Những vị quan thời cổ đại được Thần báo mộng trước khi làm quan
Con người trong thế gian không chỉ có tuổi thọ dài hay ngắn, mà công danh lợi lộc cũng đều đã được định sẵn ngay khoảnh khắc khi vừa mới ra đời. Hết thảy an bài là tùy theo nhân quả của kiếp trước mà định ra. Tuy nhiên, một số người mặc dù vận mệnh đã được an bài từ trước, nhưng vì kiếp này có được đức hạnh cao quý, hoặc đã tạo nghiệp lớn, làm thay đổi vận mệnh, hoặc được kéo dài tuổi thọ, hoặc bị giảm thọ, có mệnh được phát tài, được làm quan, hoặc bị mất tiền tài, đánh mất phúc lộc.
Trên thế gian, trong những người đã làm quan lớn, những người buôn bán phát đạt, những người có cuộc sống vô cùng hạnh phúc, có một số người được Thần báo cho biết trước. Điều này cho thấy địa vị của những người này không phải tầm thường. Nhưng vận mệnh của những người này có thực sự hoàn toàn trùng khớp với những điều Thần đã báo trước không? Chúng ta hãy tìm hiểu điều này qua ba câu chuyện sau.
Tể tướng Dương Đình Hòa triều Minh với hai giấc mộng thấy Thiên môn mở rộng
Dương Đình Hòa làm quan trải qua bốn đời vua Hiến Tông, Hiếu Tông, Vũ Tông và Thế Tông của triều Minh. Ông là Thủ phụ và cũng chính là Tể tướng dưới thời vua Vũ Tông và trong thời kỳ đầu của vua Thế Tông. Ông làm quan thanh liêm, chính trực, mặc dù “chức vị đạt đến đại thần, nhưng nơi ở thanh bần, mộc mạc.”
Dương Đình Hòa sinh năm 1459 tại Thành Đô, Tứ Xuyên. Lúc ông bốn tuổi đã biết thanh luật. Lên bảy tuổi, mỗi ngày ông đọc vài cuốn sách. Lúc mười hai tuổi, ông tham gia thi hương và đậu Cử nhân, nổi tiếng cả một vùng.
Khi Dương Đình Hòa còn ở độ tuổi thiếu niên, vào một ngày nọ, ông nằm mộng thấy Thiên môn (cửa trời) mở rộng, xa xa nhìn vào cây cột bên cạnh Thiên môn, thấy trên đó có viết “Tế xương thời nhi công hiển.” Câu này chỉ việc vào giai đoạn triều Minh hưng thịnh trở lại thì công danh, địa vị của Dương Đình Hòa sẽ vô cùng hiển hách.
Quả nhiên, sau khi Dương Đình Hòa đỗ Cử nhân vào năm mười hai tuổi, đến năm mười chín tuổi ông thi đậu Tiến sĩ, được phong làm Kiểm thảo Hàn lâm. Dưới thời vua Minh Hiếu Tông, ông trở thành thầy dạy của Thái tử Chu Hậu Chiếu (Minh Vũ Tông). Sau khi Vũ Tông lên ngôi, Dương Đình Hòa lần lượt được phong làm Đông các Đại học sĩ, Thiếu phó kiêm Thái tử Thái phó, Cận Thân Điện Đại học sĩ. Năm 1512, ông trở thành Thủ phụ.
Sau khi vua Vũ Tông băng hà, Dương Đình Hòa đã trù tính và xếp đặt diệt trừ được kẻ gây họa loạn triều chính là Bình Lỗ Bá Giang Bân, lập em trai họ của vua Vũ Tông là Chu Hậu Thông lên kế vị. Đây chính là Minh Thế Tông, cũng chính là Hoàng đế Gia Tĩnh. Khi vua Thế Tông chưa đến được kinh sư, Dương Đình Hòa đã nắm giữ toàn bộ triều chính trong suốt ba mươi tám ngày. Ông loại bỏ những chính sách có ảnh hưởng xấu dưới thời vua Vũ Tông, nhận được sự hoan nghênh và khen ngợi khắp trong và ngoài triều đình. Người đời sau ca ngợi ông là “diệt đại gian, quyết định kế sách lớn, cứu giúp trong lúc nguy nan, bình ổn đồ loạn, có công lao với xã tắc.” Thậm chí, hậu thế còn đưa ông sánh ngang với hai vị Tể tướng vang danh một thời là Chu Bột thời Tây Hán và Hàn Kỳ thời Bắc Tống.
Sau khi Thế Tông lên ngôi, Dương Đình Hòa được phong làm Tả Trụ Quốc. Sau đó, do bất đồng ý kiến với vua Thế Tông về sự kiện “Đại lễ nghị”, ông bị bãi chức quan và trở về quê hương. Năm 1528, ông bị tước chức vị trở thành dân thường. Năm sau ông qua đời, hưởng thọ 71 tuổi. Đến thời vua Minh Mục Tông đã khôi phục chức quan và truy tặng ông hàm Thái Bảo, thụy hiệu “Văn Trung.”
Điều thú vị là trước khi Dương Đình Hòa qua đời, ông lại một lần nữa mộng thấy Thiên môn mở ra, có hai người cầm cờ dẫn ông rời đi. Sau đó, ông qua đời. Từ hai lần nằm mộng thấy Thiên môn khai mở của Dương Đình Hòa cho thấy, ông chính là Thiên nhân hạ phàm, mục đích là để hoàn thành sứ mệnh của mình ở kiếp sau.
Thần nhân báo mộng cho Nghiêm Nột
Nghiêm Nột đỗ Tiến sĩ năm Gia Tĩnh thứ hai mươi thời Minh Thế Tông (năm 1541), đổi thành Thứ cát sĩ, được phong chức Biên tu Hàn Lâm viện. Ông lần lượt giữ các chức Thái thường Tự thiếu khanh, Lễ bộ Tả thị lang, Lễ bộ Hữu thị lang, Lại bộ Thượng thư kiêm Vũ Anh Điện Đại học sĩ. Ông trợ giúp cho Thủ phụ Nội Các Từ Giai, sửa trị những quan lại không liêm khiết dưới thời Nghiêm Tung giữ chức Thủ phụ.
Trong “Minh sử – Nghiêm Nột truyện” ghi lại rằng, khi Nghiêm Nột phụ trách bộ Lại, vì để thay đổi tình trạng “quan lại ô tạp” do Nghiêm Tung gây ra, ông và các đồng liêu đã soạn ra điều luật gồm ba chương: Một, khi muốn thảo luận về công việc thì đến nha môn của bộ Lại, không được phép đến nhà riêng của ông; Hai, cẩn thận tuyển chọn các quan chức cấp trung như Lang trung, Chủ sự, ngăn chặn triệt để việc đi cửa sau mua quan bán tước, thời đó gọi việc này là “Vụ ức bôn cạnh” (hạn chế việc đua chen tranh giành lợi ích); Ba, tuyển chọn nhân tài không cần câu nệ thâm niên, cho dù là quan lại nhỏ ở châu hay huyện, chỉ cần có thành tích xuất sắc, thì phải được đặc cách thăng chức.
Với sự ủng hộ của Từ Giai, dưới nỗ lực của Nghiêm Nột, tình hình quan lại địa phương đã có sự đổi mới toàn diện. Nghiêm Nột lòng đầy cảm xúc nói: “Thượng thư Bộ lại và Thủ phụ Nội các nhất định phải đồng tâm đồng đức, thì mới có thể làm tốt công việc. Tôi quản lý Bộ lại hai năm, vừa lúc Từ Giai chủ trì Nội các, nhờ ông ấy dốc sức ủng hộ, giải quyết công việc mới được thuận buồm xuôi gió.”
Năm 1565, Nghiêm Nột nhân bị bệnh nên từ quan, ông trở về quê cũ. Qua năm sau, Thế Tông băng hà, Nghiêm Nột không quay lại làm quan nữa, ở nhà phụng dưỡng cha mẹ già. Năm 1584 ông qua đời, hưởng thọ 74 tuổi. Ông được truy tặng Thiếu Bảo, thụy hiệu Văn Tĩnh.
Ngay từ khi Nghiêm Nột bước vào con đường làm quan, ông đã mộng thấy một vị Thần Tiên mở ra hai tờ giấy hướng về phía ông. Một tờ ghi “Văn Chính,” vị Thần Tiên nói: “Cái này là để trao cho Hoa Đình Từ tướng công;” tờ còn lại ghi “Văn Thanh,” vị Thần Tiên nói “Cái này trao cho tướng công.” Hoa Đình Từ tướng công chính là Từ Giai. Sau khi Từ Giai qua đời, ông được truy tặng thụy hiệu “Văn Trinh,” “Trinh” có thể được hiểu là “Chính.” Sau khi Nghiêm Nột qua đời, ông được truy tặng thụy hiệu “Văn Tĩnh.” Nét viết của “Văn Tĩnh” cũng tương tự như “Văn Thanh.” Có lẽ Thần Tiên hẳn là đã báo trước cho Nghiêm Nột biết rằng, khi Từ Giai chủ trì triều chính thì Nghiêm Nột trở thành một vị trọng thần, hai người đồng tâm giúp đỡ việc triều chính. Điều thần kỳ trong mộng quả nhiên là sự thực.
Trần Hiên không làm được quan lớn như Thần đã báo trước
Thời vua Tống Huy Tông, có một vị Long đồ các Trực học sĩ tên là Trần Hiên, tự Nguyên Dư, người vùng Kiến Dương, Phúc Kiến. Theo “Tống sử” ghi chép, Trần Hiên qua đời năm 84 tuổi. Trong thời gian đảm nhiệm chức quan, ông can đảm dám nói lời thẳng thắn, thường xuyên dâng thư chỉ ra những tệ nạn của triều chính. Ông còn nhiều lần khuyên nhủ vua Tống Huy Tông phải thanh tịnh trong công việc triều chính, noi theo Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế thực hành tiết kiệm.
Lúc Trần Hiên chưa đỗ đạt khoa cử, ông từng có một giấc mộng. Trong mộng, ông đi đến một quan phủ. Phía trước quan phủ có hai cánh cửa cao, trên mỗi cánh cửa đều có một tấm biển vàng có khắc chữ. Một tấm biển ghi “Tả thừa Trần Hiên,” tấm biển kia ghi “Hữu thừa Hoàng Lý.” Tựa như Thiên thượng thông qua hình thức này để báo cho ông biết về con đường làm quan trong tương lai.
Về sau, vào năm Gia Hữu thứ tám thời vua Tống Nhân Tông (năm 1063), Trần Hiên thi đỗ Tiến sĩ hạng thứ hai. Ông lần lượt giữ các chức vị Bình Giang Tiết độ Thôi Quan, Lễ bộ Lang trung, Trung thư Xá nhân, Binh bộ Thị lang kiêm Thị độc. Cuối cùng, con đường làm quan của ông dừng lại ở chức vị Long đồ các Trực học sĩ. Còn Hoàng Lý, người cùng thi đỗ Tiến sĩ trong năm Gia Hữu, đã trở thành Thượng thư Hữu thừa dưới thời trị vì của vua Tống Triết Tông, đúng với những gì hiển hiện trong giấc mộng.
Vì sao lại như vậy? Vì sao con đường làm quan của Trần Hiên không giống với những gì Thần đã cho biết trước, còn Hoàng Lý thì lại không sai lệch chút nào?
Mãi cho đến những năm cuối đời, Trần Hiên cuối cùng mới hiểu được nguyên nhân trong đó. Ông nói với các con trai của mình rằng: “Ta từ một người dân thường trở thành quan, cả đời ta không hề làm việc trái lương tâm. Hiện giờ chức quan không giống như trong giấc mộng, ta nghĩ nguyên do là vì điều này. Lúc ta nhận chức Thái thủ ở Hàng Châu, có một vị quan lớn quyền quý rất tức giận với một người lính già, bèn áp giải ông ấy đến quan phủ, hy vọng có thể dùng hình trượng trừng phạt ông ấy. Người lính già này đã hơn bảy mươi tuổi, theo luật pháp thì không thể dùng phạt trượng được, nên ta đồng ý để gia đình ông ấy dùng tiền chuộc tội. Nhưng sau khi vị quan lớn kia biết được, viết thư đến trách mắng ta. Không còn cách nào, ta sai người mang ông lão ấy đến, hạ lệnh phạt trượng đối với ông. Ông lão mất mạng trong khi chịu hình phạt. Chuyện này đã qua hai mươi năm rồi, ta luôn vì việc này mà day dứt, tự trách mình. Ta thuận theo người khác làm trái pháp luật, hại đến mạng người, nên mới bị Trời trách phạt, cho nên chức vị làm quan mới không hiển hách. Các con phải lấy việc này để răn mình.”
Lúc Trần Hiên nằm mộng thấy việc này là vào thời vua Tống Nhân Tông. Lúc đó, chức Tả thừa và Hữu thừa vẫn chỉ là chức danh biểu thị cấp bậc chứ không phải tên gọi của chức vụ, mãi về sau mới trở thành chức quan cụ thể nắm giữ quyền hành to lớn trong triều đình. Tuy nhiên, những điều này Thượng Thiên đã biết trước rồi.
Câu chuyện về ba vị quan lớn kể trên là muốn nói cho người đời sau rằng, vận mệnh công danh và tài lộc đã được định trước. Tuy nó đã được định sẵn, nhưng nếu làm ra việc tổn đức thì phúc phận cũng sẽ bị cắt bỏ hoặc giảm bớt. Đây phải chăng là lời cảnh cáo cho những quan chức cao cấp ở Trung Quốc đại lục ngày nay đã làm ra không ít chuyện xấu kia? Cũng chính là nói, sau khi phúc phận của những người này đã bị tiêu hao hết, thì điều gì sẽ chờ đợi họ?
Tài liệu tham khảo: “Dũng tràng tiểu phẩm,” “Sào Lâm bút đàm.”
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ