Nếu những bức tường có giấc mơ hoa
Mỗi loại giấy dán tường của công ty nội thất cao cấp này đều được vẽ tay bằng tất cả sự chú tâm và nét thẩm mỹ tinh tế. Làm thế nào thương hiệu giấy dán tường của Gournay vẫn lưu giữ một nghệ thuật truyền thống
Với kỹ thuật trang trí đẹp mắt, mỗi căn phòng có thể thổi làn gió trải nghiệm đầy ấn tượng và đắm say lòng người. Những nghệ nhân kỳ tài của de Gournay, hãng nội thất cao cấp nổi tiếng thế giới của Anh, rất hân hoan khi tạo ra những trải nghiệm quý giá này. Bằng cách mang đến những loại giấy dán tường thủ công tao nhã, được yêu cầu thiết kế riêng cho một không gian như khoác lên mình chiếc đầm thời trang xa xỉ, họ đang làm hồi sinh một loại hình nghệ thuật thời tiền công nghiệp đến từ Trung Quốc — quá trình tỉ mẩn để tạo nên những loại giấy dán tường hoa mỹ và giàu biểu cảm nhất thế giới.
Lụa nhuộm “Adam Grey”
Giấy dán tường ra đời vào những năm 1980, khi ông Claud Cecil Gurney muốn khôi phục lại một số loại giấy dán cổ xưa Chinoiserie trong ngôi nhà của mình ở London. Nhưng việc này chẳng hề đơn giản như ông nghĩ, không dễ dàng chút nào. Bị lấn át bởi sản xuất đại trà của nền công nghiệp hóa, kỹ thuật vẽ Chinoiserie* bằng tay đã dần mai một ở Trung Quốc, nơi ông chỉ có thể tìm được một nhà cung cấp duy nhất. Lo lắng về sự mai một của loại hình nghệ thuật này, Gurney đã tìm đến những nghệ nhân có cha mẹ và ông bà đã được truyền dạy về các kỹ pháp di cọ của Trung Quốc cổ đại, để vẽ cho bức tranh màu nước Chinoiserie. Ông tập hợp một nhóm nhỏ gồm năm nghệ sĩ, và kết quả là de Gournay ra đời năm 1986.
Ngày nay, doanh nghiệp gia đình này đã nổi tiếng trên toàn thế giới, và đã mở rộng sang nhiều loại vật liệu dán tường được vẽ tay hay thêu tay mang tính lịch sử và đương đại, cũng như đồ nội thất bằng sứ và nội thất chạm khắc thủ công đẹp mắt. Nhưng bộ sưu tập Chinoiserie lộng lẫy vẫn là một viên ngọc quý.
Chinoiserie nổi lên như một hiện tượng của Âu châu vào thế kỷ 18, và được sinh ra từ niềm đam mê với Đông Phương, hình thành nên bởi Con đường Tơ lụa và thương mại hàng hải đã mang tải các loại gia vị, đồ sứ tinh mỹ, hình ảnh thú vị về các sinh vật, kiến trúc và quần áo lạ lẫm đến Âu châu. Trong thời kỳ mà việc đi lại bị hạn chế, trí tưởng tượng đã gợi lên những cái nhìn thoáng qua về những miền đất khác. Chinoiserie vô cùng mỹ lệ, miêu tả những cảnh quan đẹp đến nao lòng và những khu vườn tốt tươi với đầy ắp các loài động thực vật kỳ ảo và động vật hoang dã, từ hoa mẫu đơn cho đến chim công.
Chi tiết trên nền lụa nhuộm màu vàng kim
Hoài bão của ông Gurney khi ông thành lập công ty là gấp đôi thế nữa: đưa loại hình giấy dán tường Chinoiserie vào thiết kế phong cách Âu châu và sáng tạo chúng bằng kỹ thuật chân truyền của Trung Hoa ở thế kỷ 18. Cũng giống như những giấy dán tường cổ ở Âu châu đã đương đầu với nhiều thử thách của thời gian, giấy truyền thống của De Gournay được gia công bằng các vật liệu và kỹ thuật bền bỉ, có thể tồn tại qua nhiều thế kỷ.
Một tấm pano điển hình được làm từ giấy Xuân hai lớp thủ công – giấy thông thảo truyền thống của Trung Quốc – được ép lại với nhau và được bồi bằng lụa. Cọ lớn được sử dụng để quét màu nước lên phông nền. Trong khi giấy còn ướt, các lớp giấy và lụa sẽ được làm nhăn, đẩy phẳng, và để khô, tạo nên các dấu vết và vệt sơn độc đáo lên giấy.
Mọi giấy nền đều được phác thảo trên bố cục nhỏ trước để bảo đảm tỷ lệ chính xác và phù hợp với kích thước của một căn phòng nhất định. Các nghệ sĩ làm việc theo nhóm để vẽ phác thảo mẫu bằng bút chì trước khi quét màu nước bằng phương pháp di hai cọ được hoàn thiện vào thế kỷ 12. Một cọ dùng cho vẽ bột màu và cọ còn lại dùng tán nước khi kết hợp với nhau tạo độ chuyển màu tuyệt đẹp. Sau đó, các chi tiết tinh tế hơn được thêm vào bằng một cây cọ thứ ba. Một tấm lụa thường mất khoảng 80 giờ để hoàn thành.
Mỗi nét di cọ trong bức tranh cổ điển của Trung Quốc đều có chủ đích và không thay đổi. Phải mất nhiều năm đào tạo và nỗ lực để thành thạo kỹ năng này. Các nghệ nhân bậc thầy của De Gournay đang đào tạo và vun bồi lại cho các học viên của mình. Những họa sĩ ít kinh nghiệm bắt đầu bằng cách vẽ các hoạ tiết thiết kế đơn giản như cành và lá, sau đó khi họ tự tin lên, sẽ tiến dần đến các đặc điểm phức tạp hơn như chim và hoa. Sự phát triển của cả nhóm là một quá trình tự nhiên.
Tính thẩm mỹ, họa pháp và sự tận tâm đáng kinh ngạc đã làm cho mọi tấm giấy dán tường của de Gournay trở nên độc đáo. Cũng giống như một chiếc đầm thời trang cao cấp được may đo theo các yêu cầu thiết kế chuẩn mực, mỗi tấm giấy dán tường được lên ý tưởng riêng để phù hợp với từng không gian đến mức hoàn hảo. Để tạo nên một đồ gốm sứ tốt cần kết hợp trang trí những chi tiết tinh mỹ và đáp ứng độ bền cao, mỗi tấm tranh dán tường nơi đây cũng được tạo nên từ những hoạ tiết cuốn hút thanh tao cùng chất lượng bền bỉ.
Bài viết này ban đầu được xuất bản trên tạp chí Radiant Life.
Chú thích dịch giả:
*Giấy thông thảo: mỏng, làm bằng vỏ xốp một thứ cây ở Đông Phương và được các hoạ sĩ Trung quốc dùng để vẽ.
*Chinoiserie: là một từ tiếng Pháp ý nghĩa là phong vị Trung Hoa. Đây là một trào lưu nghệ thuật lấy cảm hứng từ văn hoá và những gì liên quan đến truyền thống Trung Hoa. Chinoiserie ban đầu chỉ là nỗ lực sao chép lại từ những hoạ tiết trên sản phẩm may mặc, gốm sứ từ Đông phương, sau hoà trộn với tư duy thẩm mỹ phương Tây và dần trở thành “đứa con lai” đầy xúc cảm, đẹp đẽ.
Hazel Atkins là một cựu học giả chuyên nghiệp về văn học Anh, hiện dành thời gian làm vườn, nấu ăn và quan sát con cái lớn lên.