Thần thoại và sức mạnh trong tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Antonio Canova
Gặp gỡ tác giả của những tượng điêu khắc nổi tiếng: Tổng thống George Washington, Vua Napoleon, Ba nàng thơ và các tác phẩm khác
Năm 1820, nhà điêu khắc tân cổ điển tài ba Antonio Canova đã hoàn thiện một bức tượng đá cẩm thạch của tổng thống George Washington. Bức tượng này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều cho những người thưởng lãm. Khoác lên mình trang phục của một vị hoàng đế La Mã, bức tượng ngài Washington trong tư thế ngồi này có kích thước lớn hơn người thật, khắc họa vị tổng thống đang ở tuổi trung niên, dáng vẻ thư thái, và tự tin khi ông trầm ngâm nhìn những gì mình đã viết trên tấm bản ông đang cầm giữ.
Ở phần dưới bức tượng này, điêu khắc gia Canova đã khắc dòng chữ “Dành Cho Quốc Gia Vĩ Đại Của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Tổng thống Thomas Jefferson đã đề nghị điêu khắc gia người Ý Canova sáng tạo tác phẩm này vì ông cho rằng không một nhà điêu khắc nào ở Mỹ quốc có đủ tài năng ấy. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với ý kiến đó. Vào ngày 24/12/1821, khi khối đá cẩm thạch đầu tiên được đưa đến Hội trường Thượng viện Raleigh, tiểu bang North Carolina, đã có nhiều quan điểm bất đồng. Tờ báo Raleigh Register đã nhận xét bức tượng “Chắc chắn là vật phẩm hoàn mỹ nhất của mỹ thuật Hoa Kỳ,” trong khi sử gia người Mỹ, R.D.W. Connor, trong cuốn lịch sử tác phẩm điêu khắc năm 1910 của mình, đã viết rằng một vài người thưởng lãm đã cáo buộc ông Canova đã “Latin hóa vị tổng tư lệnh của nước Mỹ, tuyên bố rằng bức tượng này trông giống tượng của Julius Caesar Đại đế hơn là tượng của tổng thống George Washington.”
Để tạo hình giống dáng vẻ của tổng thống Washington, ông Canova đã tham khảo một bức tượng bán thân lấy ý tưởng từ đời thực của điêu khắc gia người Ý Giuseppe Ceracchi. Theo trang trực tuyến The Frick Collection, trong khi nghệ thuật gia Canova tạc bức tượng Washington, những phụ tá và người anh cùng cha khác mẹ của mình đọc to lịch sử Cách Mạng Mỹ cho ông nghe. Sau này, điêu khắc gia Canova đã viết về vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ như sau: “ngài Washington bất tử … bậc tài ba lỗi lạc đã lập nên những kỳ công vĩ đại như thế, vì sự an toàn và nền tự do cho đất nước của ngài.”
Để hiểu rõ vì sao nghệ thuật gia Canova chọn tạc tượng của ngài Washington trong tư thế ngồi, chúng ta cần nhìn lại bức tượng “Napoleon as Mars the Peacemaker” của ông, giảng viên nghệ thuật Christina Ferando giải thích trong bài nói chuyện của về nhà điều khắc Canova trên trang web The Frick Collection. Ở tác phẩm đó, ông đã miêu tả một vị vua Napoleon khỏa thân, trong tư thế đứng, đang cầm một bức tượng của nữ thần của chiến thắng Nike đầy oai vệ. Tuy nhiên, ông Canova không thể thiết kế tượng của ngài Washington to lớn giống như thế do thiếu không gian trưng bày; trần của căn phòng quá thấp nên không thể biểu đạt hết vẻ hùng vĩ của tượng điêu khắc đó. Ngoài ra, ông cũng hiểu rằng một hình ảnh tổng thống Washington khỏa thân sẽ khiến những người dân Mỹ cảm thấy bị xúc phạm, nên ông đã để ngài ấy vận trang phục.
Hồi sinh di sản điêu khắc Hy Lạp cổ đại
Điêu khắc gia Canova (1757–1822) đã sáng tạo nên bức tượng Washington vào cuối giai đoạn sự nghiệp lẫy lừng của mình. Ông đã từng làm việc cho những vị giáo hoàng, hoàng gia Âu Châu, những nhà quý tộc, và các chính trị gia, trong đó có đức vua Napoléon, Công tước Wellington, và Catherine Đại đế. Ông Canova đã làm việc vào một thời kỳ có những khám phá vĩ đại: Thời điểm mà các nhà khảo cổ đã bắt đầu khai quật những địa điểm cổ đại ở Rome và sau đó là ở Hy Lạp.
Trong buổi đầu của sự nghiệp, ông Canova trở nên nổi danh vì đã hồi sinh những di sản điêu khắc Hy Lạp cổ đại. Vào thời điểm đó, có vài người thậm chí còn gọi ông là điêu khắc gia Phidias của hiện đại (khoảng năm 480–430 trước Công Nguyên). Việc so sánh ông Canova với nhà điêu khắc người Hy Lạp thật là một cử chỉ tuyệt vời, và hẳn sẽ làm ông Canova cảm thấy hãnh diện, vì ông tin rằng “những bức tượng của điêu khắc gia Phidias sống động như được tạo nên từ máu thịt, như bản chất đẹp đẽ của tự nhiên,” theo các tác giả Jean Martineau và Andrew Robinson viết trong cuốn sách “Vinh quang của Venice: Nghệ thuật ở thế kỷ 18.”
Theo truyền thuyết, chỉ có điêu khắc gia Phidias từng tận mắt thấy hình ảnh của các vị thần, sau đó ông truyền đạt lại cho nhân loại. Ông Phidias là người đã giám sát toàn bộ quá trình thiết kế hoàn chỉnh của đền Parthenon, sáng tạo một số tượng điêu khắc cho ngôi đền, chẳng hạn như bức “nữ thần Athena Parthenos” cao 38-foot (~11m) đã thất lạc được làm bằng vàng và ngà voi, trên tay bà nắm giữ tượng của nữ thần Nike. Cũng giống như thế, điêu khắc gia Canova đã khắc họa Hoàng đế Napoléon cầm tượng nữ thần Nike trong tác phẩm“Napoleon as Mars the Peacemaker” của ông.
Vào năm 1779, khi tuổi vừa đôi mươi, ông Canova đã hoàn thành một bức tượng của nhà phát minh, kiến trúc sư, và cũng là nhà điêu khắc trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, ông Daedalus và con trai Icarus, bức tượng mang tên mang tên “Daedalus và Icarus.” Tác phẩm này thể hiện phong cách thẩm mỹ Baroque của riêng Canova trước khi ông đặt chân đến Rome; sau đó ông trở nên nổi danh với những tượng điêu khắc tân cổ điển của mình.
Trong tác phẩm này, chúng ta có thể thấy người thợ thủ công Daedalus cẩn thận tạo hình đôi cánh cho con trai của ông bằng cách dùng keo sáp buộc những chiếc lông vũ vào sau lưng cậu bé. Ông Daedalus cũng sáng tạo một đôi cánh dành riêng cho mình, và cả hai người dùng những đôi cánh ấy để bay, chạy trốn khỏi đảo Sicily và nanh vuốt của Vua Minos. Như mọi người biết, cậu bé Icarus đã không qua khỏi. Người cha đã cảnh báo rằng cậu không nên bay quá cao, nhưng cậu vẫn làm vậy. Sự gan dạ của Icarus đã thôi thúc cậu bay đến gần mặt trời, làm tan chảy lớp keo sáp trên đôi cánh tự chế của cậu. Vì thế cậu bé đã rơi xuống biển và bị chết đuối.
Cha Daedalus và con trai Icarus đã chạy trốn khỏi vua Minos sau khi ông Daedalus đã ra tay cứu mạng vị hoàng tử Athen trẻ tuổi Theseus. Ông đã tiết lộ đường thoát khỏi mê cung khủng khiếp của quái vật Minotaur (Nhân Ngưu) cho người tình của hoàng tử Theseus, nàng Ariadne, con gái của Vua Minos. Quái vật Minotaur mang cơ thể của một người đàn ông và đầu của một con bò đực. Chàng Theseus đã bước vào mê cung, dùng sinh mạng của mình làm vật hiến tế cho Minotaur.
Trong tượng điêu khắc tân cổ điển “Theseus và Minotaur” của mình, ông Canova đã chọn miêu tả chàng Theseus ngồi sừng sững trên quái vật Minotaur mà chàng vừa đánh bại. Trong Bài giảng Sydney J. Freedberg vào năm 2015 về Nghệ thuật Ý, học giả David Bindman cho biết, tác phẩm này miêu tả tâm trí chiêm niệm (Theseus) chiến thắng trước thân xác (Minotaur đã chết).
Nhiều du khách thưởng lãm bức tượng “Theseus và Minotaur” đã không tin rằng đây là một tác phẩm nguyên bản của ngài Canova chứ không phải là một bản sao của một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ. Chính nhờ kiệt tác này cùng với nhiệm vụ đầu tiên mà giáo hoàng giao cho ông tại Rome, là xây dựng lăng mộ của Giáo hoàng Clement XIV (hoàn thành năm 1787) trong vương cung thánh đường Santi Dodici Apostoli, đã củng cố danh tiếng của nhà điêu khắc Canova trên khắp châu Âu.
Trong thời kỳ đỉnh cao của danh vọng, ông Canova đã sáng tạo những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình như tượng “Ba nàng thơ” (The Three Graces), “Nàng Psyche được Hồi Sinh bởi Nụ hôn của thần Cupid” (Psyche Revived by Cupid’s Kiss), và “Thần Vệ Nữ Chiến Thắng” (Pauline Borghese Bonaparte as Venus Victorious.)
Tượng có màu hay không có màu
Trong nhiều thế kỷ, những bức tượng đá cẩm thạch trắng nguyên chất là biểu tượng tinh túy của nghệ thuật điêu khắc cổ đại. Theo ông Vinzenz Brinkmann giải thích trong một video trên trang tin trực tuyến của Bộ sưu tập Điêu Khắc Liebieghaus, quan niệm về những tác phẩm điêu khắc không màu trở nên phát triển vào cuối thời Phục hưng Ý, thời điểm mà những bức tượng như thế phù hợp với lý tưởng của các nghệ nhân. Ông Brinkmann là người đứng đầu bộ phận cổ vật của Bộ Sưu Tập Điêu Khắc Liebieghaus ở Frankfurt am Main, nước Đức. Trong 40 năm, nhóm của ông chuyên nghiên cứu cách sử dụng màu sắc của các nghệ nhân cổ đại. (Điều này được khám phá trong triển lãm hiện tại mang tên: “Chroma: Tác phẩm điêu khắc cổ đại có màu sắc” ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.)
Màu trắng từ lâu đã làm biểu tượng cho ánh sáng và lòng thánh khiết. Việc sử dụng đá cẩm thạch trắng hoặc sáng hơn cho phần khuôn mặt hoặc những bộ phận khác của cơ thể có thể là “một phương pháp khắc hoạ các vị thần hoặc các hoàng đế uy dũng tựa như thần, để phân biệt rõ vẻ ngoài của họ với những người phàm, hoặc phân biệt cơ thể của họ với những trang phục mà họ mặc,” học giả David Bindman giải thích trong bài nói chuyện của ông.
Trong suốt thế kỷ 18, các nhà khảo cổ học đã khai quật được các mẫu vật có dấu vết sơn của những người La Mã cổ đại — và sau đó là di vật của những người Hy Lạp cổ. Dẫu cho xuất hiện những khám phá này, lời đồn thổi về nghệ thuật cổ đại không màu sắc vẫn tồn tại. Ngay cả trong thế kỷ 20, khi những nhà nghiên cứu dùng khoa học để chứng minh rằng người ta có sử dụng màu sắc trong các bức tượng cổ đại, thì quan niệm tượng điêu khắc cổ đại phải có màu trắng vẫn chiếm ưu thế.
Dẫu thế, điều đặc biệt thú vị về Canova là cách ông hoàn thiện tác phẩm bằng việc một lần nữa sử dụng màu sắc và mạ vàng (sơn mài) cho bức tượng như người cổ đại đã từng làm. Ông Bindman cho biết, kỳ thực nhà điêu khắc Canova đã quan sát được các sắc tố màu trên bề mặt những bức tượng cổ. Bạn của ông Canova, ông Antoine-Chrysostome Quatremère de Quincy, một người đam mê khảo cổ học, là một trong những người đầu tiên ghi nhận việc những người Hy Lạp cổ đã nhuộm màu cho các bức tượng và công trình kiến trúc của họ.
Tuy nhiên, các nhà bảo trợ của ông Canova lại nhận thấy những kiểu nhuộm màu “mới lạ” của ông thật chói mắt. Họ tin rằng những bức tượng trắng tinh khiết mới đúng với truyền thống cổ xưa. Chẳng hạn, ông Bindman đã giải thích rằng, khi công tước Bedford ủy quyền cho ngài Canova tạc một tác phẩm điêu khắc về “Ba nàng thơ,” ông đã nói rõ ràng rằng bức tượng nên được “làm sạch đến khi chỉ còn lớp đá cẩm thạch thuần khiết.”
Những tác phẩm đánh dấu tên tuổi của vị điêu khắc gia
Trong suốt cuộc đời của ông Canova, nhiều viện bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật đã được thành lập, và ông là một trong những vị đầu tiên sáng tạo nên những tác phẩm chuyên dùng để trưng bày trong các bảo tàng thay vì trang trí cho những công trình kiến trúc.
Ông Canova vẽ những bản phác thảo cho những bức tượng, và các phụ tá tại xưởng của ông tạc những hình dáng ban đầu cho tác phẩm, sau đó nhường lại các đường nét cuối cùng để vị thầy của họ hoàn thiện. Theo trang trực tuyến London của bảo tàng Victoria và Albert, London, Công tước Bedford đã mô tả tượng “Ba nàng thơ” như sau: “vượt trội hơn so với bất kỳ tác phẩm điêu khắc cận đại nào,” và lưu ý rằng “Thật duyên dáng, — vẻ ngoài mềm mại sống động đó được truyền vào bề mặt lớp đá cẩm thạch, trông như thể khiến người ta muốn chạm tay vào.”
Khi thiết kế những tác phẩm đó, ông Canova đã cân nhắc mọi khía cạnh và góc nhìn khác nhau. Chẳng hạn, ông sẽ thiết kế công trình để trưng bày một tác phẩm, xem xét tác phẩm đó được chiếu sáng thế nào, và thậm chí là thay thế những kiến trúc hiện có để bảo đảm rằng những bức tượng của ông trông hoàn mỹ nhất có thể.
Ngày nay, chúng ta đã quen với việc ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật ở viện bảo tàng từ xa — bằng cách đứng sau tấm kính, một cọng dây giăng bảo vệ, hoặc đứng bên dưới nhìn lên các bức tượng được đặt trên bệ. Thế nhưng, những người yêu nghệ thuật trong thời đại của ông Canova đã thưởng lãm các vật phẩm theo một cách khác. Họ được phép tiếp xúc với những bức tượng điêu khắc. Du khách có thể tận tay chạm vào tượng và thậm chí còn xoay chúng. Cô Ferando giảng giải trong bài nói chuyện của mình cho trang The Frick Collection rằng người xem có thể xoay bức tượng “Thần Cupid và Psyche” 360 độ qua một tay cầm kim loại ở phần bệ. Họ cũng có thể xoay chuyển một số nhóm tác phẩm của ông Canova. Hai đô vật trong tác phẩm “Cuộc chiến giữa Creugas và Damoxenos” có thể xoay được mỗi tượng 180 độ, điều đó có nghĩa là họ vẫn tạo cảm giác trực quan như một cặp. Nếu ông cho phép chúng xoay đến 360 độ, thì một người có thể hướng mặt về phía khác và không đối đầu với người kia.
Khách thưởng lãm cũng được khuyến khích ngắm nhìn nghệ thuật dưới ánh đuốc, vì họ tin rằng những người cổ đại đã từng làm như vậy. “Chất đánh bóng phủ trên các bộ phận của tượng được chiếu sáng rực rỡ đến mức thường che khuất đi những chi tiết thể hiện sự dụng tâm nhất của người nghệ sĩ,” nhà sử học nghệ thuật người Đức Johann Joachim Winckelmann đã viết.
Hào quang của bức tượng Washington
Khi bức tượng George Washington của ông Canova được khánh thành ở Raleigh, một tờ báo đã nhận xét: “Ngay cả những bức tượng nổi tiếng như Thần Apollo của Belvidere [trích nguyên văn] và Medici Venus đều có những điểm không hoàn hảo, nhưng Tượng của tổng thống Washington, giống như chính bản thân Ngài ấy, không có một vết bẩn hay tì vết nào.”
Ngày nay, chúng ta không thể thưởng lãm bức tượng đá cẩm thạch George Washington nguyên bản vì bức tượng này đã bị lửa phá hủy vào năm 1831. Nhưng cũng giống như việc đôi khi chúng ta thưởng lãm những bức tượng Hy Lạp cổ thông qua những bản mô phỏng hoặc bản sao chép bằng thạch cao từ các tác phẩm La Mã, du khách vẫn có thể được ngắm nhìn bản sao thạch cao phỏng theo mẫu tác phẩm của ông Canova, cũng giống như một bản sao của bức tượng đá cẩm thạch năm 1970 vậy.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times