Sự vĩ đại của Michelangelo và Trang Tử
Hai nhân vật, một có thật trong lịch sử và một hư cấu, giúp chúng ta hiểu rằng các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại luôn cần có bàn tay gia trì từ các vị Thần.
Điều gì làm nên một con người thực sự vĩ đại? Làm thế nào một số người đạt được những điều vĩ đại? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xem “vĩ đại” có nghĩa là gì. Ở đây, chúng ta không xét đến những người nổi tiếng [nhất thời] hoặc các đóng góp của họ. Vì những điều này thường nhanh chóng bị lãng quên.
Thay vào đó, sự vĩ đại đề cập đến những cá nhân và đóng góp của họ vượt qua ranh giới thời gian và địa lý.
Bài viết này sẽ khám phá hai hình mẫu về sự vĩ đại. Thứ nhất là nghệ thuật gia thời Phục Hưng Ý Michelangelo; hai là người thợ mộc tên Khánh – một nhân vật trong tác phẩm “Trang Tử” (Nam Hoa Kinh) của Đạo Giáo Trung Hoa.
Michelangelo và chiếc búa của Chúa
Tương truyền rằng Michelangelo đã nói như sau:
“Mỗi khối đá đều ẩn chứa một bức tượng bên trong, và nhiệm vụ của điêu khắc gia là khám phá ra bức tượng đó. Tôi nhìn thấy thiên thần trong khối đá cẩm thạch, và đục đẽo cho đến khi tôi giải thoát ngài ấy.”
Không có bằng chứng nào cho thấy đúng là Michelangelo nói câu này. Tuy nhiên, một số bài thơ của ông ám chỉ ông đồng ý rằng: nhiệm vụ của điêu khắc gia là giải thoát vị thiên thần bị giam cầm trong khối đá cẩm thạch ấy:
“Để trở về nơi sinh ra họ,
thiên nhân đã giáng xuống nhà tù trần thế,
như một thiên thần đầy lòng trắc ẩn,
chữa lành tâm hồn và tôn vinh thế giới. …
Thượng đế, trong ân sủng của Ngài, chẳng triển hiện với tôi
ngoại trừ qua tấm màn phàm trần xinh đẹp;
và tôi chỉ yêu mến điều đó, vì nó phản chiếu hình bóng Ngài.”
Theo cách hiểu của tôi, Michelangelo đang ngụ ý rằng ông có thể nhìn thấy vị Thần trên trên trái đất bị giam cầm trong những điều trần tục. Tuy vậy, ngay cả trong sự giam hãm đó, vị Thần vẫn lan tỏa lòng từ bi và cao quý mang tính chữa lành trên trái đất, và Michelangelo tràn ngập trong tình yêu khi chứng kiến điều này. Ông đang đề cập đến một tình yêu thiêng liêng, một tình yêu theo trường phái Tân Plato.
Ông tiếp tục:
“Dẫu chiếc búa thô sơ của tôi tạo tác khối đá cứng
thành hình dạng con người nào đó,
nhưng những nhát đục đẽo là từ bậc thầy dẫn dắt,
dõi theo và kìm giữ nó, theo nhịp điệu của một người khác. …
Cho nên, ý chí riêng của tôi sẽ mãi dang dở
nếu thiếu sự trợ giúp từ vị Thần rèn đó,
sự trợ giúp độc nhất vô nhị trên thế gian.”
Michelangelo có ý nói rằng ông không đơn độc trong công việc điêu khắc: Chúa đang trợ sức cho ông. Michelangelo vung búa cao qua đầu để tạc nên những hình người tuyệt mỹ, nhưng những hình tượng này không thể tự hiển hiện nếu không có sự giúp đỡ của một nhát búa quyền năng hơn. Không có Thiên Chúa, vị Thần rèn, Michelangelo không thể chạm tới sự vĩ đại. Michelangelo ngầm ví mình là chiếc búa của Chúa.
Giải thoát thiên thần bị giam cầm
Chúng ta có thể nhìn thấy quá trình giải thoát thiên thần bị giam cầm của Michelangelo qua bốn tác phẩm điêu khắc còn dang dở cho lăng mộ Giáo hoàng Julius II. Các hình người trở nên sống động như đang vùng vẫy thoát khỏi xiềng xích của khối đá lạnh lẽo. Làn da được tạc mịn màng tương phản với phần đá cẩm thạch thô ráp chưa được gọt đẽo đi.
Sự tương phản càng trở nên rõ rệt hơn khi ta so sánh bức tượng điêu khắc dang dở với bức tượng đã hoàn thành của cùng một tác phẩm. Tượng điêu khắc Nhà tiên tri Moses trong lăng mộ Giáo hoàng Julius II được xem là một trong những kiệt tác đẹp nhất của Michelangelo. Người ta kể lại rằng, sau khi “giải thoát” hình tượng này nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, Michelangelo đã hỏi bức tượng: “Tại sao ngài không cất tiếng?”
Các tác phẩm của Michelangelo không chỉ đơn thuần là các bản mô phỏng, mà mang nét sống động như thật. Sự vĩ đại của ông nằm chính ở chỗ này. Thật trớ trêu khi Michelangelo hỏi về sự im lặng của bức tượng, bởi lẽ sau 500 năm, những tác phẩm này ngày nay vẫn đang “trò chuyện” với chúng ta. Tuy nhiên, theo chính Michelangelo thừa nhận, ông không phải là tác nhân của sự vĩ đại này: mà chính là Chúa. Do đó, khi chúng ta hỏi rằng: “Điều gì khiến một người thực sự vĩ đại trong một lĩnh vực nào đó? Làm sao một số người đạt được những điều vĩ đại?” Lời giải đáp cho những câu hỏi này chỉ có một: Chúa cất tiếng nói thông qua họ.
Thợ mộc Khánh giải thoát Thiên tính ra khỏi cây
Sự vĩ đại của Michelangelo và văn hóa Đông phương giống nhau ở phương diện nào? Trước thời cộng sản lên nắm quyền ở Trung Quốc, sự vĩ đại thường gắn liền với đức hạnh và lòng tín Thần. Chẳng hạn, Đạo Giáo có truyền thống tín Thần lâu đời ở Trung Hoa cổ đại. Cuốn “Zhuangzi” (Trang Tử) của Đạo Giáo cung cấp những hiểu biết sâu sắc về việc tuân theo Đạo, hay còn gọi là Đạo Trời.
Trong sách “Zhuangzi” (Trang Tử) có một câu chuyện về người thợ mộc tên Khánh. Khánh chuyên làm ra những giá đỡ chuông nghệ thuật. Tác phẩm của ông tinh xảo đến nỗi mọi người đều nghĩ rằng chúng được các vị Thần tiên tạo ra. Khi được hỏi làm thế nào ông sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ đến vậy, Khánh đáp:
“Tôi chỉ là một thợ thủ công — nào có am hiểu gì về nghệ thuật? Nhưng có một điều thế này. Khi tôi bắt tay vào làm giá đỡ chuông, tôi không bao giờ để bản thân hao tổn tâm khí. Tôi luôn chay tịnh để giữ tâm trí tĩnh lặng. … Kỹ năng của tôi được tập trung cao độ và mọi phiền nhiễu bên ngoài đều tan biến. Sau đó, tôi đi vào rừng núi và nghiên cứu Thiên tính của cây. Nếu tìm thấy một cây có hình dạng xuất sắc nhất, tôi có thể mường tượng ra chiếc giá đỡ chuông trong đó, rồi tôi mới bắt tay vào chạm khắc. Nếu không, tôi sẽ bỏ qua. Bằng cách này, tôi chỉ đơn giản là đang kết hợp ‘Thiên’ với ‘Thiên.” Có lẽ đó là lý do khiến mọi người đồ rằng những tác phẩm đó là do Thần linh tạo ra.”
Đoạn văn này hé lộ cho chúng ta một vài điều về sự vĩ đại. Thứ nhất, sự vĩ đại của thợ mộc Khánh không xuất phát từ bản thân ông. Bằng sự khiêm nhường, ông cho rằng mình không có tài nghệ gì. Theo tôi, việc “chay tịnh” của ông chính là quá trình tẩy tịnh tinh thần mà thông qua đó, ông loại bỏ mọi tạp niệm để Thiên tính có thể tự hiển lộ với mình. Trong sự trống rỗng của tâm trí — một kết quả của sự vô tư vô ngã — ông được lấp đầy bởi Thiên đạo. Trong trường hợp này, theo tôi, “Thiên” triển hiện qua hai nơi: thông qua Khánh và thông qua tự nhiên.
Khi Khánh nhận ra sự chuyển động của “Thiên” qua tâm hồn mình, ông sẽ phối hợp nó với phẩm chất “Thiên” mà ông nhìn thấy chuyển động qua tự nhiên. Về bản chất, ông chạm khắc để giải thoát giá đỡ chuông ra khỏi cây. Khánh chỉ có thể đánh giá một cái cây là xuất sắc nhất cho mục đích của mình sau khi ông làm trống rỗng tâm trí và được lấp đầy sự tĩnh lặng của “Thiên.” Làm sao ông có thể kết hợp “Thiên” với “Thiên” nếu tự bản thân ông không thể nhận ra đặc tính ấy?
Dĩ nhiên, thợ mộc Khánh và Michelangelo khác nhau, nhưng cũng như Michelangelo, Khánh cũng cho phép Thiên tính vận hành qua mình. Sự vĩ đại của Khánh không đến từ chính hành động của ông. Thay vào đó, sự vĩ đại của Khánh xuất phát từ sự vận hành của “Thiên” thông qua ông. Có lẽ, đây chính là giải đáp cho câu hỏi về sự vĩ đại: “Thiên tính” vận hành thông qua chúng ta.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times