Hoa hồng lãng mạn
Trải qua nhiều thời đại, hoa hồng vẫn được tặng như một cách để thể hiện tình yêu, đặc biệt là trong ngày Lễ Tình Yêu.
Xuyên suốt nhiều thời đại, ta có thể thấy mối liên kết mang tính biểu tượng trường tồn giữa sự lãng mạn và hoa hồng đã khiến loài hoa này trở thành dấu ấn trong ngày Lễ Tình Yêu.
Niềm yêu thích của con người đối với hoa hồng có lịch sử phong phú, trải dài qua các lục địa và nhiều thế kỷ, có niên đại ít nhất là 3000 năm TCN, khi chúng có thể được trồng lần đầu tiên tại Trung Quốc. Người Trung Quốc tôn sùng hoa hồng. Khổng Tử từng nói rằng Hoàng Đế Trung Hoa có một thư viện với 600 cuốn sách viết về chủ đề này.
Người Hy Lạp cổ đại cũng đánh giá cao loài hoa này, có tác giả gọi hoa hồng là “nữ hoàng của các loài hoa,” một biểu tượng đã trở nên bất hủ. Hoa hồng thường xuất hiện trong các tác phẩm của nhà tự nhiên học người La Mã Pliny the Elder. Nhiều đồng hương của ông cũng say mê hương thơm hoa hồng và nước hoa hồng, thậm chí có cả lễ hội hoa hồng thường niên ở La Mã.
Trong Cơ Đốc Giáo, hoa hồng là biểu tượng của Đức Mẹ Mary, và những khu vườn khép kín. Hoa hồng cũng gợi liên tưởng đến Chúa Jesus. Chuỗi sự kiện tranh chấp nổi tiếng [xảy ra] vào thế kỷ 15 giữa Vương tộc Lancaster và Vương tộc York ở Anh quốc được gọi là Cuộc chiến Hoa hồng. [Trong đó] một gia tộc lấy hoa hồng đỏ làm biểu tượng, gia tộc còn lại lấy hoa hồng trắng làm biểu tượng.
Trải qua hàng ngàn năm, hoa hồng đã trở thành biểu tượng quyền lực của tôn giáo, chính trị, và tình yêu, tất cả đều được phản ánh trong nghệ thuật Tây phương.
Vòng hoa hồng
Trong cuốn sách “Rosa: The Story of the Rose” (Rosa: Câu Chuyện về Hoa Hồng) của người trồng hoa hồng, Peter E. Kukielski và Charles Phillips, hai tác giả đã miêu tả về sự phổ biến của hoa hồng trong xã hội La Mã. Hoa hồng được trồng rất nhiều cả trong những khu vườn vui chơi và khu vườn thương mại — loài hoa mà sau này được thu hoạch để sản xuất nước hoa, cũng như được khắc họa trên các bức bích họa trang trí (kỹ thuật vẽ đòi hỏi dùng bột màu vẽ trên thạch cao ướt). Tại Trung tâm Giáo dục và Bảo tàng Nghệ thuật Getty Villa, Los Angeles, tác phẩm bích họa “Fresco Fragment With Four Cupids Hanging Garlands” (Tấm Bích Hoạ Có Bốn Vị Thần Cupid Đang Treo Những Dây Hoa) (có niên đại từ năm 50 – 79 Công Nguyên) là một khung cảnh đẹp về các vị Thần Cupid và nàng Psyche, một chủ đề rất phổ biến trong nghệ thuật thời kỳ đó.
Mặc dù không thể xác định chắc chắn nhưng loài hoa trong bối cảnh này có thể là hoa hồng. Ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, hoa hồng gắn liền với hình ảnh nữ Thần Aphrodite (Thần Venus) và con trai bà là Thần Eros (Thần Cupid), cả hai đều là những vị thần tượng trưng cho tình yêu. Các học giả biết được rằng, tấm bích họa này từng là một phần của một hoạt cảnh lớn hơn được trang trí trên những bức tường của một gia đình giàu có.
Phần nền phẳng được sơn màu đen. Màu sắc này có nguồn gốc từ các-bon, bắt nguồn từ việc đốt củi hoặc vụn thông. Màu đỏ của bức bích họa có thể được lấy từ đất thổ chu, chu sa, hoặc nung nóng chì trắng.
‘Sự lãng mạn của hoa hồng’
Vào thời Trung cổ, một trong các tác phẩm văn học thế tục có sức ảnh hưởng nhất là “Le Roman de la Rose,” hay còn gọi là “The Romance of the Rose” (Sự lãng mạn của hoa hồng). Bài thơ tiếng Pháp cổ từng nổi tiếng vào thế kỷ 13 này được hai tác giả khác nhau viết thành hai phần. Bài thơ là một câu chuyện ngụ ngôn phản ánh về chủ đề tình yêu và hành trình tìm kiếm. Cốt truyện xoay quanh một chàng trai trẻ và tình yêu của chàng dành cho một đoá hoa xinh đẹp, một bông hồng tượng trưng cho tình yêu lãng mạn đang bị giam cầm trong một khu vườn có tường bao quanh.
Tập thơ “The Romance of the Rose” (Sự Lãng Mạn của Hoa Hồng) được nhà thơ Geoffrey Chaucer dịch một phần sang tiếng Anh Trung Cổ và có tên là “The Romaunt of the Rose” (Chuyện Tình của Hoa Hồng). Các tác phẩm về tình yêu phong nhã này được các nghệ sỹ thị giác diễn giải suốt nhiều thế kỷ và là tác phẩm đặc biệt được yêu thích của các nghệ sỹ theo trường phái Tiền Raphael, những nghệ sỹ đam mê nghiên cứu thời Trung cổ, thần thoại, và văn học.
Ông John William Waterhouse (1849-1917) là một họa sỹ quan trọng gắn liền với thời kỳ Tiền Raphael muộn (late Pre-Raphaelitism), ra đời ngay sau khi phong trào nghệ thuật nguyên bản hình thành ở Anh. Tranh của ông đặc biệt nổi tiếng nhờ việc sử dụng văn học lãng mạn làm nguồn cảm hứng. Họa phẩm “The Soul of the Rose” (Linh Hồn của Hoa Hồng) được vẽ vào giai đoạn cuối sự nghiệp của ông Waterhouse hiện đang nằm trong bộ sưu tập tư nhân; tên của bức tranh này có lẽ bắt nguồn từ tác phẩm “The Romaunt of the Rose” (Chuyện Tình của Hoa Hồng.) Đây là một trong các bức họa nổi tiếng nhất của họa sỹ Waterhouse, và là minh chứng cho niềm yêu thích của ông đối với việc khắc họa những người phụ nữ xinh đẹp trong trang phục và bối cảnh lịch sử với tông màu thời Trung Cổ đặc biệt xa hoa.
Bức họa “The Soul of the Rose” (Linh Hồn của Hoa Hồng) được họa sỹ Waterhouse vẽ vào thời kỳ mà năng lực sáng tạo của ông đạt đến đỉnh cao. Đề năm 1908, đây là năm bắt đầu chu kỳ sáng tác kéo dài 6 năm của ông về [chủ đề] phụ nữ và hoa. Bức tranh rực rỡ này mang phong cách lãng mạn cổ điển, khắc họa nữ người mẫu vận chiếc váy gấm dài sang trọng. Đôi gò má ửng hồng của cô tệp với màu sắc của đóa hồng mà cô đang nhẹ nhàng níu trên tay, mái tóc đỏ của cô tô điểm thêm cho khung cảnh. Khi cô ngửi hương thơm của bông hoa, đầu cô nghiêng theo một góc độ thường thấy trong phần lớn các tác phẩm của họa sỹ Waterhouse.
Tòa nhà ở hậu cảnh được miêu tả với ít chiều sâu về tông màu, mà tập trung sự chú ý của khán giả vào người phụ nữ và những đóa hoa trong khu vườn có tường bao quanh. Các học giả lưu ý rằng bối cảnh này gợi liên tưởng đến những khu vườn Tuscan trong các tác phẩm của những nghệ sỹ Ý thế kỷ 14, như tu sỹ kiêm họa sỹ Fra Angelico.
Vào năm 2019, khi bức tranh “The Soul of the Rose” (Linh Hồn của Hoa Hồng) được bán đấu giá tại Christie’s với giá 4,695,000 USD, trên danh mục tác phẩm có giải thích rằng: “Nghịch lý của một khu vườn khép kín — là điều gì đó trù phú nhưng kín kẽ — rất phù hợp với chủ đề chính của họa sỹ Waterhouse … Hương thơm của hoa hồng đóng vai trò như là tác nhân làm say lòng [người thưởng lãm], là biểu tượng cho sự mãnh liệt của tình yêu.”
Hoa hồng nước Pháp
Vào thế kỷ 18, hoa hồng bắt đầu được trồng một cách nghiêm túc trên khắp châu Âu, đặc biệt là ở Pháp. Hoa hồng sinh sôi nảy nở trong các khu vườn, [xuất hiện] trên các kiểu trang trí, trang trí đồ nội thất, và cả thời trang. Cuốn sách “Ravishing: The rose in fashion” (Đẹp Đắm Say: Hoa Hồng trong Thời Trang) khám phá tính biểu tượng và huyền thoại về loài hoa này trong các phụ kiện trên trang phục. Cuộc triển lãm toàn diện năm 2021 được tổ chức tại Bảo tàng của Viện Công nghệ Thời trang ở Thành phố New York. Ví dụ thời đầu có thể được thấy trong bức chân dung về quý bà Madame de Pompadour do hoạ sỹ François Boucher vẽ năm 1756, tác phẩm này cho thấy quý bà vận chiếc váy lụa taffeta bóng dài màu xanh lá cây, điểm xuyết những dải hoa hồng. Có thể nói rằng người có ảnh hưởng lớn nhất đến hoa hồng ở châu Âu là Hoàng hậu Joséphine, bà đã sưu tầm một bộ sưu tập hoa hồng lớn nhất thời bấy giờ và khiến công chúng ngày càng yêu thích loài hoa này.
Một trong những câu chuyện tình huyền thoại nhất trong lịch sử phải kể đến câu chuyện về vợ chồng Hoàng đế Napoleon I và người vợ đầu tiên của ông, Hoàng hậu Joséphine vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Hoa lá đóng vai trò chủ đạo trong chuyện tình lãng mạn của hai người. Hoàng hậu Joséphine là người yêu cây cỏ một cách say mê và nghiêm túc, gần như là ám ảnh. Tại lâu đài Château de Malmaison của mình, hoàng hậu đã cho xây dựng một vườn hồng nổi tiếng. Bà dự định sưu tầm mọi loài hoa hồng từng được biết đến, cũng là loài hoa yêu thích của bà.
Trong tập “Những khu vườn quyền lực và đam mê” của loạt chương trình truyền hình “Những khu vườn kiểu Pháp,” người làm vườn Monty Don đã đến thăm Malmaison và chia sẻ về việc Vua Napoleon được cho là đã ra lệnh các tướng lĩnh của mình mang cây trồng về cho Hoàng hậu Joséphine từ bất cứ nơi nào mà họ đóng quân trên thế giới. Ông nói thêm rằng “tất cả lực lượng của Đế quốc Pháp đều tham gia vào nhiệm vụ này.” Thậm chí trong thời kỳ diễn ra các Cuộc Chiến tranh của Napoleon, các con tàu từ các nước đối địch chở mẫu thực vật về cho Hoàng hậu Joséphine đều được cấp quyền tự do lưu thông.
Hoàng hậu Joséphine đã uỷ quyền cho ông Pierre-Joseph Redouté, một họa sỹ vẽ màu nước kiêm thợ khắc, vẽ lại những bông hoa hồng trong lâu đài Malmaison của bà. Tác phẩm thành quả “Les Roses” (1817–1824), là một cuốn sách gồm ba tập được phát hành thành 30 kỳ với 170 bản tô màu thủ công. Cuốn sách này chứa một số hình ảnh thực vật đẹp nhất từng được vẽ nên, khiến cho cả những đóa hồng và chủ nhân của chúng trở nên bất tử.
Raphael của các loài hoa
Họa sỹ Redouté (1759-1840) sinh ra ở nước Bỉ thời nay, ông được biết đến là “Raphael của các loài hoa.” Nhà bảo trợ nổi tiếng đầu tiên của ông là Nữ hoàng Marie Antoinette. Sau Cách mạng Pháp, ông trở thành họa sỹ chính thức của Hoàng hậu Joséphine. Là một họa sỹ vẽ tranh minh họa thực vật, nhiều bức phác thảo chì và màu nước chính xác và đầy tính nghệ thuật của ông về thực vật được phát hành rộng rãi trên toàn thế giới thông qua các bản in. Ông tiếp tục là nghệ sỹ nổi tiếng nhất trong lĩnh vực của mình, với các bức vẽ hoa hồng vương giả được xem là những tác phẩm tinh túy.
Các bản in trong cuốn “Les Roses” là những bức chân dung vẽ hoa cổ điển không có phông nền hay bất kỳ loại bố cục nào. Chủ nghĩa tối giản này tập trung sự chú ý của người xem vào từng chi tiết nhỏ của hoa; hình dáng của chúng được ông Redouté mô phỏng đầy ấn tượng bằng cách vận dụng tông màu và sắc thái tài tình. Họa sỹ Redouté đã hoàn thiện kỹ thuật khắc chấm phức tạp mà ông sử dụng trong cuốn sách “Les Roses.” Phương pháp này đặc biệt có lợi cho việc tạo ra các chi tiết thực vật tinh tế. Bằng cách khắc một tấm đồng có lưới chấm và điểm (dot grid) thay vì các đường kẻ, “ánh sáng” của nền giấy bên dưới màu sắc hoa sẽ không bị che khuất.
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times