Làm việc chăm chỉ bằng cả trái tim: Nghệ thuật đạt giải thưởng của họa sĩ John Darley
Họa sĩ người Mỹ John Darley đã cần mẫn rèn luyện để trở thành một họa sĩ tài năng như hiện nay.
Họa sĩ vẽ nhân vật sống tại Utah John Darley say mê khắc họa hình ảnh con người miền Tây Mỹ quốc. Bằng nỗ lực miệt mài, sự tận tụy, và tình yêu dành cho gia đình, anh đã gầy dựng được sự nghiệp nghệ thuật mà anh quyết tâm trở thành bậc thầy.
Tác phẩm của anh Darley đã đạt giải thưởng xuất sắc từ Hiệp hội Chân dung Mỹ quốc, Art Renewal Center, tạp chí Southwest Art, và Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế NTD, cuộc thi gần đây đã trao cho anh giải đồng cho bức tranh sơn dầu “Bé Vivian.”
Với hy vọng truyền cảm hứng cho thế hệ họa sĩ tiếp theo, hàng tuần, anh Darley dạy lớp vẽ chân dung ở xưởng vẽ của mình cũng như các lớp vẽ chân dung và phác thảo nhân vật tại Đại học Utah Valley.
Gia đình, nghệ thuật, và miền Tây Mỹ quốc
Tổ tiên anh Darley gắn bó sâu đậm với miền Tây Mỹ quốc. Anh giải thích trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng, vào những năm 1800, ngay trước cuộc Nội Chiến, tổ tiên của anh đã di cư từ Đan Mạch và Anh quốc, đi bộ xuyên nước Mỹ đến “thung lũng miền núi nhỏ có hồ nước muối khắc nghiệt” này, và gia nhập Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus. Mặc dù sinh ra ở Boston, nhưng anh đã dành phần lớn cuộc đời mình ở tiểu bang Utah và hiện đang sống cùng gia đình ở thành phố American Fork.
Dòng máu sáng tạo đã chảy trong huyết quản gia đình anh Darley; mẹ anh vẽ tranh, còn ông anh là một nhạc sĩ. Trong quá trình lớn lên, khi gia đình anh rơi vào khoảng thời gian khó khăn vì cố gắng tiết kiệm để mua một ngôi nhà, anh nhớ mình đã tìm kiếm niềm an ủi trong những cuộc phiêu lưu sáng tạo — điều mà anh, khi còn là một cậu bé có thể kiểm soát được. Anh giải thích, “Tôi có thể sáng tạo thế giới của riêng mình.” Thông qua nghệ thuật, anh đắm mình vào thế giới kỳ ảo và những cuộc phiêu lưu sáng tạo. Chịu ảnh hưởng từ các họa sĩ minh họa như họa sĩ theo chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Michael Whelan, anh đã làm cho những chú rồng và phi thuyền trở nên sống động như thật.
Khi mài dũa nghệ thuật ở trường trung học, anh Darley bắt đầu tìm kiếm các bậc thầy.
Nghệ thuật gia Michelangelo có ảnh hưởng sâu sắc đến anh. “Ông đã tạo nên các tác phẩm nghệ thuật lớn phi thường. Ông thiết kế các tòa nhà. Ông củng cố các bức tường ở Florence. Ông vẽ Nhà nguyện Sistine. Tôi không biết ông ấy làm cách nào mà được vậy; thật sự vô cùng truyền cảm hứng cho tôi,” anh nói.
Anh đặc biệt ngưỡng mộ đạo đức làm việc “gần như siêu phàm” của Michelangelo, và không thể nghĩ ra bất kỳ nghệ sĩ nào có thể hiện thực hóa các thiết kế của mình đến mức như Michelangelo từng làm.
Một bậc thầy khác mà anh Darley kính trọng là họa sĩ người Pháp ở thế kỷ 19 William-Adolphe Bouguereau. Anh nhận thấy số lượng tác phẩm phong phú và kỹ pháp điêu luyện của Bouguereau thật phi thường, đặc biệt là cách ông ấy vẽ với một phương pháp cố định và thấu hiểu sâu sắc các nguyên tắc hội họa.
“Quá trình vẽ của ông rất rõ ràng, và nó truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều, đồng thời tạo động lực cho tôi bắt tay vào quá trình của mình cũng như có một mục tiêu cụ thể trong đầu mỗi khi bắt đầu vẽ,” anh cho biết.
Trở thành họa sĩ vẽ nhân vật chuyên nghiệp
Anh Darley từng có vài lối rẽ khác trên hành trình trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Anh từng nghĩ thoáng qua ý định gia nhập quân đội. Tuy nhiên, bạn gái và hiện là vợ của anh, cô Cassandra, không muốn anh vắng nhà trong thời gian dài. Anh bắt đầu học kế toán ở trường đại học, mặc dù anh không hề yêu thích.
Anh thấy nhiều họa sỹ phải chật vật tìm kế sinh nhai từ công việc nghệ thuật. Khi còn ở trường đại học, anh chủ động tìm hiểu sâu thêm. Anh tìm đến những họa sỹ thành công, những người vừa tạo ra các tác phẩm nghệ thuật tuyệt mĩ vừa kiếm sống được [từ đó]. Anh tìm được họa sĩ Jeff Hein, họa sỹ Thành phố Salt Lake, vừa khớp làm được 2 điều này. Khi anh hỏi ông Hein về bí quyết kiếm sống từ nghệ thuật, ông trả lời: “Rất đơn giản: Cậu chỉ cần giỏi là được.”
Ông Hein khuyên anh Darley nên nghỉ học đại học, chăm chỉ học việc cùng ông, và khi đó có lẽ anh sẽ có cơ hội. Tuy nhiên, khi cơn bùng nổ dầu mỏ ở North Dakota xảy ra, anh Darley nhìn thấy cơ hội làm việc tại các mỏ dầu và chu cấp cho cô Cassandra, người mà anh biết mình muốn cưới làm vợ. Anh cùng hàng trăm ngàn người khác đổ xô đến [nơi có] cơn sốt dầu mỏ này để phát tài. “Đó là một miền Tây hoang dã theo mọi nghĩa của từ này,” anh nói.
Cuối cùng, cô Cassandra cũng vào làm ở đó với công việc đầu bếp của trại, và chính ở nơi khỉ ho cò gáy đó, họ đã quyết định về tương lai. Cô Cassandra chấp thuận để anh theo đuổi sự nghiệp hội họa, bắt đầu bằng việc học nghệ với họa sĩ Hein.
Trở về Utah, họ kết hôn. Số tiền họ kiếm được từ các mỏ dầu giúp anh trang trải học phí bốn năm học việc. Thông qua quá trình học việc, anh cảm thấy mình đã tiến bộ hơn. Anh đã sáng tạo một vài bức tranh tĩnh vật đẹp mắt và củng cố hiểu biết của mình về màu sắc, nhưng anh muốn nâng cao kỹ năng vẽ nhân vật hơn nữa. Anh chia sẻ anh đã chứng kiến “các họa sĩ ở New York tạo ra những bức vẽ người ngoạn mục, đẹp phi thường,” vì vậy họ quyết định chuyển đến Thành phố New York để anh có thể học vẽ cổ điển tại trường nghệ thuật Grand Central Atelier.
Lúc đó anh Darley 27 tuổi, và vợ chồng anh muốn bắt đầu xây dựng tổ ấm trong vài năm tới. Anh nói: “Mấy người trạc tuổi tôi [đầu những năm 30 tuổi] hoặc thậm chí trẻ hơn có quan niệm rằng gia đình và con cái là một gánh nặng.” Anh tin rằng nhiều người đã không nhận ra lợi ích của việc làm cha mẹ: “Điều đó khiến bạn trưởng thành, buộc bạn phải vươn lên, cũng như hoàn thiện mình hơn so với khi không có con, bởi vì tình yêu đó có sức mạnh phi thường và khiến bạn chinh phục được những điều mà trước đây bạn không thể.”
Viễn cảnh được làm cha đã thúc đẩy anh Darley tiếp tục học tập.
“Có một động lực mãnh liệt thôi thúc tôi phải tiến lên và hoàn thiện mình, để tìm ra cách làm tốt công việc, và thực hiện nó với lòng quyết tâm cao độ.” anh bộc bạch.
Trong những năm học ở New York, anh phải duy trì một lịch trình nghiêm ngặt. “Tôi nghĩ bạn có trách nhiệm dồn toàn bộ tâm trí của mình vào đó, bởi vì xét về tổng thể [sự nghiệp] thì quãng thời gian này rất ngắn.”
Suốt sáu ngày một tuần, anh thức dậy lúc 6 giờ 30 sáng, đến xưởng vẽ Grand Atelier vào khoảng 8 giờ 30 sáng, và vẽ đến tận 10 giờ tối, chỉ nghỉ nửa giờ để ăn trưa và một giờ để ăn tối.
Trong thời gian rảnh rỗi, anh học vẽ người mẫu khỏa thân tại Liên Đoàn Sinh Viên Nghệ Thuật New York (The Art Students League of New York) và vẽ tranh tĩnh vật vào buổi tối tại xưởng vẽ hoặc căn hộ của mình. “Lịch trình căng thẳng đến mức điều kỳ lạ đã xảy ra với cơ thể tôi: Tay tôi trở nên tê liệt, và mặt tôi tê dại vì tôi quá khao khát muốn tiến bộ.”
Tại trường Grand Central Atelier, anh chủ yếu học vẽ nhân vật theo phong cách cổ điển, kỹ pháp đã đặt nền tảng cho mọi tác phẩm nghệ thuật của anh kể từ đó. Trong số các giáo viên tại xưởng vẽ, anh xem họa sĩ gốc Utah Gregory Mortenson là nguồn cảm hứng lớn nhất của mình. Ông Mortenson đã giúp anh Darley chậm lại trong quá trình vẽ tranh để anh có thể mổ xẻ những gì mình đang làm và sau cùng là tự đặt ra những thách thức cao hơn cho bản thân.
Trước khi kiếm được thu nhập thực sự, anh Darley đã nghiên cứu khoảng 11.000 giờ — [tương đương] hơn 5 năm làm việc văn phòng từ 9h sáng đến 5h chiều. Anh khuyên các nghệ sĩ triển vọng không ngừng học hỏi và nỗ lực vươn đến đỉnh cao. “Một khi sự nghiệp của bạn tiến triển, rất khó để quay lại làm việc với mức độ tập trung như cũ.”
Sau khi học viên nắm được các khái niệm nghệ thuật căn bản và thực sự hiểu chúng, anh Darley tin rằng đó là lúc các họa sĩ có thể sáng tạo và thêm vào phong cách cá nhân. Một bậc thầy như danh họa Bouguereau, là tấm gương cho phương pháp tiếp cận này. “Ông có thể sao chép mọi thứ rất xuất sắc hết lần này đến lần khác,” anh chia sẻ.
Những đơn đặt hàng được truyền lại qua nhiều thế hệ
Không lâu sau khi họ trở về tiểu bang Utah, vợ anh thông báo rằng cô đang mang thai. Anh Darley cảm thấy “vừa sợ hãi vừa phấn khích tột độ” khi nghe tin này. Đã đến lúc anh phải thể hiện được năng lực [sau nhiều năm] miệt mài học tập và kiếm tiền để chu cấp cho gia đình mới của mình. Nhưng anh đã không cần lo lắng. Nửa giờ sau khi vợ báo tin vui, anh nhận được một thư điện tử đặt đơn hàng trị giá 30,000 USD. Một hoặc hai tháng sau, anh nhận một đơn đặt hàng khác trị giá 20,000 USD. “Đó là đủ tiền để chăm lo cho sinh hoạt gia đình và giúp tôi không phải bỏ nghề sau khi cảm thấy sợ hãi trước những nhu cầu của cuộc sống,” anh cho biết.
Nếu điều đó không xảy ra, anh không chắc liệu mình có còn vẽ tranh nữa hay không. “Tôi vô cùng may mắn hoặc là được phúc lành và tôi thực sự biết ơn vì điều đó.”
Anh Darley vô cùng biết ơn mỗi đơn đặt hàng. “Đó là những người sẵn lòng chi tiền đầu tư vào các tác phẩm chưa thành hình, điều đó giúp sự nghiệp của tôi tiến triển,” Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, nhà thờ của anh đã ủy thác một tác phẩm giúp anh gầy dựng tiếng tăm. Đơn đặt hàng tư nhân, đặc biệt là các bức chân dung, là nguồn thu nhập chính trong công việc kinh doanh của anh.
Đối với các bức chân dung, anh hướng đến việc thể hiện khí chất nhân vật, mà không chỉ là vẻ ngoài của họ. Trước khi bắt đầu vẽ các bản phác thảo chuẩn bị, anh đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về người mẫu. Anh cũng tham khảo góc nhìn từ gia đình và bạn bè thân thiết, vì anh thấy đôi khi họ đưa ra ý kiến chân thực hơn cả chủ thể.
Bằng việc quan sát, anh Darley thu thập được lượng hiểu biết đáng kinh ngạc về chủ thể, dù đó là người hay vật. Trong bức chân dung đạt giải thưởng “Bé Vivian,” anh đã quan sát cô bé 7 tuổi đang chơi đùa và hỏi cha mẹ cũng như anh chị em của bé về những trải nghiệm của họ về em. Ở bé Vivian, anh nhìn thấy niềm hy vọng cùng sự cao thượng và sức mạnh [nội tâm] mà anh nóng lòng muốn thể hiện qua bức tranh.
“Kỹ năng quan sát thế giới của bạn và những người xung quanh bằng thị giác có sức mạnh lớn lao.”
Niềm hy vọng anh nhìn thấy ở bé Vivian còn biểu trưng cho điều sâu sắc hơn thế. “Bạn không thể có con mà không có hy vọng cho tương lai. Rất khó để làm vậy,” anh nói.
Đối với những ai đã ngắm bức chân dung “Bé Vivian” của họa sĩ Darley, họ có thể không nhận ra cô bé là một phần trong bức chân dung gia đình Gillrie. Anh quan sát cả năm thành viên trong gia đình, phác thảo họ cùng một lúc, nhưng vẽ từng bức chân dung theo tuần tự.
Anh Darley vẽ một số bức chân dung của mình bằng màu keo trứng, một chất liệu khó vẽ hơn sơn dầu vì nó khô rất nhanh. Những bức chân dung vẽ bằng màu keo trứng của anh như “Our Son Jack” (Con trai Jack của chúng tôi), thể hiện những nét vẽ nhiều lớp, mà anh tận dụng để làm nổi bật các đường nét trên khuôn mặt.
Trong thập niên tới, anh Darley hy vọng sẽ tập trung vẽ những bức tranh nhiều nhân vật hơn. Anh mong rằng đó sẽ là những đơn đặt hàng công cộng hoặc được trưng bày ở nơi công cộng. Anh yêu thích một số trong 20 bức tranh trong chuỗi tác phẩm “The Slav Epic” (Sử thi Slav) của họa sĩ người Czech Alphonse Mucha (1860–1939). Trên giá vẽ của anh hiện giờ là 14 tác phẩm nhân vật từ một đơn đặt hàng cá nhân.
“Tôi dự định cho những bức tranh này, ít nhất là khi nhắc đến tác phẩm chân dung, chúng sẽ trở thành những di vật qua nhiều thế hệ, một điều gì đó được truyền lại từ gia đình này sang gia đình khác.”
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times