Làm một ông chủ tốt: Con đường dẫn đến thành công
Để trở thành một ông chủ có năng lực yêu cầu bạn phải đảm nhận một vai trò tích cực.
Đến bất kỳ một thư viện công cộng nào bạn cũng sẽ tìm được hàng tá quyển sách nói về kỹ năng lãnh đạo. Khi tìm kiếm cụm từ “lãnh đạo tại nơi làm việc” trên Google bạn sẽ có vô số các kết quả. Hãy quan sát các nhà lãnh đạo khi họ làm việc, từ người quản lý trực tiếp của bạn cho đến vị tổng thống của đất nước Hoa Kỳ, bạn có thể rút ra rất nhiều bài học cho riêng mình, cả tích cực lẫn tiêu cực, từ chính những phong cách quản lý của họ.
Nếu chúng ta cô đọng lại những phát hiện này, chúng ta sẽ tìm thấy một số nguyên tắc cơ bản để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả hơn và mạnh mẽ hơn. Sau đây là sáu trong số những điều cơ bản đó. Và tôi chắc chắn rằng ai cũng có thể thêm [những thứ của quý vị] vào danh sách này của tôi.
Trách nhiệm. “The buck stops here* – Sự việc dừng lại tại đây” là nội dung của một tấm bảng nhỏ đặt trên bàn của tổng thống Harry Truman. Bất kể là khi ông còn ở trong Oval Office hoặc là khi điều hành một doanh nghiệp nhỏ, những nhà lãnh đạo xuất sắc đều nhận lãnh trách nhiệm cho mọi sự sai sót nếu có. Không có ai muốn làm việc cho một ông chủ luôn luôn khiển trách người khác chỉ vì những sách lược và hành động còn thiếu sót. Và những nhà lãnh đạo giỏi không chỉ đơn giản là gánh lấy trách nhiệm cho những sai sót đó, mà họ còn tìm kiếm các phương cách để khắc phục những điều này.
Tầm nhìn. Bạn là thuyền trưởng của một con tàu. Nếu như bạn không biết được mình nên nhắm hướng tới đâu, thì thủy thủ đoàn của bạn cũng sẽ không thể nào biết được. Hãy chia sẻ những điều cơ bản nhất với họ về giấc mơ và đích đến của bạn. Khi vị Tướng quân Anh quốc, ông Bernard Montgomery chuyển bại thành thắng ở Bắc Phi, ông đã bắt đầu trận chiến bằng cách cho toàn bộ quân đội biết mục tiêu của mình – đánh đuổi người Đức khỏi El Alamein – cũng như phương thức mà ông dự định thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Tuyên bố rõ ràng của tướng Montgomery đã thổi một luồng sinh khí mới vào tinh thần chiến đấu của những chiến binh dưới trướng ông.
Sự hiện diện. Những người lãnh đạo xuất sắc là những người luôn sẵn sàng có mặt khi cấp dưới cần đến họ. Tại cửa hàng tạp hóa địa phương của tôi có một người quản lý, bất cứ khi nào hoặc bất kỳ ai cần giúp đỡ từ việc xách giỏ hàng, hỗ trợ tại quầy thanh toán, hoặc là chào đón khách tại cửa ra vào, anh đều sẵn sàng. Những nhân viên của cửa hàng chắc chắn sẽ để tâm và đánh giá rất cao tinh thần thiện ý này của anh.
Hướng dẫn. Tương tự như vị huấn luyện viên bóng đá ở trường trung học hoặc là người thầy hướng dẫn môn quyền Anh tại trường đại học của tôi, những nhà lãnh đạo xuất sắc sẽ pha trộn cả tình yêu và nguyên tắc lại với nhau. Họ muốn tìm ra những gì tốt nhất bên trong mỗi từng học trò của mình. Thỉnh thoảng, đó có thể là một cú khích tướng, cũng có đôi khi là một cái vỗ vai chúc mừng. “Được người khác kính sợ sẽ tốt hơn là được yêu mến,” đó là một câu trong quyển sách nổi tiếng “The Prince” của tác giả Machiavelli. Tuy nhiên, mọi người thường bỏ qua phần còn lại của câu trích dẫn này là “…nếu bạn không thể làm được cả hai.” Hãy thay thế nỗi kính sợ bằng tôn trọng, rồi thêm vào một chút tình yêu thương, và như thế bạn sẽ có một nền tảng vững chắc của người lãnh đạo.
Sự gắn kết. Bất kể là bạn quản lý một đội 10 người hoặc là một tiểu đoàn lên đến 1,000 con người, thì cũng đều tương tự như một vị huấn luyện viên, bạn đều mong muốn rèn luyện họ trở thành một đội nhóm. Một vị luật sư mà tôi biết ở tiểu bang North Carolina, người đã sáng lập và điều hành bảy văn phòng luật trên khắp địa phận của tiểu bang, họp mặt nhân viên của anh hai đến ba lần mỗi năm để tập huấn hoặc là du lịch, nghỉ dưỡng với cả gia đình và trẻ con cùng nhau. Họ trao đổi các ý tưởng để làm cho mối liên kết trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng điều quan trọng nhất là họ dành thời gian ở cùng nhau để có thể thấu hiểu nhiều hơn về những người đồng nghiệp của mình. Đất nước Hoa Kỳ có một phương châm truyền thống là “E Pluribus unum*- Chúng ta là một.” Những người lãnh đạo xuất sắc cũng sẽ tìm cách làm cho câu nói đó cũng là phương châm của chính mình.
Thái độ. Điều này phụ thuộc vào bản thân bạn. Một vị lãnh đạo nhiệt huyết sẽ làm cho cả công sở bừng sáng lên. Ngay lúc này, tôi liền nghĩ tới vị bác sĩ nha khoa của tôi. Trong lúc khám răng cho tôi, người đàn ông này thỉnh thoảng cũng nhún nhảy đầy nhiệt tình và hát theo một bài nhạc đang phát, thường là những bản nhạc đình đám của những năm 80 và 90, hay đùa giỡn với trợ lý của mình, người mà thỉnh thoảng cũng hay chọc ghẹo ông, mặc một chiếc áo phẫu thuật kỳ cục, nhưng rõ ràng ông là người chịu trách nhiệm chính ở nơi đây, rất có năng lực và luôn hướng dẫn cho những nhân viên cấp dưới mỗi khi cần thiết.
Ghi chú trong những bài báo và các quyển sách của mình viết về vai trò lãnh đạo, ông John C Maxwell đã từng nói “Dũng khí của một nhà lãnh đạo vĩ đại để hoàn thành tâm nguyện của mình là đến từ niềm đam mê, chứ không phải đến từ chức vị.”
Đó chính là tấm vé để dẫn đến thành công. Nhịp đập mạnh mẽ bên trong trái tim của một nhà lãnh đạo xuất sắc, như dẫn chứng bên trên, chính là niềm đam mê.
Chú thích của dịch giả
*[Câu này được sử dụng để nói rằng một người chấp nhận gánh trách nhiệm và sẽ không cố gắng giao nó cho bất kỳ người nào khác.]
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times