Một chút khám phá về văn hóa ‘Thổ’ thời Trung Quốc cổ đại (Phần 1)
Trái Đất nơi con người sinh sống chủ yếu là do đất tạo thành. “Thổ” (đất) là nguồn tài nguyên thiên nhiên phổ biến nhất của nhân loại. Từ điển “Thích danh” do Lưu Hi thời Đông Hán soạn viết có ghi: “Thổ, thổ dã, thổ sinh vạn vật dã.” (Tạm dịch: Đất, nở ra [nhả ra], nảy nở ra vạn vật). Hình dạng của chữ “Thổ” 土 là sử dụng phương pháp tạo chữ tượng hình, giống như một cái cây mọc lên từ mặt đất. Mà âm đọc của chữ “Thổ” 土 là lấy phương thức cận âm của chữ “Thổ” 吐, (như thế) những thứ mọc tự nhiên từ đất giống như những thứ được phun nhả ra từ miệng đất mẹ. Hứa Thận, một học giả kinh điển thời Đông Hán, trong cuốn “Thuyết văn giải tự” đã tổng kết rằng: “Thổ, là nơi nhả sinh sự vật. Ở dưới đất và trong lòng đất, mọi thứ đã thành hình.” Nhận thức của người xưa về thổ địa (đất đai) rất rõ ràng và minh xác, ‘gia có gia điền, quốc có quốc thổ.’ Trong xã hội loài người thời thượng cổ, nông nghiệp và chăn nuôi đều dựa vào sự ban tặng ruộng đất màu mỡ, cuộc sống nhờ vậy mới có thể tồn tại và tiếp diễn.
Người xưa đã có hiểu biết hệ thống về chất đất
Người ta nói rằng, trong trận đại hồng thủy thời thượng cổ, khi Đại Vũ trị thủy đã phân định ranh giới chín châu và tiến hành khảo sát chi tiết các loại sản vật khác nhau trong thiên hạ. Những điều mang tính tổng thể đã được ghi lại trong thiên “Thượng Thư – Vũ Cống.” Một trong những hạng mục khảo sát chính là đã mô tả rõ ràng về chất đất ở chín châu:
Ký Châu thổ bạch nhưỡng (chất đất ở Ký Châu là đất trắng mềm dẻo. Nhưỡng 壤, tương đương với đất xốp mềm.)
Duyện Châu thổ hắc phần (chất đất ở Duyện Châu là đất đen màu mỡ. Phần 墳, ở đây chủ yếu đề cập đến thổ nhưỡng được hình thành do động, thực vật mục nát tích tụ lại thành trầm tích.)
Thanh Châu thổ bạch phần (chất đất ở Thanh Châu là đất xám. Có lẽ do hiện tượng phân hủy xác động, thực vật tích tụ trong đất ở khu vực này dẫn đến đất có màu trắng xám.)
Từ Châu thổ xích thực phần (chất đất ở Từ Châu là đất sét nâu. “Thực” 戠, (âm zhí), thông với tự dạng “Thực” 埴.)
Dương Châu thổ đồ nê (chất đất ở Dương Châu là đất bùn ẩm.)
Kinh Châu thổ đồ nê (chất đất ở Kinh Châu cũng là đất bùn ẩm.)
Dự Châu thổ duy nhưỡng, hạ thổ phần lô (chất đất ở Dự Châu là đất xốp, nhão, phần dưới lớp đất này là đất cứng màu đen.)
Lương Châu thổ thanh lê (chất đất ở Lương Châu là loại đất màu mỡ màu xanh đen.)
Ung Châu thổ hoàng nhưỡng (chất đất ở Ung Châu là đất màu vàng).
Những mô tả tỉ mỉ này đã khiến các học giả hậu thế kinh ngạc. Nó đề cập đến vùng lãnh thổ trong phạm vi rất rộng lớn, hơn một nửa lãnh thổ hiện tại của Trung Quốc. Đồng thời, đã lý giải và nhận biết hết sức đầy đủ về các loại chất đất. Đây cũng là điều hiếm có trong lĩnh vực địa chất học.
Nhưỡng (壤): Đất mềm. (Nhưỡng là đất mềm, xốp, đất này có thể canh tác.)
Lô (壚): Đất đen cứng. (Lô là thổ nhưỡng màu đen có kết cấu chắc chắn. 壚, phát âm là lú.)
Tuynh (㙚): Đất cứng đỏ. (Tuynh là đất cứng màu nâu đỏ. 㙚, phát âm là xīng.)
Thực (埴): Đất sét. (Thực là đất sét. 埴, phát âm là zhí.)
Phác (墣): Đất dạng khối. (Phác là đất cục. 墣, phát âm là pú.)
Ác (堊): Đất bùn trắng. (Ác là đất trắng. (堊), phát âm là è.)
Ai (埃): Bụi. (Ai là đất hạt nhỏ.)
Những nhận thức mang tính biểu diện này cho phép chúng ta có thể suy ra rằng, người xưa đã tự giác nhận biết và điều tra các loại đất và đặc tính của chúng một cách có hệ thống. Điều này đã giúp ích rất nhiều cho việc canh tác đất đai, lợi dụng các loại chất đất khác nhau để phục vụ sản xuất và chế tạo. Theo cuốn sách “Chu Lễ” được lưu truyền từ thời nhà Hán, triều đình thời cổ đại đã thành lập một bộ phận là “Địa Quan Tư Đồ.” Trách nhiệm chính của bộ phận này là quản lý tất cả các vấn đề lớn nhỏ liên quan đến đất đai và các việc trong sản xuất và đời sống liên quan đến nó.
Bí ẩn về giá trị dược dụng của đất
Nếu nói rằng, công dụng của các loại đất là để trồng trọt, xây dựng và nung gốm thì mọi người sẽ thấy dễ hiểu. Nhưng có một điều có lẽ mọi người chưa từng quan tâm đến, đó là ngay từ trước thời nhà Tần, nhà Hán, Trung y đã bắt đầu nghiên cứu trạng huống của chất đất và sử dụng nó làm thuốc.
Ví dụ, trước tác kinh điển “Thần Nông bản thảo kinh” được xem là lâu đời nhất hiện nay của Trung y chia các loại thuốc thành: Ngọc Thạch Bộ, Thảo Bộ, Mộc Bộ, Quả Thái Bộ, Mễ Cốc Bộ, và Trùng Thú Bộ. Ngọc Thạch Bộ chủ yếu bao gồm một số khoáng chất đá được sử dụng làm thuốc. Trong số đó, có một loại đất bùn màu trắng tên là “Bạch ác,” có “vị đắng tính ấm,” có thể dùng làm thuốc, chủ yếu dùng để chữa các bệnh phụ khoa.
Vào thời nhà Minh, Lý Thời Trân đã thu thập những thành tựu to lớn của các thế hệ trước và biên chép thành “Bản thảo cương mục,” chuyên đề cập đến dược liệu thuộc Bộ Thổ. Cuốn sách liệt kê tổng cộng có đến sáu mươi mốt loại dược liệu chất thổ, khiến người đọc không khỏi thán phục. Các loại “Bạch ác,” “Cam thổ,” “Mặc,” “Đông hôi,” và “Thạch kiểm” được đề cập đến trong sách ít nhiều được một số người tín nhiệm Trung y hiện nay đã công nhận. Đương nhiên, hầu hết các dược liệu thuộc bộ Thổ khác đều gây nhiều tranh cãi và thường bị Tây y (y học khoa học) lấy làm ví dụ để chỉ trích.
Ví dụ, “Bản thảo cương mục” nói rằng “bùn giun đất” có thể được sử dụng làm thuốc, nhưng từ nhận thức học thuật của Tây y hiện nay lại rất khó để tìm thấy cơ sở lý thuyết y học nào. Hãy thử tưởng tượng xem, giun chui vào đất bùn, sau khi ăn xong còn bài tiết ra, loại đất này dùng làm thuốc, vậy có thể tìm thấy cơ sở y học nào không?
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn từ góc độ của các nhà nông học và thực vật học, chúng ta sẽ lý giải được vấn đề. “Bùn giun đất” là loại đất mà giun đã ăn và bài tiết ra, nó xác thực khiến đất tơi xốp, khởi tác dụng rất tốt cho hiệu quả trồng cây và hiệu quả hấp thụ dinh dưỡng của cây cối ở trong lớp đất này. Loại hiệu quả này không thể đạt được bằng cách cày bừa, trồng trọt và bón phân thông thường. Vậy bùn giun đất có tác dụng đặc biệt gì trong vấn đề đang nói đến? Chúng ta tin rằng, các chuyên gia nghiên cứu về thổ nhưỡng sẽ tìm ra đáp án sâu hơn. Nhưng từ mức độ hiểu biết thông thường, điều này gợi mở cho chúng ta vài câu hỏi. Liệu bùn giun đất có tạo ra một loạt phản ứng hóa học hữu cơ hoặc vô cơ trên đất ở một mức độ nhất định không? Nếu những phản ứng năng lượng này tồn tại, phải chăng cũng có thể chứng minh một cách trắc diện rằng, bùn giun đất có tác dụng chữa bệnh nhất định? Chúng ta không nên phủ nhận hoàn toàn kinh nghiệm thường thức đã tích lũy hàng trăm nghìn năm của cổ nhân. Thái độ của chúng ta là nên đối diện với vấn đề nêu ra và nghiên cứu nó một cách khách quan.
Lý Thời Trân cũng ghi lại một trường hợp bệnh thần kỳ liên quan đến dược liệu “Bộ Thổ.” Ông kể, ngày trước có một nữ tử, không biết tại sao cô ấy đột nhiên lại ăn bùn bẩn từ sông và mỗi ngày đều ăn mấy bát. Nhưng không có lời giải thích điều gì xảy ra với người phụ nữ này sau khi ăn nó, xem ra có lẽ sức khỏe thể chất của cô ấy bình thường, thân thể không có gì nghiêm trọng. Vậy, tại sao mỗi ngày cô ấy lại ăn bùn? Sau đó, có một vị “ẩn sĩ Ngọc Điền” đến và đặc biệt kê riêng cho người phụ nữ này một phương thuốc dân gian. Ông pha nước với “Bích gian bại thổ” và cho người phụ nữ đó uống, kết quả cô ấy đã khỏi bệnh. Người phụ nữ không còn ăn bùn bẩn ở sông nữa. “Bích gian bại thổ” này chính là lớp đất bùn trên tường đã bị hư hỏng sau khi phơi nắng lâu ngày. Người xưa khi dựng nhà đều dùng đất bùn làm vách tường như vậy.
Lý Thời Trân đã ghi lại trường hợp bệnh này vì ông có thể suy tìm cứ liệu trên lý thuyết y học. Ông cho rằng, nguồn gốc của nó xuất phát từ một trường hợp bệnh do Đào Hoằng Cảnh (456 đến 536 sau Công Nguyên) thời Nam triều phát minh ra: “Đất trên bức tường phía đông của ngôi nhà này thường được mặt trời rọi chiếu trước tiên. Nó còn có thể loại bỏ dầu mỡ, thắng toán thạch và hoạt thạch.” Điều này có nghĩa là, mặt trời thường chiếu vào đất trên bức tường phía đông, tạo tác dụng bôi trơn và làm sạch rất tốt. Bối cảnh vật chất thời đại của trường hợp y lý này đương nhiên liên quan đến môi trường không khí và vật liệu xây dựng mà người cổ đại sinh sống. Vì vậy, chúng ta không thể so sánh với môi trường không khí và vật liệu xây dựng của con người ngày nay.
Ngày nay, khoa học cũng đã nhận thức được rằng, thổ chất thổ nhưỡng khác nhau sẽ hàm chứa các khoáng chất và thể sinh mệnh hữu cơ khác nhau. Nhưng các thành phần này liệu có công dụng trong công nghiệp và y dược hay không? Chủ đề này không chỉ mang lại nhiều bí ẩn chưa có lời giải, mà còn phá vỡ sự hiểu biết thông thường của con người về thổ nhưỡng. Giống như “bùn giun đất” được đề cập trước đó, trường hợp này không chỉ là vấn đề hồ sơ bệnh án, mà còn có thể là vấn đề vượt ra ngoài khái niệm “tiến hóa luận.” Hãy thử tượng tượng xem, đặc sắc thổ nhưỡng của Trái Đất nơi con người sinh sống không chỉ ‘thiên kỳ bách quái’, muôn hình muôn vẻ, mà hơn nữa, trong thổ nhưỡng của Trái Đất còn tồn tại hệ thống sinh mệnh hữu cơ và chức năng tuần hoàn vô cơ khổng lồ và phức tạp. Vì sao ở các tinh cầu (hành tinh) khác không có trạng huống tương tự? Các tinh cầu (hành tinh) khác đã tiến hóa hàng tỉ năm, cớ sao không có hoàn cảnh sinh thái và đặc điểm thổ nhưỡng giống như của Trái Đất? Việc nêu ra vấn đề này sẽ giúp lý giải và khám phá bản chất và tác dụng y học của thổ nhưỡng trên Trái Đất. Tất nhiên, nội hàm của vấn đề này đã vượt ra khỏi lĩnh vực y học. Nó thuộc về bí ẩn chưa có lời giải của lĩnh vực học thuật rộng lớn hơn.