Thông điệp thiện lương trong những tấm thiệp giấy xoắn thủ công
Chị Huong Wolf và chồng mình – một doanh nhân khởi nghiệp – đã thành lập công ty Quilling Card để chia sẻ vẻ đẹp của loại thiệp giấy xoắn đến thế giới.
Theo chị Huong Wolf, người đồng sáng lập hãng Quilling Card ở tiểu bang Massachusetts chia sẻ: “Những dải giấy màu mỏng đến từng milimet được cuộn tròn, tạo hình và dán một cách tỉ mỉ và chính xác được thiết kế bằng tay: Đây là giấy xoắn – một nghệ thuật tinh giản cổ xưa mà “ai cũng có thể học.”
Vào tháng 4/2022, Quilling Card đã giành được hai danh hiệu Kỷ lục Guinness thế giới với nội dung: một danh hiệu dành cho nhiều người đồng thời xoắn giấy nhất và một giải cho bức tranh khảm bằng giấy xoắn lớn nhất thế giới. Đây là công ty đầu tiên kinh doanh loại giấy xoắn dưới dạng những tấm thiệp chúc mừng. Hãng này có trụ sở ở tiểu bang Massachusetts và những nhà máy giấy xoắn ở Việt Nam.
Chị Wolf chia sẻ, “Từ khi biết những tấm thiệp của chúng tôi được sản xuất tại Việt Nam, nhiều người cho rằng giấy xoắn là nghệ thuật của người Á Châu. Nhưng sự thật là hình thức này bắt nguồn từ những người Ai Cập cổ đại, họ đã sử dụng bút lông ngỗng để cuộn những dải vàng đồng cực kỳ mềm mại thành những hình trang trí phức tạp cho những vật phẩm tôn giáo.
Chị Wolf nói thêm: “Sau đó, ở Âu Châu vào thời kỳ Phục Hưng, người ta sử dụng giấy vì đó là phương án ít tốn kém hơn để tạo ra những vật phẩm tôn giáo trong các nhà thờ và tu viện.” Giấy xoắn trở nên lỗi thời nhưng không hoàn toàn biến mất, và vào thế kỷ thứ 19 ở Âu Châu, những người phụ nữ quý tộc đã sử dụng loại hình này như một trò tiêu khiển thay thế cho thêu thùa hoặc may vá.
Giờ đây, công ty Quilling Card gửi gắm tình yêu thương, nghệ thuật và những kỷ niệm qua những bức thư trong những tấm thiệp chúc mừng giấy xoắn mà người nhận có thể trưng bày và trân trọng trong nhiều năm.
Chị Wolf nói rằng, “Kết nối mọi người với nhau là điều mà những tấm thiệp của tôi mong muốn mang lại. Rất nhiều người sẽ thốt lên rằng, ‘Ôi, tôi đã gửi tấm thiệp cho mẹ kế của tôi, và chúng tôi chưa từng trò chuyện với nhau về bất kể vấn đề nào trong gia đình, nhưng sau khi nhận thiệp thì bà ấy đã gọi điện để nói lời cảm ơn tôi vì tấm thiệp đẹp nhất này.’ Vậy là những tấm thiệp kia không chỉ kết nối tình cảm mà còn hàn gắn lại mối quan hệ của họ.”
Niềm tin trong ý tưởng
Hãng Quilling Card ra đời hoàn toàn là ngẫu nhiên. Cách đây 10 năm, chị Wolf sống ở Việt Nam trong khi chồng sống ở tiểu bang Massachusetts. Một người bạn đã mời anh đến tham quan một xưởng giấy xoắn đang rao bán ở Việt Nam. Là người trong nghề may, chồng chị đã nghĩ rằng xưởng này chỉ dành cho dệt chăn bông. Khi đến xưởng, anh đã bị cuốn hút bởi nghệ thuật làm giấy xoắn phức tạp và lập tức anh thấy được tiềm năng của ngành kinh doanh mạo hiểm này.
Sau khi nhận ra niềm đam mê của bản thân dành cho nghệ thuật xoắn giấy, chị Wolf và chồng muốn tìm cách để loại hình này thu hút nhiều người hơn nữa và nghĩ rằng những tấm thiệp chúc mừng là lựa chọn hoàn hảo để mang nghệ thuật xoắn giấy vào nhà mỗi người. Họ hình thành ý tưởng lập công ty khi chị Wolf vẫn còn ở Việt Nam.
Trước đó, chị Wolf chưa từng thử tự làm giấy xoắn. Sau đó chị tự học cách làm qua các video trên Youtube sau nhiều lần thử và làm sai. Chị nói rồi cười vang, “Phải thú thật với bạn rằng tôi không phải là người khéo tay nhất trong nhà!”
Vào năm 2012, chị Wolf chuyển đến sống ở tiểu bang Massachusetts. Họ thành lập công ty ở Triển lãm Văn phòng phẩm Quốc gia ở New York và nhận được nhiều phản hồi tích cực một cách đáng kinh ngạc.
Chị Wolf hồi tưởng “Ngay khi tôi trở về từ Triển lãm Văn phòng phẩm, tôi đã gửi đơn xin nghỉ việc. Tôi vẫn nhớ như in phản ứng của sếp tôi. Ông ấy nói rằng ‘Cô nhìn đi, ngành công nghiệp văn phòng phẩm đang dần sụp đổ. Không còn ai viết thư tay nữa đâu. Cô vẫn khởi nghiệp một công ty làm thiệp chúc mừng ư?’ Nhưng tôi và chồng tin tưởng rằng mọi người sẽ nhìn thấy và trân trọng vẻ đẹp của nghệ thuật xoắn giấy, thế nên chúng tôi phải thử thực hiện điều ấy.”
Ba năm đầu tiên thực sự rất khó khăn. Chị Wolf đã đến rất nhiều triển lãm và luôn nhận được những phản hồi tích cực, nhưng những tấm thiệp của chị quá đắt đỏ và những người bán không chắc có thể bán được. Khác với những tấm thiệp thông thường, những tấm thiệp của họ không có in kèm thông điệp bên trong và người gửi phải tự viết. Người bán nói với chị rằng, “Tôi không thể bán những tấm thiệp trắng tinh như thế này.” Chị cố gắng thuyết phục họ rằng khi người nhận thiệp giấy xoắn này, họ sẽ nhận ra tâm huyết của người tạo nên tấm thiệp, vẻ đẹp của nghệ thuật và cẩn thận cất giữ. Giá trị của tấm thiệp sẽ nâng cao khi có thông điệp cá nhân được viết bằng tay.
Chị Wolf và chồng bắt đầu kinh doanh với xưởng giấy xoắn mà toàn bộ ý tưởng đã được định hình trước khi họ mở doanh nghiệp ở Việt Nam. Với sự tăng trưởng thành công, hiện tại họ đã sở hữu năm nhà máy.
Một nghệ thuật tỉ mỉ và phức tạp
Xoắn giấy là nghệ thuật của việc lăn, cuộn và định hình những mảnh giấy nhỏ để làm nên những thiết kế ba chiều. Theo truyền thống, một chiếc lông được sử dụng để cuộn giấy, nhưng ngày nay người ta dùng cây kim có đầu chẻ để luồn giấy vào. Một số dụng cụ cần thiết khác như nhíp, kéo và keo dán. Chị Wolf chia sẻ: “Tất cả những dụng cụ bạn cần có là như vậy!”
Chị chia sẻ: “Làm giấy xoắn không khó. Những người chúng tôi tuyển dụng không biết gì về cách làm.” Vào ngày làm việc đầu tiên, những người học việc được yêu cầu đơn giản là làm quen với giấy, các thuộc tính của giấy và học thực hành với các dụng cụ.
Công ty mua những tấm giấy khổ lớn với trọng lượng khác nhau và cắt thành thật mỏng. Chị Wolf nói rằng: “Cắt giấy là quy trình sử dụng máy duy nhất mà chúng tôi làm.”
Trong suốt tuần đầu tiên, những người mới học hỏi điều mà chị Wolf gọi là “bảng chữ cái” giấy xoắn. “Chúng tôi có khoảng 50 mẫu cơ bản; họ phải tập xếp những mẫu này đến khi thành thục,” chị giải thích. “Rồi họ bắt đầu ghép các mẫu lại với nhau để tạo thành một thiết kế đơn giản.” Họ có được một tháng đào tạo và sau đó là hai tháng thử việc.
Chị Wolf nói rằng, “Nếu chúng tôi đào tạo 100 người và giữ lại 20 người đến giai đoạn thử việc thì đó là một thành công lớn. Tạo nên các mẫu hình rất thú vị nhưng khi bạn phải sắp đặt các mẫu với nhau, hoàn thiện và biến thành một thiết kế tỉ mỉ thì đòi hỏi sự kiên nhẫn và hầu hết mọi người bỏ cuộc ở giai đoạn này.”
Quilling Card trả tiền thuê nhân công từ ngày đầu tiên. Thông thường ở Việt Nam, “nếu bạn muốn học một nghề thủ công, bạn phải trả tiền học,” chị Wolf chia sẻ. “Đối với chúng tôi thì ngược lại – tôi trả tiền để dạy họ.”
Họ cũng tận tâm chăm sóc nhân viên của mình. Chị Wolf quyết định nộp đơn đăng ký Chứng nhận Thương mại Công bằng cho các xưởng ở Việt Nam, với niềm tin rằng “đó là điều tốt nhất chúng tôi có thể làm cho văn hóa và giá trị của công ty chúng tôi.” Hầu hết những người nghệ nhân là phụ nữ và chị cảm thấy may mắn vì có thể tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ trẻ không có chuyên môn cao ở quê hương mình.
Một trong những nhà bán lẻ lớn nhất của họ là Hallmark đã tài trợ cho Quilling Card cho HERproject – một chương trình dài 18 tháng giáo dục phụ nữ về lạm dụng, mang thai và sức khỏe hậu sinh sản và quan hệ an toàn. Chị Wolf chia sẻ “những chủ đề trên bị cấm ở Việt Nam, nhưng Hallmark tài trợ cho chúng tôi thực hiện khóa đào tạo này nhằm mang lại rất nhiều giá trị cho nhân viên chúng tôi ở Việt Nam.”
Một dự án đặc biệt
Chị Wolf chia sẻ, “Khi chúng tôi quan sát những khách hàng của mình, chúng tôi nhìn thấy họ không chỉ nhìn ngắm mà còn sờ vào những tấm thiệp. Điều đó thuộc về xúc giác, đã đưa đến cho chúng tôi ý tưởng: “Tại sao chúng ta không làm thiệp cho người khiếm thị?” Quilling Card tuyển dụng rất nhiều phụ nữ khiếm thính ở Việt Nam, chị Wolf tự hỏi rằng, “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thuê những người phụ nữ khiếm thính rất tài năng với đôi bàn tay của họ để làm thiệp cho người khiếm thị – những người có thể học bằng đôi tay của mình?”
Ngay khi quyết tâm thực hiện ý tưởng, chị Wolf và cộng sự của mình nhanh chóng khám phá rằng họ biết rất ít về ngành khoa học chữ nổi. Thế nên chị đã hợp tác với ngôi trường dành cho người khiếm thị ở gần đó. Chị chia sẻ, “Chúng tôi đã mất khoảng 2 năm để hoàn thiện những tấm thiệp chữ nổi. Thị trường chữ nổi rất hạn hẹp nhưng điều đó không có ý nghĩa gì với chúng tôi. Chúng tôi đã thực hiện việc này vượt khỏi đam mê của mình.”
Một ngày nọ, chị Wolf đã chứng kiến một sự việc đáng nhớ: “Khi chúng tôi trình bày bốn hoặc năm vòng thiết kế của mình, một người phụ nữ đã bật khóc. Cô ấy nói, ‘Một con bướm màu xanh thật đẹp.’ Tôi nhìn vào mẫu thiết kế và buột miệng thốt lên rằng: ‘Nhưng cô bị khiếm thị, sao cô biết nó màu xanh ạ?’ Cô ấy trả lời, ‘Tôi không thấy màu sắc nhưng tôi cảm nhận được màu sắc. Màu sắc có năng lượng đó.’ Tôi đã rất kinh ngạc. Thượng đế đã lấy đi một số giác quan nhưng lại trao tặng cho họ những giác quan tuyệt vời khác.”
Trong suốt sự nghiệp của mình, điều thúc đẩy cả hai vợ chồng trong công việc là mong muốn đem đến cái đẹp và sự thiện lương đến cuộc sống của mỗi người.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times