Hoàng đế Khang Hy và xưởng pha lê hoàng gia triều Thanh
Các tài liệu lưu trữ của triều Thanh cho thấy, ít nhất là vào năm 1705, xưởng chế tác pha lê Hoàng gia ở Bắc Kinh đã có thể sản xuất các dụng cụ pha lê với các loại hình dạng, bao gồm các dụng cụ pha lê nhiều màu sắc và dụng cụ pha lê dòng hồng.
Trong cuộc sống xã hội đương đại hiện nay, các chế phẩm pha lê như cửa sổ, kính mắt, kính hiển vi, gương soi, kính viễn vọng, ống nghiệm, máy chụp ảnh…, là những đồ vật rất phổ biến. Tuy nhiên , đối với người Trung Quốc xưa mà nói, hứng thú của họ đối với pha lê khác xa hứng thú đối với đồ sứ. Giới khảo cổ phát hiện, mặc dù ngay từ thời Chiến Quốc đã có pha lê, nhưng kỹ thuật chế tạo pha lê lại trì trệ không hề phát triển, mãi cho đến giữa thời Khang Hy triều Thanh, người ta mới sản xuất pha lê trên quy mô lớn .
Người Trung Quốc xưa ít có hứng thú đối với pha lê, hiển nhiên không phải vì nguyên nhân kỹ thuật, bởi vì so với kỹ thuật chế tạo đồ sứ thì kỹ thuật chế tạo pha lê tương đối thấp hơn một chút. Mà Trung Quốc từ thời kỳ Đông Hán đã nghiên cứu ra bí quyết kỹ thuật tạo sứ, đến thế kỷ 18 ở Châu Âu mới giải mã và bắt đầu tự vận hành sản xuất. Nếu như không phải vì nguyên nhân kỹ thuật, thì có thể nguyên nhân là ở tính trong suốt của pha lê không tương xứng lắm với văn hóa hàm súc, ẩn ý truyền thống của Trung Quốc. Vậy nên, nó tự nhiên cũng không được chú ý quá nhiều.
So sánh một cách tương đối, thì kỹ thuật pha lê sau khi xuất hiện từ Ai Cập và Hy Lạp, trải qua cải tiến của người La Mã, tại khu vực châu Âu đã không ngừng được đề cao và ứng dụng trong suốt hơn 2000 năm. Đặc biệt vào thời kì văn hóa Phục hưng thế kỉ 16, kỹ thuật chế tạo pha lê đã trở nên thành thục, hơn nữa chi phí hạ thấp, cũng khiến cho chế phẩm pha lê được phổ biến, do đó đã ảnh hưởng lớn đến phong cách kiến trúc, văn hóa rượu nho cùng văn hóa bia ở Âu Châu.
Cuối thế kỉ 17, trong buôn bán mậu dịch giữa phương Đông và phương Tây đã xuất hiện chế phẩm pha lê, mà trong lễ vật dâng cho Hoàng đế triều Thanh của nhóm giáo sĩ truyền giáo Châu Âu cũng có chế phẩm pha lê. Ví dụ vào tháng 2 năm 1689, lúc Khang Hy đại đế tuần du phương nam đến Hàng Châu, đã tiếp nhận lễ vật hiến tặng của hai vị giáo sĩ truyền giáo: một quả cầu pha lê nhiều màu sắc, một kính viễn vọng cỡ nhỏ, một cái kính trang điểm cùng hai bình hoa pha lê.
Đối với khoa học kỹ thuật của phương Tây, hoàng đế Khang Ky vốn đã có thái độ hứng thú, nay càng thêm tán thưởng, cũng quyết tâm sản xuất và chế tạo đồ pha lê chất lượng tốt của riêng Trung Quốc. Bởi vậy, vào năm 1696 ông bèn hạ lệnh thành lập xưởng chế tác pha lê Hoàng gia đầu tiên của triều Thanh, tại phía đông giáo đường Thiên Chúa do người Pháp dựng ở Tàm Bảo Trì Khẩu, Bắc Kinh.
Trong một bức thư gửi cho giáo hội vào ngày 31 tháng 10 năm 1696, giáo sĩ truyền giáo người Pháp là Hồng Nhược Hàn (tên tiếng Pháp: Jean de Fontaney) viết rằng: “Trên bãi đất trống lớn bên cạnh trụ sở chúng ta, Hoàng đế Khang Hy dựng ngay một phường sản xuất pha lê rất đẹp. Nếu như chúng ta có thể quản lý và sử dụng nó tốt, Hoàng đế sẽ để chúng ta quản lý. Tuân theo ý chỉ Hoàng đế, linh mục Kilian Stumpf vâng mệnh giám sát việc này. Tôi thỉnh cầu các vị lập tức từ trong xưởng sản xuất pha lê tốt của chúng ta tuyển phái đến một, hai người thợ, để chế tạo ra kính pha lê, chế phẩm thủy tinh và pha lê giống như của Âu Châu chúng ta. Cũng xin vui lòng chọn phái đi một thợ làm sứ thượng hạng”.
Trong thư có nhắc đến Kilian Stumpf, ông đến từ thành phố Würzburg thuộc bang Bayern ở Đức. Ông từ nhỏ đã nhận được sự giáo dục của trường học tiếng Latinh do giáo hội xây dựng, sau đó vào học tập ở Đại học Würzburg do giáo hội quản lý, nội dung học tập liên quan đến nhiều loại khoa học như toán học, số học, hình học, thiên văn, chiêm tinh, địa lý, vật lý, kiến trúc, máy móc…. Năm 1694, ông lấy thân phận giáo sĩ truyền giáo đi đến Trung Quốc, đầu tiên đi tới Quảng Châu. Trong các phương diện vật lý học, thiên văn học, toán học và cơ giới học, ông đã thể hiện tài hoa trác tuyệt, thu hút chú ý của quan viên địa phương, cũng được thượng tấu lên Hoàng đế Khang Hy. Hoàng đế bèn hạ chiếu lệnh cho Kilian Stumpf vào kinh, cũng đích thân triệu kiến ông. Sau đó, Hoàng đế giao cho ông trọng trách sáng tạo và phụ trách xưởng chế tác pha lê Hoàng gia, bắt đầu từ đó chế tác đồ dùng pha lê cho cung đình sử dụng.
Linh mục Kilian Stumpf không phụ sự chờ mong của Hoàng đế Khang Hy, tại xưởng chế tác pha lê Hoàng gia, ông cùng các nhân viên kỹ thuật đến từ Âu Châu đã huấn luyện nhóm thợ khéo tay của Trung Quốc đúc khuôn như thế nào, cách lấy màu sắc, điêu khắc, đánh bóng và thao tác luyện lò ra sao, dựa vào tài chính hùng hậu và vật liệu của Hoàng gia mà tạo ra được các chế phẩm thủy tinh và pha lê mang sắc thái phong phú, tính chất tinh thần của Trung Quốc. Hoàng đế Khang Hy cho rằng loại pha lê này của Trung Quốc so với chế phẩm của Âu Châu còn cao cấp hơn.
Các tài liệu lưu trữ của triều Thanh cho thấy, ít nhất là vào năm 1705, xưởng chế tác pha lê Hoàng gia ở Bắc Kinh đã có thể sản xuất các dụng cụ pha lê với các loại hình dạng, bao gồm các dụng cụ pha lê nhiều màu sắc và dụng cụ pha lê dòng hồng (famille rose glass).
Đồ sứ dòng hồng (famille rose) còn được gọi là “đồ sứ Tây dương”, khởi nguồn từ nước Pháp ở Tây Âu, vào thế kỷ 16 theo chân các thương nhân Âu Châu và giáo sĩ truyền giáo mà đến Quảng Đông và truyền vào Trung Quốc. Đồ sứ dòng hồng là lấy kim loại đồng làm cốt yếu, dùng phấn men đủ các màu sắc trải qua nung mà tạo thành. Đồ sứ dòng hồng có hội họa thú vị, cho nên còn được gọi là “tranh men sứ”. Bắc Kinh nổi danh nhờ chạm trổ men sứ, người Trung Quốc quen gọi là “Cảnh thái lam”.
Còn dụng cụ pha lê dòng hồng là sản phẩm phát triển từ Đồ sứ dòng hồng, nó là lấy pha lê làm thể cốt, lấy công nghệ Đồ sứ dòng hồng làm công nghệ phức hợp đểtrang trí, là Đồ sứ dòng hồng với cốt đồng phát triển thành, yêu cầu kỹ thuật cực cao. Bởi vì pha lê và men sứ có điểm nóng chảy rất gần nhau, trong quá trình nung vẽ đi vẽ lại, nếu nhiệt độ thấp, lớp phủ men sứ không thể nóng chảy toàn bộ, thì chất lượng không tốt; nếu nhiệt độ cao, thể cốt biến hình, tức thành phế phẩm. Vẽ men sứ trên pha lê chỉ thích hợp khi chế tác những đồ vật nhỏ, như bình hoa nhỏ, lọ thuốc hít .v.v., đề tài vẽ ở mặt ngoài có rất nhiều, ví dụ như sông nước, nhân vật, hoa, chim, cá, côn trùng .v.v.
Vì sự yêu thích đối với men sứ và pha lê Trung Quốc, Hoàng đế Khang Hy có lúc còn coi nó là lễ vật Hoàng gia để tặng cho các đại thần và sứ giả ngoại quốc. Ví như năm 1705, khi vua Khang Hy tuần du phương nam đến Tô Châu, đã từng ban cho quan viên Tống Lạc ở nơi đó một bể cá trong suốt, một bình hoa pha lê màu lam lấp lánh, một bàn pha lê nhỏ màu vàng cùng một ống đựng bút 17 cái bằng pha lê màu lam có hình vẽ hoa cỏ. Cuối năm đó, Khang Hy tiếp kiến Giáo hoàng Charles-Thomas Maillard De Tournon, và đã tặng cho ngài Tournon một bình pha lê dòng hồng của Hoàng gia.
Ngoài ra, vào tháng 01 năm 1721, Khang Hy còn tặng cho sứ giả của Giáo hoàng là ngài Charles một bình pha lê men sứ. Về sau, trong một lần yến hội, Hoàng đế Khang Hy đã nhờ ngài Charles đem những lễ vật sau chuyển giao cho tông giáo và quốc vương Bồ Đào Nha: lễ vật tặng tông giáo gồm 128 bình sứ, một hộp pha lê dòng hồng, 10 lọ pha lê dòng hồng và 136 bình pha lê sản xuất ở Bắc Kinh; lễ vật gửi tặng quốc vương Bồ Đào Nha tổng cộng gồm hai hộp dụng cụ pha lê dòng hồng, hai hộp dụng cụ pha lê, trong đó gồm chế phẩm pha lê màu “sau cơn mưa trời lại sáng” nổi tiếng.
Xưởng chế tác pha lê Hoàng gia mặc dù thành lập thời gian không dài, nhưng chất lượng sản phẩm sản xuất được đã khá cao. Điều này ngoài nhờ sự chú trọng của Hoàng đế Khang Hy, còn có mối quan hệ mật thiết với tài năng của linh mục Kilian Stumpf.
Ngoài chế tác dụng cụ pha lê, xưởng chế tác pha lê ngự dụng còn chế tạo và ứng dụng dụng cụ quang học pha lê vào phương diện toán học, thiên văn học, khiến các giáo sĩ truyền giáo có hiểu biết về toán học, thiên văn học, quang học và những người làm công việc Khâm thiên giám của nhà Thanh cũng không thấy khó khăn nữa. Linh mục Kilian Stumpf từng đảm nhiệm chức Giám chính Khâm thiên giám nhiều năm, ông ngoài việc phụ trách quan sát chiêm tinh, còn làm ra hơn 600 dụng cụ và máy móc.
Năm 1720, linh mục Kilian Stumpf mất vì bệnh tật, năm 1722 Khang Hy băng hà. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của các giáo sĩ truyền giáo khác, xưởng chế tác pha lê Hoàng gia vẫn tiếp tục phát triển vào thời Ung Chính, Càn Long. Do thị lực không tốt, Ung Chính đeo kính mắt được sản xuất ở xưởng, còn Hoàng đế Càn Long đối với các tác phẩm nghệ thuật chế tác từ pha lê và men sứ cũng càng cảm thấy hứng thú. Cửa sổ pha lê trong vườn Viên Minh, tấm gương cùng đèn lồng pha lê có hoa văn phần lớn đều được sản xuất từ xưởng chế tác pha lê Hoàng gia.
Năm 1758, sau khi giáo sĩ truyền giáo kiêm kỹ sư Kỉ Văn ở xưởng chế tác pha lê Hoàng gia qua đời, thì xưởng này bắt đầu sa sút. Sau hai năm, Càn Long biết được trong triều không còn có vị giáo sĩ truyền giáo am hiểu kỹ thuật thổi pha lê, cho nên rất thất vọng. Trải qua mấy chục năm, xưởng chế tác pha lê Hoàng gia ngừng sản xuất và đóng cửa, huy hoàng của ngày xưa chỉ còn lưu lại trong những tháng năm lịch sử. Cho đến nay, người đời vẫn không khỏi luyến tiếc vẻ huy hoàng của một thời Khang Hy thịnh thế.
Tư liệu tham khảo:
Tác giả: Chu Hiểu Huy
Lý Tinh Thành biên tập
Toan Đinh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ