Alexander Đại Đế trở nên vĩ đại như thế nào? (Phần 1)
Hiểu về Alexander Đại Đếvà sự vĩ đại của ông là chính là nhận thức được chúng ta đang ở đâu khi làm người. Với những phẩm chất tốt đẹp của ông, chúng ta ca ngợi và khao khát, và trong những thất bại của ông, chúng ta trở nên thông tuệ hơn và từ đó, cảnh giới nội tâm chúng ta phong phú hơn.
Ngày nay, khi các giáo viên trung học ở trường thảo luận về Alexander Đại Đế, có một sự thật đáng buồn là hầu hết học sinh biết rất ít về ông. Một học sinh có thể đưa ra mẩu tin lặt vặt như: “Không phải Alexander Đại Đế bị muỗi đốt chết sao?” Vâng, vị anh hùng Hy Lạp cổ đại này có lẽ chết vì bị nhiễm bệnh sốt rét do muỗi đốt, nhưng có những nguyên nhân chính đáng khác dẫn đến cái chết của ông. Quan trọng hơn, đó có phải là những gì mà các học sinh biết về một trong vị anh hùng vĩ đại nhất bước đến hành tinh trái đất này?
Alexander Đại Đế
Tôi gọi Alexander Đại Đế là một anh hùng Hy Lạp cổ đại, mặc dù thực tế ông là người Macedonia đến từ quốc gia nằm ngay phía bắc Hy Lạp. Tuy nhiên, chúng ta thường nghĩ văn hóa Macedonia là văn hóa Hy Lạp, bao gồm nói tiếng Hy Lạp, tôn thờ cùng các vị thần và xem người Hy Lạp là đồng hương của họ trong cuộc đấu tranh chống lại sự đe dọa từ người Ba Tư.
Vào thế kỷ thứ Tư trước Công nguyên, cuộc tranh đấu này là sự kiện quyết định của thời đại. Bên cạnh khu vực tương đối nhỏ bé của Hy Lạp và Macedonia, Đế chế Ba Tư đã bành trướng từ Thổ Nhĩ Kỳ, sát bên châu Âu xuống đến Ai Cập ở Bắc Phi, cho đến tận sông Indus thuộc Pakistan ngày nay.
Trải qua nhiều thế kỷ, thần dân của Alexander đã sống trong bóng tối của Đế chế Ba Tư. Vào thế ký trước, họ đã hai lần bị xâm lược và đã hai lần thành công đánh lui quân xâm lược Ba Tư.
Để làm cho mối quan hệ ngày càng xấu đi, rất có thể người Ba Tư đã đóng vai trò yểm trợ trong vụ ám sát phụ vương của Alexander, Đức vua Philip Đệ nhị. Vì vậy, Alexander đã thực hiện được một điều không thể tưởng tượng được: ông đưa đội quân vô cùng bé nhỏ của mình và — với kỷ luật hoàn hảo và đội hình chiến đấu đơn giản nhưng hiệu quả được trang bị khiên khóa và giáo dài — gọi là ‘đội hình phalanx Macedonia’ — đánh bại ngay chính quân Ba Tư, hết trận này đến trận khác cho đến khi thống lĩnh thế giới, ít nhất là như những người Hy Lạp biết thế giới đó là gì.
Thậm chí, ông còn tiến xa hơn, vượt qua Đèo Khyber trên dãy núi Kush của người Hindu vào Ấn Độ. Ông chỉ quay lại khi quân lực bị hao mòn và những người lính nhớ nhà nổi loạn. Ngay cả sau đó, ông đã trở lại theo một cách khác, chinh phục như ông đã từng đi. Và ông đã hoàn thành tất cả những việc đó vẻn vẹn trong độ tuổi từ 20 đến 32!
Từ sự thành công của sứ mệnh vĩ đại của ông, nền văn hóa của thời đại hoàng kim Hy Lạp, trí tuệ uyên thâm của Socrates (mà tôi đã từng viết trước đây), các tác phẩm điêu khắc hiện thực tinh xảo, kiến trúc tiền đề và các vở bi kịch và hài kịch vốn là nguồn cảm hứng cho Shakespeare sau này đều được bảo tồn khỏi mối đe dọa bị hủy diệt.
Alexander còn dựng lập nên thành phố Alexandria ở Ai Cập với thư viện rộng lớn và ngọn hải đăng 40 tầng sẽ là trung tâm kinh tế và trí tuệ/ học thuật của nền văn minh Tây phương trong nhiều thế kỷ, để lại một di sản văn hóa được người La Mã kế thừa trong nền Cộng hòa và Đế chế của họ.
Tóm lại, đó là tất cả những gì đã làm nên một Alexander vĩ đại.
Alexander trở nên vĩ đại như thế nào?
Chính xác ông đã làm tất cả những điều đó như thế nào là một câu hỏi khác. Những câu chuyện phổ biến ngày nay cho chúng ta rất ít lời giải đáp.
Theo mặt tiêu cực của những ý kiến phổ biến này, ông là một người da trắng theo chủ nghĩa đế quốc luôn đàn áp những nơi mà ông đi qua.
Theo mặt tích cực, ông là một chàng trai trẻ hào hoa, vô tư, trượng phu nghĩa hiệp và tinh thần phiêu lưu vô song.
Cách giải thích sau được khẳng định bởi thực tế rằng ngoài cuộc đời phi thường của Alexander còn xuất hiện một loạt những câu chuyện thần thoại và truyền thuyết.
Một con ngựa bất kham
Chẳng hạn, khi ông còn bé, người ta mang đến vương quốc ông một con ngựa bất kham. Cha ông không ngó ngàng gì đến nó. Nhưng Alexander tinh ý quan sát thấy rằng con ngựa thực sự sợ cái bóng của chính nó và có thể xoa dịu nó bằng cách lẳng lặng quay nó tránh khỏi cái bóng của mình. Câu chuyện kể rằng Alexander đã biến con thú hoang dã này thành một chiến mã Bucephalus trung thành, theo ông chinh chiến hết trận này đến trận khác.
Học trò của Aristotle
Người ta cũng nói rằng Alexander được Aristotle, nhà triết học cổ Hy Lạp dạy dỗ. Ông rất say mê những bài sử thi cổ đại của Homer đến nỗi ông đã chọn dừng chân tại thành Troy cổ xưa được nhắc đến trong thiên anh hùng ca của Homer khi lần đầu tiên ông tiến vào Đế chế Ba Tư, trong khi quân lính của ông tỏa đi những nơi khác.
Nút thắt Gordian
Sau đó, trong cuộc chinh phạt của mình, Alexander được cho là đã đối mặt với [thử thách] Nút thắt Gordian. Đó là một nút thắt dây thừng to lớn trên một chiếc xe ngựa cũ.
Truyền thuyết kể rằng bất cứ ai tháo được nút thắt này thì sẽ trở thành người thống trị thế giới. Alexander xem xét một lượt và sau đó đã dùng kiếm cắt đứt nút thắt và gỡ được nó ra, đại loại là để lại một thuật ngữ “cắt Nút thắt Gordian” – với ý nghĩa là “giải quyết một vấn đề phức tạp bằng giải pháp đơn giản và một chút thô thiển.”
Gặp gỡ Diogenes, một nhà hiền triết vô gia cư
Ngoài ra còn có câu chuyện Alexander gặp Diogenes, một nhà hiền triết vô gia cư đang nằm trên đường phố. Ông ấy đã van nài Alexander đừng che ánh mặt trời của ông. Thái độ xem nhẹ địa vị và sự giàu có trên trần thế của nhà hiền triết Diogenes đã truyền cho Alexander một nguồn cảm hứng sâu sắc đến nổi ông đã thốt lên: “Nếu tôi không phải là Alexander thì tôi sẽ là Diogenes.”
Tuy nhiên, cảnh giới tinh thần được khai sáng và xem nhẹ vật chất này dường như mâu thuẫn với những câu chuyện khác về khuynh hướng chuyên chế của ông. Chẳng hạn, có câu chuyện kể rằng một nhà hiền triết nói với Alexander rằng thế giới mà chúng ta đang sống chỉ là một trong vô số thế giới. Khi đó, Alexander bắt đầu khóc gào vì ông không thể chinh phục được tất cả thế giới đó.
Ngày nay, dù là hư cấu hay có thật, tất cả những câu chuyện này đã dệt nên một tấm thảm lịch sử lộng lẫy. Tuy nhiên, chúng lại không cho chúng ta biết một cách mạch lạc hay chắc chắn rằng làm thế nào mà Alexander trở nên vĩ đại như thế. Theo đó, chúng ta bị dẫn theo một hướng [nhận định] kỳ quái, tầm thường vô nghĩa. Chẳng hạn, những gì mà một học sinh có thể nhớ được là một thuyết ngớ ngẩn về cái chết của Alexander.
Do đó, chúng ta nên hướng sự chú ý đến nguồn gốc lịch sử sơ khai nhất về Alexander Đại Đế: Diodorus Siculus (90–30 Trước Công nguyên). Ông là một sử gia Hy Lạp viết về hàng thế kỷ trước tất cả những nguồn gốc còn sót lại khác. Từ Diodorus, chúng ta có thể tìm được những đặc điểm xác định thật sự cho chúng ta thấy được câu chuyện về Alexander Đại Đế. Cụ thể, tôi gọi những tính cách hay những đức tính này là tình huynh đệ, phong thái cao thượng và đức tin. Tuy nhiên, những thuật ngữ này chính xác có ý nghĩa gì? Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn trong kỳ sau.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times