Hán Tuyên Đế uy chấn Tây Vực, chiếu chỉ hiển lộ ân nghĩa phu thê
Hán Tuyên Đế Lưu Tuân là tằng tôn (chắt) của Hán Vũ Đế, kế thừa tài trí mưu lược kiệt xuất của Vũ Đế, xiển dương quyền uy của nhà Hán ở Tây Vực. Đức hạnh và đại nghiệp của ông có thể sánh với Ân Cao Tông và Chu Tuyên Vương trong lịch sử. Hán Tuyên Đế được tôn xưng là ‘Trung hưng chi quân’ (vị quân vương giúp đất nước hưng thịnh) một thời. Ông là người nghĩa trọng tình thâm, để lại chiếu thư “Chiếu cầu vi thời cổ kiếm” (Chiếu tìm cây kiếm xưa thuở hàn vi) nổi tiếng thế gian. Chiếu thư thể hiện tình nghĩa trân trọng, yêu quý người vợ thuở nghèo khó, và là hình mẫu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Yêu quý người xưa, trân trọng ân nghĩa
Hán Tuyên Đế Lưu Tuân, tên thật là Lưu Bệnh Dĩ, là vị quân vương thời phục hưng của nhà Hán. Cuộc đời của ông [mang] nhiều thân phận là hoàng tằng tôn (chắt dòng dõi hoàng đế), là tù nhân, là thường dân, là hoàng đế, cũng đầy rẫy những khúc mắc, gian khổ và ly kỳ. Ông là người tiết kiệm, nhân từ thương dân, thưởng phạt phân minh, hưng chấn lại quyền uy của nhà Hán ở Tây Vực. Sự kiên trinh và chân thành của Hán Tuyên Đế còn được thể hiện qua việc ông kiên quyết giữ vững ân nghĩa trong hôn nhân, là gương sáng cho muôn đời.
Tuyên Đế là hoàng tằng tôn của Hán Vũ Đế. Tuy nhiên, sau khi chào đời vài tháng, ông bị liên lụy liên quan đến sự việc vu thuật xảy ra trong cung. Ông nội của ông, Vệ Thái tử Lưu Cứ (mẹ là Vệ Tử Phu), bị gian thần Giang Sung cấu kết hãm hại. Lúc đó, Lưu Tuân vẫn còn nằm trong tã lót cũng không được tha, và bị giam trong nhà ngục quận. Mệnh số của ông nhờ có quý nhân Bỉnh Cát. Lúc đó, Bỉnh Cát đảm nhận chức Giám thừa, ông ra lệnh cho hai nữ tù nhân cho Lưu Tuân bú sữa. Bỉnh Cát còn âm thầm mang y phục và thức ăn đến, nhờ đó bảo toàn được tính mệnh của Lưu Tuân. Đến khi Lưu Tuân lên năm tuổi, may mắn gặp dịp đại xá nên được gửi đến nhà bà ngoại nuôi dưỡng.
Sau đó, trong cung có chiếu lệnh giao Dịch Đình chăm sóc ông. Dịch Đình ra lệnh cho Trương Hạ, người từng làm gia lại (quan viên làm việc trong gia đình hoàng thân quốc thích) của Vệ Thái tử cẩn thận, tỉ mỉ chăm sóc ông. Trương Hạ là người luôn nhớ đến ân tình cũ, và rất thương hoàng tằng tôn vận mệnh đa đoan. Vì thế, ông ta dùng tiền riêng của mình cung cấp cho Lưu Tuân, đồng thời hướng dẫn Lưu Tuân nghiên cứu kinh điển Nho gia. Hoàng tằng tôn Bệnh Dĩ vốn thông minh và ham học hỏi, nhưng không phải là mọt sách. Ông hứng thú với những đam mê thời thượng như kết giao với những người nghĩa hiệp, đấu gà, cưỡi ngựa. Ông cũng quan tâm đến nổi khổ của người dân. Những gian tà của dân tình ở chốn thôn dã, những được mất trong trị lý của quan phủ, ông đều nhận thức được rõ ràng.
Khi Bệnh Dĩ mười bảy tuổi, Trương Hạ liền lên kế hoạch cho những sự kiện lớn trong cuộc đời ông. Trương Hạ ban đầu muốn gả cháu gái của mình cho Bệnh Dĩ, nhưng bị em trai ruột đang giữ chức Hữu tướng quân tức giận ngăn trở mối hôn sự: “Lưu Bệnh Dĩ là đời sau của Vệ Thái tử, từng là tội nhân, hiện tại được hưởng cơm áo của Huyện lệnh là đủ rồi. Đừng nói chuyện ngông cuồng về hôn sự gì nữa.”
Trương Hạ tiếp tục giới thiệu một mối hôn sự khác cho Bệnh Dĩ. Mối hôn sự này cũng phải vượt qua trắc trở mới thành công. Đối tượng là Hứa Bình Quân, con gái của Hứa Quảng Hán. Hứa Quảng Hán lúc đó làm một chức quan nhỏ trong xưởng dệt nhuộm. Ông ta trước đây từng phạm sai lầm phải chịu hình phạt, danh tiếng cũng không tốt. (Lúc trẻ, khi còn là trung lang trong phủ Xương Ấp Vương, Hứa Quảng Hán từng theo Hán Vũ Đế đến cung Cam Tuyền. Vì ông ấy lấy nhầm yên ngựa của người khác khoác lên ngựa của mình nên bị buộc tội trộm cắp, nhưng may mắn được miễn tử tội. Sau đó, Hứa Quảng Hán được đưa vào làm việc ở Tàm thất, và từng làm phụ tá cho hoạn quan.)
Hứa Bình Quân lúc đó mới mười bốn, mười lăm tuổi, vốn đang chuẩn bị gả đi. Nhưng trước khi xuất giá, đối tượng thành hôn của nàng đột ngột qua đời. Mẫu thân của Hứa Bình Quân đưa nàng đi xem tướng, và được đoán mệnh nói rằng nàng có mệnh đại quý.
Hứa Quảng Hán đồng ý lời đề thân về hôn sự của Trương Hạ. Ngày hôm sau, khi thê tử của Hứa Quảng Hán biết được chuyện này đã rất tức giận. Bà không muốn gả con gái có số mệnh đại quý của mình cho người từng bị tội hình như Lưu Bệnh Dĩ. Sau đó, Trương Hạ lại tìm người mai mối đến, khi đó mối hôn sự này mới thương lượng được. Hoàng tằng tôn Lưu Bệnh Dĩ và Hứa Bình Quân kết hôn được một năm thì Hứa Bình Quân sinh hạ một người con trai.
Vài tháng sau, trong Hán cung xảy ra biến cố lớn, Chiêu Đế băng hà. Hoàng đế không có con trai kế vị ngai vàng, nên Xương Ấp Vương Lưu Hạ được kế vị. Tuy nhiên sau khi lên ngôi, Lưu Hạ lại rất phóng đãng, cuồng loạn và thất đức nên bị phế truất. Lúc này, Bỉnh Cát tiến cử Lưu Bệnh Dĩ, huyết thống hoàng gia còn sót lại trong dân gian thừa kế đại thống, và nhận được sự đồng thuận của Đại Tư Mã, Đại tướng quân Hoắc Quang. Hoắc Quang dâng thư lên Hoàng Thái hậu kiến nghị lập Lưu Bệnh Dĩ làm hoàng đế.
Tân hoàng đế lên ngôi, việc lập hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ là quốc gia đại sự trọng yếu. Đại tướng quân Hoắc Quang là người có công lớn nhất trong việc nghênh lập Tuyên Đế. Gia tộc họ Hoắc nhân cơ hội này muốn đưa con gái út yêu quý Hoắc Thành Quân lên ngôi hoàng hậu. Nhiều công khanh đại thần cũng thuận thế thảo luận việc lập con gái út của phụ chính đại thần Hoắc Quang làm hoàng hậu.
Đối với bậc quân vương một nước mà nói, gia sự chính là quốc sự, và cũng là việc của cả thiên hạ. Lập ai làm hoàng hậu hoàn toàn không phải là do bản thân người đó quyết định. Hán Tuyên Đế là một ví dụ rõ ràng.
Khi đó, Hán Tuyên Đế mới mười tám tuổi, đang ở độ tuổi khí huyết sung mãn. Tuyên Đế thành hôn với thê tử mười sáu tuổi được hơn một năm, và họ có một người con trai vài tháng tuổi (sau này là Nguyên Đế). Vai diễn cuộc đời của ông từ một tù nhân được ân xá đến người được nghênh lập làm Hoàng đế, một tương lai tươi sáng đang mở ra. Nhưng, vị Phụ chính đại thần đầy thế lực Hoắc Quang vẫn chưa trả lại quyền lực cho tân Hoàng đế. Bất luận là quá khứ, hiện tại, hoặc tương lai, tân Hoàng đế không thể tránh khỏi việc được Hoắc Quang phò tá trợ giúp hoặc bị Hoắc Quang khống chế. Tân Hoàng đế nên lựa chọn thế nào đây?
Vào thời điểm này, Hán Tuyên Đế trẻ tuổi không nói gì. Ông hạ đạo chiếu thư đầu tiên: “Chiếu cầu vi thời cố kiếm”: Trẫm vào lúc nghèo khổ và khó khăn từng có một thanh kiếm cũ theo bên mình, nhưng bây giờ nó không còn nữa. Trẫm vô cùng hoài niệm, ai có thể giúp trẫm tìm lại thanh kiếm cũ này?
Thánh chỉ “cố kiếm tình thâm” này thể hiện sự nhu hòa và trí tuệ phi thường, thể hiện rõ tình cảm yêu thương, trân quý của Hoàng đế dành cho người cũ, và khẳng định ân nghĩa sâu sắc của phu thê. Công khanh đại thần thông qua đạo chiếu thư này biết tâm ý thực sự của hoàng đế, bèn thương nghị lập Hứa Thị làm Hiếu Tuyên Hoàng hậu.
Tuy nhiên, chuyện tình yêu, hôn nhân và số phận của ông không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Hơn hai năm sau, Hán Tuyên Đế lại chịu một đả kích và thử thách nặng nề hơn trong cuộc đời. Vì muốn để con gái Hoắc Thành Quân trở thành hoàng hậu, thê tử của quyền thần Hoắc Quang đã âm mưu đầu độc hoàng hậu Từ Thị. Lúc này, Tuyên Đế trẻ vẫn chưa thể đích thân lo liệu triều chính. Thê tử yêu quý của ông đột ngột qua đời không rõ nguyên nhân, lại xót thương con trai mất mẫu thân từ nhỏ, ông sao có thể không đau lòng? Trải qua một năm hai tháng, sau khi cân nhắc đại cục, Hán Tuyên Đế không thể không lập Hoắc Thành Quân làm hoàng hậu. Chuyện này xảy ra vào tháng Ba năm Bản Thủy thứ ba. Ba năm sau, sau khi Hoắc Quang qua đời (năm Địa Tiết thứ hai), Tuyên Đế mới có thể tự mình nắm giữ triều chính. Một năm sau, Hoắc Vũ, con trai của Hoắc Quang, Đại Tư Mã Hoắc Vũ mưu phản. Sự việc bại lộ, Hoắc Vũ bị xử tử, Hoắc Hoàng hậu bị phế truất.
Yêu quý muôn dân, trung thực, có bản lĩnh, chinh phục Hung Nô chói lọi thiên uy
Trong lịch sử Trung Quốc, Hán Tuyên Đế là vị quân vương rất có tính quyết đoán. Về đối nội, ông yêu thương bách tính, coi trọng sự liêm khiết và tài năng của quan lại, chính trị công bằng. Về đối ngoại, ông kế thừa sự hùng tài đại lược của Hán Vũ Đế trong việc quản lý Tây Vực, và đưa quyền lực của nhà Hán ở Tây Vực lên đến đỉnh cao.
Thượng triều nghe chính sự, trân quý sinh mệnh
Sau khi Tuyên Đế đích thân lo liệu triều chính, ông hạ chiếu chỉ muốn cải thiện cách thức quản lý của quan lại, bảo vệ tính mệnh của bách tính:
“Ngục chính [việc kiện tụng] liên quan đến tính mệnh của bách tính trong thiên hạ, lấy việc cấm bạo loạn, ngăn chặn cái ác, giáo hóa chúng sinh trong thiên hạ làm mục đích. Nếu quan lại có thể làm được việc khiến người sống không oán, người đã mất không hận, thì người ấy chính là dày công tu dưỡng. Nhưng bây giờ lại không được như thế. Một số kẻ chấp pháp có lòng riêng, cố ý hiểu sai luật pháp một cách xảo quyệt ở nhiều mức độ khác nhau, còn khéo dựng lập tội danh giả nhằm mục đích phục vụ cho tư tâm. Những kẻ này tấu trình không đúng sự thật, khiến cấp trên không có cách nào phân biệt thật giả. Trẫm không biết rõ chân tướng, quan lại không đủ tiêu chuẩn, vậy sinh mệnh của bách tính trong thiên hạ dựa vào ai để được bảo vệ đây?
Những quan viên có bổng lộc hai ngàn thạch cần xét rõ những người dưới quyền, không cần sử dụng những người như thế. Quan viên lo liệu việc trị lý tất phải công chính và công bằng! Còn có một số quan viên tự tiện trưng dụng lao dịch để làm đủ đầy quan xá, trau chuốt dịch trạm, túc xá để làm vui lòng sứ thần và tân khách, vượt quá thẩm quyền và pháp luật để cầu danh tiếng. Những kẻ làm như thế giống như đứng trên lớp băng mỏng chờ mặt trời ló dạng ban ngày, há chẳng nguy hiểm sao! Hiện nay, trong thiên hạ nhiều nơi đang phải hứng chịu tai họa dịch bệnh, trẫm vô cùng thương xót. Trẫm lệnh cho các quận bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh được miễn tô thuế trong năm nay.”
Trong triều, Tuyên Đế cứ năm ngày sẽ thượng triều để kiểm tra thành tích của các quần thần. Từ Thừa tướng trở xuống đều phải tùy theo chức vụ báo cáo kết quả làm việc. Vì vậy, mọi việc lớn nhỏ trong thiên hạ, Tuyên Đế đều biết rõ ràng. Người có công trạng sẽ được thăng quan. Người làm việc đại thiện sẽ được ban thưởng rất lớn, và con cháu của họ cũng được ban thưởng.
Hùng tài đại lược, mưu hoạch quản lý Tây Vực
Trong lịch sử Trung Quốc, Hán Tuyên Đế là vị quân vương thời trung hưng có tài trí mưu lược kiệt xuất và quyết đoán. Khi mới lên ngôi, ông đã định ra kế hoạch lớn để quản lý Tây Vực. Năm thứ hai sau khi lên ngôi, Hán Tuyên Đế phát động cuộc chiến hỗ trợ Ô Tôn tiến đánh Hung Nô và giành được đại thắng. Trải qua 11 năm nữa, vào năm Thần Tước thứ hai (năm 60 trước Công nguyên), Tây Vực lần đầu tiên thiết lập Đô Hộ Phủ. Hơn ba mươi nước ở Tây Vực chính thức được nạp nhập vào lãnh thổ của Tây Hán. Lúc này, cương vực nhà Hán đạt đến đỉnh cao. Chín năm sau, vào năm Cam Lộ thứ ba (năm 51 trước Công nguyên), Hô Hàn Tà Thiền Vu dùng thân phận thần tử đến yết kiến Tuyên Đế. Hán Tuyên Đế đã kết thúc chiến tranh Hán-Hung kéo dài hơn 150 năm, dùng thắng lợi toàn diện lưu lại ánh quang huy được ngàn đời truyền thế.
Hán Tuyên Đế “cố kiếm tình thâm”, không bỏ rơi người cũ, không xa rời “thê tử tao khang”, tạo nên giai thoại tình yêu và hôn nhân nhẹ nhàng mà bền lâu, khó khăn mà bền chắc. Tình yêu thương đối với bách tính và những thành tựu trong việc cai trị của ông cũng lưu danh trong sử sách.
Hán Tuyên Đế áp dụng chế độ thưởng phạt công bằng chính trực, phân minh, đồng thời kiểm tra nghiêm ngặt danh tiếng và thực tế. Nhờ vậy, những nhân tài trong các lĩnh vực khác nhau đều biểu hiện nổi bật. Kỹ nghệ, thợ thủ công và việc sản xuất khí giới đều đạt đến trình độ cao. Dưới sự cai trị của ông, quan lại làm tròn phận sự, bách tính an gia lạc nghiệp, xã hội an định phồn vinh.
Đối mặt với mối đe dọa họa loạn lâu dài từ Hung Nô, thành tựu về mặt quân sự của ông khiến uy tín của nhà Hán hiển hách ở Tây Vực, đạt đến đỉnh cao trong 150 năm kể từ khi thành lập triều đại, và làm rạng rỡ tổ tông. Các nhà sử học ca ngợi Hán Tuyên Đế là bậc quân vương thời trung hưng. Đức nghiệp của ông sánh ngang với Ân Cao Tông và Chu Tuyên Vương.