Trà đạo và thương đạo
Văn hóa trà và phương thức kinh doanh
Vào thời Trung Quốc cổ đại, khi các thương nhân bàn việc làm ăn kinh doanh thì điều họ thường làm đầu tiên là mời nhau uống trà. Trên bề mặt, đây dường như là biểu hiện của lòng hiếu khách, bởi lời nói của họ cũng cô đọng hàm súc, không phải vừa mở miệng đã bàn đến công việc và tiền bạc, mà giống như đang mời bằng hữu một tách trà vậy. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự ẩn chứa bên trong lại vô cùng thâm sâu. Nguyên cớ vì đâu? Điều này phải nói đến sự hiểu biết của người Trung Hoa đối với trà cũng như tính chất và nguồn gốc của trà.
Truyền thuyết Trung Quốc kể rằng, Thần Nông vì nếm bách thảo mà mỗi ngày đều bị trúng độc nhiều lần, lòng quyết tâm của ông khiến Thượng Thiên cảm động. Thượng Thiên bèn phái Thần đến chỉ điểm cho Thần Nông tìm được một loại lá trà, sau khi uống xong thì tất cả độc tố tự nhiên đều bị hóa giải. Từ đó về sau, người Trung Quốc bắt đầu có “trà,” hơn nữa, người ta còn biết rằng trà có công hiệu giải độc và thanh nhiệt. Do đó, Trung y thường nói rằng khi uống thuốc (trị bệnh) thì không được đồng thời uống trà.
Không chỉ trà có công hiệu đặc biệt mà cả nước pha trà cũng như vậy: Tư tưởng của con người có thể ảnh hưởng đến tính chất của nước ở môi trường xung quanh họ. Khi một người suy nghĩ về một việc gì đó, nước xung quanh người đó tự nhiên cũng chứa đựng tín tức về sự việc đó. Nếu họ nghĩ đến chuyện tốt thì tín tức là thiện lương, tốt đẹp, uống nước này sẽ có cảm giác vô cùng dễ chịu; nếu nghĩ đến chuyện xấu, trong lòng chứa ác niệm, thì nước tự nhiên cũng biến thành nước “độc.”
Các thương nhân đều biết rằng, điều khó khăn nhất hiện nay khi đàm phán kinh doanh chính là hiểu được suy nghĩ và mục đích thực sự của đối phương. Liệu họ có thành ý hay không? Họ thật sự đến để hợp tác hay trong tư tưởng của họ chỉ chất chứa những tư tưởng xảo quyệt gian trá, chỉ vì mưu cầu chiếm đoạt lợi ích mà đến?
Khi bàn chuyện kinh doanh, người chủ nhà am hiểu trà đạo và thương đạo, sẽ pha một ấm trà mang hương vị mà bản thân quen thuộc nhất, pha ấm trà ngon nhất để mời khách. Bởi vì bất luận đối phương nói gì làm gì, thì tín tức mà trường năng lượng người đó mang theo nhất định sẽ thẩm thấu vào nước ở xung quanh người đó. Nước trà sau khi thẩm thấu loại tín tức này, thì công hiệu giải độc của trà cũng sẽ bị loại nước “ô nhiễm” này ảnh hưởng. Do đó, lúc này người chủ nhà sẽ không thể nào nếm được vị trà thơm ngon thanh ngọt quen thuộc thường ngày nữa. Từ đó trong tâm cũng hiểu được rằng thương vụ kinh doanh này có thành hay không, có đáng để tiếp tục đàm phán hay không. Đây chính là bí mật pha trà đàm phán kinh doanh của cổ nhân, và cũng là nội hàm trà đạo truyền thống của Trung Quốc.
Hơn nữa, khi thực sự đi vào việc đàm phán kinh doanh, để hai bên có thể có cùng chung tư tưởng, quan điểm và yêu cầu là điều vô cùng khó khăn. Đối với cách nhìn nhận và giải quyết một vấn đề, điều khó đi đến thống nhất nhất thường là xuất phát điểm của tư duy và quan niệm. Đây là phần khó khăn nhất trong việc đàm phán, đồng thời cũng là điểm mấu chốt quyết định cuối cùng song phương có đạt được thỏa thuận hay không.
Ưu điểm của việc “thưởng trà” trước khi bàn chuyện kinh doanh là nó giúp mọi người có thể buông xuống những gánh nặng trong tâm trí, xem nhẹ những tính toán mưu toan trong công việc, để có thể thưởng thức một ấm trà. Sự tinh tế vi diệu của trà vị chỉ có thể cảm nhận chứ không thể diễn tả bằng lời. Khi hai bên cùng nhau thưởng thức một ấm trà, chậm rãi nếm hương vị của trà, cùng nhau điều chỉnh tư duy đạt đến cùng một “tần số.” Lúc đó, họ sẽ tự nhiên có thể “tâm lĩnh thần hội,” thấu hiểu lẫn nhau. Hơn nữa, họ sẽ thể nghiệm được niềm vui của việc “cộng hưởng cùng tần số.”
Thông qua việc thưởng trà, hai bên đã tự nhiên đạt đến sự đồng điệu và hòa hợp trong suy nghĩ và thông tin, cho nên việc đàm phán sau đó sẽ rất nhẹ nhàng vui vẻ, sự việc đến lúc chắc chắn sẽ thành công. Bởi vậy, nhiều công ty giới chủ lưu hiện nay khi đàm phán công việc kinh doanh thường mời trà nghệ sư Trung Quốc đến pha trà, sau đó cả chủ và khách cùng nhau thưởng trà.
Thương đạo là sự dung hợp quán thông vào trong trà đạo, và trà đạo cũng thể hiện được nét tinh túy của thương đạo. Giống như văn hóa truyền thống Trung Hoa, nó thẩm thấu vào trong mọi mặt của đời sống con người, nhưng không phải người đại trí huệ thì không thể nào chạm đến.
Dương Uy thực hiện
Tịnh Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ