Gặp dị tượng ‘Huỳnh Hoặc thủ tâm,’ cách ứng phó khác nhau có thể dẫn đến những kết quả khác nhau
“Huỳnh Hoặc thủ tâm” là một hiện tượng thiên văn chỉ việc Sao Hỏa trong quá trình di chuyển đến gần trung tâm và phát sinh việc “lưu thủ” tại vị trí đó. Vào thời Trung Quốc cổ đại, đây là thiên tượng được xem là điềm đại hung. Trong cuốn “Ất Tỵ chiếm – Quyển 5” của Lý Thuần Phong chỉ ra rằng, tất cả những nơi (Sao) Hỏa đến và lưu lại, đều sẽ gặp đại họa, đế vương băng hà, đất nước diệt vong. Nếu quân vương có thể tu đức hạnh thì không những tránh được vận hạn mà còn gia tăng thêm phúc phận.
Ba câu của Tống Cảnh Công đã đẩy lùi Sao Huỳnh Hoặc, kéo dài tuổi thọ
Vào năm thứ 37 đời Tống Cảnh Công thời Xuân Thu, tức năm 480 trước Công Nguyên, xuất hiện thiên tượng “Huỳnh Hoặc thủ tâm” (Hỏa tinh). Khi Tống Cảnh Công biết được hiện tượng sao Huỳnh Hoặc tiến vào vị trí của Tâm Tú (chòm ba ngôi sao Tâm), ông cảm thấy vô cùng lo lắng, nên ông đã triệu kiến Thái sử kiêm ti Tinh Quan Tử Vi để hỏi về hàm ý sâu xa của tinh tượng này và cách ứng phó với nó.
Cảnh Công hỏi: “Vì sao Huỳnh Hoặc lại tiến vào vị trí sao Tâm và ngụ ở đấy?” Thái sử Tử Vi hồi đáp: “Sao Huỳnh Hoặc đại biểu cho sự trừng phạt của Thiên thượng. Nó ngụ tại sao Tâm là đối ứng với lãnh thổ của nước Tống, điều này có nghĩa là tai họa sẽ đến với Quân vương. Nhưng, tai họa này có thể chuyển sang cho Tể tướng.”
Cảnh Công nói: “Tể tướng và Quả nhân cùng trị vì đất nước, ông ấy giống như tay chân của ta vậy.”
Thái sử lại nói: “Nó cũng có thể chuyển sang cho bách tính.” Cảnh Công trả lời: “Nếu không có bách tính, vậy ta làm Quốc quân của ai đây? Chẳng bằng ta một mình chịu họa tử tận.”
Tử Vi lại đề xuất: “Vậy có thể chuyển tai họa sang mùa màng nông nghiệp trong một năm.” Cảnh Công đáp: “Một khi mùa màng bị hư hại, thất bát, thì người dân sẽ đói khát mà mất mạng. Làm quân chủ mà sát hại dân chúng để bản thân được sống sót, một quân chủ như vậy liệu có ai muốn theo chứ? Chẳng lẽ vẫn có thể làm quân chủ sao? Nếu đây đã là mệnh số của Quả nhân, ông không cần phải nói thêm gì nữa.”
Thái sử nghe xong lời của Cảnh Công, lập tức rời khỏi chỗ ngồi, trịnh trọng hướng về phía bắc nơi Cảnh Công đang ngồi lạy hai lạy, sau đó nói với ông rằng: “Hạ thần chúc mừng Quân Vương! Tuy trời ở nơi cao nhưng lại có thể nghe thấy tất cả mọi lời ở chốn hạ trần. Quân Vương đã ba lần nói những lời chí đức, Thiên thượng nhất định sẽ ban thưởng cho Ngài ba lần. Đêm nay, sao Huỳnh Hoặc sẽ lùi lại ba xá (một tinh tú là một xá), Quân vương có thể kéo dài tuổi thọ của mình thêm 21 năm nữa.”
Cảnh Công hỏi: “Làm sao mà ông biết được?” Thái sử đáp: “Nói ra ba lời thiện lành chắc chắn sẽ có ba phần thưởng. Sao Huỳnh Hoặc khi thoái lui phải đi qua bảy vì sao, một vì sao đại biểu cho một năm, ba nhân bảy bằng hai mươi mốt, vậy nên hạ thần nói rằng Quân vương có thể kéo dài tuổi thọ của mình thêm 21 năm. Thần thỉnh cầu đêm nay được chờ đợi bên ngoài cung điện để quan sát sao Huỳnh Hoặc, nếu sao Huỳnh Hoặc không thoái lui, thần cam nguyện chịu tội.” Cảnh Công đồng ý.
Vào đêm hôm ấy, sao Huỳnh Hoặc quả nhiên đã thoái lui ba xá.
Thái sử nói: “Cảnh Công khiêm tốn và đức độ, nên Huỳnh Hoặc mới thoái lui.” Về sau, Tống Cảnh Công đã sống thêm hơn 20 năm nữa.
Hán Thành Đế chuyển tai họa cho Tể tướng nhưng cuối cùng đều vô ích
Mùa xuân năm Tuy Hòa thứ hai thời Hán Thành Đế (Giáp Thân, năm thứ 7 trước Công Nguyên), hiện tượng “Huỳnh Hoặc thủ tâm” xuất hiện. Tể tướng lúc đó là Trạch Phương Tiến vô cùng lo lắng, ông không biết nguyên nhân vì đâu và không biết phải ứng phó như thế nào.
Lang Quan Bôn Lệ là người am hiểu về chiêm tinh. Ông ấy nói rằng, đại thần phải gánh chịu tai họa lần này. Thành Đế liền triệu kiến Tể tướng Trạch Phương Tiến. Sau khi Trạch Phương Tiến về nhà, ông còn chưa kịp đưa ra lời đề nghị nào để ứng phó, thì chiếu thư của Thành Đế đã ban xuống. Hoàng Đế trách tội ông không quản lý chính sự hiệu quả, dẫn tới việc đất nước xảy ra hàng loạt tai họa, khiến dân chúng lâm vào cảnh khốn cùng. Thành Đế lại nói: “Trẫm không đành lòng tước bỏ tướng vị của ngươi, nên đã sai Thượng thư lệnh ban cho ngươi mười thạch rượu quý và một con bò. Ngươi tự mình suy xét kỹ lưỡng nên giải quyết như thế nào!”
Trong ngày hôm đó, Phương Tiến đã tự vẫn. Thành Đế giữ bí mật sự việc này, sau đó phái các quan thuộc hàng cửu khanh đến nhà của Trạch gia để tặng ấn tín và dây thao, còn ban cho nhà Phương Tiến xe kiệu và lễ vật. Thành Đế còn đích thân đến phúng viếng nhiều lần, dùng lễ đối đãi đặc thù dành cho Tể tướng.
Trong cuốn “Tư trị thông giám,” Tư Mã Quang đã đưa ra cách nhìn nhận về việc “chuyển dời tai họa.” Ông nói, cổ nhân Yến Anh từng nói: “Thiên mệnh không thể che đậy, càng không thể chuyển sang cho người khác.” Dù là tai họa hay phúc lành thì đều là Thiên mệnh, sao có thể chuyển tai họa sang cho đại thần? Trước kia, Sở Chiêu Vương và Tống Cảnh Công không nỡ chuyển tai họa cho các quan đại thần, vì họ cảm thấy làm như vậy chẳng khác nào truyền bệnh từ nội tạng sang tứ chi, chẳng có ích lợi gì cả. Giả dụ như tai họa có thể chuyển dời, thì bậc Đế vương có lòng nhân vẫn sẽ không làm, huống chi là không chuyển dời được!
Tư Mã Quang còn nói, giả sử tội của Trạch Phương Tiến không đáng phải xử tử mà sát hại ông ấy để gánh lấy tội gây nên đại biến, thì đó chính là tội lừa gạt Thiên thượng. Trạch Phương Tiến nếu như có tội đáng chịu hình phạt công khai, nhưng lại bí mật tru sát ông ấy và dùng cách an táng long trọng để che giấu, thì đó chính là lừa dối bách tính.
Tể tướng Trạch Phương Tiến mất vào tháng Hai. Sau đó, vào tháng Ba, Hán Thành đế vốn luôn cường tráng, vô bệnh, lại qua đời tại cung Vị Ương.
Tinh tượng ‘Huỳnh Hoặc thủ tâm’ là điềm xấu. Thế nhưng như Lý Thuần Phong đã nói: “Nếu quân vương có thể tu đức hạnh thì không những tránh được vận hạn mà còn gia tăng phúc phận.” Khi Tống Cảnh Công gặp dị tượng ‘Huỳnh Hoặc thủ tâm’, ông đã thành tâm nói những lời thiện lành mà nhận được phúc báo, Huỳnh Hoặc thoái lui về ba xá, Cảnh Công lại có thể kéo dài tuổi thọ của mình hơn hai mươi năm. Cách làm của Hán Thành Đế là một ví dụ ngược lại. Tư Mã Quang nói, trong hoàn cảnh xuất hiện thiên tượng ‘Huỳnh Hoặc thủ tâm,’ dù là ai muốn che giấu Trời, lừa dối thiên hạ, thì cuối cùng đều vô ích. Đây là biểu hiện của việc ‘bất tri mệnh’.
Từ đây có thể thấy, bất luận là quân vương hay người dân bình thường, việc tu dưỡng đức hạnh là thượng sách để tránh khỏi tai họa!
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ