Hải Thụy mua quan tài, tiễn biệt vợ, liều mạng can gián
Triều Minh xuất hiện một vị thanh quan tên là Hải Thụy nổi tiếng. trong “Minh sử” ghi chép về ông: “bản tính cương nghị, thẳng thắn và tự chủ giống Cấp Ảm thời nhà Hán, Bao Chửng thời nhà Tống, khổ cực tự cường, quả là người khó có thể tìm được.”
Hải Thụy (1514- 1587), tự là Nhữ Hiền, người Quỳnh Sơn, Hải Nam. Ông từng giữ chức Tri huyện, Châu Phán quan, Hộ bộ Thượng thư, Binh bộ Thượng thư, Thượng Thư thừa, Hữu thiêm Đô ngự sử, v.v.
Sau khi đỗ cử nhân, Hải Thụy được bổ nhiệm làm Tri huyện Thuần An. Ngay từ khi mới nhậm chức, ông là người rất thanh liêm, mặc áo vải, ăn uống đạm bạc, để người hầu già cả trong nhà trồng rau tự lo đời sống. Hơn nữa, ông không bao giờ đặt điều, xu nịnh người quyền quý. Có một lần, thủ hạ của Nghiêm Tung là Đô ngự sử Yên Mậu Khanh đi tuần tra ngang qua huyện Thuần An. Hải Thụy ngăn lại và nói rằng huyện ấp nhỏ bé không đủ chỗ chứa nhiều xe ngựa, việc cung cấp rượu cùng thức ăn cũng rất hạn chế. Yến Mậu Khanh chỉ đành thu bớt uy phong mà rời đi. Sau này, Hải Thụy được cất nhắc lên làm Phán quan. Vì ông có thành tích nổi trội nên được phong làm Hộ bộ Thượng thư.
Mua quan tài, tiễn biệt vợ, liều mạng can gián
Lúc đó là vào cuối thời vua Minh Thế Tông (niên hiệu Gia Tĩnh) tại vị. Sau khi Hải Thụy đến kinh thành, nhìn thấy Hoàng đế không lo liệu triều chính, luôn ở trong cung điện, hao tốn sức lực và tiền bạc của dân chúng để xây dựng bừa bãi các công trình kiến trúc. Các đại thần đều là người a dua nịnh hót, không ai dám nói đến chính sự. Tháng Hai năm Gia Tĩnh thứ 45, Hải Thụy liều mạng can gián Thế Tông, thẳng thắn chỉ ra những sai lầm của Hoàng đế.
Sau khi đọc xong tấu chương của Hải Thụy, Thế Tông hết sức phẫn nộ, ném tấu chương xuống đất, rồi nói với tả hữu rằng: “Mau bắt ông ta lại, đừng để ông ta chạy thoát.” Đại thần ở bên cạnh tâu rằng: “Người này lâu nay nổi tiếng ngu ngốc. Nghe nói rằng khi ông ta dâng sớ, tự biết tội mạo phạm đáng bị xử tử, nên đã mua một cỗ quan tài, nói lời tiễn biệt vợ, rồi đợi lệnh triều đình trị tội. Chúng nô bộc cũng phân tán khắp nơi không giữ lại một ai, nên sẽ không chạy trốn.”
Thế Tông hạ lệnh giam Hải Thụy vào ngục, không lâu sau sẽ tuyên án tử hình, nhưng không đưa ra phán quyết. Hộ bộ có viên quan Tư vụ tên Hà Dĩ Thượng. Ông ấy đoán rằng Thế Tông không có ý định sát hại Hải Thụy, nên đã dâng tấu chương xin tha cho người này. Thế Tông rất tức giận, lệnh cho Cẩm y vệ đánh Hà Dĩ Thượng 100 trượng rồi giam vào ngục, ngày đêm dùng hình thẩm vấn. Hai tháng sau, Thế Tông băng hà, Minh Mục Tông kế vị, phụng di chiếu ra lệnh thả Hải Thụy và phục hồi nguyên chức. Hải Thụy và Hà Dĩ Thượng đều được phóng thích khỏi nhà ngục.
Khi Thế Tông mới băng hà, thông thường bên ngoài đều không được biết. Người quản ngục nghe được sự việc này, cho rằng Hải Thụy không chỉ được thả mà còn được trọng dụng, nên đã làm tiệc rượu khoản đãi ông. Hải Thụy nghi ngờ mình bị áp giải đi xử trảm, nên sắc mặt tự tại, an nhiên thưởng thức. Quản ngục thấy thế ghé sát vào tai ông thì thầm: “Hoàng đế đã băng hà rồi, tiên sinh bây giờ sẽ được ra khỏi ngục và được trọng dụng.” Hải Thụy nói: “[Chuyện này] có xác thực không?” Sau đó, ông bi thương khóc lớn rồi ngất xỉu trên mặt đất. Sau khi được thả khỏi ngục, Hải Thụy được phục hồi nguyên chức, không lâu sau được chuyển sang nhậm chức ở Binh bộ. Ông được thăng làm Thượng Bảo Thừa và điều chuyển sang Đại Lý tự.
Hưng lợi trừ hại, một lòng vì dân
Vào mùa hè năm Long Khánh thứ ba, thời Minh Mục Tông, Hải Thụy lấy thân phận là Hữu thiêm Đô ngự sử tuần tra các phủ. Rất nhiều tham quan ô lại sợ hãi nên nhanh chóng từ chức. Có những viên quan quyền quý hiển hách vốn dĩ sơn thếp cửa nhà màu đỏ, nghe nói Hải Thụy đến thì vội vàng sơn thành màu đen. Hải Thụy toàn tâm toàn ý hưng lợi trừ hại cho địa phương. Ông kiến nghị tu sửa toàn bộ sông Ngô Tùng, sông Bạch Mao để [thuận tiện] lưu thông ra biển, xây dựng các công trình thủy lợi. Đồng thời, Hải Thụy còn ra sức vỗ về, an ủi những người dân khốn khổ. Phần lớn đất đai của bách tính nghèo khó bị cường hào cướp đi đều đòi lại được và giao lại cho chủ cũ. Những sĩ đại phu đi qua khu vực cai quản của Hải Thụy đều không nhận được sự cung phụng nịnh bợ của ông, vì vậy những lời oán thán càng ngày càng nhiều. Không lâu sau, Hải Thụy bị đàn hặc và điều chuyển nhận chức nơi khác. Khi đó, ông giữ chức Tuần phủ mới được nửa năm. Bách tính nghe nói Hải Thụy bị cách chức rời đi thì kêu gào khóc lóc hai bên đường. Nhà nào cũng vẽ chân dung Hải Thụy để tưởng nhớ ông.
Khi Hải Thụy nhận chức vụ mới bị kẻ gian hãm hại phải từ chức, hồi về quê hương ở Quỳnh Sơn. Vào năm Văn Lịch thứ 13 thời Minh Thần Tông, Hải Thụy được bổ nhiệm làm Lại bộ Thị lang ở Nam Kinh. Đến năm Vạn Lịch thứ 15, ông qua đời khi còn tại chức.
Hải Thụy không có con trai. Ông sống một đời thanh bần. Sau khi Hải Thụy qua đời, Thiêm đô ngự sử Vương Dụng Cấp đã lo liệu hậu sự cho ông, chỉ thấy tấm màn được dệt từ vải đay, và đồ dùng bằng tre rách nát mà Hải Thụy thường dùng lúc còn sống. Có một số vật dụng mà ngay cả văn nhân bần hàn cũng không muốn dùng. Thiêm đô ngự sử Vương Dụng Cấp không nhịn được nên bật khóc, rồi quyên góp tiền lo tang sự cho Hải Thụy.
Khi tin Hải Thụy qua đời được truyền ra, người dân Nam Kinh vì thế mà không họp chợ. Khi thuyền chở linh cữu của Hải Thụy về đến quê nhà, người dân mặc quần áo trắng, đội mũ trắng đứng chật hai bên bờ sông. Người khóc lóc cúng bái kéo dài hơn trăm dặm. Triều đình truy tặng Hải Thụy là Thái Tử Thái Bảo, thụy hiệu là Trung Giới.