Những câu chuyện về trí tuệ của cổ nhân
Không thể phủ nhận rằng, trí tuệ của cổ nhân khiến con người thời nay cũng phải ngưỡng mộ. Một bộ “Đạo Đức Kinh” chỉ vỏn vẹn năm nghìn chữ đã tiết lộ một cách sâu sắc quy luật ra đời, phát triển và trường tồn của vạn sự vạn vật cũng như con người làm cách nào để có thể phản bổn quy chân; Một bộ “Luận ngữ” chưa đến một vạn chữ được suy tôn là chuẩn mực của Nho gia, là kinh điển học tập của các bậc nhân sĩ và là khuôn mẫu chiến lược chính trị của các nhà lãnh đạo, hơn nữa đến tận ngày nay vẫn chưa có quyển sách nào vượt qua được nó; Ngoài ra, một bộ “Binh pháp tôn tử” chưa đến sáu nghìn chữ đến nay vẫn là quyển sách mà các nhà quân sự không thể bỏ qua.
Vậy, “trí tuệ” là gì? Trong “Tuân Tử – Tử Đạo” có ba đoạn đối thoại. Khổng Tử lần lượt hỏi đệ tử của ông là Tử Lộ, Tử Cống và Nhan Uyên hai vấn đề: “Người có trí tuệ thì nên như thế nào? Người nhân đức thì nên như thế nào?”.
Tử Lộ cho rằng: “Người có trí tuệ có thể khiến người khác hiểu được mình, người nhân đức có thể khiến người khác yêu thương mình”.
Tử Cống cho rằng: “Người có trí tuệ có thể hiểu được người khác, người nhân đức có thể yêu thương người khác”.
Nhan Uyên nói rằng: “Người có trí tuệ tự biết rõ mình, người nhân đức có lòng tự trọng”.
Từ đó có thể thấy, người có trí tuệ thì biết người, biết mình và khiến người khác hiểu được mình. Khổng Tử viết: “Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ”, tức người trí tuệ gặp chuyện thì không mê muội, người nhân đức thì không lo lắng, người dũng cảm thì không sợ hãi. Ban Cố, sử gia nổi tiếng thời Hán, cũng từng nói rằng: “Trí giả, trí dã. Độc kiến tiền văn, bất hoặc vu sự, kiến vi giả dã”, ý rằng người có trí tuệ có thể sở hữu tri thức phong phú, nhưng người có tri thức phong phú lại chưa hẳn là người có trí tuệ, bởi vì trí tuệ bao gồm suy nghĩ cẩn thận, phân biệt rõ ràng, mưu lược, nhạy bén…
Thế gian này còn có một loại đại trí tuệ, đó chính là trí tuệ của Phật gia. Trong con mắt nhà Phật, thế giới hiện thực mà con người khổ sở chấp trước, kỳ thực là một thế giới giả tượng và thống khổ, nhân loại chẳng qua chỉ là dùng tâm trí của mình để tạo ra một thế giới thống khổ và phiền não cho chính mình. Do đó, đại trí tuệ của nhà Phật chính là khai mở huệ căn và thiện căn trong tâm mỗi người, dẫn dắt con người từ thế giới giả tượng tiến vào thế giới chân ngã, và cuối cùng đạt đến “giác hạnh viên mãn”, tức là khai mở trí huệ. Đây cũng là lý do tại sao chữ “Huệ (慧)” trong tiếng Hán được nhà Phật sử dụng nhiều nhất, chẳng hạn như định huệ, đại huệ, bổn huệ, giới định huệ v.v.
Trong lịch sử Trung Quốc, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc được xem là đại biểu cho nhân vật có trí tuệ, dân gian lưu truyền rất nhiều câu chuyện về trí tuệ của ông, ví như: không thành kế, thuyền cỏ mượn tên, đốt hương gảy đàn, Long Trung đối sách, mượn gió Đông, rơi lệ chém Mã Tắc, bảy lần bắt Mạnh Hoạch v.v. Điều thần kỳ hơn nữa là Gia Cát Lượng với trí tuệ tuyệt vời của mình, trước khi được Lưu Bị mời ra làm quan thì ông sớm đã dự kiến được thiên hạ chia ba, đồng thời còn biết rõ thiên hạ nhà Hán không thể phục hưng trở lại. Vậy tại sao ông vẫn xuất sơn phò tá Lưu Bị? Điều thứ nhất là vì thuận theo thiên ý, thứ hai là báo đáp ơn tri ngộ của Lưu Bị.
Gia Cát Lượng “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”, đã lưu lại cho hậu nhân không chỉ mưu trí tuyệt vời và lòng trung nghĩa đối với Lưu Bị, mà còn để lại một bộ kỳ văn “Mã tiền khóa”, dự ngôn về các sự kiện lớn trong lịch sử kéo dài từ sau thời Tam Quốc đến tận ngày nay. Hậu nhân khi tưởng tượng Gia Cát Lượng tay cầm quạt lông đầu đội mũ rong ruổi khắp thiên hạ, không khỏi cảm thán rằng: Lẽ nào Gia Cát Lượng chính là Thần nhân chuyển thế?
Quân sự gia Tôn Tẫn sống vào thời Chiến Quốc cũng là một người mưu trí, ông phò tá Tề Uy Vương gặt hái được nhiều thắng lợi. “Điền Kỵ tái mã” là một điển tích được lưu truyền rộng rãi. Câu chuyện kể về Tôn Tẫn khi vừa đến nước Tề, tướng quân Điền Kỵ rất ngưỡng mộ ông, đối đãi với ông như thượng khách. Điền Kỵ thường cùng với các công tử của nước Tề tổ chức thi đua ngựa, tiền cược rất lớn. Tôn Tẫn phát hiện chất lượng ngựa của Điền Kỵ không hơn kém nhau là bao, có thể phân thành thượng đẳng, trung đẳng và hạ đẳng. Do đó, Tôn Tẫn đã nói với Điền Kỵ rằng: “Ngài chỉ việc đặt cược lớn, tôi có thể giúp ngài chiến thắng”. Điền Kỵ tin tưởng và đồng ý với Tôn Tẫn, ông lấy ra ngàn lượng vàng đặt cược với Tề Vương và các Công tử. Lúc trận đấu sắp bắt đầu, Tôn Tẫn nói: “Bây giờ hãy dùng ngựa hạ đẳng của ngài để đấu với ngựa thượng đẳng của họ, dùng ngựa thượng đẳng của ngài đấu với ngựa trung đẳng của họ, dùng ngựa trung đẳng của ngài đấu với ngựa hạ đẳng của họ”. Sau khi kết thúc ba trận đấu, Điền Kỵ thắng hai trận, thua một trận, cuối cùng đã thắng được ngàn lượng vàng tiền cược của Tề Vương. Sau đó, Điền Kỵ tiến cử Tôn Tẫn với Tề Uy Vương, nhờ đó mà nước Tề về sau mới được hùng mạnh.
(Trích từ “Sử ký – Tôn Vũ truyện”).
Rất nhiều người đều biết đến câu chuyện Khổng Dung nhường lê, Khổng Dung là một văn học gia nhà Đông Hán, thuở nhỏ ông không những nhân hậu, hiếu thảo mà còn rất thông minh. Năm mười tuổi, ông theo phụ thân đến Lạc Dương. Quan Ti Lệ giáo úy lúc đó là Lý Nguyên Lễ rất có tiếng tăm, người đến nhà ông đều là những bậc tài trí xuất chúng, những bậc thanh cao cũng như người thân của ông thì mới được thông báo. Khổng Dung đi đến trước phủ của ông ấy, rồi nói với người gác cổng rằng: “Tôi là người thân thích của Lý phủ quân”. Sau khi thông báo lên trên, Khổng Dung tiến về phía trước rồi ngồi xuống. Lý Nguyên Lễ bèn hỏi: “Ngươi và ta có quan hệ thân thích gì?”. Khổng Dung đáp: “Tổ tiên của tôi là Khổng Tử, ngày trước từng bái tổ tiên của ngài là Lão Tử làm thầy, vì vậy tôi và ngài là quan hệ thân thích qua lại, bằng hữu đời đời kiếp kiếp”.
Lý Nguyên Lễ và những vị khách kia không cảm thấy kỳ lạ khi nghe những lời nói của Khổng Dung. Thái trung đại phu Trần Vĩ một lúc sau mới đến, có người kể lại cho ông về những lời của Khổng Dung, Trần Vĩ nói: “Lúc nhỏ rất thông minh, lớn lên chưa chắc đã có tài hoa”. Khổng Dung nghe lời ấy xong đã nói: “Tôi đoán ngài lúc nhỏ nhất định rất thông minh”, Trần Vĩ nghe xong cảm thấy rất bất an.
Văn nhân Trương Cử thời Tam Quốc lúc còn làm huyện lệnh huyện Cú Chương đã gặp một vụ án: Người vợ là Lữ thị vì có nhân tình bên ngoài nên đã giết chết chồng mình là Phẩm Chính, sau đó lại phóng hỏa thiêu xác, rồi nói dối rằng chồng mình chết vì hỏa hoạn. Em trai của Phẩm Chính là Phẩm Lương liền báo quan. Trương Cử nhanh chóng đến hiện trường, nhìn thấy Phẩm Chính đã bị thiêu cháy, lệnh cho nha dịch cạy miệng của xác chết ra kiểm tra, phát hiện bên trong không có tro. Trương Cử sai người đem đến hai con heo để làm thực nghiệm, đem giết chết một con rồi châm củi đốt. Kết quả thực nghiệm cho thấy lúc xảy ra hỏa hoạn thì người đã chết không thể hít bụi than vào trong miệng được. Điều này chứng minh rằng Phẩm Chính đã bị giết chết trước khi có hỏa hoạn. Án tình đã rõ, Lữ thị bị bắt về quy án. Đây chính là vụ phán xử “Thiêu heo xử án” nổi tiếng.
(Trích từ “Chiết ngục quân giám”).
Trong mười năm chấp chính, Hoàng đế Thuận trị thời nhà Thanh rất nghiêm khắc kiềm chế bản thân, siêng năng với các việc triều chính. Ông đã áp dụng một loạt các chính sách có lợi cho đất nước và dân chúng, cũng rất đồng cảm với nỗi khổ của bách tính. Chẳng hạn như sự việc xây dựng lại cung Càn Thanh, ông đã tiếp thu kiến nghị của các quan đại thần, dùng toàn bộ tiền và lương thực dành cho công trình để cứu tế bách tính đang chịu thiên tai. Ông cũng khuyên răn các quan đại thần về sau cần phải tiết kiệm trong các hoạt động yến tiệc hội hè, đồng thời khen thưởng những phú hộ nguyện ý cứu trợ lương thực cho bách tính.
Ngoài ra, Hoàng đế Thuận Trị còn tiếp tục áp dụng chính sách nhẹ phu dịch, ít thuế má, giảm nhẹ áp lực và an định cuộc sống cho người dân, xóa bỏ những loại thuế má dư thừa từ thời Vạn Lịch triều Minh, thuế má ở các vùng có thiên tai đều được miễn trừ.
Tuy nhiên, phú quý tại nhân gian không thể khiến Thuận Trị cảm thấy thực sự vui vẻ. Ông có hứng thú rất lớn đối với Phật học, thường thỉnh mời các tăng nhân nổi tiếng vào cung để giảng kinh. Ông từng nói rằng bản thân mình kiếp trước nhất định là một tăng nhân, bởi vậy “mỗi khi đến chùa đều lưỡng lự một hồi lâu mà không nỡ rời đi”. Thuận Trị qua đời vì bệnh vào năm 24 tuổi, lúc còn sống ông yêu cầu được hỏa táng và cử hành pháp sự sau khi mất.
Tác giả: Chu Hiểu Huy
Lý Mai biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ