Thần tích về rồng: Cuộc kỳ ngộ giữa Đường Huyền Tông và rồng
Rất nhiều câu chuyện về Rồng đã được lưu lại từ thời xa xưa. Đối với người hiện đại mà nói, có người cho rằng “rồng” chỉ là một khái niệm, cũng có người nói những câu chuyện về rồng chỉ là một loại truyền thuyết Thần thoại mà thôi. Có điều rất thú vị là, tại sao từ xưa đến nay, mỗi dân tộc đều liên quan đến những câu chuyện Thần thoại? Năm nay là năm Giáp Thìn, chúng ta hãy cùng hồi tưởng lại một số câu chuyện về Rồng.
Sơn Thần núi Ngọc Tứ thời Hán có kỳ ứng – Rồng ở Ngọc Lương Quán hiển thị sự thần kỳ
Trên núi Ngọc Tứ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, có một đạo quán tên là Ngọc Lương Quán. Tương truyền, xà ngang trong đại điện của Ngọc Lương Quán vốn do một con rồng trắng hóa thành.
Những năm Hán Vũ Đế tại vị, mỗi khi gặp hạn hán hay gặp nạn châu chấu, người dân ở vùng xung quanh núi Ngọc Tứ, tỉnh Hồ Nam, đều sẽ cầu xin Sơn Thần núi này phù hộ, mỗi lần cầu đều được ứng nghiệm. Người dân nơi này luôn cảm động và nhớ đến sự bảo hộ của Sơn Thần. Thế nên, mọi người bàn bạc muốn xây dựng một tự quán để ca ngợi kỳ tích linh ứng của Sơn Thần.
Khi xây dựng đại điện, mọi người vẫn chưa tìm kiếm được cây khô để dựng làm xà ngang trong đại điện. Người dân đã tìm kiếm mười mấy ngày nhưng vẫn không tìm được cây gỗ thích hợp. Một buổi tối nọ, đột nhiên cuồng phong gào thét, sấm sét đan xen, mãi cho đến sáng hôm sau, trời mới quang đãng. Lúc này, từ trên trời giáng xuống một cây xà ngang bằng bạch ngọc, nghiêm cẩn đặt xuống ở phía trên điện, vừa vặn với kích thước của xà nhà. Xà nhà bằng bạch ngọc rực rỡ lóa mắt, Ngọc Lương Quán cũng vì thế mà có tên như vậy [“Ngọc lương” 玉樑 có nghĩa là xà nhà bằng ngọc].
Ngụy Vũ Đế phái người lấy xà ngọc, xà ngọc cuối cùng hóa rồng bay đi
Thời Ngụy Vũ Đế trị vì, ông từng phái người đến lấy xà ngọc. Nhưng khi sứ giả đến Ngọc Lương Quán vào giờ Ngọ, lúc đó họ còn cách đạo quán mấy dặm đường, thì đột nhiên sấm sét nổi lên, nóc điện nứt ra, xà ngọc hóa thành một con rồng trắng, cưỡi mây đạp gió bay đi và biến mất ở dưới chân núi phía đông của đạo quán.
Đến năm Vĩnh Gia thời Tấn, có một người họ Đới rất thích du ngoạn núi rừng để ngắm nhìn các mỏm núi đá. Anh ta tình cờ đi đến dưới một chân núi cây cối rậm rạp, và phát hiện hai khối đá xanh lớn đang chống đỡ một thanh xà bạch ngọc. Người họ Đới phủ phục xem xét, phát hiện chỗ tay xoa nhẹ vào có năm hàng chữ đỏ đều là chữ triện linh thiêng trên Thiên Thượng. Anh thử dùng búa đang cầm trên tay gõ gõ vào xà ngọc. Lúc này, xà ngọc phát ra âm thanh như tiếng chuông, tiếng sấm, lại thấy dường như có vảy rồng tróc ra. Người họ Đới vô cùng hoảng sợ, vội vàng chạy về báo cho người khác biết. Thế nhưng, khi anh ta quay trở lại chỗ cũ, thì xà ngọc đã biến mất không thấy dấu tích.
Vào năm Đại Lịch thứ nhất thời Đường [năm 766], có một người tên Hoàng Sinh ở Vô Dao trong lúc đi săn cũng từng nhìn thấy xà ngọc. Sau đó, có mấy người cũng tình cờ nhìn thấy, nhưng họ đều giữ bí mật không nói ra. Từ sau khi xà ngọc bay đi, xung quanh Ngọc Lương Quán không còn thích hợp cho con người cư trú. Độc xà, mãnh thú thường ẩn hiện ở nơi đó. (Trích từ “Ngọc Tứ Sơn Lục”).
Cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa Hoàng đế Đường Huyền Tông và rồng
Hoàng đế Đường Huyền Tông và rồng có duyên phận kỳ diệu. Ông từng có vài cuộc kỳ ngộ với rồng.
Rồng đi theo bảo hộ
Khi danh tiếng Đường Huyền Tông còn chưa hiển lộ, ông sống ở cung Hưng Khánh. Đến lúc Huyền Tông lên ngôi, trong hồ Hưng Khánh có một con rồng nhỏ xuất du đến Ngự Câu Thủy ở ngoài cung. Hình dáng của nó uốn lượn kỳ lạ, tư thế tuyệt đẹp. Bộ dáng nó thoắt ẩn thoắt hiện khiến người ta kinh ngạc. Phi tần và những cung nhân không ai không nhìn thấy.
Sau đó, trước hôm Đường Huyền Tông chuẩn bị rời khỏi Tây Thục một ngày, con rồng kia đột nhiên từ trong hồ bay vọt lên, vắt ngang không trung, cưỡi mây trắng, bay về phía tây nam. Văn võ bá quan ở nơi đó đều tận mắt thấy cảnh tượng tráng quan này. Lúc Huyền Tông đi đến sông Gia Lăng và chuẩn bị lên thuyền qua sông, ông nhìn thấy con rồng nhỏ tiến lên trước sát bên cạnh thuyền. Các quan theo hầu ngự giá đều tận mắt nhìn thấy cảnh này.
Huyền Tông cảm động đến rơi lệ. Ông nói với cận thần tả hữu: “Đây chính là con rồng nhỏ trong hồ Hưng Khánh của ta đó!” Thế rồi, ông sai người vẩy rượu xuống sông, tự mình khấn nguyện. Lúc này, rồng mới từ trong nước nhanh chóng vọt lên, rồi bay vút đi.
(Trích từ “Tuyên thất chí).
Huyền Tông đích thân bắn chết rồng đen
Đường Huyền Tông chuẩn bị đi đến Thái Sơn. Khi đến sông Chiên Nhiên ở Huỳnh Dương, ông nhìn thấy dưới sông có một con rồng đen, liền ra lệnh cho người mang cung tên đến và tự mình giương cung bắn hạ. Ngay khi mũi tên được bắn đi, con rồng đã biến mất không còn dấu vết. Từ đó về sau, sông Chiên Nhiên trở nên khô cạn và chỉ chảy ngầm dưới đất. Cho đến trăm năm sau, nó vẫn như vậy.
Sông Chiên Nhiên bắt nguồn từ Tế Thủy, từ Tế Thủy chảy tràn ra ngoài tạo thành Huỳnh Thủy, nên được gọi là sông Chiên Nhiên. Con sông “Chiên Nhiên” này đã được nhắc đến trong “Tả Truyện.” (Trích từ “Khai thiên truyền tín ký” của Trịnh Khải, thời Đường”).
Long Nữ hồ Lăng Ba hiện thân
Sau loạn An Sử (cuộc nổi loạn do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh cầm đầu), một hôm khi Đường Huyền Tông đang nghỉ ngơi trong cung điện ở đông đô Lạc Dương, ông mơ thấy một cô gái quỳ lạy ở trước giường. Nàng có dung mạo diễm lệ, búi tóc trên đầu hình trái tim, thân khoác một chiếc áo choàng rộng.
Huyền Tông hỏi: “Ngươi là ai?” Nàng đáp: “Thiếp là Long Nữ trong hồ Lăng Ba của Bệ hạ. Thiếp bảo vệ hoàng cung và hộ vệ Thánh giá, cũng là một hạ thần có công. Bệ hạ là người hiểu rõ âm nhạc trên Thiên Thượng. Xin bệ hạ ban cho thiếp một khúc nhạc, để làm rạng rỡ cho tộc loại của thần thiếp.”
Trong giấc mộng, Hoàng đế cầm chiếc đàn hồ cầm lên, kết hợp giữa khúc nhạc cũ và khúc nhạc mới, tấu bài “Khúc Lăng Ba” cho nàng nghe. Long Nữ bái tạ Huyền Tông hai lần rồi mới rời đi.
Sau khi tỉnh dậy, Hoàng đế vẫn còn nhớ rất rõ bản nhạc ấy. Ngày hôm đó, ông ra lệnh trong cung cấm chơi nhạc, còn bản thân lại cầm đàn tỳ bà lên luyện tập rất nhiều lần. Sau đó, ông cho mời các quan tùy tùng đến dự yến tiệc trước hồ trong cung Lăng Ba, để diễn tấu khúc nhạc mới.
Lúc này, sóng trong hồ đột nhiên dâng cao, trong chốc lát lại yên tĩnh trở lại. Tiếp đó, có một vị Nữ Thần xuất hiện giữa làn sóng nước, chính là cô gái mà Hoàng đế Huyền Tông đã nhìn thấy trong giấc mộng đêm qua. Nàng ở trên mặt nước lắng nghe một lúc lâu mới từ từ biến mất. Thế là, Hoàng đế ra lệnh cho xây dựng một ngôi miếu trên hồ Lăng Ba và tổ chức tế lễ hàng năm. (Trích từ “Dật sử”).
Hình dáng của rồng ở không gian khác
Những câu chuyện trên đã thể hiện rõ hình dáng và các Thần tích khác nhau của rồng. Rồng có đủ loại màu sắc, hình dạng, sống trong một không gian mà người bình thường không thể nhìn thấy. Có rồng thiện lương bảo vệ nhân gian, cũng có rồng xấu tác oai tác quái. Thời cổ đại, rồng đã lưu lại nhiều hình ảnh và câu chuyện lý thú. Con người ngày nay không nhìn thấy được, có thể nguyên do là tư tưởng ý thức của con người hiện đại càng ngày càng bị vật chất hóa và ngày càng xa rời cảnh giới tinh thần. Tuy nhiên, dù con người ngày nay không nhìn thấy rồng, họ cũng không thể phủ nhận sự tồn tại của nó trong quá khứ và hiện tại ở các không gian khác mà bản thân mình chưa biết!
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ