thiểm Đông. Khi ấy, khắp thiên hạ đang có nạn đói lớn, người dân các nơi đều bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, ở Phúc Kiến và Thiểm Tây, bệnh dịch càng nghiêm trọng.
Ở Hà Bắc có một người tên là Trương Long Câu, là một tiểu lại dưới quyền của Độ. Trong nhà anh ta có khoảng chục người lương thiện và nghèo khó, nhất thời đều đổ bệnh. Độ thương xót họ, nên đem gương tặng cho Long Câu mang về nhà để anh ta chiếu vào ban đêm. Tất cả những người bị bệnh lúc nhìn vào gương đều sợ hãi nói: Họ “nhìn thấy Long Câu ôm mặt trăng phản chiếu, ánh sáng chiếu đến nơi thì cơ thể lạnh như băng, lục phủ ngũ tạng đều lạnh giá.” Trong tức thời, nhiệt độ của người bệnh lại nóng lên và đến tối thì bệnh đã khỏi hoàn toàn. Mọi người đều cho rằng gương này không hại gì mà còn cứu giúp nhiều người.
Độ bí mật mang gương này đi cứu giúp bách tính. Đêm hôm đó, chiếc gương trong hộp đột nhiên phát ra tiếng kêu, âm thanh vang đi rất xa, thật lâu sau mới dừng lại. Trong lòng Độ cảm thấy kỳ lạ. Sáng sớm hôm sau, Long Câu đến và nói với Độ rằng: “Hôm qua, tôi đột nhiên mơ thấy một người, đầu rồng mình rắn, đội mũ đỏ, mặc áo tím. Người này nói với tôi: ‘Ta là tinh của chiếc gương, tên là Tử Trân. Anh có đức hiếu với cha mẹ, cho nên ta mới đến giúp, anh hãy cảm tạ Vương Công giúp ta. Bách tính có tội nên Trời phạt nhiễm bệnh, sao có thể bảo ta làm trái với Thiên ý cứu giúp những người đó được? Vả lại, đến cuối tháng, bệnh của những người đó dần dần sẽ khỏi, không cần khiến ta mệt nhọc thêm nữa.” Độ cảm thấy kỳ lạ, nên từ đó ghi nhớ kỹ chuyện này. Tháng sau, bệnh dịch quả nhiên dần khỏi, đúng như lời người kia nói.
“Thái Bình quảng ký,” quyển 325, Quỷ thập
Tư Mã Văn Tuyên, người Hà Nội, là người tín Phật. Đột nhiên, có một con quỷ đứng trên đầu linh sàng [giường thờ người mới mất] của mẫu thân ông. Da của nó màu đỏ, thân thể rất cao và cường tráng. Con trưởng của Văn Tuyên có lòng hiếu thảo với tổ mẫu, nên đã hỏi nó, hai bên đối đáp qua lại khá chu tất. Trang phục của nó có vẻ đáng sợ, nhưng nhìn lâu thành quen mắt. Con quỷ cũng trở thành quen thuộc, ra vào nhà họ như người nhà. Sau khi Mã gia chuyển về Kinh sư, nó thỉnh thoảng đến thăm và để lại dấu tích trên cửa.
Khi đó ở chùa Nam Lâm có một vị tăng nhân. Vị này cùng với tăng xá sa môn chùa Linh Châu và quỷ thường trò chuyện với nhau khá vui vẻ. Quỷ nói: “Kiếp trước tôi có được sự tôn quý. Vì tôi làm nhiều việc ác, phải nhận quả báo nên trở thành quỷ.” Quỷ nói tiếp: “Vào năm Dần, có bốn trăm con quỷ gây ra trận ôn dịch lớn, khiến nhiều người phải chịu tai họa. Người không ngộ Đạo, mà phạm tội vô số, tổn hại nhiều phước lành, nên tôi ở đây để giám sát họ.”
Tăng nhân đưa cho quỷ thức ăn, nó nói: “Tôi có đồ ăn riêng nên không thể ăn món này.” Tăng nhân hỏi: “Quỷ biết nhiều chuyện, có biết vì sao tôi sinh ra lại làm Đạo nhân không?” Quỷ đáp: “Trong cõi thế nhân, xuất gia là do nhân duyên, vốn cũng là thệ nguyện của mình.” Khi hỏi về sự tồn vong, sinh tử, quỷ đều trả lời rõ ràng và đều rất linh nghiệm. Bởi vì chúng liên quan đến nhiều vấn đề nên không chép lại ở đây.
Mặc Tử
Nhiều người không tin những câu chuyện về Thần Tiên, quỷ quái này. Vậy chúng ta hãy xem Mặc Tử, một nhà tư tưởng nổi tiếng thời Chiến Quốc viết gì trong cuốn sách của mình. Trong “Mặc Tử – Thiên chí” viết: “Hiện nay, người thiên hạ đều nói: ‘Thiên tử tôn quý hơn chư hầu, chư hầu tôn quý hơn đại phu, điều này ai cũng biết. Nhưng lại không biết Thiên Thượng không những tôn quý mà còn cao minh, sáng suốt hơn Thiên tử. Mặc Tử nói: ‘Ta biết Thượng thiên tôn quý và minh trí hơn Thiên tử, lý do là: Thiên tử hành thiện, Thiên Thượng sẽ ban thưởng cho Thiên tử; Thiên tử hành ác, Thiên thượng sẽ trừng phạt Thiên tử; Thiên tử nhiễm bệnh hay gặp tai họa, thì tất phải trai giới tắm gội, chuẩn bị rượu ngon và đồ ăn sạch sẽ, tinh khiết tế lễ Thiên Thượng. Có như vậy Thiên Thượng mới giúp Thiên tử thoát khỏi bệnh tật và tai họa. Nhưng ta chưa từng nghe Thiên Thượng cầu xin Thiên tử ban phước. Đó chính là lý do ta biết Thiên Thượng tôn quý và trí huệ cao hơn Thiên tử.’”
“Nếu con người không làm điều Trời muốn họ làm, mà lại làm điều Trời không muốn, vậy thì Thiên Thượng sẽ không làm điều con người mong muốn, mà làm điều con người không muốn. Con người không muốn điều gì? Đó là bệnh tật và tai họa. Nếu Thiên tử không làm điều Thiên Thượng muốn, mà làm điều Thiên Thượng không muốn, thì đó chính là đang dẫn dắt bách tính khắp thiên hạ rơi vào trong tai họa. Vì vậy, các vị Thánh Vương thời xưa đều hiểu rõ làm việc gì để Thiên Thượng giáng phúc lành, và tránh làm những điều mà Thiên Thượng chán ghét, để cầu mong khắp thiên hạ có được lợi ích và trừ bỏ được những tai họa cho dân chúng. Vì vậy, Thiện Thượng an bài tiết khi nóng lạnh nóng phù hợp, bốn mùa thuận lợi hòa hợp với âm dương, mưa sương thuận theo mùa, ngũ cốc chín muồi, gia súc sinh sản, bệnh tật và thiên tai ôn dịch cũng như nạn đói sẽ không đến. Vì thế Mặc Tử nói: ‘Người quân tử trong thiên hạ ngày nay, nếu trong lòng hy vọng tuân theo Thánh đạo, làm lợi cho nhân dân, khảo xét sự căn bản của nhân nghĩa, thì tất phải tuân theo Thiên ý!’”