Từ đôi bàn tay thợ đến nghệ nhân giày hoàng gia: Câu chuyện truyền cảm hứng từ một nghệ nhân giày da tự học
Một người thợ đóng giày tự học đã mài giũa tay nghề của mình từ những bước khởi đầu khiêm tốn cho đến việc chế tác một số đôi giày da thủ công đẹp nhất thế giới từ xưởng của ông ở Sài Gòn, Việt Nam.
Học nghề trong hoàn cảnh thiếu thốn vào những năm 1940. Ông Trịnh Ngọc, hiện 92 tuổi, tiếp tục tạo ra những đôi giày thủ công được các nhà lãnh đạo thế giới săn đón.
Hành trình đóng giày của ông bắt đầu từ khi ông còn rất trẻ, vào năm 1947, khi anh trai ông Ngọc học nghề đóng vali. Gần nơi anh trai làm việc, có một xưởng đóng giày mà ông Ngọc thường xuyên lui tới.
“Bác thấy nghề giày làm mình thích, bởi vì nó đa dạng lắm, nó phong phú lắm,” ông chia sẻ với The Epoch Times.
Ông quan sát những người thợ đóng giày rèn luyện tay nghề của họ và học hỏi từ họ — mặc dù trình độ làm giày của họ bị xem là còn thấp theo tiêu chuẩn châu Âu.
“May mắn là vào năm 1950, nhà bác ở tại Phnom Penh và mở một cửa hàng giày ở khu phố mới của người Pháp,” ông nhớ lại thời điểm gia đình chuyển đến Cambodia.
Ở thành phố đó có một số cửa hàng giày. Họ bán đủ loại thương hiệu nổi tiếng, phục vụ các khách hàng Âu Châu ở địa phương. Lúc đầu, những khách hàng Âu Châu đó không tin tưởng vào tay nghề của ông Ngọc, họ cho rằng chất lượng giày của ông không đạt tiêu chuẩn, do kỹ năng của ông vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Họ chỉ đến gặp ông để sửa giày, còn giày mới thì mua từ Pháp và Ý.
Tuy nhiên, họ vẫn liên tục nói với ông rằng họ sẽ đặt mua giày của ông nếu ông có thể đáp ứng tiêu chuẩn của họ.
“Điều họ nói cũng làm mình có kích thích, mà cũng tự ái nữa,” ông Ngọc thừa nhận.
Tuy nhiên, với rất nhiều mẫu giày Âu Châu có sẵn [để tham khảo], ông đã nhân cơ hội này để so sánh tay nghề thủ công của giày dép nhập cảng với tay nghề của giày dép được làm tại địa phương. Ông nhận ra chất lượng giữa hai loại giày này có một khoảng cách rất lớn.
Mỗi đêm khi sửa chữa những đôi giày đó, ông Ngọc sẽ mở hộp giày ra và mày mò nghiên cứu kỹ thuật chế tác giày của họ.
“Nhưng mà bác cứ từng bước từng bước, ngày qua ngày, rồi tháng qua tháng, năm qua năm, thì cái tiến bộ của mình từ từ theo đó và mình làm những đôi giày cũng theo đó,” ông cho hay.
Sau khoảng hai năm thực hành theo cách này, ông cho một số khách hàng người Âu Châu tại địa phương xem sản phẩm của ông khi họ đến sửa giày. Họ nói rằng chất lượng giày vẫn chưa đạt tiêu chuẩn — nhưng họ sẽ thử mua một đôi.
May mắn thay, ông Ngọc nhận thấy rằng khách hàng thực sự yêu thích sản phẩm thủ công của ông. Chẳng bao lâu sau, ngày càng có nhiều đơn đặt hàng được gửi đến mỗi ngày.
Danh tiếng và công việc kinh doanh của ông ngày càng phát đạt. Theo thời gian, thương hiệu của ông trở nên nổi tiếng khắp Cambodia.
“Giới doanh nhân Pháp bắt đầu đặt [hàng], rồi đến giáo sư, rồi bác sỹ,” ông cho hay. “Thậm chí đại sứ Pháp cũng đến luôn.”
Cuối cùng, thủ tướng và gia đình thủ tướng cũng trở thành khách quen của ông Ngọc.
“Rồi sau trong hoàng cung Cambodia cũng đến đặt hàng,” ông Ngọc cho hay.
Quốc vương Norodom Sihanouk — được biết đến là người hào hoa phong nhã và chỉ mang giày từ châu Âu — nghe nói về tài đóng giày của ông Ngọc, đã cho dời ông vào cung để làm một đôi cho mình.
Vào thời điểm đó, sự nghiệp của ông đang ở đỉnh cao.
Tuy nhiên, vào năm 1970, một cuộc nội chiến diễn ra ở Cambodia, liên quan đến quân đội Hoa Kỳ, quân đội Lon Nol, và Việt Nam, buộc ông Ngọc và gia đình phải chạy trốn về Việt Nam.
“Về Sài Gòn thì coi như cơ ngơi của mình không còn gì hết. Thoát được và còn sống [về Sài Gòn] là phước rồi,” ông chia sẻ.
Vào năm 1971, ông tiến hành nghiên cứu thị trường và bắt đầu chỉ tập trung sản xuất giày cao cấp, mà ông sẽ bày bán tại các trung tâm thương mại và cửa hàng nổi tiếng, nơi bày bán giày dép nhập cảng. Giày của ông Ngọc bắt đầu bán chạy vì giá cả rất hợp lý, và các khách hàng cũng chú ý đến chất lượng sản phẩm. Thậm chí, một chủ cửa hàng còn đề nghị ông Ngọc gắn mác “hàng nhập” cho những đôi giày này.
Việc kinh doanh của ông Ngọc và khách hàng đều thuận lợi — và các nhà cung cấp bắt đầu để ý đến những chuyến đi quảng bá sản phẩm liên tục của ông. Họ bắt đầu hỏi về địa điểm cửa hàng để có thể mua hàng trực tiếp với giá thấp hơn.
“Kể từ đó, khách Sài Gòn cứ đổ dồn đổ dồn [tới cửa hàng của bác],” ông cho hay. “Giới văn nghệ sỹ, và thậm chí cả bác sỹ người Pháp cũng đến chỗ bác để làm giày. Chính quyền Sài Gòn cũng cho xe mời về [văn phòng để làm giày cho họ].”
Tuy nhiên, thời kỳ khó khăn ập đến sau khi Sài Gòn rơi vào tay của cộng sản, và ông Ngọc ngừng làm giày. Ông nhận thấy rằng mọi người đã không còn mang giày nữa, thay vào đó là mang những đôi giày quai hậu (sandal) cao su rẻ tiền để dạo quanh thành phố.
Điều này khiến vợ chồng ông hơi buồn. Cho rằng sự nghiệp của mình đã kết thúc, ông nghỉ đóng giày một thời gian dài — cho tới khi cuối cùng ông lại tiếp tục nghề này trong những năm sau đó.
Vào năm 1975, với chuyên môn về đóng giày, ông Ngọc về làm quản lý cho Bata, một công ty giày của Việt Nam, dạy nghề đóng giày cho công nhân.
Ở tuổi 61, ông nghỉ làm ở Bata và quay trở lại đào sâu về chuyên môn của mình.
Ông cũng truyền lại nghệ thuật đóng giày truyền thống cho nhiều học viên khác. Nhưng ông cho biết không ai có thể dồn nhiều tâm huyết và công phu vào phương pháp này như ông — mà thay vào đó bị mê hoặc trước lợi ích tài chính khi sản xuất một lượng lớn giày có giá thành rẻ trong thời kỳ tài chính khó khăn.
“Bác làm hai ngày [mới được] một đôi giày, nhưng một ngày họ [xưởng] có thể làm 200 đến 300 đôi,” ông Ngọc cho hay. “Lợi nhuận rất cao.”
Ông cho biết thêm, để thành công trong nghiệp làm giày, chúng ta cần có tình yêu nghề (đam mê), sự sáng tạo, đôi mắt nghệ thuật tinh tế, và đôi bàn tay “vàng” để tạo ra chính xác sản phẩm chúng ta muốn.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times