Chiếc đầm đỏ lộng lẫy do 370 nghệ nhân từ 50 quốc gia thực hiện trong hơn 13 năm
Chiếc đầm kể chuyện về những người phụ nữ
Hơn 13 năm qua, dự án công phu do một nghệ sĩ người Anh khởi xướng đã hoàn thành với sự trợ giúp của 370 nghệ nhân ở 50 quốc gia trên khắp thế giới. Dự án The Red Dress (Chiếc Đầm Đỏ) là thực hiện một chiếc đầm dài quét đất lộng lẫy được làm từ 84 mảnh lụa tơ dupion đỏ tía burgundy, tôn vinh câu chuyện của những người phụ nữ ở các nền văn hóa và ca ngợi sức mạnh của việc hợp sức cùng nhau.
Chiếc đầm bắt nguồn từ ý tưởng của cô Kirstie Macleod, nghệ nhân dệt may 41 tuổi hiện nay sống cùng người bạn đời và ba con ở Somerset, Anh quốc. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm thợ khâu, thợ đan, và thợ may lành nghề và cha cô làm việc trong lĩnh vực năng lượng nên khi còn nhỏ, cô Macleod đã đi đến và sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới. Năm chín tuổi, khi ở Nigeria, cô đã học thêu từ một phụ nữ Ấn Độ.
Sau đó, cô Macleod lấy được bằng Cử nhân Nghệ thuật về Thiết kế Dệt may rồi tiếp theo là tấm bằng Thạc sĩ Nghệ thuật về Ngôn ngữ Hình ảnh & Trình diễn trước khi bắt đầu sự nghiệp là nghệ sĩ mỹ thuật khi sống ở London.
‘Không gian để ước mơ’
“Dự án Chiếc Đầm Đỏ bắt đầu vào năm 2009,” cô Macleod nói với The Epoch Times. “Tôi đã có cơ hội đưa một tác phẩm mới đến triển lãm Art Dubai. Tôi được [Hội đồng Anh] tài trợ trước khi tôi quyết định chọn tác phẩm, vốn trái với thông lệ … vì vậy điều đó giúp tôi có được không gian tuyệt vời để mơ ước.”
Cô Macleod nảy ra ý tưởng về Chiếc Đầm Đỏ khi đang phác họa trên mặt sau của chiếc khăn ăn trong quán cà phê. Cô hình dung rằng tác phẩm này có thể quy tụ nhiều người từ khắp nơi trên thế giới và tôn vinh bản sắc của họ, đồng thời cung cấp một nền tảng để chia sẻ những câu chuyện và được lắng nghe.
“Tôi đã rất buồn và tôi đoán, đôi khi, đó là sự tuyệt vọng với tình trạng của thế giới,” cô Macleod nói, “và tôi muốn tạo ra một tác phẩm không có biên giới, không định kiến, không phân chia đẳng cấp, đơn giản là đưa mọi người xích lại gần nhau.”
Cô đã mua nhiều lụa tơ dupion đỏ tía từ Paris, Pháp — loại lụa mà cô tin rằng đến từ Ấn Độ — để may phần thân của chiếc đầm và chọn một thiết kế mà cô cảm thấy khi nhìn vào sẽ toát lên “nữ tính và có quyền tự chủ.” Với mong muốn chiếc đầm sẽ trường tồn với thời gian, cô đã cân đối phần eo thắt lưng và kéo dài phần chân váy cùng đường viền cổ sâu hình chữ V, dựng cổ áo cứng, và làm các chi tiết trang trí kiểu quân đội.
“Tôi muốn chiếc đầm trông thật có nội lực và khỏe khoắn,” cô nói.
Tiếp theo là nhiệm vụ thuyết phục những người góp phần tạo ra chiếc đầm này. Cô Macleod từng dạy tại Royal School of Needlework (Trường May vá Hoàng gia Anh quốc). Cô đã tận dụng mạng lưới liên lạc của mình để mời gọi mọi người tham gia vào dự án. Thêm vào đó, cô đã liên lạc với các mối quan hệ và bạn hữu của cha mẹ từ thời sống ở ngoại quốc.
Không lâu sau, cô nhận được lời đề nghị từ nhiều người và tổ chức từ thiện muốn tham gia dự án này.
139 thợ thêu tham gia dự án được trả công và hiện nay tiếp tục nhận được một phần tiền từ tất cả các khoản phí triển lãm tiếp tục diễn ra, các hoạt động kinh doanh, và cơ hội bán sản phẩm của họ thông qua cửa hàng Red Dress trên trang thương mại điện tử Etsy.
Trong khi đó, phần còn lại của chiếc váy thêu này đã được những khán giả nhiệt thành tại các cuộc triển lãm và sự kiện khác nhau bổ sung vào.
Theo trang web của dự án, thợ thêu bao gồm những phụ nữ tị nạn đến từ Palestine, Syria, và Ukraine; những phụ nữ xin tị nạn ở Vương quốc Anh từ Iran, Iraq, Trung Quốc, Nigeria, và Namibia; những người sống sót sau chiến tranh ở Kosovo, Bosnia & Herzegovina, Rwanda, và Cộng hòa Dân chủ Congo; phụ nữ nghèo khó ở Nam Phi, Mexico, và Ai Cập; những người dân ở Kenya, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Jamaica, Thụy Điển, Peru, Cộng hòa Czech, Dubai, Afghanistan, Úc, Argentina, Thụy Sĩ, Canada, Tobago, Việt Nam, Estonia, Hoa Kỳ, Nga, Pakistan, Wales, Colombia, và Anh; những sinh viên đến từ Montenegro, Brazil, Malta, Singapore, Eritrea, Na Uy, Ba Lan, Phần Lan, Ireland, Romania, và Hồng Kông; cũng như các xưởng thêu cao cấp dành cho giới thượng lưu ở Ấn Độ và Ả Rập Saudi.
Có 363 phụ nữ và 7 nam giới cùng nhau tạo ra chiếc đầm này.
‘Năng lượng của những tấm vải’
Cô Macleod nói với The Epoch Times: “Những phần đáng nhớ nhất của cuộc hành trình là khi tôi nhận lại các tấm vải thêu qua đường bưu điện. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy thành quả công việc, và cảm thấy biết ơn … đó là một cảm giác khiêm tốn, sự khiêm tốn đến từ sự tin cậy mà các nghệ nhân đã trao cho tôi cùng câu chuyện của họ.
“Khi bạn cầm tấm vải trên tay, bạn có thể cảm nhận được năng lượng của tấm vải, cũng như bao nhiêu mũi khâu mà họ đã tạo ra, bao nhiêu thời gian, sức lực, ước mơ, tầm nhìn của họ … tất cả đều nằm trong đó. Có được tấm vải ấy trong tay là điều tuyệt diệu khó tả.”
Bên cạnh tác phẩm thủ công đáng yêu của họ, những câu chuyện bi thương của những nữ nghệ nhân bắt đầu đè nặng lên tâm trí cô Macleod. Cuối cùng, cô đã tìm tới một nhà trị liệu để giúp cô tiếp nhận những trải nghiệm [về sự tổn thương] khi làm chiếc đầm này.
Cô giải thích: “Có quá nhiều những điều về sự tổn thương và lạm dụng, chiến tranh, và những tình huống và câu chuyện vô cùng đau thương được khâu vào chiếc đầm này bên cạnh những điều vui vẻ, hạnh phúc, và thăng hoa. Nhưng thật khó để tôi có thể kết hợp và truyền tải một số câu chuyện … bởi vì hằng ngày tôi làm việc với những câu chuyện sâu sắc và thầm kín như vậy.”
Trở lại năm 2009, cô Macleod đã dành một tuần liền để thiết kế cấu trúc của chiếc đầm. Kể từ đó, cứ vài năm cô lại dành trọn hai hoặc ba ngày làm việc, để liên lạc với các nghệ nhân trên khắp thế giới. Tuy nhiên, cô thường thấy mình đang làm “những thứ nhỏ nhặt” để sửa những chiếc cúc hoặc đường may bị lỏng, và quen với việc thời gian dành cho tạo hình chiếc đầm bị kéo dài với sự trân trọng những câu chuyện ngày càng mở rộng của chiếc đầm này.
Cô Macleod nói: “Mọi người thường nói, ‘Làm sao bạn có thể duy trì việc này lâu như vậy? Làm sao bạn có thể tận tụy với một thứ như vậy?’ Đối với tôi … làm sao tôi có thể không như vậy được? Đối với tôi, điều đương nhiên là tác phẩm này sẽ được hoàn thiện.”
Gặp gỡ những nghệ nhân
Cô Macleod đã phải làm việc rất mau chóng cho buổi giới thiệu chiếc đầm đầu tiên ở Dubai. Vì vậy, cô đã nhờ đến sự giúp đỡ của người cố vấn là ông Gail Faulkner, và thợ may Silvio De Gregorio để chuẩn bị vật liệu và tìm cách che đi đường viền cổ áo khoét sâu sao cho phù hợp với luật Sharia [của người Hồi giáo]. Kể từ đó, cô đã thêm một số thay đổi cho phần thân áo trên và chân váy để giúp các miếng vải được phô diễn đẹp mắt hơn, và kể từ năm 2019, hình thêu đã được thêm trực tiếp vào chiếc đầm để lấp đầy những khoảng trống còn lại.
Tuy nhiên, toàn bộ dự án không phải là không có khó khăn. tài trợ cho một dự án kéo dài 13 năm, và tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, là những thách thức lớn nhất đối với cô Macleod.
Trong năm đầu tiên, cô Macleod được Hội đồng Anh tài trợ, tuy nhiên, trong tám năm tiếp theo, cô đã phải tự trang trải cho dự án khi sự quan tâm của công chúng giảm dần và rõ ràng là rất khó để thu hút nhận thức và tổ chức những triển lãm trong thời gian đó.
“Tôi đã chu cấp tiền cho dự án này trong nhiều năm, và vào lúc tôi là một bà mẹ đơn thân hưởng trợ cấp nên rất, rất khó khăn,” cô nói. “Có một số khoản đóng góp thực sự hào phóng từ những người yêu thích dự án này và muốn giúp đỡ, điều đó thật tuyệt vời, nhưng rồi sau đó tôi được Arts Council (Hội đồng Nghệ thuật) trao một giải thưởng vào năm 2020 và điều đó đã thay đổi mọi thứ.”
Khoản tài trợ đó đã giúp cô xây dựng một trang web và thực hiện một bộ phim. Kinh phí này cũng giúp cô tìm được những phiên dịch viên vì đôi khi việc giao tiếp không dễ dàng chút nào.
Cô Macleod cũng dành hầu hết thời gian thực hiện chiếc đầm, từ sáng đến tối, cũng như vào thời gian dành cho gia đình của cô.
“Bây giờ tôi khá khắt khe đối với việc làm việc trong studio, trừ phi tôi nhất định phải làm gì đó nhanh chóng,” cô nói. “Nhưng khi tôi ở nhà, tôi dành thời gian trọn vẹn cho các con.”
Hiện nay, cô cùng Chiếc Đầm Đỏ đi khắp nơi để chia sẻ thông điệp của dự án và gặp gỡ các thợ thủ công đã góp sức tạo ra chiếc đầm này. Cho đến nay, cô đã gặp nhiều nghệ nhân khác nhau ở Mexico, thợ thêu Amanda Wright ở Wales, và các nghệ nhân Rudy và Fatima Lilly ở Kosovo.
Trong vài năm tới, cô dự định kết nối lại với tất cả các nghệ nhân và gặp họ trực tiếp để cho họ xem chiếc đầm hoàn thiện.
Thỉnh thoảng cô Macleod mới phải giải đáp những băn khoăn về dự án của mình. Cô giải thích, “Những năm qua, tôi đã nhận được ba tin nhắn từ những người không hài lòng về chiếc đầm này, đặc biệt là vì tôi là một phụ nữ da trắng trung lưu. Đã có những lời chỉ trích rằng đây là một tác phẩm của chủ nghĩa thực dân … trong tình huống như vậy, khi mà ai đó viết thư cho tôi thì sẽ hiểu về công việc này, rồi thì mọi thứ đều được giải đáp hoàn toàn.”
Tuy nhiên, hầu hết công chúng đón nhận tích cực chiếc đầm này. Tác phẩm này đã khơi dậy những cảm xúc trân trọng; những giọt nước mắt, những nụ cười, những cái ôm, cuộc trò chuyện, và hơn hết, là sự kết nối. “Khi tôi tổ chức các sự kiện, chiếc đầm thường trở thành một phần chia sẻ trải nghiệm thực sự hấp dẫn cho mọi người,” cô Macleod nói.
“Khi chúng ta đến với nhau, điều gì có thể diễn ra: Đó là tình yêu, là sự giúp đỡ, đồng hành, là bản sắc chân thực. Đó là về sự bình đẳng, kề vai sát cánh,” cô nói. “Nếu chiếc đầm có thể, dù chỉ trong khoảnh khắc, chia sẻ những gì có thể khi chúng ta đến với nhau, khi chúng ta có thể trợ giúp lẫn nhau … thì cũng có một chút hy vọng.”
“[Chiếc đầm này] đã được mô tả như một ngọn hải đăng của hòa bình và nhiều thứ khác,” cô nói. “Tôi hy vọng rằng nó có thể giúp mọi người cảm thấy thoải mái và có được sự kết nối.”
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times