Hành trình hướng đến trí tuệ – Bài học từ Nữ thần Athena
Trong phần ba cũng là phần cuối cùng của loạt bài “Nữ thần Athena có thể giúp chúng ta tìm thấy trí tuệ không?,” chúng ta sẽ khám phá bài học về trí tuệ từ hình ảnh và tài năng của vị nữ thần này.
Ngày nay, khi các đặc quyền và quyền lợi lấn át mọi ý thức trách nhiệm và đóng góp của công dân, thì trí tuệ càng quan trọng hơn nữa.
Trong phần 2 của loạt bài này, chúng ta đã phân tích về nguồn gốc và sự ra đời của Nữ thần Hy Lạp Athena để hiểu được cách thức trí tuệ vận hành thế giới. Có lẽ điểm quan trọng nhất là sự ra đời của chính Athena và đời sống trinh bạch của nàng thể hiện rằng: Trí tuệ không thể bị ô nhiễm hay bại hoại; trí tuệ mang tính chính trực cố hữu và không thể bị phá vỡ.
Đối với những người cho rằng lý lẽ này là ngoại giáo hoặc chỉ đơn thuần là một cách lý giải cổ xưa, chứ không phải là góc nhìn sâu sắc dưới góc độ tâm linh hay tâm lý, vậy thì hãy so sánh những gì mà cuốn The Wisdom of Solomon (Sự Khôn Ngoan của Solomon), thường bị các tín đồ Tin Lành coi là kinh ngụy tạo, giảng về trí tuệ. Những điểm tương đồng giữa cách lý giải của người Hy Lạp và của tín đồ Cơ Đốc về trí tuệ thật đáng kinh ngạc:
“Trong [trí tuệ] của nàng có một linh hồn thông minh, thánh khiết, độc nhất vô nhị, muôn hình muôn vẻ, tinh tế, linh động, trong sáng, không bị ô nhiễm, khác biệt, bất khả xâm phạm, yêu thích cái thiện, sắc bén, lôi cuốn không thể cưỡng lại, nhân từ, nhân đạo, kiên định, chắc chắn, không lo nghĩ, toàn năng, quan sát được tất cả, và xuyên qua tất cả những linh hồn thông minh, thuần khiết, và hoàn toàn tinh tế. Vì trí tuệ linh hoạt hơn bất cứ chuyển động nào; nhờ sự thuần khiết của mình, nàng lan tỏa và xuyên thấu vạn vật. Vì nàng là hơi thở quyền năng của Thần, và là nguồn phát ra ánh hào quang thuần khiết của Đấng toàn năng; vì vậy, không có thứ dơ bẩn nào có thể xâm nhập vào nàng. Vì nàng là sự phản chiếu của ánh sáng vĩnh cửu, là một tấm gương không tỳ vết cho tạo tác của Chúa, và là hình ảnh về lòng nhân từ của Ngài.”
Ngôn từ này chứng minh và đề cao bản chất của vị nữ thần mà chúng ta nghiên cứu. Nữ thần trí tuệ Athena là [hình ảnh] mở rộng của phụ thân nàng, Thần Zeus, vị Thần tối cao, người sở hữu chiến thắng đã chấm dứt sự hỗn loạn và các thế lực phá hoại trong vũ trụ.
Hình ảnh Nữ thần Athena
Nữ thần Athena cầm giáo, mang theo tấm khiên, và mặc áo giáp che ngực (aegis) — áo giáp làm bằng da dê. Áo giáp này có tác dụng bảo vệ. Chúng ta thường nói ai đó “under the aegis of,” có nghĩa là dưới sự bảo hộ và thẩm quyền của ai đó hoặc điều gì đó. Trí tuệ là một loại uy quyền và là cội nguồn của sự bảo hộ.
Tấm khiên mà Nữ thần Athena mang theo có trang trí hình đầu Medusa nổi bên trên: Bất kể ai nhìn vào đó đều sẽ bị hóa đá. Về mặt ẩn dụ, tấm khiên không chỉ là một vật phòng vệ, mà còn là một kiểu tấn công. Tấm khiên khiến kẻ địch khiếp sợ. Những người nói chuyện bằng trí tuệ hoặc nói “sự thật với người có quyền lực” sẽ làm khiếp sợ kẻ thù, những kẻ không thể tiếp nhận sự thật.
Cuối cùng, ngọn giáo của Nữ thần Athena đại diện cho trí tuệ của nàng trong chiến lược chiến tranh, việc giữ gìn công lý, và trừng phạt kẻ hành ác, đặc biệt là những kẻ phạm tội kiêu căng.
Tài năng của Nữ thần Athena
Nữ thần Athena từng là nữ ân nhân của nhân loại. Trong số những đóng góp của mình, nàng đã phát minh kèn trumpet, sáo, nồi đất nung, cái cày, cái cào, cái ách bò, dây cương ngựa, xe ngựa, và tàu thuyền. Chính nàng là người đầu tiên dạy toán học, nấu ăn, dệt vải, và quay sợi. Tất cả những thứ này đều vô cùng hữu ích, và tất cả đều nên được trau dồi. Nhờ có Nữ thần Athena, nhân loại đã được ban tặng nền văn minh.
Khi muốn đặt tên thành phố của mình, người dân thành Athens đã cân nhắc: Thành phố sẽ được đặt tên theo Thần Poseidon (vị Thần biển cả và là anh trai của Thần Zeus) hay theo Nữ thần Athena? Trong cuộc tranh tài xảy ra sau đó, Thần Poseidon chứng minh quyền năng của mình bằng cách tạo ra một dòng suối nước mặn, dòng suối rất tuyệt nhưng liệu có tác dụng gì? Nữ thần Athena tạo ra một cây olive, loài cây đó cho trái, dầu, và gỗ. Vì vậy, thành phố đã được đặt tên là Athens để tôn vinh nàng. Athens có lẽ là thành phố nổi tiếng nhất trên thế giới nhờ [tên tuổi] các triết gia xuất thân tại đây và những đóng góp then chốt định hình nền văn hóa Tây phương.
Khích lệ các bậc anh hùng
Nếu các tài năng này vẫn chưa đủ để chứng minh quyền năng của trí tuệ và “sự khôn ngoan khi theo đuổi trí tuệ,” thì lĩnh vực xuất sắc thứ hai của Athena còn đáng chú ý hơn. Nàng là người khích lệ vĩ đại cho các bậc anh hùng Hy Lạp. Nàng xuất chúng về chiến lược chiến tranh. Mặc dù Thần Ares (Mars trong tiếng Latin) mới là vị Thần chiến tranh của Hy Lạp, nhưng lĩnh vực của ông nằm ở chiến đấu thực tế — sự đẫm máu và khốc liệt của chiến tranh. Còn Athena là nữ thần về chiến thuật: việc lên kế hoạch, mưu lược, và các mánh khóe để giành chiến thắng.
Khi Thần Ares và Nữ thần Athena phối hợp với nhau, thì không gì có thể ngăn cản họ; nhưng khi họ đối đầu, Nữ thần Athena luôn chiến thắng. Cuộc chiến thành Troy là một ví dụ điển hình. Bạo lực thì không đủ để chiến thắng. Hãy hỏi các đối thủ của võ sỹ Muhammed Ali trên vũ đài. Mặc dù nhiều người mạnh hơn Ali, nhưng nữ thần “chiến lược [trên] vũ đài” thường xuyên trợ giúp ông.
Khi trợ giúp các bậc anh hùng Hy Lạp, trọng trách của Athena là tạo ra một thế giới hòa bình và trật tự. Một số vị Thần trên đỉnh Olympus gây nhiều hỗn loạn, nổi tiếng nhất là Thần Dionysus; ấy vậy mà “Athena không cho phép con dê của ông ta tiến vào lãnh địa của nàng,” như nhà tâm lý học James Hillman đề cập trong cuốn sách “The Force of Character and the Lasting Life” (Sức mạnh của Nhân cách và Cuộc sống Trường cửu) của ông.
Chính Athena là người bảo hộ cho Heracles, người quét sạch nỗi khiếp sợ, lũ quái vật, và sự bất công ra khỏi thế giới (nhưng phải thừa nhận là không hoàn hảo lắm); chính Athena là người giúp đỡ Perseus trong cuộc truy lùng và tiêu diệt Medusa; chính Athena là người giúp xây dựng con tàu Argo — con tàu chở theo Jason và các vị anh hùng Argonaut ra khơi; và cũng chính Athena là người giúp Theseus trong hành trình tiêu diệt Minotaur. Điều đáng chú ý ở chi tiết cuối cùng này là nàng không chỉ giúp Theseus đánh bại con quái vật, mà còn giải quyết một nỗi bất công tày trời: [lễ] hiến tế máu người vô tội hàng năm.
Có lẽ sự khích lệ nổi tiếng nhất cho các bậc anh hùng xuất hiện tại giai đoạn cuối cùng của phả hệ anh hùng Hy Lạp: Chúng ta đi từ thời đại hoàng kim của các bậc anh hùng như Heracles, đến thời đại bạc của Theseus, đến thời đại đồng và là thời đại cuối cùng của các bậc anh hùng thực sự, như Achilles, một á Thần. Trong cuộc chiến thành Troy cuối cùng, hầu hết các anh hùng không còn mang dòng máu của Thần nữa. Chắc chắn, Odysseus và Diomedes là người phàm, giống chúng ta hơn so với các anh hùng nửa Thần nửa nhân đi trước họ.
Sức mạnh vẹn toàn của Nữ thần Athena
Trong Cuộc chiến thành Troy, Nữ thần Athena trợ giúp Diomedes trong trận chiến chống lại Thần Ares, và Diomedes đã chiến thắng. Nàng ban cho Diomedes năng lực đặc biệt để phân biệt giữa các vị Thần và phàm nhân trên chiến trường. Thông qua Odysseus, người bày ra mưu kế Con ngựa thành Troy, nàng hoàn thành việc phá hủy thành Troy, điều mà tất cả các trận chiến trước đó không thực hiện được.
Hơn nữa, Nữ thần Athena còn bảo hộ Odysseus trên hành trình trở về từ thành Troy, trong đó có việc bảo vệ chàng thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thần Poseidon, kẻ thù của Odysseus. Sự bảo hộ này còn dành cho cả gia đình Odysseus — đặc biệt là con trai Telemachus, khi nàng hóa thân thành Mentor, một người đã qua đời, để tiếp tục dạy dỗ Telemachus. Nói cách khác, nàng là một “người cố vấn” (mentor).
Cuối cùng, cả Odysseus và Diomedes đều sống sót sau Cuộc chiến thành Troy. Theo hầu hết các câu chuyện được truyền lại (ngoại trừ Dante), những bậc anh hùng này sống rất thọ. Nhưng hầu như tất cả các anh hùng Hy Lạp (và chắc chắn là tất cả anh hùng thành Troy, ngoại trừ Aeneas) đều có cái chết dã man hoặc bi thảm: [ví như] Ajax the Great, Agamemnon, Achilles, và Patroclus. Những người tôn sùng trí tuệ đã sống sót.
Tiếng gọi tìm kiếm trí tuệ
Chúng ta có thể học được gì từ những câu chuyện này hôm nay? Trước tiên, trí tuệ là một linh hồn mà ta cần tìm kiếm và giữ gìn. Kinh Thánh khuyên răn chúng ta tích cực tìm kiếm sự khôn ngoan (Gióp 28:12). Chúng ta cần phải chủ động. Nói cách khác, chúng ta không được hưởng đặc quyền hay quyền lợi đối với trí tuệ, mà chúng ta cần [chủ động] tìm kiếm. Đó là một hành trình — một cuộc phiêu lưu.
Thứ hai, khi theo đuổi trí tuệ, tất cả chúng ta đều được thôi thúc trở thành những anh hùng. Cuộc sống cần đến chủ nghĩa anh hùng để đương đầu với lũ quái vật, ma quỷ, nỗi sợ hãi, và tất cả những điều lệch lạc khác dẫn đến cái chết. Từ góc độ của Nữ thần Athena, điều làm nên một anh hùng không phải là sự tàn bạo hay quyền lực: Mà là có chiến lược, phương hướng; có mục tiêu rõ ràng và mang theo mục đích cao cả hơn.
Thứ ba, chúng ta học được rằng cần phải bền bỉ, kiên định, và không bao giờ từ bỏ làm việc tốt. Tiến sỹ Johnson đã nói như thế này: “các thành tựu to lớn không đạt được bằng sức mạnh mà bằng sự kiên trì.” Mới đây, nhà vật lý học người Mỹ gốc Hungary Albert-Laszlo Barabas đã nhận xét trên tạp chí MoneyWeek của Vương quốc Anh, “Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, cơ hội thành công của chúng ta không suy giảm theo tuổi tác. Với sự kiên trì, thành công có thể đến ở bất kỳ độ tuổi nào.”
Những nhận xét này chỉ ra một đức hạnh uy lực nhất: hy vọng. Hy vọng nâng đỡ trí tuệ, bởi vì bằng cách tin rằng trí tuệ sẽ chiến thắng, chúng ta cũng tin rằng trật tự và công lý sẽ chiến thắng. Điều này mang đến cho chúng ta hy vọng và quyết tâm.
Hiện nay, khi tính cách thụ động hiển hiện [khắp nơi] — thời gian dùng điện thoại di động và trong các vũ trụ ảo — thì việc dốc sức trở thành một anh hùng càng cấp thiết hơn nữa. Với mục tiêu này, chúng ta tự tạo dựng cuộc sống thực của riêng mình. Trong một thời đại mà pháp luật, các quy tắc, và các quy định bất công khiến chúng ta chán nản, mất tinh thần, tâm hồn chai sạn, thì chúng ta có thể thực hành sự kiên trì khôn ngoan của Nữ thần Athena. Chúng ta có thể kiên định với hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn được tạo ra một phần nhờ nỗ lực của chính mình. Vì vậy, học hỏi về trí tuệ không hề lãng phí thời gian.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times