Ý nghĩa biểu tượng trên tấm thảm thêu ‘Quý cô và Kỳ lân’
Sự xuất hiện của những tấm thảm thêu “Quý cô và Kỳ lân” (The Lady and the Unicorn) tại phòng trưng bày nghệ thuật New South Wales (Art Gallery of New South Wales) ở Úc vào ngày 10/02/2018 mang đến cho khán giả một cơ hội hiếm có để thưởng thức một tác phẩm được giới chuyên gia và người hâm mộ đánh giá cao. Nó được gọi với nhiều cái tên như “Mona Lisa thời Trung cổ” hay “một bảo vật vô giá của Pháp”.
Thảm thêu được hoàn thành vào khoảng năm 1500, gồm 6 tấm thảm riêng biệt. Những tấm thảm thêu với chất lượng như thế này rất hiếm có, ít sản phẩm như vậy vẫn còn tồn tại.
Vốn dĩ, chúng là những tác phẩm rất tuyệt vời. Phông nền được thêu tỉ mỉ theo phương pháp millefleur (nghìn bông hoa) tạo nên họa tiết hoa văn mê hoặc. Chất liệu xa hoa của những tấm thảm được làm từ len và lụa, được nhuộm với màu sắc tự nhiên và phong phú, và được phủ vật liệu cách nhiệt lên trên (đây theo đúng nghĩa đen là một phần chức năng của tấm thảm). Chúng như khoác lên một lớp âm thanh, tạo nên bầu không khí hết sức tĩnh lặng. Không gian như ngưng đọng, những họa tiết trên tấm thảm như tăng thêm độ sáng cho bức tranh và tỏa ra một sức mạnh huyền bí cuốn người xem vào sự tinh xảo.
Vào giữa thế kỷ 19, chuỗi tác phẩm này được công bố ra công chúng lần đầu tiên, tuy nhiên, người ta phát hiện chúng đã bị tàn phá theo thời gian ở lâu đài đổ nát Boussac (château de Boussac), tọa lạc ở trung tâm nước Pháp. Ở một vài chỗ trên những tấm thảm xuất hiện vết chuột gặm nhấm và ẩm mốc. May thay, cuối cùng chúng cũng được Bảo tàng Musée de Cluny tu sửa lại vào năm 1882, và được bán ra với tổng số tiền rất hào phóng (vào thời điểm đó), lên đến 25,500 franc.
Tuy nhiên, số tiền này chỉ là một phần nhỏ so với chi phí ban đầu sản xuất ra chúng. Những tấm thảm với chất lượng như thế này thường tiêu tốn số tiền gần bằng thu nhập hàng năm của những thành viên giàu có nhất trong giới quý tộc, và thậm chí còn lớn hơn số tiền mà họa sĩ Michelangelo được trả để vẽ cho những bức tranh trên trần Nhà nguyện Sistine.
Không có gì ngạc nhiên khi người bảo trợ cho những tấm thảm này xuất thân từ một gia đình quý tộc có quan hệ mật thiết với chế độ quân chủ Pháp – gia đình Le Viste. Điều này được thể hiện rõ qua biểu tượng huy hiệu trên những tấm thảm. Chúng có khả năng được thiết kế bởi “Bậc thầy của Anne xứ Bretagne” (Master of Anne of Brittany – sở dĩ được gọi như vậy vì ông đã từng thiết kế một cuốn sách cho nữ hoàng Pháp, Anne xứ Bretagne), một nghệ sĩ xuất sắc vào thời điểm đó.
Chúng ta có thể định hình trong tâm trí mình về một nghệ sĩ nào đó đã thiết kế ra bố cục bức tranh, tuy nhiên những tấm thảm do nhiều người cùng nhau phối hợp sản xuất, và nhiều khả năng chúng không được dệt ở Pháp, mà là ở miền Nam Hà Lan, vì trình độ dệt ở đây cao hơn.
Để dệt nên những tấm thảm ấy đòi hỏi sự đầu tư và nỗ lực rất lớn, không có gì đáng ngạc nhiên khi những hiện vật thảm thêu này rất cầu kỳ và công phu – xứng đáng để chúng ta chiêm ngưỡng và tán dương hơn chỉ là lướt qua với một cái nhìn hời hợt. Nhiều cuộc tranh luận về ý nghĩa của chuỗi tác phẩm đã diễn ra. Các chuyên gia ngày nay cho rằng chúng thể hiện sự suy ngẫm về những thú vui trần tục và sự tu dưỡng đạo đức thông qua phép ẩn dụ về những giác quan của con người.
Trong 5 tấm thảm thêu, mỗi tấm khắc họa một giác quan (xúc giác, vị giác, khứu giác, thính giác, thị giác). Chúng đều mô tả một người phụ nữ (quý cô được nhắc đến trong tiêu đề) đang làm các hành động để minh họa cho mỗi giác quan. Về “Khứu giác”, quý cô xuất hiện với chiếc đĩa hoa cẩm chướng. Về “Thính giác”, cô đang chơi đàn organ. Về “Thị giác”, cô đang cầm một chiếc gương phản chiếu hình ảnh Kỳ lân đang nghỉ ngơi trên vạt váy của mình.
Mỗi cử chỉ đều rất duyên dáng và thanh lịch, được thể hiện bằng những đường nét nhẹ nhàng mà không quá sắc sảo. Tuy nhiên, không phải tất cả đều yên bình như vậy. Vì sự xuất hiện của bức tranh thứ 6. Rõ ràng là 6 tấm thảm thêu tạo nên một bộ tác phẩm, trong khi 5 bức thảm đầu có cùng khổ và kích thước giống nhau thì bức số 6 lại phá vỡ khuôn mẫu đó.
Ở đây, quý cô được miêu tả đang cất sợi dây chuyền mà cô đeo ở những tấm thảm trước đó vào một hộp tráp nhỏ.
Cô đứng trước một túp lều có khắc rõ dòng chữ “mon seul désir”. Phản ứng của cô dường như không liên quan đến những giác quan hay trải nghiệm như trong 5 bức tranh trước, mà thay vào đó là bắt nguồn từ động lực khác – nhận thức, phẩm hạnh, hay cảm xúc.
Giác quan thứ 6
Trong tấm cuối cùng, giác quan thứ 6 cho thấy một cách thức sâu sắc hơn để nhận thức thế giới. Giác quan này dường như không chỉ tồn tại ở một không gian, mà ở nhiều không gian. Về phương diện tri thức, nó có lẽ được nhận thức như một giác quan bình thường hay giác quan nội tại. Về phương diện đạo đức, nó được hiểu là phản ánh tầm quan trọng của triết học Tân sinh*, vốn cho rằng tâm hồn là gốc rễ của cái đẹp. Trong thuật ngữ về lối nói hoa mỹ lịch sự, giác quan thứ 6 được nhắc đến như tâm hồn; đây là cội nguồn của tình thương và là nơi ẩn náu của những động lực phức tạp mà cũng đối nghịch nhau như: ý chí tự do, đam mê và dục vọng.
Chính giác quan thứ 6 đã dẫn hướng cho cô cất sợi dây chuyền của mình vào hộp tráp nhỏ. Cử chỉ đó đại diện cho đức hạnh, là biểu hiện của lý trí vượt lên trên sự truy cầu vật chất mà cô từng trải nghiệm như những tấm thảm trước đã mô tả, và chứng minh rằng ý chí là trung tâm của vạn vật. Theo cách giải thích này, cụm từ “mon seul désir” không được hiểu là “dục vọng duy nhất của tôi”, mà là “bằng ý chí tự do của chính tôi”.
Cách tiếp cận đa chiều khi phân tích những bức thảm này cũng áp dụng cho những chi tiết khác. Ví dụ, Kỳ lân được minh họa ở trong 6 tấm thảm có biểu hiện khác nhau, với những ý nghĩa đan xen. Kỳ lân đã từng là loài động vật xuất hiện thường xuyên trong những tác phẩm nhã nhặn. Kể từ thế kỷ thứ II, chúng được hiểu ngầm là đại diện cho sự trong trắng và thuần khiết. Dĩ nhiên, ý nghĩa này cũng liên quan đến cách giải thích về tấm thảm có dòng chữ “Mon Seul Désir” như được đề cập ở trên.
Kỳ lân cũng là biểu tượng cho đạo đức – đó là sự chơi chữ ở tên của người bảo trợ. Trong tiếng Pháp, “Le Viste” có lẽ được phát âm giống như “Le Vite”, nghĩa là nhanh. Nhanh như Kỳ lân.
Việc vẽ thêm Kỳ lân cũng góp phần làm nổi bật lên cảm giác rằng bộ tấm thảm khuyến khích người xem coi trọng sự lĩnh hội và trí tuệ. Cả trong quá khứ và hiện tại, Kỳ lân có thể là một loài động vật gây nhiều tranh cãi. Việc miêu tả Kỳ lân đặt ra những câu hỏi như: làm sao chúng ta biết chúng tồn tại và làm sao các tri thức về chúng xuất hiện trong những truyền thống, văn hóa, trí tưởng tượng, hay các tác phẩm sáng tạo.
Không chỉ mang tính thẩm mỹ, lịch sử và giá trị kinh tế lớn, chuỗi bức tranh trong tấm thảm “Quý cô và Kỳ lân” còn trao cho chúng ta cơ hội để hiểu rằng những cách thức lĩnh hội và trải nghiệm khác nhau sẽ đan xen để định hình nên niềm tin, quan điểm và thúc giục chúng ta hành động.
Chú thích:
- Thuyết Tân sinh là một tập hợp các học thuyết và trường phái lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Platon, được mô tả là “huyền bí” trong tự nhiên và dựa trên một nguyên tắc tâm linh mà thế giới vật chất bắt nguồn.
Mark De Vitis là giảng viên đại học về lịch sử nghệ thuật tại trường Đại học Sydney ở Úc. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên The Conversation.
Hà Trang biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: