Tổ phụ quỵt nợ sát nhân, 40 năm sau đời cháu phải trả nợ
Mắt Thần như điện, nhân quả báo ứng không sai! Sát nhân hủy xác, trộm cắp xóa dấu vết, dù mọi người không biết, nhưng Trời có thể tha thứ cho những kẻ hành ác hay không? Mời quý vị đọc hai câu chuyện dưới đây.
Quỵt nợ sát nhân, tai họa kéo dài đến đời con cháu
Vào thời nhà Tống, có một người nông dân tên là Phùng Tứ ở Phủ Châu (phía đông tỉnh Giang Tây). Vì gia cảnh quá nghèo khó không đủ sống, nên ông dẫn theo vợ và sáu người con trai đến huyện Nghi Hoàng (nay là thành phố Phủ Châu, tỉnh Giang Tây), nương nhờ ở một gia đình giàu có, làm công việc đồng áng và quản lý ruộng vườn cho gia chủ.
Hai mươi năm sau, người con út cũng đã cưới vợ nhưng cuộc sống chỉ vừa đủ chi tiêu mà thôi. Sáu người con trai, ai ai cũng đều cường tráng, lực lưỡng. Người trong huyện trông thấy, ai cũng sợ họ. Sau đó, người con thứ năm lụn bại vì tội trộm cắp tài sản, bị bắt vào tù, bị phạt đánh đòn và xỏ lỗ sau tai. Cả gia đình nhà họ Phùng bị trục xuất khỏi huyện Nghi Hoàng. Người con trai thứ sáu bị một vết loét ở chân, đã lâu không khỏi.
Chuyện hãy kể từ đầu. Trước đây, Phùng Tứ từng đến quầy bói toán Hoàng Ông ở thành phố Phủ Châu để hỏi về vận cát hung. Hoàng Ông nói: “Chà! Làm thế nào mới tốt đây? Vụ cháy lò ở kiếp trước mà gia đình ông gây ra đã bị phát giác. Có hai con quỷ đang chờ ở môn đình. Mặc dù bình thường ông rất thận trọng, nhưng đã quá muộn rồi. Nếu con chó nhà ông sinh ra hai con chó đực màu đen thì đó là lúc họa hoạn sẽ phát tác. Những chuyện khác thì tôi không biết.”
Từ đó trở đi, Phùng Tứ vô cùng lo lắng, cho dù cố gắng như thế nào cũng không thể lấy lại tinh thần. Ông ta âm thầm nói với người khác: “Quẻ bói của Hoàng Ông quả thực là tính toán như Thần! Phụ thân tôi lúc còn sống mưu sinh bằng nghề nung gốm, từng vay hai vạn tiền vải lụa từ hai khách thương và đã giao hẹn ngày tháng trả nợ. Thế nhưng đến ngày hẹn, ông không chịu trả số tiền nợ. Các khách thương bèn đích thân đến lò gốm đòi phụ thân tôi trả tiền. Nơi đó rất xa xôi hẻo lánh, vùng lân cận không có dân cư. Vì sự việc nợ nần này mà phụ thân tôi đã cãi lộn với hai vị khách thương. Sau đó, ông lôi kéo người làm là thợ lò nung cùng nhau sát hại hai người kia. Hơn nữa, còn đặt thi thể vào lò nung và phóng hỏa tiêu hủy không để lại dấu vết. Người ngoài không ai biết về chuyện này. Về sau, phụ thân tôi qua đời bình thường, không ngờ báo ứng cho việc hành ác này lại đến với con cháu ông ấy!”
Năm tiếp theo, con chó đen nhà Phùng Tứ nuôi quả nhiên sinh ra hai con chó đực màu đen. Mặc dù ông rất ghét hai con chó này, nhưng lại không dám giết chúng. Nửa năm sau, vụ việc của người con trai thứ năm bị phát giác. Còn vết loét trên đùi của người con trai thứ sáu, thầy thuốc cho rằng nó là do quỷ gây ra, vì thế không thể chữa khỏi.
Một ngày nọ, khi người con thứ sáu đóng cửa ngủ trưa trong nhà, anh nhìn thấy có hai người cầm một cây sào tre khiêng theo một cái lồng vào nhà. Anh vô cùng sợ hãi. Lúc đó, những người khác trong gia đình đều ở rất xa nên không thể cứu anh. Hai người kia trèo lên giường và ấn chiếc lồng tre vào vết loét trên đùi, làm anh đau đớn đến tận xương tủy. Không lâu sau, anh ta treo cổ tự vẫn, người vợ cũng treo cổ chết theo.
Người con trai thứ hai và con trai thứ tư của Phùng Tứ cũng phạm tội cướp bóc nên bị thọ hình thích chữ vào mặt. Cuối cùng, mọi người trong nhà họ Phùng ly tán lưu lạc khắp nơi. Bản thân Phùng Tứ rơi vào cảnh phải đi ăn xin trên đường, muốn chết cũng không được. Khi đó đã là sau 40 năm kể từ ngày phụ thân ông sát hại hai vị khách thương.
Người đời sau nói rằng: Hung thủ sát nhân vốn là phụ thân của Phùng Tứ. Tuy ông ta có thể qua đời một cách yên lành nhưng báo ứng lại kéo dài mãi đến đời con cháu. Có thể thấy, báo ứng trong âm gian cũng quanh co, khúc khuỷu, nhưng cuối cùng không ai có thể thoát khỏi. Nhà nào tích ác nghiệp tất có tai ương. Nhất định là như vậy!
Dưới đây lại kể về một ví dụ khác, chuyện về người đầy tớ trộm tài sản của chủ và gặp báo ứng.
Trộm cắp hủy dấu vết, Trời giáng phạt tội
Vào thời nhà Minh, có một Giám sinh [1] tên là Từ Ngũ Hồ. Một trong những ái thiếp của ông ta là Kim thị. Khi xuất giá, của hồi môn mà Kim thị mang theo rất phong phú, nhưng bà lại không có con. Khi sắp lâm chung, Từ Ngũ Hồ cho bà 20 mẫu đất và vài gian nhà, hơn nữa còn cho một nô bộc là Từ Mỗ để hầu hạ bà. Không lâu sau, người hầu Từ Mỗ bắt đầu nảy sinh tâm ý khác. Nhân lúc Kim thị trở về nhà mẹ đẻ, Từ Mỗ đã lục lọi từ rương hòm đến tủ, lấy hết vàng bạc châu báu và tiền bạc mà Kim thị cất giữ, chiếm làm của mình. Sau đó, anh ta phóng hỏa đốt nhà để xóa sạch dấu vết. Khi Kim thị từ nhà mẹ đẻ trở về, nhìn thấy ngôi nhà và toàn bộ tài sản của mình đã tan thành tro bụi, bà chỉ biết khóc kêu trời mà thôi.
Người hầu Từ Mỗ thầm mừng rỡ, tự cho là đắc kế, liền nói với người ngoài rằng căn phòng mình ở may mắn không bị cháy. Ngay sau đó, anh ta đã dẫn những “trư bằng cẩu hữu” của mình đến Miếu Thành Hoàng để báo tạ. Cả nhóm người tụ tập mặc sức uống rượu. Khi cuộc nhậu lên đến đỉnh điểm, bỗng nhiên một vị Thần nhập vào thân người hầu và chửi mắng: “Kẻ ác nô cướp tài sản của chủ nhân, đốt nhà họ, lại còn xúc phạm vị Thần như ta. Tội đáng chết, không được khoan thứ.”
Mọi người kinh hãi, nhao nhao phủ phục quỳ lạy. Kim thị nghe tin liền chạy đến miếu Thành Hoàng, cúi đầu kể lể với Thần, hỏi đồ ăn trộm được giấu ở đâu? Thần trả lời: “Đồ đã bị ném vào nhà vệ sinh.” Sau đó, Kim thị vào nhà vệ sinh kiểm tra, quả nhiên tìm được một túi vải đựng đầy đồ bị mất.
Người hầu Từ Mỗ bất tỉnh ngã xuống đất, phải rất lâu sau mới tỉnh lại. Sau đó, anh ta không thể ăn nổi dù chỉ một hạt cơm, tuyệt thực mà chết. Mắt Thần như điện, báo ứng cũng rõ ràng, minh bạch và thấu triệt.
Chú thích
[1] Giám sinh: là người học trong Quốc tử giám hoặc có đủ tư cách để vào học Quốc tử giám dưới thời nhà Minh và nhà Thanh. Những người có đủ tư cách như thế ngang hàng với Tú tài ứng thí kỳ thi hương.
Tịnh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ