Tìm kiếm tình yêu đích thực tuổi xế chiều
Chuyên gia tư vấn hôn nhân Gary Chapman, tác giả cuốn sách “The 5 Love Languages” (5 Ngôn Ngữ Tình Yêu), chia sẻ về cách vượt qua những thách thức của tình yêu mới sau tuổi 60.
Ông Gary Chapman, một cố vấn hôn nhân, mục sư phụ tá, và là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất “The 5 Love Languages” (5 Ngôn Ngữ Tình Yêu), rất thích nghe câu chuyện về những người tìm thấy nửa kia của mình khi ở tuổi xế chiều. Theo kinh nghiệm của ông Chapman, cảm giác hạnh phúc khi rơi vào lưới tình có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời của người trưởng thành, và một số câu chuyện cảm động nhất mà ông từng nghe là về những đôi vợ chồng cao niên tìm thấy tình yêu. “Dù tình yêu của các cặp vợ chồng này nảy sinh trong những bối cảnh và địa điểm khác nhau,” ông Chapman nói, “nhưng tôi biết tất cả họ đều có chung một cảm giác phấn khích cơ bản trong tình yêu, giống như những người ở độ tuổi 20 đang yêu.”
Tuy nhiên, vẫn có nhiều điều cần lưu ý và những khó khăn đặc biệt đối với giai đoạn này của cuộc đời, và ông Chapman cho rằng, các vấn đề này càng sớm được đưa ra và thảo luận thì con đường phía trước sẽ càng suôn sẻ thuận lợi hơn. Dưới đây là những lời khuyên hữu ích mà ông Chapman chia sẻ.
Đồng thuận về dự định tài chính
“Mọi người thường có cảm xúc mạnh mẽ về tiền bạc,” ông Chapman nói. Mỗi người sẽ mang theo tài sản, thói quen chi tiêu, và các khoản vay cá nhân bước vào một mối quan hệ. Mỗi cặp vợ chồng sẽ cần thảo luận xem có nên gộp chung các tài sản đó không hay là giữ riêng, và việc thu xếp các khoản chi tiêu như đi du lịch cùng nhau. “Có nhiều cách để mọi người có thể giải quyết những câu hỏi này, nhưng việc đạt được thỏa thuận chung sẽ giúp họ tránh được những phiền phức về sau,” ông Chapman khuyên.
Các vấn đề liên quan đến tài chính trở nên phức tạp hơn khi các cặp vợ chồng có con cái trưởng thành, những người con có thể tự hỏi rằng, “Bây giờ cha/mẹ kết hôn với người này, điều này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với chúng con?” Ông Chapman khuyên các cặp vợ chồng kết hôn ở tuổi xế chiều nên cho con cái thời gian để thảo luận và cùng nhau vượt qua những thay đổi đó.
Đừng bỏ qua những chấn thương tâm lý
Hiểu được hành trình quá khứ của nhau sẽ giúp đôi vợ chồng mới tái hôn chuẩn bị cho tương lai chung cùng nhau. “Người này đã trải qua bao nhiêu lần ly hôn rồi? Đó là một manh mối thú vị!” Ông Chapman nói vui như vậy.
Câu chuyện quá khứ của một người có thể sẽ liên quan đến những vấn đề tổn thương tâm lý. “Phớt lờ những tổn thương đó không bao giờ là ý tưởng hay, vì chúng sẽ luôn ảnh hưởng đến chúng ta trong tương lai,” ông Chapman cho biết. Do đó, ông khuyên các đôi vợ chồng mới không nên trốn tránh việc tham vấn tiền hôn nhân. “Rất dễ để nghĩ rằng, mình đã từng kết hôn rồi, mình biết việc đó như thế nào. Nhưng, bạn chưa từng kết hôn với người này trước đây mà.”
Thiết lập và thỏa thuận các ranh giới
Người lớn tuổi thường có xu hướng khó thích nghi hơn người trẻ tuổi, vì vậy việc trao đổi cởi mở về lối sống và thói quen đã hình thành là điều rất quan trọng. Một người thích dậy sớm, còn người kia lại là “cú đêm”? “Hoặc, nếu cô ấy thường gặp gỡ hội chị em của mình vào các tối thứ Tư và muốn tiếp tục việc đó, nhưng nửa kia lại muốn cô ấy làm một việc đặc biệt quan trọng đối với mình vào các tối đó, vậy thì họ sẽ thương lượng với nhau như thế nào?” Ông Chapman cho hay. “Khi bạn độc thân, bạn lấp đầy ngày của mình bằng các hoạt động riêng. Nhưng khi bạn kết hôn, mọi thứ sẽ thay đổi. Bạn sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cảm giác gắn kết nếu bỏ qua những điều này.”
Cởi mở và nhìn nhận thực tế về các vấn đề sức khỏe
“Khi mới kết hôn, chúng ta thường không nghĩ đến những vấn đề suy giảm sức khỏe,” ông Chapman chia sẻ, nhưng đó là một thực tế khắc nghiệt đối với các mối quan hệ bắt đầu ở tuổi xế chiều. Nếu hôn nhân được hiểu là một thệ ước, dù trong lúc ốm đau hay khi khỏe mạnh, ông nói, thì các cặp vợ chồng cao niên cần nhìn nhận thực tế về lượng thời gian mà họ có thể ở bên nhau, cả những vấn đề sức khỏe ngay lúc này cũng như những vấn đề có thể phát sinh trong tương lai, và họ sẽ đối diện với các tình huống đó như thế nào.
Gần đây, có một vị thính giả đã gọi đến chương trình phát thanh của ông Chapman để bày tỏ nỗi đau khổ về tình trạng của vợ ông, bà ấy đã bị liệt. “Tôi bị sang chấn tâm lý; tôi không biết phải tiếp tục như thế nào. Liệu tôi có cần tìm một người vợ mới không?” ông hỏi. Ông Chapman nhẹ nhàng nhắc nhở người đàn ông này rằng, vợ ông vẫn cần ông đến thăm, nắm tay, trò chuyện, và nhìn vào mắt bà ấy. “Ông không cần một người vợ mới đâu,” ông Chapman nói, “nhưng ông cần sự trợ giúp và cộng đồng.”
Học cách thể hiện ngôn ngữ tình yêu của nhau
Theo ông Chapman, năm ngôn ngữ tình yêu là năm phạm trù mà mọi người hiểu rằng, đó là biểu hiện của tình yêu: thời gian chất lượng dành cho nhau, những hành động quan tâm chu đáo, những món quà, lời công nhận, và sự tiếp xúc cơ thể. Ngôn ngữ tình yêu chính của bạn — là ngôn ngữ mà bạn dễ hiểu nhất — sẽ “có xu hướng đồng hành cùng bạn suốt cuộc đời,” ông Chapman nói, và so sánh chúng với các đặc điểm tính cách khác chẳng hạn như hướng nội. (Bạn có thể làm bài trắc nghiệm về 5 Ngôn Ngữ Tình Yêu ở phần cuối trong cuốn sách của ông Chapman hoặc tại trang web 5LoveLanguages.com).
Vợ chồng có thể có những ngôn ngữ tình yêu cơ bản khác nhau. Ông Chapman nhớ lại một người phụ nữ từng nói với ông rằng, bà không cảm nhận được tình yêu từ chồng, còn người chồng buồn bực của bà thì kể khổ rằng ông không hiểu nổi bà: Ông đã dành cả đời để làm những công việc giúp cuộc sống của bà dễ dàng hơn. “Đúng vậy, ông ấy làm việc chăm chỉ lắm,” người vợ nói. “Nhưng chúng tôi chẳng bao giờ trò chuyện! Ông ấy luôn ra vườn cắt cỏ hoặc nấu bữa tối!”
Ông Chapman khuyên các cặp vợ chồng ở mọi lứa tuổi rằng, hãy khám phá ngôn ngữ tình yêu của nhau và bày tỏ chúng thường xuyên. Để khi niềm hạnh phúc lúc mới yêu lắng xuống — thường là trong vòng hai năm, ông nói — thì đôi lứa đã có thói quen tốt trong việc thể hiện tình yêu.
Đối với các cặp vợ chồng cao niên, năm ngôn ngữ này có thể giúp họ vượt qua những giai đoạn thăng trầm của cuộc sống tuổi xế chiều. Ví dụ, trong trường hợp người bạn đời mắc chứng bệnh mất trí nhớ, ông Chapman cho biết ngôn ngữ tình yêu chính của họ có thể sẽ thay đổi vì các vùng khác nhau của não bị ảnh hưởng. “Tuy nhiên,” ông chia sẻ rằng, “năm ngôn ngữ tình yêu này sẽ mang lại cho chúng ta năm cách khác nhau để tiếp cận người ấy và thể hiện tình yêu. Vì phần cảm xúc của bộ não vẫn hoạt động.”
Hâm nóng tình yêu ở mọi lứa tuổi
“Hôn nhân hoặc là đang phát triển hoặc là đang thoái trào. Chúng không bao giờ đứng yên bất động.” ông Chapman cho hay.
Trong một mối quan hệ lành mạnh, có một thói quen quan trọng là thừa nhận và xin lỗi về những thiếu sót. Ông Chapman dùng phép so sánh tương tự như chướng ngại vật để giải thích về điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không làm vậy: “Nếu chúng ta không xin lỗi mỗi khi làm bạn đời của mình tổn thương, thì chúng ta sẽ tạo ra một khối cảm xúc, và nó cứ ở đó. Khi cuộc cãi vã khác nổ ra, nó sẽ dần hình thành các bức tường ngăn cách giữa chúng ta.”
Ông khuyên các cặp vợ chồng ở mọi lứa tuổi rằng, “hãy chủ động trong cách yêu thương người bạn đời của mình.” Một cách đơn giản để giữ lửa tình yêu là “cứ hai hoặc ba tuần hãy hỏi thăm họ một lần rằng, ‘Anh/em có thể làm gì để trở thành một người chồng/ người vợ tốt hơn?’” Ông Chapman gợi ý.
“Tình yêu là thái độ: Tôi muốn làm phong phú thêm cuộc sống của bạn.”