Ý nghĩa của con số 100
Con số 100 gắn liền với nhiều nền văn hoá và thường biểu thị cho sự viên mãn. Có vẻ như đó thực sự là một con số thần kỳ.
Nhà khoa học Albert Einstein từng nhận xét: “Tôi nghĩ đi nghĩ lại trong nhiều tháng rồi nhiều năm. 99 lần, kết luận đều sai. Lần thứ 100 thì tôi đúng.”
Con số 100 này có gì đặc biệt mà khiến mọi người ấn tượng đến thế? Einstein là một nhà khoa học vĩ đại, không phải là người mà ai đó có thể tùy tiện chỉ trích ông là mê tín hoặc thậm chí suy nghĩ hàm hồ. Ấy vậy mà, ông vẫn lựa chọn con số 100. Tại sao không phải là 98 hay 47? Và không chỉ các nhà khoa học [lựa chọn số 100] thôi, phải không?
Nếu Einstein là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất từ trước đến nay, thì Dante cũng là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất tự cổ chí kim. Trong tác phẩm “The Divine Comedy” (Thần khúc) của ông, chúng ta nhận thấy rằng kiệt tác này có đúng 100 khổ và kết thúc ở bước thứ 100. Điều này khá bất ngờ khi xét rằng bài thơ này có ba phần, mỗi phần có 33 khổ; rõ ràng, 3 lần 33 chỉ có 99 khổ mà thôi. Nhưng Dante đã chèn thêm một khổ giới thiệu — đoạn lời tựa đích thân ông viết cho phần đầu tiên, “The Inferno” (Hoả ngục). Khổ mở đầu này lý giải nguyên nhân khiến Dante sắp phải bước chân vào Địa Ngục — tổng cộng 34 khổ, và tổng số là 100.
Có vẻ sức ảnh hưởng và tầm quan trọng của con số 100 này không chỉ gói gọn ở phương Tây. Trong văn hoá Trung Hoa, số 100 mang điềm lành, tượng trưng cho sự đầy đủ, thịnh vượng, và trường thọ. Câu “bách niên hảo hợp” thường được dùng để chúc phúc các đôi phu thê vào ngày hôn lễ. Một cách diễn đạt nữa là câu “bách gia chư tử” biểu thị sự đa dạng của các diễn ngôn và cuộc tranh luận học thuật. Còn ở Hy Lạp cổ đại, centenary (khoảng thời gian 100 năm) từng là một đơn vị thời gian quan trọng, thường đánh dấu bằng các ngày lễ hoặc lễ kỷ niệm. Người La Mã sử dụng khái niệm “một trăm” của người Hy Lạp cho cơ cấu chính trị và quân sự của mình. Chẳng hạn như, bách nhân đội trưởng (centurion) là đội trưởng chỉ huy 100 binh sỹ.
Nếu dừng lại một chút để suy ngẫm về con số 100 trong nền văn hoá của riêng mình, thì chúng ta sẽ thấy nó hiện hữu khắp nơi. Trong tài chính, “một xu” bằng 1/100 của một dollar. Trong thời gian, “một thế kỷ” được coi là khoảng thời gian xác định một kỷ nguyên — thế kỷ 19 là khác với thế kỷ 20. Trong toán học, “100%” là ý tưởng cốt lõi để biểu đạt tính đầy đủ cũng như thực tế rằng hệ thống đánh số của chúng ta phần lớn là hệ thập phân. Trong nhiệt độ, chúng ta đo đạc bằng độ C, điểm đóng băng và điểm sôi của nước — vật chất mà chúng ta dựa vào để sinh tồn — có phạm vi từ 0 độ đến 100 độ. Trong vật lý học, chúng ta có đơn vị đo lường centimet. Ngay cả trong sinh học, chúng ta cũng thấy từ centipede (con rết) có nhiều chân [trong đó ‘centi’ nghĩa là 100].
“Centenarian” là người sống đến 100 tuổi, luôn được coi là một thành tựu to lớn, và ở Vương quốc Anh, ai sống đến trăm tuổi đều nhận được một thư chúc mừng từ quốc vương. Nói nhẹ nhàng hơn, thì bảng xếp hạng âm nhạc Billboard 100 là đích đến của các nhạc sỹ và ca sỹ! Mặc dù chúng ta có thể tiếp tục liệt kê thêm ví dụ về hiện tượng này, nhưng chúng ta không cần làm thế. Một chút suy ngẫm cho chúng ta biết rằng 100 là con số rất quan trọng. Nhưng tại sao vậy?
Tại sao 100 là con số thần kỳ
Lý do khả dĩ nhất mà các số đếm dựa trên cơ số 10 chiếm ưu thế là vì chúng ta có 10 ngón tay, trên cơ sở sơ khai và trực quan này, chúng ta đếm mọi thứ bằng các ngón tay của mình. Tất nhiên, 100 là 10 lần 10. Đối với những người theo trường phái Pythagoras, những người ủng hộ lý thuyết của triết gia Pythagoras (khoảng năm 570 – 495 trước Công Nguyên), thì 100 là một con số “thần thánh”: Không chỉ là bình phương của 10, mà còn là tổng lập phương của bốn số đầu tiên:
13 + 23 + 33 + 43= 100
Không chỉ như thế, 100 còn là tổng của 10 số lẻ đầu tiên và là tổng của 9 số nguyên tố đầu tiên:
1+3+5+7+9+11+13+15+17+19 = 100
2+3+5+7+11+13+17+19+23 = 100
Vậy thì sao? Những nhà tư tưởng vĩ đại của Hy Lạp cổ cho rằng đây là bằng chứng về kết cấu vũ trụ, về tính logic của các con số, và bản chất của lý trí. Vạn vật đều có ý nghĩa, có thể đếm được, và hơn thế nữa, những con số nhất định có những thuộc tính đặc biệt tiết lộ điều gì đó.
Trong ví dụ đầu tiên, khi chúng ta chuyển từ các số có một chữ số từ 1 đến 9 [sang số 10], thì số 10 chính là hiện thân của sự hoàn chỉnh bằng cách thêm một số 0 vào con số.
Khi chuyển từ toán học sang tôn giáo, chúng ta sẽ hỏi, ví dụ đơn cử quan trọng nhất về số 10 trong thế giới Tây phương là gì? Rõ ràng [là] Mười Điều Răn của Thượng Đế khải thị cho Moses. Mặc dù có thể có hơn 600 điều răn dạy trong Kinh Torah của Thượng Đế dành cho người Israel, nhưng toàn bộ [hệ thống] đạo đức và luân lý của họ đều dựa trên Mười Điều Răn này.
Khi chúng ta chuyển từ số 9 có một chữ số sang số 10 có hai chữ số, chúng ta đạt đến sự hoàn chỉnh: hai bàn tay đầy đủ, không thiếu ngón tay nào. Sau đó, nếu chúng ta lấy bình phương của số 10, thì chúng ta chuyển sang số có ba chữ số đầu tiên, là số 100. Chính số ba là một chữ số thiêng liêng: thuyết Chúa “ba ngôi” mà chúng ta đâu đâu cũng thấy, đặc biệt là Cơ Đốc Giáo. Nhưng ở đây, có lẽ chúng ta thấy được uy lực của số 100 trên tầng diện thần thoại.
Theo các thuật ngữ về số học, tâm lý học, và thần học, số 1 tượng trưng cho sự đơn độc, tự quyết, và độc lập. Nhưng nếu chúng ta thêm số 0 vào số 1 để thành số 10, thì số 0 đại diện cho điều gì? Đó là một vòng tròn — vô tận — nó tượng trưng cho sự vẹn tròn, tự lực, và tiềm năng vô tận. Do đó, số 1 và số 0 kết hợp với nhau khá giống với dương (tính độc lập mạnh mẽ) ôm lấy âm (tiềm năng vô tận), một sự kết duyên giữa hai yếu tố đối lập tạo nên sự viên mãn và hoàn thiện. Bằng cách tính bình phương, số 0 vô tận được nhân đôi, nhưng vẫn thuận theo số 1. Vậy thì, chúng ta sẽ có sự đầy đủ trọn vẹn, 100 phần trăm, viên mãn tròn đầy, đó là tất cả những gì chúng ta mong muốn và khao khát!
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times