Anh hùng đạo đức trong bức tranh ‘hiệp sĩ, tử thần, và ác quỷ’
Chạm tới đáy lòng: Điều nghệ thuật truyền thống mang đến cho trái tim
Đôi khi tôi tự hỏi rằng nếu tôi trở thành anh hùng trong chính câu chuyện cuộc đời mình thì sẽ có ý nghĩa như thế nào. Chúng ta giữ gìn đức hạnh và chính trực trong cuộc sống bất chấp khổ nạn ra sao? Nhìn từ góc độ nào thì câu hỏi này đều không phải là một câu hỏi bất thường. Những nền văn hóa khác nhau, những địa phương khác nhau trải qua hàng thế kỷ đều trăn trở với câu hỏi đạo đức này.
Albrecht Dürer, họa sĩ và nhà đồ họa vĩ đại
Sinh ra ở Đức vào cuối thế kỷ 15, Albrecht Dürer là một trong nhiều họa sĩ chú trọng đến phương diện đạo đức [trong tác phẩm] vào thời Phục hưng. Ông là một họa sĩ và một nhà đồ họa, nhưng nhiều tác phẩm vĩ đại nhất của ông lại là những bức tranh khắc kim loại và khắc gỗ. Ông đã đưa nghề khắc kim loại và khắc gỗ lên một tầm cao mới và hợp pháp hóa nó như một loại hình nghệ thuật độc lập.
Một trong loạt bản tranh khắc kim loại lớn nhất của ông là “Meisterstiche” hay các bản in khắc bậc thầy, là bộ ba tranh: “Thánh Jerome trong Nghiên cứu của Ngài,” “Bệnh u sầu,” và bức “Hiệp sĩ, Thần chết và Ác quỷ”.
Theo trang web của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, ba bản tranh khắc kim loại này “dành cho những chuyên gia và những nhà sưu tầm hơn là dành cho công chúng.” Điều này cho thấy rằng các bản in này khá kén chọn khán giả. Ý nghĩa cụ thể đằng sau ba bản in này vẫn còn là một ẩn đố với các học giả ngày nay.
Tuy là nói như vậy, chúng ta sẽ chỉ xem “Hiệp sĩ, Thần chết và Ác quỷ,”trong mối tương quan với các quan niệm về đạo đức trong triết học của chủ nghĩa kinh viện thời Trung cổ (1). Mục đích của chúng tôi không phải là phân tích những gì mà các chuyên gia và những người sưu tập trong những năm 1500 nghĩ gì về hình ảnh biểu tượng mà để xem liệu hình ảnh này có khơi dậy những câu hỏi đạo đức với chúng ta ngày nay hay không.
‘Hiệp sĩ, tử thần và ác quỷ’
Trong bức “Hiệp Sĩ, Tử Thần và Ác Quỷ”, Ngài Dürer miêu tả bốn nhân vật chính: Hiệp Sĩ đang cưỡi ngựa, Tử Thần cũng cưỡi ngựa, Ác Quỷ và một con chó.
Hiệp sĩ mặc bộ giáp hoàn chỉnh như thể anh đã sẵn sàng ra trận. Anh cầm một cây giáo vắt qua vai một cách vững chắc, tay còn lại nắm lấy dây cương. Anh cưỡi ngựa về phía trước, mắt nhìn thẳng. Con chó theo sát bên ngựa của Hiệp Sĩ.
Về mặt bố cục, Tử Thần ở bên trái của Hiệp Sĩ. Tử Thần đội vương miện chằng chịt những con rắn và trên tay ông cầm một chiếc đồng hồ cát. Ông ngồi trên một con ngựa đang cúi đầu về phía một cái đầu lâu trên gốc cây phía trước. Tử Thần nhìn thẳng vào Hiệp Sĩ.
Ác Quỷ quan sát Hiệp sĩ một cách chăm chú từ phía sau. Dürer mô tả Ác Quỷ là một con quái thú: Nó có đôi tai giống tai dê, sừng cừu, phía sau đầu có sừng giống sừng tê giác, mõm giống mõm chó sói với cái mũi lợn, và cặp má xệ buông thõng hai bên mõm. Nó cầm một vũ khí sắc bén trong tay và đưa tay kia về phía sau Hiệp Sĩ.
Địa hình đồi núi đá lởm chởm và cây cối khô khốc gợi ý một hành trình gian nan. Tuy nhiên, khuất ở phía xa, chúng ta có thể nhìn thấy một lâu đài trên đỉnh núi sừng sững giữa trời cao.
Anh hùng đạo đức
Tôi nghĩ rõ ràng là Hiệp Sĩ đang trên một hành trình, nhưng điểm đến của hành trình là đâu? Mối quan hệ của anh với những nhân vật khác trong hành trình này là gì, và mối quan hệ này có thể tiết lộ cho chúng ta điều gì về mặt đạo đức?
Trước tiên, hãy bắt đầu xem những nhân vật này tượng trưng cho điều gì. Tôi nghĩ Hiệp Sĩ là anh hùng đạo đức của chúng ta. Tôi tin rằng anh mặc một bộ giáp hoàn chỉnh với một cây giáo, không phải để chống lại những kẻ thù chết người, mà là để bảo vệ bản thân trước Tử Thần và Ác Quỷ trên hành trình.
Tử Thần, miệng há hốc với chiếc đồng hồ cát trên tay, dường như đang chế nhạo Hiệp Sĩ. Cứ như thể ông muốn cảnh báo rằng “Thời gian của ngươi sắp hết, và ngươi sẽ phải phục tùng ta, vị vua của chết chóc.” Con ngựa của Tử Thần cúi đầu về phía đầu lâu trên gốc cây như để thu hút sự chú ý của Hiệp Sĩ về chiếc đầu lâu ấy.
Những con rắn trên vương miện của Tử Thần là một chi tiết bổ sung thú vị của họa sĩ Dürer. Rắn theo truyền thống là biểu tượng của cả sự sống và cái chết. Tuy nhiên, theo quan niệm của Cơ Đốc giáo, rắn liên quan với cả Tử Thần và Ác Quỷ, và mục đích của Ác Quỷ là ngấm ngầm phá hoại Đức Chúa và cám dỗ con người. Vì vậy, những con rắn được mô tả ở đây có thể liên quan đến Tử Thần, Ác Quỷ và sự cám dỗ.
Điều thú vị là Hiệp Sĩ không nhìn vào Tử Thần; nghĩa là anh không bị “cám dỗ” bởi nỗi sợ hãi về cái chết. Anh không lo lắng về thời gian hữu hạn của mình. Mũ giáp ngăn anh nhìn vào Tử Thần ngay cả khi anh muốn. Thay vào đó, Hiệp Sĩ nhìn thẳng về phía trước và tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Vẻ ngoài quái dị cho thấy Ác Quỷ có khả năng thay đổi hình dạng để đạt được mục đích lừa dối. Ác Quỷ đưa tay ra để tóm lấy Hiệp Sĩ từ phía sau. Hiệp Sĩ dường như không để ý, điều này cũng cho thấy Ác Quỷ xảo quyệt và lừa lọc như thế nào.
Hiệp sĩ dường như bị mắc kẹt giữa muôn trùng hiểm trở, giữa Tử Thần và Ác Quỷ, và cảm giác này càng được thể hiện mạnh mẽ bởi địa hình đầy đá và cây khô.
Hay là chính phong thái của Hiệp sĩ gợi ý điều gì đó khác biệt? Vẻ ngoài điềm tĩnh và nhẫn chịu của anh thể hiện rằng có lẽ anh không hề nao núng trước Tử Thần và Ác Quỷ.
Con chó đi cạnh bên con ngựa có thể là biểu tượng của lòng trung thành, nhưng trung thành với ai? Rất có thể là trung thành với Hiệp Sĩ. Vì vậy, Hiệp Sĩ đại diện cho anh hùng đạo đức, tức là người không bị ảnh hưởng bởi sự cám dỗ (Ác Quỷ) và nỗi sợ hãi (Tử Thần) vì mục đích hoàn thành hành trình của mình.
Có lẽ, việc Hiệp Sĩ vượt qua Ác Quỷ cho thấy rằng anh đã vượt qua được sự cám dỗ của Ác Quỷ, và việc chiếc mũ giáp chặn tầm nhìn của Tử Thần cho thấy anh ta không quan tâm đến Tử Thần. Phong thái bình tĩnh không gì ảnh hưởng của Hiệp Sĩ thậm chí còn làm giảm năng lực nhận thức của Tử Thần và Ác Quỷ.
Như vậy, [phẩm chất của] một anh hùng đạo đức trong hành trình cuộc sống có phải là không sợ hãi và bỏ qua cám dỗ không?
Và điểm đến của cuộc hành trình này là nơi đâu? Lâu đài dường như là một nơi yên bình so với phần còn lại của bức tranh. Đó là nơi chốn của ánh sáng và vinh quang so với không gian tối tăm, u ám bên dưới. Có phải điều này ngụ ý rằng một tâm hồn và trái tim tĩnh lặng mới là đích đến? Nếu là như thế, để đến với chốn nơi bình an thực sự chúng ta cần có sự nỗ lực dũng mãnh không?
- (1)Scholasticism: chủ nghĩa kinh viện là một trường phái triết học tại châu Âu thời Trung Cổ dựa trên phương pháp phân tích. Đây là trường phái chính được giảng dạy tại các đại học từ khoảng 1100 tới 1700.
Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống thường dung chứa những hình mẫu tâm linh và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng có thể bị thất lạc trong tư tưởng hiện đại của chúng ta. Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim” chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác theo những cách sâu xa hơn về mặt đạo đức. Chúng tôi không giả định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đã phải trăn trở, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho một hành trình phản chiếu hướng tới việc trở thành con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.
Tác giả Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: