Tác giả Stephen M. R. Covey chia sẻ yếu tố cốt lõi quyết định thành công: Lãnh đạo bằng niềm tin
Nhà huấn luyện kinh doanh và tác giả Stephen M. R. Covey khuyến khích chúng ta theo đuổi một phong cách lãnh đạo giàu lòng trắc ẩn và hiệu quả hơn.
Trong lĩnh vực năng lực lãnh đạo và [xây dựng] niềm tin, ít có tên tuổi nào tạo lập được tiếng vang lớn như tác giả Stephen M.R. Covey. Ông kế thừa di sản gắn liền với tác phẩm đột phá của cha mình, “7 Thói Quen Hiệu Quả,” một trong những cuốn sách phát triển bản thân có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất thế kỷ 20.
Ông Covey là nhà đồng sáng lập CoveyLink, một hãng tư vấn, và hiện giữ vai trò lãnh đạo tại FranklinCovey – công ty đào tạo do cha ông đồng sáng lập. Cả hai tổ chức đều nhấn mạnh đến xu hướng [xây dựng] sự tin tưởng và tính minh bạch trong đạo đức kinh doanh. Triết lý của ông tập trung vào niềm tin rằng không gì di chuyển nhanh bằng tốc độ của niềm tin, khiến niềm tin giữa các đối tác trở nên trọng yếu trong việc điều hướng nền kinh tế toàn cầu. Ông định nghĩa năng lực lãnh đạo là việc tạo ra kết quả trong khi truyền cảm hứng về niềm tin, một cách tiếp cận thực tế giúp nâng cao khả năng thực thi các chiến lược hiện có của tổ chức. Những hiểu biết sâu sắc của ông Covey về niềm tin, năng lực lãnh đạo, đạo đức, và hiệu suất cao đã đưa ông trở thành một diễn giả và nhà cố vấn được nhiều người săn đón.
Trong cuộc phỏng vấn này với tạp chí American Essence, tác giả Covey trao đổi về cuốn sách mới nhất của mình, “Trao Niềm Tin & Truyền Cảm Hứng: Phương Cách Các Nhà Lãnh Đạo Tầm Vóc Khai Phóng Tiềm Năng Của Người Khác” (Trust & Inspire: How Truly Great Leaders Unleash Greatness in Others). Trong cuốn sách này, ông phản đối mô hình lãnh đạo “Chỉ huy & Kiểm soát” kiểu truyền thống, và ủng hộ mô hình “Tin tưởng & Truyền cảm hứng,” nơi các nhà lãnh đạo có thể nuôi dưỡng khả năng sáng tạo và khơi dậy tiềm năng trong con người.
Cuộc phỏng vấn đã được biên tập lại cho rõ ràng và ngắn gọn.
American Essence: Điều gì thôi thúc ông đi sâu vào chủ đề niềm tin trong năng lực lãnh đạo và [phát triển] tổ chức, biến nó thành trọng tâm trong công việc của mình?
Ông Covey: Tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cha mình, Tiến sỹ Stephen R. Covey. Chắc chắn là bởi những công trình chuyên môn của ông, nhưng trước khi được giới thiệu ra thế giới, thì cha đã áp dụng những điều đó ngay trong gia đình — mấy đứa nhỏ chúng tôi chính là những “con chuột bạch” đầu tiên!
Trong cuốn sách “7 Thói Quen Hiệu Quả,” cha tôi kể câu chuyện “Xanh & Sạch,” về chuyện dạy tôi cách chăm sóc bãi cỏ trong nhà khi tôi mới lên 7. Ông sử dụng câu chuyện đó để minh họa về trách nhiệm quản lý tài sản và thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Nhưng lúc đó tôi mới 7 tuổi — tôi thậm chí chẳng hiểu những điều đó nghĩa là gì. Tôi chỉ biết là cha tin tưởng tôi, và tôi không muốn khiến ông thất vọng.
Năm tháng trôi qua, tôi nhận ra rằng trao gửi niềm tin là phương thức mạnh mẽ nhất để truyền cảm hứng cho người khác. Khi bước vào lĩnh vực kinh doanh, và đặc biệt là dưới vai trò Giám đốc điều hành, tôi bắt đầu thực sự hiểu rằng niềm tin không đơn thuần là một đức hạnh xã hội cảm tính mà còn là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Niềm tin luôn ảnh hưởng đến tốc độ chúng ta có thể phát triển, và đến chi phí của mọi thứ.
Theo thời gian, tôi bắt đầu nhận thấy sự hiện diện (hoặc thiếu vắng) của niềm tin ở mọi nơi và trong mọi việc. Điều đó khiến tôi tin rằng niềm tin là yếu tố có thể xoay chuyển mọi thứ, và đây là một kỹ năng có thể rèn luyện được — tức là một năng lực. Trải nghiệm và nhận thức về niềm tin từ quan điểm này chính là điều khiến niềm tin trở nên mạnh mẽ, dễ dàng tiếp cận, và liên quan mật thiết đến chúng ta.
American Essence: Ông có thể trao đổi về tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tài năng trong người khác và điều này có liên quan như thế nào đến khái niệm lãnh đạo truyền cảm hứng?
Ông Covey: Tôi thích cách bạn đặt câu hỏi này. Một trong 5 Niềm Tin Cốt Lõi của Các Nhà Lãnh Đạo Trao Niềm Tin & Truyền Cảm Hứng là “mọi người đều mang trong mình sự xuất chúng — vì vậy, nhiệm vụ của tôi với tư cách là một nhà lãnh đạo là khai mở tiềm năng, chứ không phải kiểm soát họ.” Niềm tin này ngụ ý rằng bên trong mỗi người là những tài năng đích thực.
Tôi cho rằng vai trò của một nhà lãnh đạo cũng giống như vai trò của người làm vườn, nơi sức mạnh thực sự, tiềm năng, là nằm bên trong hạt giống. Chữ “inspire” (truyền cảm hứng) xuất phát từ chữ “inspirare” trong tiếng Latin có nghĩa là “thổi vào sự sống.” [Nếu] không có điều kiện thích hợp — nước, đất, ánh sáng — hạt giống vẫn sẽ ngủ yên, không bao giờ nhận ra khả năng và tiềm năng của mình. Người làm vườn nuôi dưỡng và tạo điều kiện phù hợp để hạt giống đó phát triển và sinh trưởng.
Với con người, trước tiên chúng ta phải thực sự nhìn thấy tiềm năng của họ. Tôi thích cách triết gia Henry David Thoreau trình bày: “Quan trọng không phải bạn nhìn vào cái gì, mà là bạn nhìn thấy điều gì.” Khi chúng ta nhìn thấy tiềm năng của người khác, chúng ta có thể chia sẻ với họ để họ tự nhận ra điều đó. Sau đó, nhiệm vụ của chúng ta với vai trò là lãnh đạo là phát triển tiềm năng ấy, và sau cùng là khai phóng nó. Đó là một vòng tuần hoàn liên tục: nhìn thấy, truyền đạt, phát triển, và khai phóng tiềm năng.
American Essence: Xin ông nói chi tiết thêm về khái niệm trọng tâm “Trao Niềm Tin và Truyền Cảm Hứng” và cách khái niệm này giải quyết những thách thức của mô hình lãnh đạo truyền thống trong thế thế giới ngày nay?
Ông Covey: Xuất phát điểm của mô hình lãnh đạo truyền thống chính là từ thời đại công nghiệp. Kiểu lãnh đạo này thường được nhắc đến với cái tên “Chỉ huy & Kiểm soát,” chỉ chú trọng đến hiệu suất và làm sao sử dụng con người để đạt được kết quả. Điều đó không phải là xấu; con người là chủ thể thực thi công việc, và chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong việc chăm lo phúc lợi cho nhân viên trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tiền đề cốt lõi là con người bị coi như một phương tiện để đạt được mục tiêu. Mô hình lãnh đạo Trao Niềm Tin & Truyền Cảm Hứng cũng tập trung vào kết quả, nhưng nhìn nhận rằng con người không chỉ là “các phương tiện để đạt được mục tiêu”; bản thân họ chính là mục tiêu [của quá trình lãnh đạo].
Khi người ta có trải nghiệm rằng, bản thân họ, cũng như sự trưởng thành và phát triển của chính họ cũng quan trọng như những kết quả họ tạo ra, thì họ sẽ được truyền cảm hứng. Khi người ta được truyền cảm hứng, họ có thể đạt đến mức năng lượng, độ gắn kết, khả năng sáng tạo, niềm đam mê, và cam kết lớn hơn rất nhiều. Họ đạt đến năng lực phi thường và tạo ra hiệu quả tốt hơn. Thêm vào đó, họ cảm thấy hạnh phúc hơn. Với mô hình “Chỉ Huy & Kiểm Soát,” bạn không tài nào đưa nhân viên đạt đến dạng hiệu suất này — bạn không thể mua được nó từ họ. Nhưng nếu họ cảm thấy được tin tưởng và truyền cảm hứng, họ sẽ có khả năng đóng góp và vươn đến trạng thái này.
American Essence: Theo quan điểm của ông, những thuộc tính trọng yếu nào làm nên khác biệt giữa một nhà lãnh đạo dựa trên sự tin tưởng và truyền cảm hứng với một người dựa vào quyền lực và kiểm soát?
Ông Covey: Chỉ Huy & Kiểm Soát hay Trao Niềm Tin & Truyền Cảm Hứng đều chú trọng vào kết quả. Các nhà lãnh đạo Chỉ Huy & Kiểm Soát có xu hướng dựa dẫm nhiều vào việc quản lý cả con người và mọi thứ để có được kết quả. Các nhà lãnh đạo theo mô hình Trao Niềm Tin & Truyền Cảm Hứng phân biệt rõ giữa quản lý và lãnh đạo. Cả hai kỹ năng này đều trọng yếu, nhưng sự khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý cũng lớn như tầm quan trọng của chúng vậy. Thực tế là người ta không muốn bị quản lý, họ muốn được dẫn dắt. Họ muốn được tin tưởng, họ muốn được truyền cảm hứng.
American Essence: Ông có thể chia sẻ một ví dụ từ cuốn sách để minh họa tác động chuyển đổi của mô hình lãnh đạo “Trao Niềm Tin & Truyền Cảm Hứng” đối với một tổ chức hoặc một nhóm?
Ông Covey: Sự chuyển đổi tại Microsoft khi ông Satya Nadella trở thành CEO là một ví dụ điển hình. Vào thời điểm đó, tổ chức này thực sự đang bế tắc. Theo lời ông Nadella, “Tính sáng tạo bị thay thế bởi sự quan liêu. Tinh thần làm việc nhóm bị thay thế bởi chính trị nội bộ. Chúng ta đang tụt lại phía sau.” Họ cũng đang mất đi nhân tài với tốc độ chóng mặt. Ông Satya nhận chức, ông làm việc chặt chẽ với phó chủ tịch điều hành về nhân sự, bà Kathleen Hogan, tập trung vào việc thay đổi văn hóa. Họ bắt đầu với chính bản thân họ và làm gương về kiểu hành vi mà họ mong muốn: khiêm tốn và can đảm, chân thành và cởi mở [nhìn nhận bản thân], cảm thông và hiệu quả. Mô hình lãnh đạo này đã trở thành kiểu “trao niềm tin và truyền cảm hứng” cho người khác, biểu hiện bằng cách áp dụng tư duy phát triển, không chỉ cho các nhà lãnh đạo, mà cho tất cả mọi người.
American Essence: Theo nghiên cứu và kinh nghiệm của ông, đâu là thách thức mà các nhà lãnh đạo có thể phải đối mặt khi chuyển đổi sang phong cách lãnh đạo dựa trên sự tin tưởng nhiều hơn? Có lời khuyên nào cho họ để có thể vượt qua những thách thức này không?
Ông Covey: Tôi nhận thấy rằng rào cản lớn nhất để trở thành một nhà lãnh đạo Trao Niềm Tin & Truyền Cảm Hứng, là hầu hết mọi người nghĩ rằng họ đã là kiểu mẫu lãnh đạo này! Đó là một vấn đề tốt bởi nhìn chung thì nhiều người thực sự đã đi được một phần. Những gì tôi thấy khi chia sẻ về điều làm nên một người lãnh đạo Trao Niềm Tin & Truyền Cảm Hứng, là mọi người hoàn toàn đồng ý với khái niệm này — về mặt lý trí. Ai cũng biết rằng mô hình Chỉ Huy & Kiểm Soát không hiệu quả; và tôi cũng chưa gặp qua người nào mà chưa từng tiếp xúc với một lãnh đạo đi theo mô hình Trao Niềm Tin & Truyền Cảm Hứng ở một giai đoạn nào đó trong đời. Sự khác biệt ở đây là rất lớn, tác động của nó vô cùng sâu sắc, và hầu hết mọi người đều mong muốn lãnh đạo theo cách này và trở thành kiểu mẫu lãnh đạo này trong mắt người khác.
Vấn đề hay xảy ra là “phong cách” thường làm chệch hướng ý định. Tất cả chúng ta đều có thói quen, và khi áp lực tăng lên, chúng ta có xu hướng chạy theo hiệu suất và quay trở lại những gì chúng ta biết. Vấn đề này liên tục xuất hiện. Tin tốt là chúng ta có thể học và chọn cách phù hợp với chủ đích của mình.
Mọi người thực sự muốn áp dụng mô hình theo cách này, nhưng những quan ngại là có thật. Họ có thể cảm thấy như “điều này rõ ràng là tốt hơn, nhưng chỉ là nó không phù hợp ở hoàn cảnh này,” hoặc “đây là kiểu của tôi, con người tôi đã luôn là như vậy.” Một số người có thể thực sự sợ hãi “nếu tôi mất kiểm soát thì sao?” hoặc “tôi không biết làm thế nào để buông tay.” Đây là những lo ngại hợp lý, và tôi xin đưa ra một số suy nghĩ và giải pháp cho từng vấn đề.
American Essence: Những chiến lược nào mà các nhà lãnh đạo có thể ứng dụng để xây dựng một môi trường khích lệ giao tiếp cởi mở, chấp nhận rủi ro, và rút kinh nghiệm từ những thất bại?
Ông Covey: Tôi nhấn mạnh ba cách thức quản lý của các nhà lãnh đạo Trao Niềm Tin & Truyền Cảm Hứng: Làm gương, Trao niềm tin, và Truyền cảm hứng. Làm gương luôn là điểm bắt đầu tốt nhất. Bạn hãy đứng ra làm trước. Ai đó phải làm trước. Lãnh đạo áp dụng trước. Làm gương về việc giao tiếp cởi mở, chấp nhận rủi ro, và học hỏi từ thất bại.
Tin tưởng người khác một cách có chủ đích và công khai làm như vậy sẽ rất hiệu quả. Khi nhân viên có được sự tin tưởng từ bạn và thực sự biết rằng bạn tin tưởng họ, thay vì bị ràng buộc bởi kết quả, bạn sẽ nhận được nhiều điều vượt xa [kỳ vọng].
Truyền cảm hứng là việc lấy một trải nghiệm, thậm chí là một thất bại, và truyền vào đó một ý nghĩa. Điều đó minh chứng rằng rủi ro là đáng để chấp nhận. Nó khuyến khích một nhân viên trở thành một người sáng tạo.
Khi chúng ta làm gương, tin tưởng, và truyền cảm hứng, chúng ta như đang chăm sóc một mảnh đất màu mỡ để khuyến khích và khơi dậy trong người khác những điều tốt đẹp nhất.
American Essence: Xin ông hãy chia sẻ một số kỹ năng hoặc bài tập thực tế từ cuốn sách mà các nhà lãnh đạo có thể sử dụng để xây dựng niềm tin và truyền cảm hứng cho nhóm của họ.
Ông Covey: Để xây dựng sự tin tưởng, chúng ta chắc chắn phải là người đáng tin cậy, nhưng tôi đã làm việc với nhiều tổ chức trên toàn thế giới nơi có rất nhiều người đáng tin cậy, nhưng lại có mức độ tin cậy [lẫn nhau] thấp. Để thực sự xây dựng niềm tin, bạn phải trao đi để nhận lại. Nói cách khác, bạn không chỉ cần phải đáng tin cậy, bạn còn phải tin tưởng người khác. Hãy học cách để mở rộng niềm tin có ý nghĩa.
Để truyền cảm hứng, hãy bắt đầu từ chính bạn. Điều này giống như phép ẩn dụ của hãng hàng không: Hãy đeo mặt nạ dưỡng khí cho bạn trước khi giúp đỡ người khác. Nếu bạn không có cảm hứng, bạn sẽ khó mà truyền cảm hứng cho người khác. Một ngọn nến không cháy thì không thể thắp sáng những ngọn nến khác, nhưng một ngọn nến đang cháy thì có thể.
Thứ hai, kết nối với mọi người bằng sự quan tâm chân thành và xây dựng cảm giác thực sự thuộc về nhau. Sự quan tâm sẽ cho phép bạn truyền cảm hứng cho người khác, và cảm giác thuộc về một nhóm sẽ dẫn đến [các thành viên trong] nhóm truyền cảm hứng cho nhau.
Một hoạt động mà tôi có thể bổ sung, mà nó có tác động rất lớn đến cả việc xây dựng niềm tin và truyền cảm hứng, đó là: Hãy đối xử với mọi người theo tiềm năng của họ, không phải trên biểu hiện hành vi của họ. Không có cách nào tốt hơn để khai phóng tiềm năng đó. Hãy thực hành điều này. Đừng “làm tất cả cùng một lúc,” hay cố gắng thử làm điều này với tất cả người. Bắt đầu với một người. Hãy tự hỏi mình, “Ai trong cuộc sống cá nhân hoặc, công việc của tôi sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi được tin tưởng và truyền cảm hứng bởi chính tôi?” Hãy bắt đầu từ đó.