Gặp gỡ chủ nhân một cửa hàng nón thủ công tại thành phố New York
Bà Suzanne Newman là chủ cửa hàng có tên gọi Suzanne’s Couture Millinery ở thành phố New York, tin chắc rằng “hiếm ai không ưa nhìn khi đội một chiếc nón.” Nếu ai đó trông có vẻ chưa thanh lịch, đơn giản là vì “họ chưa tìm thấy được chiếc nón phù hợp với mình.”
Trong một cửa tiệm dễ thương tọa lạc trên đường số 61, một nhà thiết kế 75 tuổi chuyên làm ra những chiếc nón phụ nữ thanh lịch theo yêu cầu của khách hàng: từ những chiếc nón rộng vành cho trường đua ở Kentucky Derby và Ascot, đến những chiếc nón cô dâu xinh đẹp, từ nón cho bữa trưa trang trọng, đến nón cho bất kỳ dịp đặc biệt nào. Bà đã kết hợp kỹ năng may vá mình tự học hỏi được và bản năng của một người nghệ sĩ để làm ra những vật phẩm đẹp đẽ này.
Bà Newman luôn có đôi mắt thẩm mỹ bẩm sinh về cái đẹp và mong muốn tự tay sáng tạo ra những vật dụng đẹp đẽ. “Khi còn nhỏ, tôi đã từng may áo cho búp bê của mình,” bà chia sẻ. Dù chưa bao giờ qua trường lớp nào về may vá, nhưng bà đã quan sát cả cha và mẹ mình may đồ.
Đến khi trở thành một thiếu nữ, bà Newman quyết định đi theo năng khiếu của mình.
“Tôi đã mong muốn mặc một chiếc đầm đen đến buổi dạ hội nhưng mẹ tôi không cho phép. Bà nói rằng tôi còn quá trẻ để mặc đầm đen. Vì thế,” bà Newman cười vang và nói tiếp, “tôi đã ra ngoài mua một ít vải và mẫu vải rồi đặt tất cả lên sàn phòng ngủ và may chiếc đầm ấy!” Vì chưa có chút kiến thức nào, nên bà đã vô tình cắt may hai ống tay phải, nhưng cha đã giúp bà chỉnh sửa lại. Thế là bà vận chiếc đầm đen đến dự buổi dạ hội.
Vào những năm 1960, bà đã làm ra chiếc nón đầu tiên khi mới 16 tuổi. Đó là một chiếc nón hộp thuốc*, “tất cả được bao phủ bởi những cánh hoa, tôi đã đội chiếc nón ấy đến dự một đám cưới và nghĩ rằng đó là điểm dễ thương nhất,” bà nói rồi mỉm cười. Bà không biết rằng đó là một dự báo về nghề nghiệp tương lai của mình.
Vào năm 1984, bà bắt đầu tìm quanh thứ gì đó để làm trong thời gian ở nhà chăm sóc con nhỏ. Một ngày nọ, bà bước vào một cửa hàng nón phụ nữ trên đường số 59 và gặp gỡ chủ tiệm là một người phụ nữ lớn tuổi. Bà Newman đã hết lời khen ngợi cửa tiệm thật hấp dẫn và xinh xắn. Bà chủ tiệm vỗ vai bà Newman rồi nói, “Này cháu gái thân mến, ta đang rao bán cửa hàng này.” Ngay lập tức, bà liền nghĩ, “Chao ôi, mình sẽ tiếp tục với công việc này. Mình có thể làm được.”
Tự học hỏi và làm nón thủ công
Quy trình làm ra chiếc nón ở thành phố New York vào cuối những năm 1980 rất khác biệt. “Thời đó dễ dàng hơn bây giờ nhiều,” bà Newman hồi tưởng. “Những người thợ trên đường số 38 sẽ tạo hình nón cho bạn, sẽ có thợ khâu vá thủ công cho bạn; còn bạn thì có thể quanh quẩn tham quan các cửa hàng.” Dần dần, tất cả cửa tiệm nhỏ trên đường số 38 biến mất và bà Newman đã tự mình học hỏi hết các khâu khác nhau của quy trình làm ra chiếc nón.
Bà đã tạo ra được khuôn nón cho riêng mình, những khung bằng gỗ được sử dụng để tạo hình dạng cho chiếc nón theo các kích thước cụ thể, “và tôi đã tự mình học được cách tạo nón bằng bàn ủi hơi nước thông qua việc thực hành ở phía sau cửa hàng. Tôi thử làm và mắc lỗi – đó là cách tôi tự học,” bà nói.
Bà Newman đã có 100 mẫu nón vì kích cỡ đầu của mỗi người dao động từ 20 đến 25 inches (từ 51 đến 64cm), một vài mẫu hình trái xoan và một số khác hình tròn. “Đó là lý do chiếc nón cần phải vừa vặn với bạn,” bà giải thích. Khi nói đến chiếc nón hoàn hảo, không có một kích cỡ nào phù hợp cho tất cả. Nếu ai đó nghĩ rằng họ đội nón trông không đẹp, ”có lẽ là do họ có kích cỡ đầu to hơn vì thế chiếc nón mà họ mua trông nhô cao hoặc ngược lại, chiếc nón đang tụt xuống phần chân mày, hoặc chóp nón quá nhỏ so với bề ngang của gò má.”
Bà dần dần học hỏi và thành thạo hết các công đoạn của quy trình làm nón. Trước tiên, khách hàng được yêu cầu vào cửa hàng với bộ trang phục dự định mặc cho sự kiện. Kế đến, bà Newman sẽ giới thiệu cho họ các kiểu dáng đẹp mắt và thích hợp với sự kiện cùng bộ cánh, rồi “chúng tôi quyết định chọn loại nón ưng ý.” Trong cửa hàng luôn luôn có sẵn một kho nón cho các chị em thử và lựa chọn về màu sắc, độ rộng hoặc phần trang trí. Tiếp theo, bà mô tả, “Tôi tạo hình, ráp nón, may, ủi, hấp, trang trí, hấp và ủi lần nữa.” Sau đó, khách hàng sẽ đến thử nón, và được điều chỉnh một chút nếu cần, rồi cuối cùng, “hy vọng là họ rời khỏi cửa tiệm thật vui vẻ!”
Quy tắc lịch sự với những chiếc nón
Một phần rất quan trọng của nghề làm nón là biết quy tắc thanh lịch liên quan đến những chiếc nón. Bà Newman đã nhận ra rằng nên đặt những câu hỏi về sự kiện và vai trò của khách hàng ở đó. Ví như tại tiệc cưới, bà cảm thấy rằng sẽ không phải phép nếu nón của khách mời lấn át nón của mẹ cô dâu. Tương tự điều này, bà nói thêm, “trong một bữa trưa trịnh trọng, bạn không nên đội nón quá to đến nỗi vượt quá bề ngang của vai vì sẽ hạn chế công việc của người phục vụ bàn. Điều này cũng là bất lịch sự với người ngồi bên cạnh vì gương mặt họ có thể chạm phải một chiếc nón to quá cỡ.”
Bà học hỏi từ những sai lầm. Có một lần, bà vô ý bán cùng một chiếc nón cho cả mẹ cô dâu và mẹ chú rể. Vào buổi sáng của tiệc cưới, có một cú điện thoại khẩn cấp gọi đến, và bà phải thật gấp rút chuẩn bị chiếc nón khác cho mẹ chú rể. Bà nói, “vì thế giờ đây,” rồi cười vang, “tôi luôn luôn tìm hiểu trước.”
Không có hai chiếc nón nào giống hệt nhau, và nhiều năm qua bà Newman đã tạo ra một vài chiếc đặc biệt. Một lần nọ, bà nhận yêu cầu từ cô dâu làm lễ cưới trên một chiếc xe trượt tuyết trên núi. “Rõ ràng là tấm màn che dài sẽ không thích hợp hoặc an toàn khi ngồi trên xe trượt tuyết!” bà Newman hồi tưởng. “Cuối cùng, tôi đã đề nghị cô dâu đội nón bảo hiểm và phủ lên đó những bông hồng trắng cùng với một tấm màn che ngắn ở đằng sau. Cô ấy đã mặc một chiếc áo liền quần màu trắng lông chồn. Tôi cho rằng điều ấy thật đặc biệt.”
Thời trang bất hủ
Từ khi khai trương, cửa hàng của bà Newman đã di chuyển địa điểm nhiều lần trước khi cố định ở địa chỉ hiện tại. Bà vừa trải qua một mùa xuân bận rộn nhất chưa từng có, và cảm thấy lạc quan về tương lai.
“Phụ nữ ngày nay dường như thích phiêu lưu và sẵn lòng thử những điều mới mẻ, họ thích đặt làm nón theo ý muốn. Và điều đó tốt biết bao,” bà nói.
Bà Newman cố gắng bắt kịp các xu hướng trong ngành thời trang để có thể tạo ra sản phẩm phù hợp theo từng năm. Bà cũng dùng trực giác của bản thân và quan sát những quý bà ở tầng lớp thượng lưu trong xã hội đang mặc trang phục gì và làm việc nào.
Bà yêu thích những chiếc nón thời trang những năm 1920. Bà thích tự đội nón và miêu tả rằng, “Tôi có một khuôn mặt rất nhỏ, vì thế tôi có khuynh hướng đội những chiếc nón bé hoặc trang trí một ít trên phần đầu như đang đội nón. Tôi không thích lòe loẹt.” Chiếc nón phù hợp cũng tùy thuộc vào tính cách của người đội.
Tuy nhiên, rốt cuộc thì mỗi người đều có một chiếc nón phù hợp với mình. “Bạn chỉ cần có thái độ chừng mực,” bà Newman chia sẻ. “Bạn cần tự tin khi diện một chiếc nón.”
Hazel Atkins là một cựu học giả chuyên nghiệp về văn học Anh, hiện dành thời gian làm vườn, nấu ăn và quan sát con cái lớn lên.
Ghi chú của dịch giả:
*Tên gọi nón pillbox bắt nguồn từ hình dáng hộp đựng thuốc (pill-box) với các cạnh thẳng, đỉnh phẳng và không vành. Thiết kế này bắt đầu phổ biến từ thập niên 1930, nhưng đạt đến đỉnh cao vào những năm 1960, khi được đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy đội.