Cuộc thảo luận mỹ học giữa Aristotle và Plato
Vẻ đẹp trong mắt người thưởng lãm: Phản ánh mục đích của cái Đẹp và Nghệ thuật
Tất cả chúng ta đều đã nghe qua câu nói “Vẻ đẹp nằm trong mắt người thưởng lãm,” nhưng điều này có ngụ ý gì và có giá trị gì không? Trong loạt bài viết này, chúng ta sẽ có một cái nhìn thú vị về những cuộc tranh luận triết học xung quanh cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với cái đẹp và nghệ thuật. Thông qua những câu hỏi và sự chiêm nghiệm, chúng tôi hy vọng sẽ hiểu sâu hơn về vẻ đẹp và nghệ thuật cũng như vai trò của chúng trong cuộc sống của chúng ta.
Học viện Athens của danh họa Raphael
Vào đầu thế kỷ 16, dưới sự bảo trợ của Giáo hoàng Julius II, họa sĩ người Ý thời Phục hưng Raphael Sanzio da Urbino đã vẽ nên một trong những bức bích họa đẹp nhất trong lịch sử nhân loại có tên là “Học viện Athens.”
Theo nghệ sĩ và nhà sử học nghệ thuật, Giorgio Vasari, bức bích họa mô tả “các nhà thần học dung hòa triết học và chiêm tinh học với thần học…” và Raphael “khắc họa tất cả các nhà thông thái trên thế giới đang biểu đạt những lý lẽ khác nhau” (Vasari 312).
Bức bích họa mô tả hơn năm mươi nhân vật, nhưng chúng tôi sẽ tập trung vào hai nhân vật chính, Plato và Aristotle.
Danh họa Raphael mô tả triết gia Plato* và Aristotle* sánh vai nhau. Plato ở bên trái và được cho là mô phỏng theo gương mặt của nghệ thuật gia Leonardo da Vinci, một nghệ sĩ cùng thời với Raphael. Plato cầm cuốn sách “Timaeus”(Tạm dịch: Tôn vinh) và chỉ tay phải lên trời. Ông mặc trang phục màu đỏ và xám, có thể tượng trưng cho các nguyên tố vô hình như lửa và không khí.
Aristotle, người từng là học trò của Plato, ở bên phải Plato. Ông cầm cuốn sách “Đạo đức Nicomachean” bằng tay trái và hướng tay phải về phía trước, lòng bàn tay hướng xuống đất. Ông mặc trang phục màu xanh lam và xanh lục, có thể đại diện cho các yếu tố hữu hình của nước và đất.
Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với mỹ học, nhận thức của chúng ta về cái đẹp và cách chúng ta tương tác với thế giới?
Triết gia Plato gợi ý trong cuốn sách “Republic”(Tạm dịch: Cộng hòa) rằng thế giới mà chúng ta trải nghiệm bằng năm giác quan của mình chỉ là bóng ảnh của một thế giới chân thực hơn, thế giới của các hình thái. Plato đã mô tả thế giới chân thật hơn này trong “Timaeus” được tạo nên bởi một nghệ nhân thần thánh, Ngài đã đã sắp xếp và xây dựng cấu trúc vũ trụ một cách hoàn mỹ.
Nếu chúng ta nhìn lên trần của bố cục nơi Plato chỉ, chúng ta có thể nhận thấy các dạng hình học bay lượn trên tất cả những nhân vật ở phía dưới. Chúng ta có thể diễn giải rằng những dạng hình học này là đại diện cho trật tự và sự hài hòa của cấu trúc vũ trụ.
Điều thú vị là hình mẫu nghệ sĩ mà Raphael mô phỏng triết gia Plato, danh hoạ Leonardo đã vẽ hình khối của Platon vào năm 1509 cho cuốn sách “Tỉ lệ Thần thánh” của Luca Pacioli. Những mô hình toán học này được cho là trùng khớp với tỉ lệ vàng của sự sống.
Hai tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch của các vị thần Apollo và Athena được mô tả bên dưới các hình dạng hình học nhưng vẫn ở bên trên những hình người.
Apollo là vị thần của sắc đẹp, toán học và trật tự, được nhìn thấy ở bên trái. Ông được miêu tả cầm một nhạc cụ đàn dây bằng tay trái, thứ sẽ tạo ra một giai điệu tuyệt vời tùy thuộc vào độ dài — tức là số đo của dây đàn. Thang âm nhạc truyền thống Tây phương được sắp xếp một cách toán học.
Athena, nữ thần của chiến lược và trí tuệ, được nhìn thấy ở bên phải. Trên bệ của mình, nàng giữ thăng bằng aegis, một chiếc khiên có đầu quỷ Medusa. Bất cứ ai nhìn vào mắt của Medusa đều biến thành đá, trở nên vừa khô cứng vừa vô cảm; Triết lý của Plato đòi hỏi sự gạt đi cảm xúc để theo đuổi Chân lý tuyệt đối, lạnh như đá.
Do đó, Plato nói rằng vẻ đẹp đích thực được tìm thấy ở người nghệ nhân thần thánh. Vẻ đẹp đích thực được dẫn dắt bởi hình thái logic toán học của trí tuệ chúng ta khi không theo mang bất kì cảm xúc nào. Những nghệ sĩ chỉ sao chép tự nhiên là những kẻ nói dối vì họ không có khả năng truyền đạt những Chân lý tồn tại ngoài vẻ đơn thuần của bề ngoài.
Là những kẻ nói dối, những nghệ sĩ này có nguy cơ lôi kéo mọi người xa rời Chân lý thông qua các tác phẩm nghệ thuật của họ, và vì nguyên nhân này, các nghệ sĩ nên bị kiểm duyệt.
Phản ứng của Aristotle đối với Plato
Aristotle đưa tay ra về phía khung cảnh trước mặt chúng ta. Một số nhà tư tưởng vĩ đại nhất của lịch sử đang thảo luận, trao đổi và tranh luận về các ý tưởng và kinh nghiệm. Nhiều người được chia thành các nhóm nhỏ để làm việc hướng tới mục tiêu chung. Những người khác làm việc hoặc đang suy tư một mình.
Cũng giống những hình học đa diện ở phía trên tượng trưng cho các khía cạnh của triết học Plato, trong khi các hình ảnh nhân vật bên dưới đại diện cho đạo đức học của Aristotle. Đạo đức học của Aristotle tập trung vào việc xem xét các nguyên nhân và ảnh hưởng của bản chất để xác định những gì thực sự làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nói cách khác, chúng ta không cần phải nhìn ra bên ngoài bản chất để tìm ý nghĩa của Chân lý, vì có những chân lý ngay tại đây và ngay bây giờ mà chúng ta phải hiểu. Một trong những Chân lý này là về sự tương tác của chúng ta với môi trường xung quanh. Ví dụ, chúng ta có thể thường xuyên xác định đâu là hành vi đạo đức dựa trên việc liệu ảnh hưởng của hoạt động nói trên có đem đến cho chúng ta niềm vui tự nhiên hay không.
Khi chúng ta bắt chước trong quá trình học hỏi và kiến thức được hình thành từ trải nghiệm thú vị này. Chúng ta cũng cảm thấy vui sướng khi nhìn thấy một điều gì đó được bắt chước theo thành công. Khả năng tái tạo hình dáng con người của Raphael trong “Học viện Athens” mang lại cho chúng ta một cảm giác vui thích nào đó.
Vì vậy, trái ngược với Plato, Aristotle tin rằng sự bắt chước nên được chấp nhận vì nó có thể mang lại niềm hứng khởi bên trong chúng ta, và do đó nó phải phù hợp với đạo đức. Một trong những kinh nghiệm thú vị này có thể được làm nên thông qua các tác phẩm nghệ thuật, và Aristotle gọi điều đó là catharsis (Tạm dịch: Thanh tẩy)
Catharsis là cảm giác tràn ngập sự cảm thông và sợ hãi, tương tự như cảm giác khi chúng ta xem một bộ phim hay, trong đó chúng ta đồng thời lo sợ cho sự an toàn của nhân vật chính và đồng cảm với sự đau khổ của anh ta. Theo cách nào đó, phản ứng cảm xúc này — một dạng của lòng trắc ẩn — mang đến cho chúng ta một trải nghiệm thanh tẩy và nhờ vào đó mà chúng ta trở nên tốt hơn.
Vì vậy, nghệ thuật có thể cho chúng ta những bài học tình cảm về cách sống hòa thuận với đồng loại; có thể dẫn dắt chúng ta cách suy nghĩ, chia sẻ, tranh luận về các ý tưởng và kinh nghiệm của chúng ta trong hình hài con người một cách có đạo đức. Nói cách khác, nghệ thuật có khả năng liên kết cảm xúc chúng ta với những kinh nghiệm sống của nhau. Bức bích họa của Raphael minh chứng cho điều này: ông đã đặt các cá nhân từ nhiều khu vực và thời kỳ lịch sử khác nhau vào cùng một bức tranh, chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm của họ với nhau và với chúng ta, vào năm trăm năm ở tương lai này.
Bạn nghĩ sao về điều này? Có phải Plato cho rằng: nghệ thuật là nguy hiểm trong những gì mà nghệ thuật tượng trưng, và nghệ thuật nên bị kiểm duyệt chỉ để truyền đạt ý tưởng trí tuệ và không mang theo cảm xúc của nghệ nhân thần thánh không? Hay là Aristotle có lý khi khẳng định rằng nghệ thuật giáo dục cảm xúc của chúng ta và kết nối chúng ta với trải nghiệm của con người?
Hoặc cũng có thể là hai lý luận mỹ học này không hề mâu thuẫn với nhau nhiều như ban đầu chúng ta vẫn nghĩ?
Chú thích của dịch giả:
Platon (424/423 – 348/347 TCN) là nhà triết học người Athen trong thời kỳ Cổ điển ở Hy Lạp cổ đại, người sáng lập trường phái tư tưởng Platon, và Học viện, cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở thế giới Tây phương.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times