Nghệ thuật của trà
Dù gu thẩm mỹ của bạn là gì, thì những tác phẩm tuyệt đẹp này vẫn là một bữa tiệc mãn nhãn.
“Nếu chúng ta lạnh, thì trà sẽ sưởi ấm cho chúng ta; nếu chúng ta nóng quá, trà sẽ khiến chúng ta dịu mát; nếu chúng ta phiền muộn, thì trà sẽ khiến chúng ta vui vẻ; nếu chúng ta phấn khích, trà sẽ khiến chúng ta trầm tĩnh.” Câu nói này được cho là của Thủ tướng Anh quốc William Ewart Gladstone. Lời giải thích trên đã tóm tắt lại những lý do khiến loại thức uống này được yêu thích trên toàn thế giới.
Truyền thống thưởng trà có niên đại từ hàng ngàn năm trước. Trà đen, trà trắng, trà ô long, và trà xanh được sản xuất từ lá của cây trà (Camellia sinensis), một loài cây bụi thường xanh. Loài cây này được cho là có nguồn gốc từ miền trung Đông Nam Á, tại nơi giao nhau về mặt địa lý giữa vùng đất Trung Quốc ngày nay, Ấn Độ, và Miến Điện (còn được biết đến là Myanmar).
Một truyền thuyết Trung Hoa kể rằng một vị hoàng đế đã uống tách trà đầu tiên vào năm 2737 trước Công Nguyên. Từ Trung Quốc, trà đi đến khắp các khu vực phía Đông con đường Tơ lụa, trở nên phổ biến ở những nơi như Nhật Bản và Hàn Quốc. Vào thế kỷ 17, các thương nhân Bồ Đào Nha và Hà Lan đã mang trà đến châu Âu. Thưởng trà trở thành một hiện tượng văn hóa ở phương Tây, đóng vai trò trọng yếu trong xã hội, trong đó có nghệ thuật trang trí và mỹ thuật.
Trà của hoàng hậu
Quốc gia ngoài châu Á gắn bó nhất với trà là Anh quốc. Sự phổ biến của loại thức uống này bắt nguồn từ cuộc hôn nhân năm 1662 giữa Vua Charles Đệ nhị với hoàng hậu Catherine xứ Braganza, một công chúa Bồ Đào Nha. Trước đó, trà chỉ được người Anh sử dụng làm dược liệu. Sở thích thưởng trà hàng ngày của tân hoàng hậu đã truyền cảm hứng cho các triều thần học theo thói quen của bà. Trà dần dần trở thành một món thức uống trong xã hội và là một biểu tượng về địa vị, chủ yếu vì trà rất đắt tiền.
Trước thế kỷ 18, chỉ có giới tinh hoa mới có khả năng mua lá trà nhập cảng từ Trung Quốc và chi trả khoản thuế rất nặng đi kèm. Ngoài ra, những dụng cụ cần thiết cho một buổi tiệc trà ban đầu được nhập cảng từ Trung Quốc. Vẻ đẹp và sự đắt đỏ của bộ ấm chén này càng làm tăng thêm cảm hứng thưởng thức món giải khát đó. Đến cuối những năm 1700, thưởng trà đã trở thành [sở thích] vừa tân thời vừa dễ tiếp cận đối với các tầng lớp trung lưu, và các bộ dụng cụ thưởng trà cũng bắt đầu được sản xuất ở châu Âu.
Tiệc trà hoàng gia
Khi lượng tiêu thụ trà tiếp tục tăng vọt, một loại hình nghệ thuật mới đã xuất hiện vào đầu những năm 1730, có tên là “conversation pieces” (tranh đàm thoại). Ban đầu, các nhà bảo trợ và các nhà sưu tập là giới hoàng tộc và quý tộc, nhưng thị hiếu về những bức tranh này nhanh chóng truyền đến tầng lớp trung lưu. Những bức tranh thuộc thể loại này có kích thước nhỏ. Các chủ đề là những nhóm người thân mật [quây quần] trong nhà hoặc ngoài vườn. Nhiều tác phẩm vẽ các nhân vật đang thưởng trà, một ví dụ đáng chú ý là bức tranh “Tea Party at Lord Harrington’s House, St. James’s” (Tiệc trà tại tư gia của Ngài Harrington ở St. James’s) năm 1730 của họa sỹ Charles Philips, hiện đang lưu giữ ở Trung tâm nghệ thuật Anh quốc thuộc Đại học Yale.
Mặc dù sự nghiệp của họa sỹ Philips chỉ kéo dài một thập niên, nhưng ông từng là nghệ sỹ hàng đầu về thể loại tranh đàm thoại này. Các học giả cho rằng bức tranh này là bức vẽ trên vải canvas tham vọng nhất của ông. Ngài Chetwynd đặt hàng bức tranh này cho ngôi nhà ở miền quê của mình. Họa sỹ Philips vẽ ông với tư cách là người chơi bài tại bàn giữa, bên phải, dù rằng chủ đề của bức tranh là bữa tiệc trà của những nhân vật nổi tiếng tại tư gia của Bá tước Harrington ở London.
Vị gia chủ thuộc tầng lớp quý tộc, Bá tước Harrington, không hiện diện rõ ràng trong bức tranh vì ông đang thực hiện sứ mệnh ngoại giao tại thời điểm bức tranh được vẽ. Thay vào đó, bảo tàng đưa ra lời giải thích: “Căn phòng của bá tước gián tiếp đại diện cho ông. Căn phòng được trang trí theo tiêu chuẩn cao nhất và phong cách tân thời nhất với những bức tranh tĩnh vật và phong cảnh lý tưởng ở bên trên những cánh cửa và lò sưởi, màn trướng bằng vải damask, và một tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ.” Bố cục trong phòng đối xứng chặt chẽ, một nét đặc trưng trong các tác phẩm của họa sỹ Philips.
Họa sỹ Philips vẽ bộ dụng cụ thưởng trà rất tỉ mỉ. Bộ ấm chén sứ hoa lam này có thể được nhập cảng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chiếc ấm lớn lấp lánh màu bạc lại cho thấy nó có thể xuất xứ tại địa phương. Bởi vì, đến thời điểm bức tranh được vẽ thì các thợ bạc Âu Châu đã chế tạo được những đồ dùng bằng bạc để thưởng trà của riêng họ. Bộ ba dụng cụ lộng lẫy gồm có hai hũ trà và một hũ đường tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, có niên đại từ năm 1738–1739, cho thấy kỹ nghệ tài hoa, sự sáng tạo, và thẩm mỹ cầu kỳ của nghệ nhân bạc Paul de Lamerie.
Mặc dù nghệ nhân de Lamerie sinh ra ở Hà Lan có cha là người Pháp theo đạo Tin Lành, nhưng ông đã dành sự nghiệp của mình ở London. Tại đây, ông gặt hái tiếng tăm lừng lẫy và nhận được sự bảo trợ từ giới thượng lưu. Những tác phẩm này được coi là những kiệt tác của ông. Mỗi vật dụng đều có hình chữ nhật với nắp bo tròn. Theo mô tả của Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, phần nắp được trang trí viền hoa văn khắc họa “phong cảnh đất liền, thành phố, và biển cả được điêu khắc và chạm trổ.” Những mẫu trang trí khác gồm có sư tử, tiểu thiên sứ, sinh vật biển, vỏ sò, đóa hoa, và lá trà, lá trà là họa tiết phù hợp nhất.
Đồ sứ Trung Hoa
Ngoài tranh đàm thoại ra, thể loại tranh tĩnh vật cũng thường lấy chủ đề là bộ dụng cụ thưởng trà. Bức vẽ tinh mỹ “Still Life: Tea Set” (Tranh tĩnh vật: Bộ dụng cụ thưởng trà) này có niên đại vào thập niên cuối cùng trong sự nghiệp của họa sỹ người Thụy Sỹ Jean-Étienne Liotard (1702–1789). Ông Liotard sinh ra ở Geneva và có thời gian được đào tạo ở Paris. Ông đi lại nhiều nơi, làm việc ở London, Hà Lan, Vienna, Rome, và Constantinople trong một khoảng thời gian dài trước khi trở về quê hương của mình. Nổi tiếng vì sự tinh thông về màu phấn và khả năng sử dụng bột màu tinh tế, họa sỹ Liotard chuyên vẽ các bức chân dung và khung cảnh thường nhật. Vào giai đoạn sau cùng trong sự nghiệp của mình, ông vẽ các bức tranh tĩnh vật với chủ đề là các bộ dụng cụ thưởng trà và cà phê. Ngày nay, chỉ có năm trong số những bức tranh này được biết đến.
Bức tranh “Still Life: Tea Set” (Tranh tĩnh vật: Bộ dụng cụ thưởng trà) tại Getty Center khắc họa những chiếc muỗng bằng bạc và đồ sứ Trung Hoa đắt tiền. Tác giả có thể đã trưng bày bức tranh này ở xưởng vẽ của mình để giới thiệu với những khách hàng triển vọng về phong cách tao nhã cũng như khả năng vẽ hình khối, kết cấu, và ánh sáng của ông. Bức tranh cho thấy một chiếc khay đựng ấm trà, chén đường, bình sữa, một chiếc bình có đậy nắp, sáu chiếc tách và sáu chiếc đĩa nhỏ.
Mặc dù các phụ kiện thưởng trà rất sang trọng, nhưng tất cả mọi thứ đều thật lộn xộn. Những chiếc tách có viền tinh xảo bị úp ngược xuống hoặc nghiêng một bên, những chiếc muỗng lấp lánh được đặt [lung tung] theo mọi hướng, và những mẩu bánh mì khô phết bơ nằm vung vãi trên khay. Bảo tàng viết rằng: “Sự kết hợp các vật dụng có hoa văn rực rỡ, phản chiếu ánh sáng, và trong suốt cho phép họa sỹ miêu tả các hiệu ứng tương phản mạnh mẽ về thị giác.”
Những người thưởng trà Âu Châu vô cùng yêu thích các dụng cụ thưởng trà bằng sứ Trung Hoa, hoặc những dụng cụ được lấy cảm hứng từ phong cách này. Một ấm trà vào khoảng năm 1770 tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan cũng được trang trí bằng một nhóm nhân vật đầy màu sắc, tương tự với hoa văn trên bức tranh canvas của họa sỹ Liotard.
Mẫu vật này của bảo tàng được chế tạo ở Trung Quốc dành riêng cho thị trường Âu Châu. Khi nhu cầu về bộ dụng cụ thưởng trà tăng lên, các hãng đồ sứ phát triển nhanh chóng ở châu Âu. Bắt đầu từ những năm 1740, các nghệ nhân người Anh bản địa đã sản xuất nhiều loại ấm trà bằng sứ, trong đó có các mẫu ấm thô, ngộ nghĩnh, sang trọng, thậm chí cả những mẫu mang tính chính trị. Niềm đam mê đối với các họa tiết mang cảm hứng Á Châu, đặc biệt là bảng màu xanh lam và trắng điển hình của Trung Hoa, vẫn tồn tại lâu dài. Một ví dụ cho cho sở thích này [là chiếc ấm] tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, cũng có niên đại vào khoảng năm 1770, được trang trí họa tiết cây cỏ và do hãng đồ sứ Worcester của Anh quốc sản xuất.
Bức tranh ‘Five O’Clock Tea’ (Tiệc trà lúc 5 giờ)
Trà và các nghi thức thưởng trà tiếp tục được chú trọng và phổ biến vào thế kỷ 19. Khái niệm về mô hình trà chiều cổ điển hiện nay được Nữ công tước Bedford giới thiệu vào năm 1840. Mặc dù trà được hầu hết các tầng lớp xã hội yêu thích tại thời điểm đó, nhưng nó vẫn tiếp tục là một biểu tượng cho sự tinh tế và tao nhã trong các sự kiện xã hội của giới thượng lưu.
Tác phẩm “Five O’Clock Tea” (Tiệc trà lúc 5 giờ) là một bức tranh lộng lẫy của họa sỹ Julius LeBlanc Stewart về khung cảnh trà chiều. Tác phẩm ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình và vẫn được xem trọng cho đến ngày nay. Lần đấu giá gần đây nhất vào năm 2019 tại Sotheby’s, bức tranh đã được bán với giá 1.88 triệu USD.
Sinh ra ở Anh quốc, họa sỹ Stewart lớn lên ở Paris và dành sự nghiệp của mình ở thành phố đã nuôi dưỡng ông. Được biết đến là “người Paris đến từ Philadelphia,” ông gia nhập vào xã hội thượng lưu. Các ông trùm kinh doanh, quý tộc, nghệ sỹ, diễn viên, và những người sinh sống ở ngoại quốc thường xuất hiện trong những bức chân dung phức tạp, nhiều nhân vật của ông.
Người ta tin rằng bức tranh này mô tả bữa tiệc trà trong một phòng khách ở Paris dành cho những người Mỹ sống ở hải ngoại. Họa sỹ tự vẽ mình trong đó với tư cách là thành viên của nhóm: Nhân vật nhìn nghiêng ở phía xa bên trái là bức chân dung tự họa của họa sỹ, và chú chó collie của ông, Jinny, tạo dáng ở bên phải, sẵn sàng nhận những miếng ăn vặt tiềm năng từ bàn trà.
Nội thất của phòng khách trong bức tranh này cũng sang trọng như nội thất trong tác phẩm của họa sỹ Philips, phản ánh phong vị nghệ thuật trang trí của ngoại quốc vào cuối thế kỷ 19. Trào lưu Mỹ học (Aesthetic Movement) của thời kỳ này đặc biệt yêu thích phong cách Nhật Bản. Ảnh hưởng của phong cách Nhật Bản có thể được thấy qua tấm bình phong và các rèm cửa sổ bằng giấy gạo có họa tiết, giúp ánh chiều tà êm dịu xuyên qua, làm sáng bừng đồ nội thất sang trọng cùng những quan khách ăn mặc rất tân thời đang trò chuyện và nhâm nhi trà.
Người ta có thể dễ dàng cho rằng ấm trà bằng bạc của hãng Tiffany & Co. từ năm 1880 tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan là ấm trà trong bức tranh “Five O’Clock Tea” (Tiệc trà lúc 5 giờ). Tiffany, một hãng bạc và trang sức hàng đầu Mỹ quốc, nổi tiếng với những tác phẩm theo phong cách Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19. Bảo tàng viết rằng: “Thật vậy, hãng Tiffany & Co. đã thắng Giải xuất sắc cho đồ dùng bằng bạc tại Triển lãm Toàn cầu Paris năm 1878, được các vị giám khảo ca ngợi vì tính độc đáo và sự tinh mỹ của đồ bạc theo phong cách Nhật Bản của hãng này.” Ấm trà tinh xảo này có các họa tiết trang trí bất đối xứng hình bò sát và con cá kỳ lạ, núm cầm bằng ngọc, cùng chi tiết bằng ngà voi và đồng.
Trà đã liên tục truyền cảm hứng cho các họa sỹ và nghệ nhân. Thuận theo thời gian, các giá trị thẩm mỹ và phong cách mới trở nên thịnh hành, nhưng tầm quan trọng của trà trong xã hội và nghệ thuật vẫn không thay đổi. Dù gu thẩm mỹ của chúng ta là gì, thì những tác phẩm tuyệt đẹp này vẫn là một bữa tiệc mãn nhãn.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times