Câu chuyện ngắn về Hoàng Đế: Khang Hy đại đế kính Trời, yêu dân
Trong những năm đầu triều đại Khang Hy, Học sĩ Tôn Khỉ Chiêm (Vốn tên là Tại Phong, đậu Bảng nhãn vào năm Khang Hy thứ chín) đảm nhận chức Thị giảng, hầu cạnh Hoàng đế. Ông kể cho mọi người nghe một số câu chuyện về Hoàng đế Khang Hy mà ông đích thân chứng kiến.
Khiêm tốn, chăm học, kính Trời yêu người yêu vật
Học sĩ Tôn Khỉ Chiêm kể rằng nếu Hoàng đế Khang Hy nhìn thấy trên tấu chương viết những chữ “Đức mại Nhị Đế, công quá Tam Vương,” thì ông sẽ răn dạy quần thần về sau không được phép viết như vậy. Khang Hy đế nói: “Trẫm sao có thể có công cao hơn các bậc Nhị Đế, Tam Vương?” [Nguyên văn: Công đức cao quý của vua Nghiêu, vua Thuấn và các bậc quân chủ sáng lập ba triều đại Hạ, Thương, Chu, trẫm sao có thể vượt qua họ được?]
Tôn Khỉ Chiêm cũng kể rằng Khang Hy đế vô cùng chăm học, xưa nay hiếm thấy có vị vua như vậy. Xung quanh nơi tọa vị của Hoàng thượng luôn được bao quanh bởi các loại thư tịch. Trong số đó, các tác phẩm nói đến đạo lý tu dưỡng tâm tính và tứ thư ngũ kinh là những sách Hoàng đế thích nhất.
Hoàng đế Khang Hy có những yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân. Trong thư phòng có một câu đối do chính ông ngự bút đề chữ: “Dĩ ái kỷ chi tâm ái nhân, dĩ trách nhân chi tâm trách kỷ” (Tạm dịch: Dùng lòng yêu thương bản thân mình để yêu người khác, dùng tâm trách lỗi người khác mà tự trách bản thân mình.) Hoành phi viết hai chữ “Kính Thiên.”
Tiết vạn thọ, Phúc của thiên hạ chính là phúc của Trẫm
Hoàng đế Khang Hy đăng cơ ngôi vua được một vòng Giáp Tý, “tại vị 60 năm” là điều ít thấy. Các quan đại thần trong triều đình đều lần lượt thỉnh cầu tổ chức tiệc chúc mừng, nhưng Khang Hy đế nhất mực cự tuyệt. Theo ghi chép trong sách “Thanh sử cảo,” vào ngày Ất Sửu tháng Ba năm Khang Hy thứ 60, quần thần thỉnh đặt tôn hiệu tiết Vạn Thọ (Ngày sinh thần của Hoàng đế,) nhưng Hoàng đế Khang Hy vẫn từ chối. Ông nói: “Gia thêm tôn hiệu là việc hủ tệ,” “Gia pháp của bổn triều lấy việc yêu dân làm việc chính.” Hoàng đế còn nói, hiện nay biên cương vẫn còn chiến sự. Binh lính trên chiến trường thường xuyên gặp nguy hiểm. Tâm tư trẫm không có thời gian suy nghĩ [những điều hư huyễn này,] sao có thể bày tiệc chúc mừng được?
Trên đường đi, Hoàng đế Khang Hy nhìn thấy vô số người cầu phúc cho ông. Nhưng Khang Hy đế nói, ông cảm thấy hổ thẹn, “dân chúng trên khắp đất nước an tức là trẫm an, phúc của khắp thiên hạ chính là phúc của trẫm.” Đối tượng được chúc phúc trường thọ trước tiên phải là người trong thiên hạ.
Vào ngày tiết Vạn Thọ, Khang Hy đế ban chiếu thi bày ân trạch sâu rộng: ban phúc cho người già, tiến cử những người sống ẩn cư, biểu dương đức hiếu nghĩa, miễn trừ trách tội những người thiếu nợ, quan phủ có trách nhiệm dưỡng nuôi, bảo vệ những người góa bụa, cô đơn, nghèo khổ và khốn khổ trong dân gian, tất cả tội phạm đều được ân xá trừ những người bị tội hình xử trảm.
Theo ghi chép trong sách “Khang Hy tân ngữ, quyển 2,” có một lần Khang Hy đế tuần du phương Nam, Tuần phủ Sơn Đông Vương Quốc Xương tiến hiến hải sản và con hươu còn sống. Thị vệ truyền chỉ nói, vua không dùng hải sản. Hoàng đế Khang Hy cũng không dùng những thức ăn [mà những quan lại địa phương] đặc biệt sát hại động vật để dâng lên vua ngự thiện. Vì vậy, ông ra lệnh thả con hươu sống.
Không quên công lao của cố nhân
Hoàng đế Khang Hy bận rộn triều chính, nhưng trong lòng thường hoài niệm công lao của cố nhân, và chăm sóc cho người nhà của họ. Thị độc Đại học sĩ Hùng Tứ Lý (tự Kính Tu, đậu tiến sĩ năm Thuận Trị thứ 15,) là người “vốn có tài năng, giữ chức thanh liêm, thận trọng.” Ông từng giữ chức Lễ bộ Thượng Thư, Lại bộ Thượng Thư, được nhanh chóng thăng làm Vũ Anh Điện Đại học sĩ. Thị độc Đại học sĩ Hùng Tứ Lý từng bị miễn chức, hồi hương trong hơn 10 năm. Về sau, ông được Hoàng đế Khang Hy triệu hồi và phục chức.
Sau khi đại thần Hùng Tứ Lý qua đời, Khang Hy đế thường hoài niệm về ông. Năm Khang Hy thứ 51, Khang Hy đế ban dụ lệnh: “Trẫm nghe nói con trai ngươi đã trưởng thành, có thể lệnh cho đến kinh thu dụng.” Tuy nhiên, lúc đó hai người con trai [của Hùng Tứ Lý] còn quá nhỏ, Khang Hy đế biết nhà họ nghèo nên lệnh cho quan chức ở Giang Ninh chăm sóc và giúp đỡ họ. Vào tháng Mười năm Khang Hy thứ 60, Hoàng đế Khang Hy lại hạ chiếu: “Đại học sĩ Hùng Tứ Lý, làm quan thanh liêm, học vấn sâu rộng, trẫm đã lâu vẫn không quên, nên hạ lệnh chu tuất (quan tâm, giúp đỡ) người nhà. Nay hai người con trai của Hùng Tứ Lý đã đến kinh đô. Xét khí chất của chúng có thể theo nghiệp đèn sách, nên gia thêm thành tựu. Vậy nên truyền dụ cho cửu khanh biết.”
Khi đó, ông Hùng Tứ Lý đã qua đời được 12 năm. Hoàng đế Khang Hy vẫn thường nhớ đến công lao tình nghĩa xưa của ông ấy, “trong lòng chưa từng quên,” nên đã chăm sóc người nhà, thương yêu bảo hộ con của Hùng Tứ Lý, giúp đỡ đến mức như vậy.
Quản lý quốc gia lấy trung chính, thành kính làm gốc
Hoàng đế Khang Hy rất chú trọng đến tài năng, hành vi thiện ác của quan lại, và việc thực hành nền chính trị có đi theo chính đạo hay không. Ông từng ca ngợi Trương Bá Hành (tự Hiếu Tiên, thụy hiệu Thanh Khác) “là vị quan thanh liêm đệ nhất trong thiên hạ.” Tuy nhiên, lúc Trương Bá Hành nhậm chức Tuần phủ đã có một chính sách sai lầm. Hoàng đế Khang Hy đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến sai lầm của Trương Bá Hành để các quan viên lấy đó làm gương.
Theo ghi chép trong sách “Thánh Tổ Nhân Hoàng đế thánh huấn – Quyển 46,” khi triều thần Trương Bá Hành làm Tuần phủ Giang Tô đã ra quy định, phàm gia đình phú hào nào tích trữ lúa gạo phải bán giá rẻ, nếu không sẽ bị trị tội. Khang Hy đế không tán thành cách làm này, sau đó ông ban dụ lệnh cho các quan viên Đại học sĩ rằng:
Tuy cách làm này có thể khiến dân nghèo nhất thời cảm kích, nhưng không phải là chính đạo ở nhân gian. Cách làm này chỉ che đậy sự tăng giá của lương thực, từ đó che đậy sự vô năng trong quản lý của mình. Ở nơi nào có nhiều người giàu có, khá giả thì đó là điều tốt. Sự giàu có của họ đều là tích lũy từ việc giao dịch buôn bán, không phải có từ tiền hối lộ khi giữ chức vụ hoặc tham ô tiền bạc. Tại sao phải hà khắc và cắt bỏ [tiền tài] của họ để làm hài lòng người nghèo? Hơn nữa, người dân thường vô tri, tham lam vô độ. Gần đây, nghe nói một số nông dân ở Thiểm Tây mới bắt đầu canh tác. Họ lợi dụng điều này vờ báo lên các châu huyện để họ báo lên quan phủ là thiếu lương thực (để được cứu tế bù đắp). Thói ngang ngược và xấu xa này không thể để kéo dài được.
Ngoài ra, trong việc cứu đói, nếu chính quyền địa phương không thực tâm thành ý chấp hành, thường sẽ phát sinh tệ đoan rắc rối. Bởi vì khi những người bị đói rét tụ tập lại trong một làng, chắc chắn sẽ phát sinh hành vi lưu manh tranh đấu chiếm đoạt. Vào thời nhà Minh, nạn cướp bóc cũng xảy ra trong lúc phân phát lương thực. Vì vậy, việc cứu trợ nạn đói phải được thực hiện một cách thận trọng.
Trong sách “Thượng thư” nói, “minh giả hữu tứ mục, đạt giả hữu tứ thông” (Tạm dịch: người sáng suốt, mắt nhìn thấy mọi việc khắp bốn phương, người thông đạt nghe hết mọi điều khắp bốn phương.” Trẫm đối với các vấn đề trong thiên hạ đều hiểu rõ trong tâm. Những vấn đề này trẫm đều biết rất rõ ràng, nhưng trẫm sẽ không vừa biết được liền nổi cơn thịnh nộ, hạ lệnh trừng phạt. Tóm lại, việc cai trị đất nước phải lấy sự trung chính, thành kính làm gốc. Trung chính ắt hành sự công bằng, thành kính ắt dẹp bỏ tư tâm ích kỷ. Trẫm mỗi ngày đều đọc các loại sách nói về tu tâm dưỡng tính nên thấy được những đạo lý này.
Trên đây là nội dung dụ lệnh của Hoàng đế Khang Hy. Ông đã phân tích đúng trọng tâm vấn đề, ‘nhất châm kiến huyết,’ chỉ ra việc hà khắc với sự giàu có của phú hào. Cách trừng phạt “người giàu” để làm hài lòng người nghèo không phải là chính đạo. Hoàng đế Khang Hy nhấn mạnh rằng việc quản lý sự vụ quốc gia phải lấy “trung chính thành kính” làm căn bản, gạt bỏ tư tâm, hành sự công bằng, dùng tâm đối đãi với bản thân để đối đãi với mọi người.
Chúng ta có thể hiểu cách làm cưỡng chế người giàu bán rẻ lương thực này tương tự như kiểu “quân bình giàu nghèo” của chủ nghĩa cộng sản. Thực chất đó là sự cưỡng chế can dự vào việc mua bán trên thị trường. Nếu mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy thì nó chỉ làm cho vấn đề nghèo đói trở nên tồi tệ hơn. Hơn nữa, việc cắt bỏ lợi ích chính đáng của một nhóm người để làm hài lòng một nhóm người khác là tạo ra sự thiên vị giữa các nhóm người khác nhau, cũng sẽ gây chia rẽ đối đầu trong quần chúng. Từ sự việc này, chúng ta có thể thấy được trí tuệ thâm sâu và tinh thần công chính chân thành của Hoàng đế Khang Hy.
Một ví dụ về lòng yêu dân của Khang Hy đế
Vậy, tại sao Hoàng đế Khang Hy lại để tâm đến những sự việc trong nhân dân? Về vấn đề lương thực và sinh kế của người dân, trong “Kỷ hạ cách vật biên” do Hoàng đế Khang Hy biên soạn có ghi chép việc ông chọn lọc và nhân giống các loại cây tốt trên đồng ruộng.
Tại Phong Trạch Viên, nơi có tịch điền trong ngự viên, có một số khu vực trồng ruộng lúa nước. Vào một ngày trong tháng Sáu năm nọ, Khang Hy đế đi bộ khảo sát Phong Trạch Viên. Lúc đó, cây lúa vừa mới trổ bông, chợt Hoàng đế nhìn thấy một cây lúa cao hơn hẳn những cây khác, hơn nữa những bông lúa của cây lúa này lại còn chắc khỏe và đầy đặn. Thế là, Hoàng đế Khang Hy đã thu thập hạt lúa và đợi năm sau trồng tiếp để kiểm chứng thêm về chất lượng. Năm tiếp đó, sau khi kiểm chứng đã chứng thực quả nhiên nó là giống lúa chín sớm.
Giống lúa này có thể thu hoạch hai lần một năm. Hoàng đế Khang Hy đã ban tặng hạt giống lúa này cho Đốc phủ, Chức tạo các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, và ra lệnh cho họ thúc đẩy rộng rãi việc trồng trọt, để có thể tăng sản lượng thu hoạch hàng năm. Sau đó, giống lúa này được mở rộng đến các tỉnh Giang Tây, An Huy và những nơi khác, cũng có được mùa màng bội thu. Mỗi lần Hoàng đế Khang Hy dùng bữa, ông đều mong cùng người dân khắp thiên hạ thưởng thức loại gạo tốt lành này. Tấm lòng chân thành của Hoàng đế Khang Hy – “Phúc của Thiên hạ cũng chính là phúc của Trẫm” thực không gì sánh bằng!
Nguồn tư liệu: “Khang triều tân ngữ – Quyển 2;” “Kỷ hạ cách vật biên;” “Thanh sử cảo;” “Thanh thực lục.”
Cửu Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ