Những chú chim giấy thủ công sống động y như chim thật
Tình yêu thiên nhiên đã truyền cảm hứng cho những nỗ lực nghệ thuật của cô Niharika. Cô chia sẻ rằng các tác phẩm nghệ thuật của mình nhằm mục đích thể hiện lòng biết ơn đối với tự nhiên, bằng cách nhắc nhở mọi người về vẻ đẹp của thiên nhiên và rằng thiên nhiên cần được chúng ta bảo vệ.
Với kéo và giấy, nghệ nhân thiên nhiên hoang dã Niharika Rajput đã thực hiện những đường cắt tỉ mỉ để tạo ra những chiếc lông vũ nhỏ cho một trong nhiều tác phẩm điêu khắc chim bằng giấy phức tạp của cô. Để hoàn thành một trong những chú chim này thì cần phải mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Tuy nhiên, các sản phẩm được hoàn thiện lại trông sống động y như thật, đến mức khiến người ta tưởng rằng đó là những chú chim thật.
Cô Niharika Rajput là một nghệ nhân 30 tuổi đến từ New Delhi, luôn yêu thích thiên nhiên. Do cha cô làm trong quân đội, nên gia đình họ luôn phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác và cô thường hòa mình vào tự nhiên.
Cô chia sẻ với The Epoch Times: “Tôi thích thu lượm đom đóm vào trong lọ, xem nhện dệt mạng vào ban đêm, và chơi với bọ rùa, màu đỏ rạng rỡ [của chúng] luôn khiến tôi mê mẩn.”
Tuy nhiên, cô Niharika đã chọn những chú chim làm chủ đề chính của mình sau khi bắt gặp một con chim bói cá họng trắng. Chú chim có màu sắc rực rỡ và những đặc điểm độc đáo đã hấp dẫn trí tưởng tượng nghệ thuật của cô. Một chuyến đi đến dãy Himalaya sau đó đã giúp niềm đam mê trở nên mãnh liệt hơn, khi cô phát hiện ra những con chim ác là xanh dương mỏ đỏ và trở nên vô cùng thích thú say mê.
Quá trình làm việc của người nghệ nhân cũng phải trải qua một quá trình đào thải. Ban đầu, cô sử dụng nhựa epoxy và sợi quang để thiết kế tác phẩm điêu khắc [của mình]. Tuy nhiên sau đó, cô quyết định lựa chọn chất liệu giấy, nhờ vẻ ngoài hữu cơ của nó, mà theo như cô nói thì “đã mô phỏng lại kết cấu của lông vũ một cách hoàn hảo.”
Để làm cho những chú chim của mình trông sống động nhất có thể, cô Niharika đã dành thời gian nghiên cứu và sử dụng nhiều tấm ảnh để có được cái nhìn toàn cảnh về chim. Rồi tiếp đến, cô sẽ phác thảo, xác định các nhóm lông khác nhau và những đặc điểm khuôn mặt.
Sau đó, cô chuyển sang thiết kế khung xương cơ bản bằng dây lưới và nhựa epoxy. Cô nhét giấy vào những thứ này trong khi bện kết [các bộ phận lại với nhau]. Tiếp đó, cấu trúc cơ sở này được phủ giấy để tạo ra một bề mặt phẳng. Cô sẽ dán từng chiếc lông vũ được cắt riêng lẻ lên trên đó.
“Tôi bắt đầu bằng cách dán tất cả những chiếc lông vũ, ban đầu là lông đuôi rồi dịch chuyển lên trên,” cô giải thích.
Một trong những thử thách mà cô phải vượt qua là tạo ra sắc độ những chiếc cánh. Nhưng thông qua thử nghiệm [nhiều lần], cô cũng đã làm được điều này. “Sau khi tất cả những chiếc lông vũ đã được dán vào cơ thể chim, tôi sẽ sơn chúng bằng sơn acrylic,” cô nói. Các chi tiết và đặc điểm khuôn mặt như móng và mỏ đều được làm bằng nhựa epoxy và được dán thêm vào.
Mỗi chú chim có thể mất từ 2 tuần đến 3 tháng để hoàn thành, cô cho biết. Tuy nhiên, nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng. Cô kể: “Đã có lúc mọi người tưởng rằng những chú chim là thật. Tôi coi đó là một lời khen ngợi vì đấy chính là mục tiêu cuối cùng của tôi.”
Cô Niharika cho biết cô có một số những tạo phẩm yêu thích trong bộ sưu tập chim của mình. “Một tác phẩm có tên là ‘Kết đôi’ (The Mating Proposal),” cô chia sẻ. “Đó là cảnh một con chim bói cá trống đang mớm cá cho con chim bói cá mái ăn. Đây là hành động gây ấn tượng với con mái trong nghi thức kết đôi.” Con trống đang đậu trên một khúc gỗ giả, được làm thủ công từ giấy và dây lưới.
“Một tác phẩm khác tên là‘ Nuôi dưỡng con non’ (Parenting),” cô nói thêm. “Đó là cảnh một con chim ruồi mái mình đầy lông vũ đang mớm mồi cho những con non và con chim ruồi trống [đậu bên cạnh].”
Tác phẩm yêu thích thứ 3 của cô là cảnh một con chim ruồi trống họng đỏ đang hút mật từ hoa thanh cúc. Chú chim được đặt lơ lửng giữa không trung, thử thách dành cho người nghệ nhân là [làm thế nào để] chỉ có chiếc mỏ chim được gắn vào bông hoa.
Tình yêu thiên nhiên đã truyền cảm hứng cho những nỗ lực nghệ thuật của cô Niharika. Cô chia sẻ rằng các tác phẩm nghệ thuật của mình nhằm mục đích thể hiện lòng biết ơn đối với tự nhiên, bằng cách nhắc nhở mọi người về vẻ đẹp của thiên nhiên và rằng thiên nhiên cần được chúng ta bảo vệ.
Bên cạnh đó, cô cũng đóng góp công sức trong việc bảo tồn động thực vật hoang dã ở Ấn Độ. Hơn nữa, cô còn mở những buổi hội thảo nghệ thuật với trẻ em và cộng đồng địa phương. Cô cũng tổ chức các lễ hội chim để thu hút sự chú ý của nhiều người nhất có thể và nâng cao nhận thức của mọi người về những loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.
Đội ngũ Epoch Inspired đem đến đến những câu chuyện ca ngợi lòng tốt, truyền thống và tâm linh, cung cấp những hiểu biết có giá trị về cuộc sống, văn hóa, gia đình, cộng đồng và thiên nhiên.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: