Alexander Đại Đế đã trở nên vĩ đại như thế nào? (Phần 2)
Alexander Đại Đế với nghĩa cử huynh đệ, tinh thần hiệp sĩ và niềm tín thần tuyệt đối đã dẫn dắt ông chinh phạt cả một vùng địa lý rộng lớn. Và quan trọng hơn, ba phẩm chất kiệt xuất này đã thu phục lòng trung thành tuyệt đối của binh sĩ và niềm tôn kính của thần dân, kể cả hoàng gia của kẻ thù Ba Tư từng thất bại trước ông.
Dù là hư cấu hay có thật, tất cả những câu chuyện này đã dệt nên một tấm thảm lịch sử lộng lẫy về Alexander Đại Đế. Tuy nhiên, chúng lại không cho chúng ta biết một cách mạch lạc hay chắc chắn rằng điều gì đã làm nên một Alexander vĩ đại như thế. Theo đó, chúng ta bị dẫn theo một hướng [nhận định] khác lạ, tầm thường vô nghĩa. Chẳng hạn, những gì mà một học sinh ngày nay có thể nhớ được là một lý thuyết ngớ ngẩn về cái chết của Alexander. (“Bị muỗi đốt!”)
Do đó, chúng ta nên hướng sự chú ý đến nguồn gốc lịch sử sơ khai nhất về Alexander Đại Đế từ sử gia Hy Lạp Diodorus Siculus (90–30 Trước Công nguyên). Ông đã ghi chép giai đoạn lịch sử hàng thế kỷ trước tất cả những nguồn gốc còn sót lại khác. Từ Diodorus, chúng ta có thể tìm được những tính cách tiêu biểu thật sự cho chúng ta thấy được câu chuyện về Alexander Đại Đế.
Nghĩa cử huynh đệ
Alexander dường như có một mối giao cảm siêu thường với binh sĩ của mình — đó là tinh thần tương ái, tinh thần tiên phong, tình bằng hữu, tình đồng loại, hoặc có lẽ là tình huynh đệ như những dòng thơ về “hội huynh đệ” trong vở “Henry V” của Shakespeare.
Alexander hình dung bản thân cũng như bao chiến binh khác, không có chút kiêu ngạo hợm hĩnh nào đối với binh sĩ của mình cũng như đối với quan điểm của họ. Ví dụ, khi Alexander đang chuẩn bị tiến vào châu Á và bắt đầu cuộc chinh phục Đế chế Ba Tư, các quân sư của ông đã ngăn ông lại và khuyên ông nên sinh người kế vị trước khi ông chết. Tuy nhiên, ông đã phản đối. Diodorus viết:
“[Họ] khuyên ông nên sinh một người kế vị trước rồi sau đó hãy hoàn thành tâm nguyện của mình, nhưng Alexander đã hành động, không trì hoãn, và đã lên tiếng phản bác lại họ. Ông chỉ ra rằng sẽ là một vết nhơ nếu chỉ ngồi ở nhà tổ chức hôn lễ và chờ đợi những đứa trẻ chào đời trong khi bản thân ông đã được Hy Lạp phó thác để dẫn dắt cuộc chiến và thừa kế lực lượng bất khả chiến bại của cha mình.
Tình huynh đệ hữu hảo còn được biểu hiện khi trận chiến xảy ra, Alexander thường xông pha ra tiền tuyến. Ông thể hiện lòng dũng cảm mà ông hy vọng những binh sĩ cấp thấp nhất của mình cũng có được.
Có nhiều ví dụ về điều này. Trong một lần chinh phạt, đội quân của ông bao vây một thành phố ở Ấn Độ, và chính Alexander là người đầu tiên vượt qua bức tường thành. Nhưng khi tiến được vào thành phố, ông thấy mình bị kẻ thù bao vây tứ phía.
“Những người Ấn không dám xáp lá cà với ông mà chỉ từ xa phóng lao và bắn tên nhắm về phía ông. Ông loạng choạng trước đòn tấn công của họ. Trong lúc đó, quân Macedonia dựng lên hai chiếc thang và đồng loạt tràn lên khiến cả hai chiếc thang bị gãy. Những người lính ngã nhào xuống đất, bỏ lại nhà vua [Alexander] đơn độc chiến đấu… Khi những người Ấn tiến về phía ông, ông đã chống trả không một chút nao núng. Bên cánh phải, ông nương vào một cái cây mọc sát bức tường, bên cánh trái là bức tường ngăn cản bước tiến của quân Ấn. Ông khắc họa lòng dũng cảm của một vị vua từng trải qua nhiều chiến tích. Ông hăm hở chiến đấu. Nếu đó là chiến công cuối cùng của cuộc đời ông thì đó là một chiến công vô cùng vinh quang. Ông hứng nhiều đòn giáng lên mũ sắt, một vài đòn qua chiếc khiên. Cuối cùng ông bị trúng một mũi tên ở dưới ngực và một cú đánh khiến ông khuỵu xuống.”
Vết thương thực sự nghiêm trọng nhưng Alexander đã được cứu sống và sau đó đã bình phục. Chính phong thái vô tiền khoáng hậu này đã thu phục lòng trung thành tuyệt đối của những người anh em khi họ dấn thân vào những vùng đất chỉ được nhắc đến trong những câu chuyện và những truyền thuyết.
Tinh thần hiệp sĩ
Quan niệm hiện đại cho rằng, thật ngu dốt khi ca ngợi một kẻ xâm lược là người có tinh thần hiệp sĩ. Tuy nhiên, đối với tất cả những gì được ghi lại trong lịch sử, chiến tranh và xung đột quân sự chỉ là một hiện thực đơn giản của cuộc sống con người. Vì lẽ chiến tranh là thiên định, chúng ta nên tôn vinh những con người đã khắc họa nên những phẩm chất cao quý như tinh thần hiệp sĩ, lịch thiệp, tinh tế và những gì mà ngày nay chúng ta gọi là tinh thần hiệp sĩ trong chiến tranh.
Alexander Đại Đế đáng như thế.
Đối thủ chính của Alexander là Hoàng đế Ba Tư Darius Đệ Tam. Sau khi đánh bại Darius, Alexander đã chiếm hữu toàn bộ hoàng tộc của Darius ngoại trừ Darius đào thoát được. Alexander lẽ ra có thể hành quyết, bỏ tù, lưu đày, hoặc giáng họ thành thường dân. Ngược lại, ông đối xử với thân mẫu của Darius như mẹ của mình và bảo đảm cho bà và vợ của Darius được đối xử y như những gì họ đã từng được hưởng trước đây. Diodorus ghi:
“[Alexander] để cho bà điểm trang bằng những món đồ trang sức hoàng gia của bà và khôi phục lại phẩm giá trước đây của bà với những tước hiệu vốn có. Ông ban cho bà tất cả những người hầu cận cũ vốn đã được Darius chỉ định cho bà và còn cấp thêm nhiều hơn nữa. Ông hứa sẽ thu xếp việc hôn phối của các cô con gái hào phóng hơn cả những gì Darius đã hứa và nuôi dưỡng cậu con trai như con riêng của mình và dạy bảo cho cậu ta về nghi thức hoàng gia. … Đối với vợ của Darius, ông cho rằng tước vị của nàng nên được duy trì để nàng sẽ không cảm thấy khác biệt với hạnh phúc trước đây của nàng. Ông còn cam đoan thêm nhiều chiếu cố và khoan hồng. Hành động này đã khiến họ vô cùng xúc động rơi lệ vì niềm vui sướng không nghĩ tới.”
Về tình tiết này, Diodorus bình luận: “Nói chung, tôi sẽ nói rằng trong rất nhiều việc tốt mà Alexander đã làm, không có việc nào vĩ đại hơn hoặc đáng được ghi nhận và nhắc đến trong lịch sử hơn điều này.”
Và Alexander đã giữ đúng lời nói của mình đối với việc chăm sóc thân mẫu của Darius. Bà đã xem ông như con trai mình. Bà đã không khỏi bàng hoàng khi ông qua đời ở tuổi 32. Bà đau buồn đến nỗi không chịu ăn uống gì cả và tử vong 5 ngày sau đó.
Cuối cùng, khi Alexander tìm được Darius, ông đã trọng thị với thi hài của Darius và tổ chức tang lễ cấp hoàng gia. Đây là cách đối đãi quá đỗi chừng mực của Alexander đối đãi với người đồng cấp dòng dõi hoàng tộc. Hoặc như ngày nay chúng ta có thể nói, đó là chính là nghĩa cử cao quý.
Niềm tín thần tuyệt đối
Cuối cùng, đó chính niềm tín thần tuyệt đối của Alexander. Alexander luôn bày tỏ sự tôn kính đối với các vị thần Hy Lạp cổ đại cũng như thần Ammon của Ai Cập và chú ý đến những điềm báo – tức là những dấu hiệu từ thiên thượng được truyền đạt thông qua các thầy tu, nhà tiên tri và các hiện tượng tự nhiên.
Ví dụ, trước khi bắt đầu cuộc chinh phạt vĩ đại của mình đối với Đế chế Ba Tư, “Ông ấy đã trịnh trọng hiến tế cho các vị thần tại Dium ở Macedonia và tổ chức các cuộc thi kịch tính để tôn vinh thần Zeus và các nữ thần Muse. … Ông ấy đã tổ chức lễ hội trong chín ngày, đặt tên mỗi ngày theo tên một trong những nữ thần Muse.
Các nữ thần Muse là những ái nữ của thần Zeus, vị thần bầu trời của Hy Lạp và là những nữ thần cai quản nghệ thuật. Họ truyền cảm hứng cho các loại hình nghệ thuật như khiêu vũ, âm nhạc và thơ ca. (Từ ‘âm nhạc’ trong tiếng Anh là ‘music’ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ ‘mousike’, nghĩa là ‘Nghệ thuật của nữ thần Muse’.)
Khi Alexander tiến đến ranh giới trong cuộc chinh phạt rộng lớn của mình tại Ấn Độ, vượt ra ngoài biên giới Ba Tư, ông lại bày tỏ sự kính ngưỡng của mình: “Lần đầu tiên ông dựng các bàn thờ của mười hai vị thần, mỗi vị cao năm mươi cubit (tương đương hơn 26 mét).”
Có lần, ông suýt chết đuối trên một dòng sông. Một lần nữa ông nhận ra rằng mạng sống của mình nằm trong tay các vị thần và liên tưởng số phận của chính mình với chiến binh bán thần Achilles trong thần thoại Hy Lạp. Diodorus viết: “Vì vậy, ông đã hiến tế bản thân cho các vị thần vì đã vượt qua cơn nguy hiểm sinh tử, cho thấy rằng ông giống như Achilles, đã chiến đấu với một con sông.”
Có lẽ chuyện đáng được kể nhất là khi Alexander đến thăm một ngôi đền Ammon, ông thành tâm tự vấn về mục đích sống của mình, liệu ông có ý định chinh phục thế giới hay không và liệu ông đã trừng phạt được những kẻ đứng sau vụ ám sát cha mình hay không.
Khi Alexander được các thầy tư tế dẫn vào đền thờ tế lễ vị thần trong một chốc thì một người đàn ông lớn tuổi giữ chức vụ tiên tri, đến gặp ông và nói: “Hãy vui mừng đi con trai; hãy xưng danh là con trai của Thần.” [Alexander] trả lời, “Con chấp nhận, thưa cha; trong tương lai, con sẽ được gọi là con trai của cha. Nhưng hãy nói cho con biết liệu cha ban cho con quyền cai trị cả trái đất hay không.” Vị tư tế bước vào vòng hào quang thiêng liêng. Những người mang vác nâng tượng thần lên và di chuyển theo hiệu lệnh. Nhà tiên tri đã nói lên một cách chắc chắn rằng thần đã ban cho Alexanderban điều đó, và Alexander lại nói: “Hỡi thần linh, cuối cùng, giờ đây hãy trả lời câu trả lời của con; con đã trừng phạt tất cả những kẻ giết thân phụ của con hay chúng đã trốn thoát khỏi con rồi?”
Chúng ta thấy rằng Alexander đã đặt niềm tin hoàn toàn vào một nhà tiên tri mà ông không hề quen biết. Điều này biểu đạt khá rõ ràng về sự khiêm nhường và lòng hiếu đạo từ một người, tại thời điểm này, là vua của thế giới.
Các chương cuối cùng trong cuộc đời của Alexander tiếp tục chiếu sáng đức tin và các đức tính khác của ông. Chúng ta sẽ xem tiếp trong kỳ sau.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times