Chùm ảnh: Thỏi mực truyền thống có giá hơn 1,000 USD được làm thủ công tại cửa hiệu 450 tuổi
Một trong những thỏi mực này đã có tuổi đời vài trăm năm, trong đó thỏi mực lâu đời nhất còn sót lại khoảng 350 tuổi.
Các nghệ nhân của một cửa hiệu mực gần 450 tuổi ở Nhật đang sử dụng đôi tay trần để nhào bột làm từ bồ hóng và keo động vật mịn, tạo nên những thỏi mực viết thư pháp chất lượng cao, nặng 200gr, có giá bán lẻ hơn 1,000 USD mỗi thỏi.
Cơ sở sản xuất mực Kobaien ở thành phố Nara, Nhật Bản, được thành lập vào năm 1577 và cho đến ngày nay vẫn sản xuất loại mực sumi thông qua quá trình “tích tụ khói đất nung,” một phương pháp truyền thống chịu ảnh hưởng từ các nghệ nhân làm mực Trung Hoa, và phương pháp này vẫn không thay đổi suốt hơn bốn thế kỷ qua. Kobaien tin rằng bằng cách “trân trọng phương pháp truyền thống và tuân theo cách sản xuất không còn thịnh hành này,” họ có thể tiếp tục tạo ra loại mực có chất lượng cao nhất.
Mực Kobaien từ lâu đã được các thiên hoàng, tướng quân, và giới quý tộc Nhật Bản sử dụng, và đến nay vẫn được các nhà bảo trợ trong nhiều lĩnh vực như thư pháp, tranh thủy mặc tối giản, tranh sơn mài, và phương pháp nhuộm vải “sumizome” tin dùng.
Các nghệ nhân Kobaien đốt cháy dầu thực vật, chủ yếu làm từ hạt cải dầu hoặc hạt vừng, trong một chiếc bình đất nung đậy kín nắp với ngọn bấc được dệt thủ công từ thân cói, sau đó thu gom bồ hóng theo một quy trình gọi là “saien,” nghĩa là “thu khói.” Họ thêm keo động vật mịn và hương thơm tĩnh tại để tạo ra “sumidama,” một loại bột mực dẻo sẽ được các nghệ nhân giàu kinh nghiệm nhào nặn cẩn thận, rồi đúc thành từng thỏi, và sấy khô.
“Quá trình mài thỏi mực trên nghiên mực là một trải nghiệm tĩnh tâm mà loại mực tổng hợp hóa học không thể có được,” người đại diện của Kobaien nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng giá của mỗi thỏi mực phần lớn phụ thuộc vào “sự tỉ mỉ và thời gian tiêu tốn trong quá trình sản xuất” và chất lượng của nguyên vật liệu.
Xưởng Kobaien có bốn lò hút khói, mỗi lò chứa 100 bình đất nung. Bấc cháy bên trong mỗi bình được đặt lệch tâm để khói tích tụ, và bồ hóng sẽ được thu gom trong khoảng thời gian hơn hai tiếng mỗi lần, năm lần một ngày, bằng cách xoay nắp đậy 20 phút một lần và cạo sạch lớp bồ hóng bên trong. Sau đó, bồ hóng được cất trữ trong nhà kho và để “nghỉ” cho đến khi quá trình pha trộn bắt đầu.
“Quá trình sản xuất mực sumi đòi hỏi sự cẩn thận và tận tâm tối đa,” người đại diện của Kobaien cho hay. “Chỉ riêng quá trình sấy khô đã mất hơn sáu tháng, sau đó là giai đoạn ủ mực và làm khô mực mất hơn bốn năm nữa.”
“Trên thực tế, thời gian phơi càng lâu thì chất lượng mực sumi càng tốt và giá thành càng cao. Trong đó có một số thỏi đã vài trăm tuổi rồi.”
Thỏi mực Kobaien lâu đời nhất còn sót lại có tuổi đời khoảng 350 năm. Những thỏi mực làm từ bồ hóng chiết xuất từ các loại dầu thường đắt tiền hơn, chẳng hạn như dầu từ cây hông (paulownia), hoa trà, và hạt vừng, có thể có giá cao gấp bốn lần so với một thỏi mực [làm từ dầu của] hạt cải dầu. Cho dù những thỏi mực được sản xuất công nghiệp đang tràn ngập ngoài thị trường, nhưng xưởng Kobaien vẫn tìm được chỗ đứng trong lòng những khách hàng am tường, nhờ trung thành với phương pháp truyền thống.
“Khác với việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp hiện đại, quá trình sản xuất những thỏi mực của chúng tôi không thực hiện theo quy trình tuần tự,” Kobaien cho biết. “Lượng keo, bồ hóng, và nước pha trộn sẽ thay đổi tùy theo nhiệt độ và độ ẩm mỗi buổi sáng.”
Sau khi bột đã được trộn và đúc thành từng thỏi, quá trình sấy khô cũng rất tỉ mỉ. Các thỏi mực có thể bị nứt nếu được làm khô quá nhanh, vì vậy nghệ nhân sẽ phủ tro gỗ sồi răng cưa ẩm lên các khuôn đúc, rồi dần dần thay thế bằng tro khô, mỗi ngày trong tối đa 40 ngày cho đến khi các thỏi mực khô đến 70%.
Tiếp theo, các thỏi mực sẽ được buộc lại với nhau bằng rơm rồi đem treo trong nhà khoảng sáu tháng để hong khô ở độ ẩm vừa phải. Phải mất ít nhất bốn năm để mực khô hoàn toàn và thành phẩm. Khi mài nhẹ thỏi mực đã thành phẩm vào nghiên nước, thỏi mực sumi này sẽ trở thành mực lỏng có màu đen tuyền.
“Mặc dù loại mực tổng hợp theo phương pháp hóa học có thể được sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn với màu sắc đồng nhất, nhưng nó lại thiếu chiều sâu và độ phong phú,” xưởng Kobaien cho biết. “Mực được làm từ các hạt muội than mịn hơn có màu đen tuyền độc đáo mà mực tổng hợp không thể sao chép được. Nó cũng thấm vào giấy theo cách khác biệt, tạo ra hiệu ứng ba chiều.”
“Cổ nhân có câu: ‘Mực Sumi có bảy màu,’” người đại diện Kobaien nói, và cho biết thêm, “Có lần, một họa sĩ vẽ tranh thủy mặc nói với tôi rằng khi ông ấy vẽ một bức tranh bằng mực sumi của Kobaien, ông ấy có thể thể hiện được khí sắc giữa những ngọn núi phía xa và nơi ông đang đứng. Tôi tin rằng đó là tất cả những gì về thỏi mực của chúng tôi và quá trình làm ra nó.”
Trường hợp đầu tiên được ghi nhận về việc các thỏi mực xuất hiện ở Nhật Bản là trong cuốn Nihonshoki (Biên niên sử Nhật Bản), một trong những tư liệu lâu đời nhất của Nhật Bản; Vào năm 610 Công Nguyên, quốc vương của Vương quốc Goguryeo trên bán đảo Triều Tiên được cho là đã cử hai nhà sư đến Nhật Bản, mang theo những thỏi mực sumi.
Tuy nhiên, trước cả khi được ghi chép trong Nhật Bản Thư Kỷ (Nihon Shoki), thì người dân Nhật Bản đã có những “giao thương sôi nổi” với các triều đại Trung Hoa xưa như nhà Tùy, nhà Đường, và một số triều đại nằm trên bán đảo Triều Tiên, người đại diện của Kobaien cho biết, và giãi bày rằng “Chúng tôi tin rằng nhiều học giả và các nghệ nhân có kiến thức về quá trình chế tác các thỏi mực này đã đến Nhật Bản … dù họ không được ghi chép lại.
“Mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là tái tạo các thỏi mực được làm từ thời Edo [từ] thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, thời đó việc chế tạo mực được cho là đã hoàn thiện.”
Thục Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times