Bức tranh ‘Bữa tiệc cuối cùng’ của Leonardo da Vinci: Chúa Jesus là tâm điểm
“Đơn giản là đỉnh cao của sự tinh tế.” – Leonardo da Vinci
Tôi đã từng được tận mắt chiêm ngưỡng bức tranh ‘Bữa tiệc cuối cùng’ của Leonardo da Vinci. Khi đó, người ta vẫn có thể dạo quanh khu Di sản Văn hóa Thế giới UNESCO của Nhà thờ và Tu viện dòng Dominica tại Santa Maria delle Grazie, ở Milan, Italy để xem bức bích họa này.
Tôi đã nhớ được gì nhỉ? Một sự tĩnh lặng. Một sự huyền bí thâm sâu. Được khóc trước bức tranh ấy thì thật là cảm động. Như chính Leonardo từng nói: “Nước mắt đến từ trái tim chứ không phải từ bộ não.” Leonardo đã vẽ lại khoảnh khắc ấn tượng nhất mọi thời đại mà không cần một sự dàn xếp nào. Tất cả đều tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt trong lĩnh vực toán học.
Ngày nay, căn phòng nơi treo bức bích họa “Bữa tiệc cuối cùng” đã được niêm phong cẩn mật. Người ta phải đi qua hai lớp cửa để vào được căn phòng, và khi vừa bước vào, những cánh cửa mau chóng đóng lại. Mỗi người chỉ có 15 phút để ngắm bức tranh; việc chụp ảnh bị hạn chế, và du khách không được phép quay video.
Bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng” của Da Vinci là một bức tranh khổng lồ, cao khoảng 29 feet (8.8 mét) và rộng 15 feet (4.6 mét). Theo Bảo tàng Milan, bức tranh được vẽ bằng “màu keo và sơn dầu trên chế phẩm thạch cao thay vì [dùng] thủ thuật vẽ tranh thường thấy trong thời kỳ vẽ tranh bích họa {tranh tường}.” Leonardo thử nghiệm các chất màu của ông để bảo đảm bức tranh có thể bám trên tường trước khi lớp thạch cao khô lại, nhưng bức tranh đã bắt đầu xuống cấp từ khi ông còn sống.
Khoảng tường để vẽ bức kiệt tác này bị dính ẩm và khiến bức tranh xuống cấp nhanh chóng. Vào thế kỷ 17, một cái cửa đã đập vào bức tranh, và 200 năm sau, các binh lính của Napoleon đã dùng phòng ăn [chứa bức tranh] làm chuồng ngựa.
Vào tháng 8 năm 1943, một quả bom đã rơi vào tu viện và phá hủy một phần lớn của tu viện. Nhưng thật thần kỳ là bức tranh vẫn còn tồn tại.
Một bức tranh đầy hàm ý
“Ultima Cena” (Bữa tiệc cuối cùng) là bữa tối cuối cùng của Chúa Jesus với các môn đồ của Ngài (một Lễ Vượt Qua). Tác phẩm khiến người ta ấn tượng bởi hai sự kiện. Sự kiện thứ nhất là đưa ra những gợi ý về Bí tích Thánh Thể. Sự kiện thứ hai là khi Chúa Jesus nói rằng một trong các môn đồ của Ngài sẽ phản bội Ngài.
Như sử gia nghệ thuật thế kỷ 16 Giorgio Vasari từng viết trong cuốn sách nổi tiếng “Cuộc đời của những họa sĩ” (Lives of the Artists): “Leonardo đã mường tượng và miêu tả thành công những dục vọng xâm chiếm tâm trí của các tông đồ để biết ai đang phản bội Thầy của họ. Vì vậy, trên khuôn mặt mỗi người, ta có thể thấy tình yêu, sự sợ hãi, sự phẫn nộ hay nỗi đau buồn vì họ không thể hiểu được lời răn của Chúa Jesus; và điều này khiến người ta kinh ngạc không kém gì lòng căm thù cố hữu và sự bội bạc của [tông đồ] Judas sau này.”
Bố cục của bức tranh theo trường phái hình học thiêng liêng thuần túy. Bức tranh đã được đơn giản hóa và loại bỏ các chi tiết không cần thiết. Điểm nhấn của bức tranh là một hình tam giác cân được tạo bởi cơ thể Chúa Jesus. Ngài ngồi dưới một hình vòm. Ánh sáng [của vòm] như đang vẽ nên một vòng hào quang.
Ba ô cửa sổ tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi. Bốn ô cửa sổ mỗi bên tường là biểu tượng quan trọng trong văn hóa truyền thống vì nó tượng trưng cho Bốn Đức Hạnh của Plato. Nhưng tất cả các đường phối cảnh đều đưa chúng ta đến với Chúa Jesus. Phía xa đằng sau là một khung cảnh xanh tươi. Chúng ta liền tự hỏi liệu đây có phải là thiên đàng chốn nhân gian không.
Chúa Jesus là tâm điểm của bức tranh. Ngài là tâm điểm vĩnh hằng và tĩnh lặng của tất cả. Bên trong sự hỗn loạn, có sự vĩnh cửu.
Các môn đồ được vẽ rất lớn trong tranh, như thể họ quá to lớn so với chiếc bàn ăn, quá to lớn so với chỗ ngồi của họ. Họ được chia thành bốn nhóm. Vào thế kỷ 15, các họa sĩ ở Florence, không giống như các họa sĩ thời trước, tin rằng sự thay đổi của tâm trí sẽ thể hiện rõ ràng qua khuôn mặt và cử chỉ của nhân vật.
Điều này được thể hiện rất rõ nét trong bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng”. Cử chỉ của các tông đồ khởi nguồn từ “tâm lý bầy đàn” (animal spirit), được thể hiện qua cơ thể của họ, đến từ “sensus communis” {trí tuệ tập thể} của họ – nơi mà những giác quan của chúng ta hòa vào với nhau – nơi linh hồn ngự trị.
Leonardo đã dùng cơ thể để thể hiện tâm hồn. Như ông nói: “Hãy để cử chỉ của những nhân vật phù hợp với nội tâm của họ.”
Vì vậy, bức tranh chứa đầy những biểu tượng.
Peter cầm một con dao trên tay, báo hiệu rằng ông sẽ cắt đứt tai của một người lính khi ông cố gắng bảo vệ Chúa Jesus. Judas cầm chắc một túi đựng phần thưởng vì đã tố cáo Chúa Jesus với chính quyền. Thomas chỉ tay lên trời, và ngón tay đó báo hiệu rằng ông ta sẽ đâm nó vào vết thương của Chúa Jesus.
Bàn ăn đại diện cho ranh giới giữa thiên đàng và thế tục.
Bức tranh có những đường vẽ ngang và đường vẽ dọc, bắt đầu từ viền của khung cửa sổ, mà trông giống như một khuông nhạc. Giovanni Pala – một nhạc sĩ, nhà toán học và học giả – cho rằng vị trí của những chiếc bánh mì và mối liên hệ của chúng với bàn tay của các tông đồ tạo thành một bản nhạc. Khi chơi [bản nhạc] từ trái qua phải, chúng chỉ là những âm thanh rời rạc. Nhưng vì Leonardo thường viết khuông nhạc theo hướng ngược lại nên nếu chúng ta chơi các nốt nhạc theo hướng ngược lại, từ phải qua trái, nó sẽ giống như một bản nhạc thời kỳ Phục Hưng.
Leonardo da Vinci được xem là một trong những bộ óc vĩ đại nhất trên thế giới. Một họa sĩ, một nhà điêu khắc, nhà phát minh, nhà khoa học, nhà toán học, nhà giải phẫu học, nhà thiên văn học, kỹ sư, nhạc sĩ, nhà triết học, nhà văn: Ông có nhiều tài năng đến nỗi tố chất thiên tài chính là người thầy của ông. Bản ngã của ông dường như đã trở nên bé lại và thay vào đó là khát vọng khám phá những bí ẩn của cuộc sống một cách nhiệt thành. Ông là một nhà nghiên cứu không ngừng nghỉ trong mọi lĩnh vực tri thức.
Jani Allan là một nhà báo, nhà văn và phát thanh viên.
Đức Thịnh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: