Nằm mộng cưỡi rồng bay lên trời, Hoàng đế nhà Đường ví mình với tiến sĩ hương cống
Mẩu chuyện vui về Hoàng đế
Đường Hy Tông Lý Huyên là con trai thứ năm của Ý Tông. Ông lên ngôi năm 11 tuổi, tại vị trong 15 năm, hưởng dương 26 tuổi. Triều đại của Hy Tông đã là lúc mạt thế của nhà Đường. Cuộc đời của ông gắn liền với thời cuộc rối ren. Trong những năm tại vị của Hy Tông, ước chừng một nửa thời gian là ông phải tránh nạn ở bên ngoài.
Lúc còn nhỏ, Đường Hy Tông thích đá bóng và trò đá gà. Ông tự tin kỹ năng chơi bóng của mình khá cao siêu. Ông từng nói với đào kép Thạch Dã Trư: ‘Trẫm nhược tác bộ đả tiến sĩ, diệc hợp đắc nhất Trạng nguyên.” Nghĩa là “Ta nếu như tham gia thi tiến sĩ về đá bóng thì giải Trạng nguyên hẳn phải thuộc về ta.”
Thạch Dã Trư trả lời Hoàng thượng, nói nếu như gặp các bậc Thánh quân thời xưa như vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, vua Thang làm Thị Lang bộ Lễ, chủ khảo cuộc thi, Bệ hạ không tránh khỏi bị thi rớt. Đường Hy Tông nghe xong, cười mà không nói gì.
Đường Tuyên Tông tự ví mình với tiến sĩ hương cống
Ngược dòng thời gian quay trở về triều đại của Đường Tuyên Tông, ông nội của Đường Hy Tông, sẽ phát hiện được sở thích của hai ông cháu trái ngược nhau.
Miếu hiệu của Tuyên Tông là Thánh Võ Hiến Văn Hiếu Hoàng đế. Ông là một vị quân chủ cần cù, giản dị, thích làm việc thiện, tôn sùng văn nhã. Lúc rảnh rỗi, ông thường ở trong cung gặp gỡ các hàn lâm học sĩ và đàm luận chính sự với họ. Ông rất quan tâm đến lịch sử thịnh suy của các triều đại trước. Khi cùng tể tướng và các đại thần đàm luận chính sự, vô luận vào thời gian nào, ông đều hết sức chú tâm, cả ngày không biết mệt mỏi.
Tuyên Tông rất coi trọng chế độ khoa cử để tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Có một lần, ông đích thân viết các chữ “Hương cống tiến sĩ Lý mỗ” lên cột trụ trong điện. Qua đó có thể thấy kỳ vọng của ông đối với trụ cột tài năng của quốc gia và sự dụng tâm trong quản lý việc nước.
Hoàng đế Tuyên Tông rất giỏi thơ văn. Mỗi khi đại thần trong triều ra ngoài trấn phủ, ông sẽ làm thơ phú ban tặng cho họ. Lời thơ câu nào cũng rất tươi đẹp.
Minh quân đời Đường có phong thái Trinh Quán (tức vua Đường Thái Tông)
Đường Tuyên Tông (810 – 859) tại vị từ năm 846 đến năm 859. Trước khi đăng cơ, thường ngày ông rất ít nói chuyện với mọi người, giấu kín tài năng. Nhìn bề ngoài của ông bình thường nên ít được mọi người chú ý. Đến khi ông đăng cơ, mọi người cuối cùng mới thấy được trí huệ tiềm ẩn của ông. Lúc nhỏ, ông trông có vẻ không thông minh. Năm hơn 10 tuổi, lúc Tuyên Tông bị bệnh nặng, đột nhiên xuất hiện một luồng ánh sáng chiếu sáng khắp toàn thân. Ông đột nhiên đứng dậy, hai tay chắp trước ngực, giống như tư thế quân chủ đối đãi với các thần tử. Nhũ mẫu của ông cho rằng tâm lý của ông khả năng có vấn đề.
Lúc đó, sau khi Mục Tông (hoàng huynh) nhìn thấy liền đỡ lưng ông nói: “Đây là anh tài của nhà chúng ta, không phải là tâm lý kém cỏi.” Mục Tông còn ban cho ông ngọc như ý, ngự mã và đai vàng. Tuyên Tông thường xuyên kể với mẫu thân, nói ông nằm mộng thấy mình cưỡi rồng bay lên trời.
Một năm nọ, vào tết Trùng Dương, lúc thiết yến quần thần, Tuyên Tông đích thân làm bài thơ “Trùng dương tích yến quần thần.” Thơ viết:
“Khoản tái* toàn chinh kỵ,
Hòa Nhung ủy miếu hiền.
Khuynh tâm phương ỷ chú,
Hiệp lực cộng an biên.”
Tạm dịch:
Biên cương chinh chiến mãi,
Chống Nhung yên miếu hiền.
Quy tâm nơi điểm tựa,
Hiệp sức vỗ yên biên.
(Khoản tái*: Ý nói ngoại tộc trước khi xâm lấn biên ải sẽ tỏ ý thông hiếu hoặc đầu hàng.)
Câu này thể hiện sự kỳ vọng của Tuyên Tông đối với các tráng sĩ anh dũng và các đại thần hiền đức tài năng. Đồng thời, lời thơ thể hiện sự lo lắng và dụng tâm của Huyền Tông đối với nền chính trị quốc gia. Tâm ý của ông là mong muốn quân thần đồng tâm hiệp lực để giữ yên biên giới và bảo vệ đất nước.
Lời bài thơ “Trùng dương tích yến quần thần” có thể diễn giải theo bạch thoại như sau: Các tướng sĩ anh dũng chiến đấu khiến ngoại tộc đến xâm chiếm phải đặt mối quan hệ hữu hảo hoặc đầu hàng; nhiệm vụ quan trọng an định ngoại tộc ở biên giới giao phó cho các đại thần hiền tài; một tấm lòng chân thành nhờ cậy vào việc mọi người cùng dốc hết tâm sức, đồng tâm hiệp lực an định biên cương.
Khi đó, tể tướng và các quan đại thần đều cùng hưởng ứng làm thơ. Trong số đó, bài thơ do tể tướng Ngụy Mưu sáng tác được Huyền Tông tán thưởng và khen ngợi nhiều nhất. Hai câu đối trong bài thơ của Ngụy Mưu viết:
“Tứ phương vô sự khứ,
Thần dự diểu thu lai.
Bát thủy hàn quang khởi,
Thiên sơn tễ sắc khai.”
Bài thơ này miêu tả: Trong tiết Trùng Dương đất nước bình an vô sự, vui vẻ đón thu muộn. Tuy mùa đông giá lạnh sắp đến. Phóng tầm mắt nhìn về phía chân trời quang đãng xa xôi ngàn dặm, chiếu rọi lên cảnh trí ngàn ngọn núi vững chắc trấn định, thanh nhã vô biên. Trong thơ hiện lên cảnh tượng tứ phương thái bình, quốc thái dân an, khiến cho Tuyên Tông vui mừng.
Tuyên Tông tuyển chọn bác sĩ như thế nào
Vào thời Tuyên Tông, nhóm người tiến sĩ Trần Ngoạn tham gia kỳ thi ‘Bác hoành từ khoa bác sĩ.’ Quan viên phụ trách sẽ khảo xét và định rõ họ tên, thứ tự và dâng trình các tác phẩm thơ, phú, luận của họ lên Hoàng thượng. Tuyên Tông ngự ở điện Diên Anh và triệu Trung thư xá nhân Lý Phiên đến hỏi: Trong lúc khảo thí có cách nào để dùng từ lặp lại không?
Lý Phiên trả lời: “Phú tránh việc dùng từ ít gặp và ý hỗn độn phức tạp. Luận kị việc khen chê không rõ ràng, thị phi không dứt khoát. Thơ đòi hỏi phải có vần điệu sát với chủ đề. Việc dùng từ lặp lại có thể được và đã có tiền lệ.”
Hoàng thượng lại hỏi: “Thơ của ai đã từng dùng từ lặp lại?”
Lý Phiên trả lời, trong bài thơ “Tương linh cổ sắt” của Tiền Khởi (*một trong mười tài tử ở Đại Lịch) đã sử dụng hai từ “bất.”
Bài thơ “Tương linh cổ sắt” như sau:
Thiện cổ vân hòa sắt, thường văn đế tử linh.
Phùng Di không tự vũ, Sở khách bất kham thính.
Dật vận hài kim thạch, thanh âm phát yểu minh.
Thương Ngô lai oán mộ, bạch chỉ động phương hinh.
Lưu thủy truyện Tương phố, bi phong quá Động Đình.
Khúc chung nhân bất kiến, giang thượng sổ phong thinh.
Tạm dịch:
Thường nghe con vua khéo, giỏi gõ mây gảy đàn.
Thủy Thần Phùng Di múa, Sở khách chẳng rời nghe.
Nhẹ êm như kim thạch, thanh âm vượt ngàn xa.
Thương Ngô nay oán mộ, bạch chỉ rung tỏa hương.
Nước chảy bến sông Tương, gió buồn lướt Động Đình.
Nhạc dừng người không thấy, trên sông núi lặng thinh.
Tuyên Tông nói, Tiền Khởi tuy dùng chữ “bất” hai lần, nhưng thơ của người khác cũng không bằng ông ấy. Trước kia Tạ Điểu có một bài thơ: “Động Đình trương nhạc địa, Tiêu Tương đế tử du. Vân khứ Thương Ngô viễn, thủy hoàn giang Hán lưu.” Bài này cũng không có cách nào so sánh. Trong cuộc thi khoa bác sĩ hoành từ lần này, trong thơ của bác sĩ được Tuyên Tông tuyển chọn xuất hiện việc dùng chữ lặp lại. Thế nhưng Tuyên Tông cho rằng thơ hay quan trọng hơn, nó thể hiện năng lực đánh giá của người đó tốt.
Chính trị thời Đại Trung và vị quân chủ anh minh của nhà Đường
Đường Tuyên Tông tại vị mười bốn năm và lấy niên hiệu là Đại Trung. Ông có đức độ và kiến thức sâu xa, minh xét quyết đoán, dùng pháp vô tư và luôn nghe lời can gián. Hơn nữa, ông còn khiêm cung, tiết kiệm, thích làm việc thiện, yêu thương bá tính. Sử gia ca ngợi Tuyên Đế là “Lý chi anh chủ”, tức là quân chủ anh minh họ Lý nhà Đường. “Cựu Đường Thư” nói: “Chính trị thời Đại Trung có phong thái Trinh Quán.”
Khi trong dân gian phát sinh nạn đói nhỏ, Tuyên Tông mang vẻ mặt lo buồn. Bản thân ông sống cuộc sống cực kỳ đơn giản, phế bỏ những phô trương xa hoa do hoàng đế triều trước lưu lại. Ẩm thực ông dùng cũng chỉ vẻn vẹn mấy đĩa thức ăn thịt cá mà thôi. Trừ phi mẫu hậu đưa tới món ngon, nếu không ông sẽ không hưởng thụ yến nhạc. Khi cung nhân bị bệnh, Tuyên Tông liền sai thầy thuốc chẩn trị. Khi họ khỏi bệnh, ông lặng lẽ lấy tiền từ trong tay áo đưa tặng và dặn dò họ không được để sứ giả biết chuyện.
Bắt đầu từ năm Bảo Lịch (825-827), các quyền thần trong cung lạm dụng chức quyền, làm ra nhiều hành vi giả dối và lừa gạt. Các nhà quyền quý ở kinh sư hoành hành ngang ngược, mang đến phiền nhiễu to lớn cho dân chúng nghèo khổ. Đến giữa những năm Đại Trung, lúc Hoàng đế Tuyên Tông lâm triều, hình phạt và chính sự trong triều được chỉnh đốn, tài năng của người hiền tài lúc này mới được phát huy. Điều này khiến cho đám quyền quý lộng hành phải thu mình, gian thần sợ pháp, lính gác trong cung cũng khiếp sợ. Trong mười bốn năm trị vì, Tuyên Tông trông coi nền chính trị rất vững vàng, quy củ. Những thần tử và người trong cung bên cạnh Tuyên Tông chưa từng thấy ông có một ngày giải đãi.
Tuyên Tông biết phân biệt thiện ác rõ ràng, trừ bỏ hết gian thần bại hoại trong và ngoài cung. Thời gian ông tại vị, toàn bộ những con sông và đất Lũng rơi vào tay ngoại bang hơn trăm năm đã quy phục triều Đường, xua tan bụi mù của kẻ địch phương bắc. Cho đến năm đời sau, các lão thần triều trước vẫn ca tụng vị minh quân Đường Tuyên Tông.
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ