Linh hồn 22 tuổi sống trong cơ thể cậu bé 3 tuổi
Mấy năm gần đây, tiểu thuyết và phim truyền hình xuyên thời gian trở nên phổ biến ở Trung Quốc đại lục. Trong đó, loại câu chuyện kể về một người nào đó sau khi qua đời, linh hồn xuất khiếu, nhưng thể xác lại bị linh hồn mấy trăm năm hoặc mấy chục năm chiếm giữ. Nói một cách thông tục thì đó là “mượn xác hoàn hồn”.
Dân gian Trung Quốc nói đến “mượn xác hoàn hồn” và trong sách cổ cũng có ghi chép. Ví dụ như Hồi thứ 11 của Tây Du Ký có đoạn: “Ngụy Trưng tấu nói: ‘Muội muội của nhà vua không may đoản mệnh, lúc tạm thời tỉnh lại liền nói những lời này. Đây là chuyện thê tử của Lưu Toàn mượn xác hoàn hồn.’ Ngoài ra, “Duyệt vi thảo đường bút ký”, “Kim sử – Ngũ hành chí”, “Tử bất ngữ” và “Minh báo ký”,v.v của Kỷ Hiểu Lam đời Thanh cũng đều ghi lại những trường hợp có thật. Nhưng việc mượn xác hoàn hồn xuyên việt trong thời gian dài có lẽ chỉ tồn tại trong tiểu thuyết và phim truyền hình.
Điều khác với mất đi rồi sống lại là, một người sau khi mượn xác hoàn hồn, thì tính cách và ký ức của người này hoàn toàn biến đổi thành một người quá cố khác. Hôm nay chúng tôi kể một câu chuyện thật về trường hợp mượn xác hoàn hồn xảy ra tại Ấn Độ.
Trong cuốn sách “20 trường hợp luân hồi chuyển thế”, giáo sư người Mỹ Ian Stevenson kể về một trường hợp “Linh hồn 22 tuổi trong cơ thể của em bé ba tuổi”.
Sự việc xảy ra vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Một ngày vào mùa xuân năm 1954, cậu bé ba tuổi rưỡi tên Jasbir qua đời tại làng Rasulpur thuộc Muzaffarnagar, Uttar Pradesh, phía bắc Ấn Độ. Cha mẹ cậu bé rất đau buồn. Được sự giúp đỡ của người thân và bạn bè, họ chuẩn bị đem chiếc quan tài nhỏ của cậu bé đi chôn cất. Nhưng vì hôm đó sắc trời bắt đầu tối nên họ quyết định sáng hôm sau sẽ thực hiện việc an táng.
Tuy nhiên, vài giờ sau, vào khoảng nửa đêm, cha của Jasbir bất ngờ nhận thấy cơ thể con trai mình run rẩy nhẹ. Sau đó, cậu bé dần tỉnh lại nhưng không thể nói chuyện được. Lại qua vài ngày nữa, cậu bé có thể mở miệng nói chuyện, nhưng ý thức vẫn còn mơ hồ. Trải qua thêm vài tuần nữa cậu bé mới có thể bày tỏ suy nghĩ của mình một cách rõ ràng, nhưng dùng rất nhiều từ ngữ khác so với trước đây.
Cậu bé cho biết mình 22 tuổi, đến từ làng Vehedi cách đây 20 dặm, và mong được trở về đó. Người này cũng từ chối ăn bất kỳ món ăn nào, vì anh ta nói rằng bản thân là một Bà la môn có đẳng cấp cao, họ là Shankar. Hơn nữa, hành vi cử chỉ của anh ta không khác gì của một Bà la môn.
Xã hội Ấn Độ dựa vào dòng họ để phân thành đẳng cấp khác nhau. Bà la môn là đẳng cấp cao nhất và thuộc về giới quý tộc. Họ không bao giờ ăn thức ăn của các gia đình đẳng cấp thấp hơn. Mà gia đình Jasbir là những người lao động bình thường, và thuộc dòng họ có địa vị tương đối thấp.
May mắn thay, hàng xóm của nhà Jasbir cũng là một Bà la môn. Cô ấy với tâm địa thiện lương đã chuẩn bị đồ ăn rồi mang cho cậu bé. Cô ấy nấu ăn cho “Jasbir” gần một năm rưỡi, nhưng nguyên liệu nấu ăn đều do cha của cậu bé cung cấp. Rõ ràng, nếu không có sự giúp đỡ của cô, cậu bé đã sớm bị đói và qua đời rồi.
(Ở đây cần nói rõ một chút, bởi vì thể xác tuy là của “Jasbir” nhưng linh hồn đã thuộc về người khác rồi. Cho nên sau này trong bài khi nhắc đến “Jasbir” sẽ sử dụng dấu ngoặc kép.)
Tuy nhiên, đôi khi, gia đình Jasbir lại lừa “Jasbir” ăn những món ăn do họ tự nấu. Dần dần, anh ta nhận ra mình đã bị lừa, và không thể không từ bỏ thói quen sinh hoạt của dòng họ Bà la môn, hòa nhập vào gia đình Jasbir và ăn uống cùng họ. Tình trạng này kéo dài suốt hai năm.
Sau đó, “Jasbir” bắt đầu kể về cuộc sống ở Vehedi, và nguyên nhân tử vong của anh ta. Anh ta đã kết hôn và có một cậu con trai. Anh ta kể rằng khi đang tham dự hôn lễ của một người họ hàng, thì một người họ hàng khác nợ tiền anh đã âm thầm hạ độc. Anh ta còn nhớ mình vì ăn phải kẹo tẩm độc, nên trên đường về nhà đã bị ngã khỏi xe ngựa, dẫn đến phần đầu bị va chạm mạnh mà qua đời. Anh ta thậm chí còn nhớ tên của hung thủ. Khi nhắc đến tên người họ hàng này, anh ta hận đến mức cắn chặt hai hàm răng.
Cha của Jasbir vô cùng kinh sợ khi biết con trai mình đã trở thành một người khác sau khi cải tử hoàn sinh. Ông cũng cố gắng kìm chế “lời nói xằng bậy” và những hành vi không thích hợp của mình ở trong làng, nhưng sự việc chấn động vẫn lan rộng ra. Đặc biệt là việc nấu món ăn cho “Jasbir” theo tập quán Bà la môn, rất tự nhiên khiến tất cả những người Bà la môn trong làng biết đến. Cuối cùng, sự việc này được con gái một người trong số đó tên là Srimati Shyamo chú ý. Cô từ nhỏ đã được gả đến Vehedi. Chồng cô là người sinh ra và lớn lên ở Vehedi.
Năm 1957, Srimati trở về nhà mẹ đẻ trong một dịp hiếm hoi, và gặp “Jasbir”, “Jasbir” gọi Srimati Shyamo là “cô”. Sau khi trở lại nhà chồng, cô kể cho gia đình chồng và gia đình Taiji về “Jasbir”. Bởi vì những sự việc và nguyên nhân tử vong mà “Jasbir” kể lại rất giống với việc con trai Sobha Ram của gia đình Taiji qua đời vào tháng 5 năm 1954). Có điều, trước đó gia đình Taiji không hề biết một chút gì về việc con trai họ bị đầu độc và người thân nợ tiền. Vì vậy, họ vẫn còn một số nghi ngờ về việc bị hạ độc.
Không lâu sau, chồng của Srimati là Sukla đến gặp “Jasbir”. Sau đó, bố của Sobha Ram và các thành viên khác trong gia đình cũng đến gặp “Jasbir”. Khi “Jasbir” vừa nhìn thấy họ, anh ấy lập tức nhận ra từng người, đồng thời lấy thân phận Sobha Ram để xưng hô.
Vài tuần sau, những người hiếu kỳ tiến hành kiểm tra đối với “Jasbir”. Một người dân làng Vehedi đưa anh đến nhà ga xe lửa gần làng, sau đó để anh ta chỉ đường đến nhà Taiji. “Jasbir” không hề tốn chút công sức nào liền chỉ ra được dễ dàng.
Sau đó, anh ta được đưa đến nhà Sukara. Mọi người bảo anh ta đi đường khác đến nhà Taiji. “Jasbir” cũng tìm thấy nhà một cách dễ dàng. Anh ấy ở Vehedi một thời gian, trở nên rất quen thuộc với gia đình Taiji và người dân trong làng. Hơn nữa, anh đặc biệt thân thiết với con trai của Sobha Ram là Baleshwar. Họ thường ngủ chung trên một chiếc giường, điều này không hề bình thường.
Ngoài ra, khi người khác tặng quà cho “Jasbir”, anh thường đưa lại cho Baleshwar. Rất nhiều dấu hiệu khác nhau khiến ngày càng nhiều người tin rằng linh hồn sống trong cơ thể “Jasbir” chính là của Sobha Ram.
“Jasbir” sống ở đây rất vui vẻ, vì thế hoàn toàn không muốn quay lại Rasulpur. Từ đó trở đi, anh thỉnh thoảng đến Vehedi ở lại vài tuần và ở lâu hơn vào mùa hè. Anh ấy rất muốn sống ở Vehedi vì anh ấy cảm thấy rất cô độc ở Rasulpur.
Theo thời gian, “Jasbir” dần trưởng thành. Gia đình lo sợ sẽ mất con trai, nên cấm anh đến Vehedi để gặp gia đình Taiji. Sau khi “Jasbir” trưởng thành, anh bỏ học vào năm 1969 để giúp cha trồng trọt và kết hôn. Nhưng cứ cách ba hoặc bốn tháng một lần, anh lại đến Vehedi để thăm gia đình Sobha Ram.
Còn về lý do tại sao linh hồn của Sobha Ram lại nhập vào cơ thể Jasbir, Sobha Ram nói với giáo sư người Mỹ đến tìm hiểu sự việc vào năm 1961 rằng sau khi anh qua đời, “Một vị Thánh nhân đã gợi ý rằng anh nên nhập vào cơ thể của Jasbir.”
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ